Xét nghiệm Covid-19 thực hiện thế nào?
Năng lực xét nghiệm của 13 đơn vị đã được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm Covid-19 trên địa bàn TP HCM hiện nay là 8.000-9.000 mẫu/ngày
Những ngày gần đây, TP HCM đã triển khai khẩn cấp việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người rời TP Đà Nẵng từ ngày 1-7 đang sinh sống tại TP HCM.
Cần sự hợp tác của người dân
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), thực hiện chỉ đạo của UBND TP, các trung tâm y tế quận – huyện đã thực hiện khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm cho người dân rời TP Đà Nẵng về TP từ ngày 1-7. Sau khi triển khai các điểm khai báo y tế và lấy mẫu ở các quận – huyện, người dân đến rất đông, không theo lịch hẹn lấy mẫu của y tế địa phương. Nhiều phản ánh cho rằng không biết khi nào mới được xét nghiệm. Còn có trường hợp trong gia đình chỉ có 1 người đi TP Đà Nẵng nhưng cả gia đình kéo tới khai báo y tế để được xét nghiệm. Trái ngược với tình trạng trên là một số người dân lại không khai báo y tế.
Để khắc phục những bất cập này, HCDC đã họp trực tuyến khẩn với 24 trung tâm y tế quận – huyện. Theo đó, trạm y tế sẽ lập danh sách người dân về từ TP Đà Nẵng trên địa bàn phường – xã, thực hiện điều tra dịch tễ, khai báo y tế. Danh sách này sẽ chuyển về trung tâm y tế để lên kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm, lên lịch xét nghiệm rồi hẹn người dân địa điểm, thời gian lấy mẫu.
Ngành y tế TP kêu gọi những người rời TP Đà Nẵng từ ngày 1-7 tự giác thực hiện khai báo y tế, cách ly tại nhà. Điều này rất quan trọng vì sẽ giúp kiểm soát nguồn lây nếu có. Ngành y tế sẽ tập trung lấy mẫu tại các địa điểm được thông báo, không lấy mẫu tại nhà. Sau khi đã có lịch hẹn từ y tế địa phương, khi đi đến nơi lấy mẫu, người dân cần đeo khẩu trang và di chuyển bằng phương tiện cá nhân. Người dân không nên nghe theo những thông tin không chính xác, dẫn đến tập trung đông đúc về một địa điểm làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
“Đây là hoạt động giám sát nên xét nghiệm mang tính chất đánh giá tình hình dịch bệnh tại TP để có biện pháp xử lý dịch phù hợp. Do đó nếu những ai không rời TP Đà Nẵng từ ngày 1-7 thì không cần thực hiện xét nghiệm trong đợt giám sát này. Cần bình tĩnh, không quá hoang mang, làm theo đúng hướng dẫn của ngành y tế. Nếu chưa cách ly đủ 14 ngày thì dù có kết quả xét nghiệm âm tính, hãy tiếp tục cách ly đủ 14 ngày. Không nên chủ quan mà có thể dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh” – BS Đinh Thị Hải Yến, HCDC, lưu ý.
Nhân viên phòng chống dịch TP HCM đang làm công tác xét nghiệm (Ảnh: HCDC)
Nên hiểu đúng về xét nghiệm
Theo các chuyên gia, người đi từ vùng dịch về, kết quả xét nghiệm nhanh tìm kháng thể là âm tính nhưng vẫn có thể là người đang nhiễm bệnh, vẫn có khả năng lây nhiễm bệnh cho cộng đồng. Vì vậy, người dân cần hiểu đúng về giá trị của xét nghiệm để tránh gây hậu quả nghiêm trọng.
Hiện nay trên thế giới đang triển khai song song 2 phương pháp xét nghiệm xác định người dương tính với SARS-CoV-2 là xét nghiệm tìm gien virus (phương pháp PCR) và xét nghiệm kháng thể (thường sử dụng để xét nghiệm nhanh).
Video đang HOT
Phương pháp PCR có độ chính xác cao vì phát hiện trực tiếp gien của virus, nên tại thời điểm dương tính thì bệnh nhân chắc chắn đang có virus SARS-CoV-2 trong người. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi các khâu chuyên môn hóa cao, cần có chuyên gia thực hiện với nhiều máy móc phức tạp, thời gian cho kết quả lâu (vài giờ).
Trong khi đó, phương pháp xét nghiệm nhanh tìm kháng thể vận hành đơn giản, người làm xét nghiệm không cần phải được đào tạo chuyên biệt, không cần thiết bị đặc biệt kèm theo. Song phương pháp này có độ nhạy, độ đặc hiệu thấp hơn nhiều so với phương pháp PCR, nên dễ nhầm và bỏ sót.
Phối hợp cả 2 phương pháp xét nghiệm trên sẽ giúp kiểm soát dịch bệnh nhanh, giảm tải áp lực y tế và tập trung nguồn lực vào điều trị những ca thực sự nhiễm SARS-CoV-2.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, cho biết: “Test nhanh là để tìm kháng thể, vốn chỉ xuất hiện trong cơ thể ít nhất 3-7 ngày sau khi thực sự bị bệnh, nhiều trường hợp dù âm tính (chưa có kháng thể) vẫn đã có thể phát tán virus vài ngày rồi. Vì vậy âm tính khi xét nghiệm nhanh thì không được chủ quan”.
“Xét nghiệm PCR khi âm tính nghĩa là không có bệnh hoặc mới bệnh nhưng chưa thể lây vì virus này cần có thời gian để nhân lên trong cơ thể thì mới bắt đầu đủ để lây, còn ngay khi lây được là đã cho kết quả dương tính. Vì lý do đó, người âm tính lần 1 sau xét nghiệm PCR mà chưa đủ 14 ngày kể từ khi có yếu tố dịch tễ thì vẫn phải tiếp tục cách ly đủ, xét nghiệm lại sau đó. Tuy nhiên khi âm tính lần 1, chúng ta có thể an tâm dù sau đó có dương tính thì từ lần lấy mẫu đó trở về trước bệnh nhân sẽ chưa kịp lây cho ai cả. Xét nghiệm PCR còn xác định tải lượng virus, giúp đánh giá nguy cơ lây lan bệnh của người đó và nhiều ích lợi khác trong việc điều trị” – BS Khanh giải thích.
Theo Sở Y tế TP HCM, hiện có 13 đơn vị được Bộ Y tế công nhận đủ khả năng xét nghiệm Covid-19: Viện Pasteur TP HCM, HCDC, BV Chợ Rẫy, BV Thống Nhất, BV Bệnh nhiệt đới TP HCM, BV Nhi Đồng 1, BV Nhi Đồng Thành phố, Trường ĐH Y Dược TP HCM, BV FV, BV Quân y 175, BV Quân y 7A, Chi cục Thú y vùng 6, Chi cục Thú y vùng 7.
Hơn 35.700 người về từ Đà Nẵng đã khai báo y tế
Việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người rời TP Đà Nẵng từ ngày 1-7 đang sinh sống tại TP HCM sẽ ưu tiên cho người có nguy cơ cao: Tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19; đã đến 3 BV là BV C Đà Nẵng, BV Đà Nẵng, BV Chấn thương chỉnh hình; từng đến nơi được Bộ Y tế công bố (ngoài 3 BV trên và không tiếp xúc gần với bệnh nhân). Đến ngày 3-8, tại TP HCM đã có hơn 35.700 người về từ TP Đà Nẵng đã khai báo y tế.
Giới khoa học đang phát triển phương pháp xét nghiệm Covid-19 tốt hơn
Xét nghiệm huyết thanh học sẽ giúp xác định các nhân viên y tế có thể làm việc an toàn, không cần thiết bị bảo vệ hay chịu cách ly xã hội.
Để xét nghiệm người nghi nhiễm virus corona, chuyên viên y tế sẽ lấy bệnh phẩm từ mũi hoặc họng dưới của bệnh nhân gửi đến kỹ thuật viên phòng thí nghiệm. Máu bị nhiễm bệnh sẽ xuất hiện chuỗi RNA đặc trưng của virus. Theo Quartz, ước tính có khoảng 368.000 xét nghiệm như trên được thực hiện trên khắp nước Mỹ.
Ý nghĩa trong hiểu biết kháng thể miễn dịch
Nhưng nếu bạn đã bị bệnh một vài tuần trước rồi khỏi hẳn, muốn kiểm tra xem mình còn mắc Covid-19 hay không, xét nghiệm RNA phân tử sẽ không có tác dụng. Thay vào đó, bạn phải thực hiện xét nghiệm huyết thanh học, tìm dấu hiệu miễn dịch virus trong huyết thanh.
Tuy vậy, các xét nghiệm huyết thanh học hiện nay vẫn chưa được phổ biến rộng rãi, dù so với xét nghiệm phân tử thì quá trình thực hiện đơn giản hơn và không phải tốn quá nhiều kỹ thuật.
Những phòng thí nghiệm hay công ty tư nhân chủ yếu ở Trung Quốc đang trong giai đoạn phát triển công nghệ xét nghiệm huyết thanh, một trong số đó là sửa đổi từ chính các xét nghiệm dùng cho đợt SARS 2004.
Xét nghiệm huyết thanh học hiện nay vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Ảnh: CNBC.
Các nhà miễn dịch học đang tích cực chạy đua đánh giá tính hiệu quả của xét nghiệm huyết thanh học, phát triển phương án thay thế hợp lý và quyết định cách sử dụng tốt nhất trong hoàn cảnh hiện tại.
"Phát triển và phổ biến xét nghiệm huyết thanh là ưu tiên hàng đầu của quốc gia", nhà khoa học xã hội và bác sĩ ở ĐH Yale Nicholas Christakis cho biết.
Nếu thành công, dự án triển khai xét nghiệm huyết thanh học sẽ giúp xác định các nhân viên y tế, những nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe miễn dịch có thể làm việc an toàn, không cần thiết bị bảo vệ hay chịu cách ly xã hội.
Ngoài ra, xét nghiệm những người đã hồi phục định kỳ giúp các nhà khoa học biết được kháng thể miễn dịch sẽ kéo dài trong bao lâu. Hiện tại, kháng thể Covid-19 được dự đoán sẽ miễn dịch ít nhất 40 ngày, thực tế rất có thể là một năm hay thậm chí hơn.
Xét nghiệm những người đã hồi phục định kỳ sẽ giúp các nhà khoa học biết được kháng thể miễn dịch kéo dài trong bao lâu. Ảnh: Quartz.
Huyết tương chứa kháng thể của bệnh nhân đã hồi phục khỏi Covid-19 cũng rất quan trọng trong quá trình điều chế thuốc và vaccine trị bệnh. Hơn 100 nhà nghiên cứu từ tổ chức phi lợi nhuận Mayo Clinic và những nơi khác đang phát triển phương pháp điều trị dựa trên huyết tương dành cho những bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch nhất.
Nhược điểm của xét nghiệm huyết thanh
Tuy vậy, xét nghiệm huyết thanh cũng có nhược điểm. Kỹ thuật xét nghiệm huyết thanh học phổ biến nhất hiện nay là ELISA, thực hiện bằng cách phơi mẫu máu với các protein mô phỏng vỏ gai nhọn của virus corona.
Nếu các kháng thể trong mẫu thử tấn công protein, mẫu sẽ bắt đầu đổi màu. Nhưng mỗi loại virus corona đều có vỏ gai giống nhau nên trong trường hợp người thử máu không mắc Covid-19, kết quả trả về vẫn là dương tính.
Ngoài ra, xét nghiệm huyết thanh mất thời gian khá lâu để ra được kết quả. Thông qua kiểm tra phản ứng của 2 kháng thể chính immunoglobulin G và M với SARS-CoV-2, nhà nghiên cứu về xét nghiệm huyết thanh tại Mayo Clinic Elitza Theel cho biết phải mất ít nhất là 8 ngày để phản ứng kháng thể trên cơ thể xuất hiện. Hơn nữa, các xét nghiệm thực hiện trước đây vẫn có thể quay trở lại âm tính, dù người bệnh đang thực sự nhiễm virus.
Vì vậy những xét nghiệm huyết thanh chỉ được thực hiện để nghiên cứu trong bệnh viện và phòng thí nghiệm, không sử dụng tại nhà. Theel cho biết thêm là họ vẫn sử dụng xét nghiệm phân tử dành cho bệnh nhân trở nặng và phải hết sức cẩn trọng khi sử dụng xét nghiệm huyết thanh.
Một con đường tại Vũ Hán, Trung Quốc hôm 27/2. Ảnh: Getty.
Tuần trước, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cũng đưa ra khuyến cáo tương tự về việc sử dụng xét nghiệm huyết thanh. Cơ quan vẫn cho phép các nhà sản xuất phát triển và phân phối xét nghiệm huyết thanh, cũng như cho phép những phòng thí nghiệm sử dụng chúng để nghiên cứu.
Tuy nhiên, không nên dùng kết quả xét nghiệm làm cơ sở duy nhất để chẩn đoán hoặc loại trừ khả năng nhiễm SARS-CoV-2. Xét nghiệm chẩn đoán tại nhà vẫn phải chịu sự giám sát chặt chẽ theo quy định.
Theo Gary Miller, phó Trưởng khoa Chiến lược Nghiên cứu tại trường Y tế Cộng đồng Columbia cho biết kỹ thuật xét nghiệm huyết thanh và phương pháp điều trị nó mang lại không quá mới lạ hay phức tạp.
Giới khoa học đã có kinh nghiệm trong quá trình sử dụng chúng để chống lại đợt bùng nổ dịch sởi từ năm 1934. Nhưng do sự thiếu hụt huyết thanh, hạn chế trong công tác nghiên cứu vì cách ly xã hội và sự lây lan quá nhanh của Covid-19 đã khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn.
Miller nói thêm rằng các phòng nghiên cứu đang cực kỳ áp lực trước sức ép thời cuộc. "Chúng tôi đã thực hiện những công việc tương tự trong rất nhiều năm, nhưng quy mô và sự cấp bách của công cuộc đẩy lùi dịch bệnh đang khiến nhiều bên dần phải bỏ cuộc", ông nói.
Đại Việt
Quảng Ninh là đơn vị tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước có thể xét nghiệm Covid-19 Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh Ninh Văn Chủ, Quảng Ninh là đơn vị tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước có thể xét nghiệm Covid-19. Mẫu bệnh phẩm âm tính (không nhiễm Covid-19) sẽ được trả lời ngay, nếu mẫu bệnh phẩm có nghi ngờ nhiễm Covid-19 sẽ được gửi lên Viện Vệ sinh dịch tễ...