Xếp hạng đại học: Con đường hiệu quả nhất để thế giới biết mình
Mặc dù đã được cụ thể hóa trong Nghị định số 73/2015/NĐ-CP của Chính phủ nhưng đến nay vấn đề xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH vẫn chưa diễn ra mạnh mẽ. Xung quanh vấn đề này, Báo Giáo dục & Thời đại có cuộc trò chuyện với TS Lê Văn Út – Trưởng phòng Quản lý Phát triển Khoa học công nghệ, ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU).
TS Lê Văn Út. Ảnh: NVCC
Con đường dẫn đến bảng xếp hạng
- Vừa qua, TDTU gây sự chú ý khi lọt vào top 200 ĐH có chất lượng GD tốt nhất theo bảng xếp hạng ĐH thế giới (THE). Ông có thể chia sẻ thêm về bảng xếp hạng này?
- Đối với phụ huynh và SV, chất lượng giáo dục của một ĐH có thể nói là yếu tố quan trọng nhất trong việc lựa chọn một ngôi trường để theo học. Việc tốt nghiệp từ các ĐH có chất lượng giáo dục tốt mang lại cơ hội rất lớn cho các tân cử nhân/kỹ sư trong nghề nghiệp hoặc việc học lên tiếp thạc sĩ/tiến sĩ. Do đó, việc TDTU được THE xếp vào nhóm 200 ĐH có chất lượng tốt nhất thế giới không chỉ là niềm tự hào cho cả tập thể TDTU, cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mà còn là của cả Việt Nam của chúng ta. Trong các tiêu chí đánh giá về chất lượng giáo dục, THE tập trung vào đẳng cấp NCKH, tỷ trọng SV tốt nghiệp có năng lực giảng dạy, nền tảng đáp ứng việc học tập suốt đời, tỷ trọng SV thuộc thế hệ thứ nhất (trong các gia đình).
- Từ 2019 đến 2020, TDTU liên tiếp lọt vào một số bảng xếp hạng ĐH liên quan đến phát triển bền vững, NCKH… Vậy con đường để đẫn đến các bảng xếp hạng này là như thế nào thưa ông?
- Việc TDTU được lọt vào các bảng xếp hạng trong thời gian gần đây chắc chắn không có “con đường” nào dễ dàng, mà đó chính là kết quả của quá trình xây dựng và phát triển tổng thể đối với nhiều khía cạnh, đặc biệt là giai đoạn trong 10 năm cuối. Trước đó, lãnh đạo TDTU đã đặt ra mục tiêu phát triển trong 30 năm phải vào top 500 các ĐH tốt nhất thế giới. Từ đó, TDTU chi tiết hóa mục tiêu này bằng các kế hoạch phát triển 5 năm. Bằng việc sớm áp dụng những thông lệ quốc tế trong phát triển ĐH một cách phù hợp trong bối cảnh Việt Nam, đặc biệt là cơ chế tự chủ ĐH đã tạo điều kiện để TDTU có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua.
- Một vấn đề dễ nhận thấy là TDTU có thế mạnh về các bài báo NCKH đăng trên các tạp chí ISI. Ông có thể chia sẻ sự hỗ trợ của nhà trường hay có cơ chế chính sách như thế nào để thúc đẩy hoạt động này?
Video đang HOT
- Nghiên cứu khoa học chỉ là một trong các thế mạnh của TDTU, bởi nhà trường xác định là phải phát triển tổng thể về cơ sở vật chất, chính sách, nhân sự, giáo dục… Đối với NCKH, TDTU sớm áp dụng các tiêu chuẩn đánh giá nhiệm vụ nghiên cứu tiệm cận với tiêu chuẩn tại các ĐH tốt nhất của thế giới. Cụ thể, sản phẩm nghiên cứu của giảng viên của TDTU được phân ra hai nhóm. Đối với nhóm nghiên cứu ứng dụng (chỉ xem xét đối với những chuyên ngành đặc thù khó công bố ISI/Scopus), sản phẩm phải là các đề tài nghiên cứu ứng dựng giải quyết vấn đề trong thực tiễn và được chuyển giao phục vụ cuộc sống. Đối với nhóm nghiên cứu cơ bản, sản phẩm phải là những công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus uy tín.
Ngoài ra, TDTU còn xây dựng một chính sách thu nhập cho giảng viên theo hướng khuyến khích nghiên cứu. Qua đó để giảng viên thấy được việc NCKH không chỉ là nhiệm vụ mà còn là xây dựng thương hiệu và quyền lợi cụ thể; sản lượng và chất lượng nghiên cứu càng tốt thì lương càng cao.
Chưa mặn mà với các bảng xếp hạng?
Ảnh chụp màn hình vị trí của TDTU trong Bảng xếp hạng THE Impact Rankings.
- Rất ít các ĐH khác của Việt Nam xuất hiện trong các bảng xếp hạng này, có vẻ như các ĐH Việt Nam chưa mặn mà với các bảng xếp hạng thế giới hay còn có những yếu tố nào khác, thưa ông?
- Việc các trường ĐH có mặn mà với các bảng xếp hạng ĐH thế giới hay không thì chắc chính các trường ĐH ấy sẽ có câu trả lời chính xác và trung thực nhất. Trong thực tế, các ĐH ở Âu – Mỹ thường dành một góc trên trang web của họ để tổng hợp thông tin xếp hạng ĐH và những thông tin được cập nhật mỗi khi xếp hạng của họ thay đổi. Các ĐH luôn thống kê càng nhiều kết quả xếp hạng ĐH từ các bảng xếp hạng uy tín càng tốt. Thậm chí, một hiệu trưởng ĐH ở Úc đã mất chức vì ĐH của vị này bị rớt hạng. Ở Phần Lan, chính phủ từng phải sáp nhập một số trường để thành lập một ĐH đa học ngành và chỉ sau 10 năm thì đơn vị này đã vào top 300 ĐH tốt nhất thế giới.
Đối với những bảng xếp hạng khách quan nhất của thế giới như ARWU, URAP, Scimago, khái niệm “không mặn mà” không tồn tại vì những bảng này tự xây dựng dữ liệu chứ không phụ thuộc vào dữ liệu mà các ĐH cung cấp. Như vậy, một ĐH được họ xếp hạng thì do ĐH đó xứng đáng chứ không nhất thiết ĐH này có “mặn mà” hay không. Thực tế cho thấy, các nước luôn vui mừng và tự hào khi có nhiều ĐH xuất hiện trong các bảng xếp hạng thế giới. Và ngược lại, một ĐH chưa mạnh thì không thể/không bao giờ có cơ hội được các bảng xếp hạng uy tín cân nhắc.
Tóm lại, các trường ĐH có quyền mặn mà hay không đối với các bảng xếp hạng ĐH thế giới. Tuy nhiên, nếu một ĐH muốn chính họ và sản phẩm mà họ đào tạo ra được nhận biết chẳng những trong nước, mà còn trong khu vực và cả toàn cầu thì một trong những con đường hiệu quả/khoa học nhất là đứng vào các bảng xếp hạng ĐH uy tín.
“TDTU được THE xếp vào top 200 ĐH có chất lượng giáo dục tốt nhất thế giới trong bảng xếp hạng các ĐH có ảnh hưởng nhất toàn cầu năm 2020 (THEImpact Rankings). Thành tựu trong lĩnh vực chất lượng giáo dục tốt gồm những kết quả đạt được về: Các chỉ số NCKH và công bố quốc tế; người học được đào tạo về nghiệp vụ giảng dạy; hỗ trợ học liệu và tổ chức hoạt động học thuật cho cộng đồng; các hoạt động giáo dục cho cộng đồng; các chính sách hỗ trợ người học có thể học tập suốt đời…”. – TS Lê Văn Út
Xếp hạng ĐH Việt Nam với những cải tiến tích cực
Theo Báo cáo "Tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020" do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV", chất lượng GD&ĐT và dạy nghề được nâng lên; xếp hạng ĐH tăng 12 bậc, từ hạng 80 lên 68.
Năm nay, giáo dục ĐH có những bước tiến rất mạnh mẽ về thứ bậc trong các bảng xếp hạng được quốc tế đánh giá.
Những lần đầu tiên có tên trong danh sách xếp hạng
Lần đầu tiên Việt Nam có 4 ĐH có tên trong bảng xếp hạng ĐH của The World University Rankings 2020, gồm: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM và trường ĐH Tôn Đức Thắng. Theo Tổ chức Giáo dục Quacquarelli Symonds (Vương quốc Anh).
Cũng là lần đầu tiên 3 cơ sở ĐH Việt Nam là ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP HCM và trường ĐH Bách khoa Hà Nội lọt vào bảng xếp hạng ĐH tốt nhất toàn cầu của tuần san Times Higher Education, Anh quốc. ĐH Quốc gia Hà Nội và trường ĐH Bách khoa Hà Nội được xếp trong nhóm 801-1.000 ĐH tốt nhất, còn ĐH Quốc gia TP HCM trong nhóm 1.000 . Trong đó ĐH Quốc gia Hà Nội có các chỉ số về giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế đứng đầu trong 3 cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam có mặt trong bảng xếp hạng, ĐH Quốc gia TP HCM đứng đầu về chỉ số thu nhập từ DN còn trường ĐH Bách khoa Hà Nội có chỉ số về trích dẫn khoa học cao nhất.
Năm thứ 2 liên tiếp, ĐH Quốc gia TP HCM xuất hiện trong Bảng xếp hạng các ĐH có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tốt nhất thế giới do QS (QSGraduate Employability Rankings 2020) thực hiện. ĐH này là đại diện duy nhất của Việt Nam xuất hiện trên bảng xếp hạng. Bảng xếp hạng QS GER năm nay được thực hiện trên cơ sở dữ liệu của 2.100 ĐH đến từ 132 vùng, lãnh thổ. Theo đó, 750 trường được xem xét, 680 trường được xếp hạng (Ranked) và 501 trường được vinh danh (Top 500) với 36 trường lần đầu tiên xuất hiện trong bảng xếp hạng này.
Tạp chí của Hoa Kỳ U.S. News & World Report cũng vừa công bố kết quả Bảng xếp hạng các cơ sở đào tạo ĐH tốt nhất toàn cầu - Best Global Universities. Lần đầu tiên, Việt Nam có hai trường ĐH lọt bảng xếp hạng này, vị trí cao nhất là ĐH Quốc gia Hà Nội. Theo đó, ĐH Quốc gia Hà Nội có thứ hạng 1059, số 1 Việt Nam, tiếp theo là ĐH Quốc gia TP HCM có thứ hạng 1176.
Những đánh giá xếp hạng của các bảng xếp hạng quốc tế đều có tiêu chí riêng với các trọng số chia tỷ lệ khác nhau. Những lần đầu tiên có mặt trong bảng xếp hạng quốc tế của ĐH Việt Nam có ý nghĩa rất lớn đối với giáo dục trong nước: Khẳng định sự đi lên của chất lượng giáo dục ĐH, khẳng định sự tự chủ, tính chủ động của các ĐH khi mạnh dạn tham gia đánh giá ngoài. Quan trọng hơn, sự tăng lên về thứ hạng chính là sự chuyển mình của nhiều vấn đề khác liên quan đến giáo dục.
Xếp hạng ĐH Việt Nam tăng, là sự nỗ lực vượt bậc của các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam và phản ánh của sự phát triển KT-XH của đất nước. Ảnh: P.T
Cải thiện xếp hạng, không phải là thành tích riêng của từng trường ĐH
Một trong những lý do quan trọng giúp các ĐH việt Nam được xếp hạng nhiều hơn, có nhiều thông số đánh giá hơn chính là sự gia tăng của các công bố quốc tế. Công bố mới đây nhất của tổ chức Nature Index xướng danh top 10 các trường ĐH, viện nghiên cứu của Việt Nam dẫn đầu về số lượng các công bố quốc tế trong thời gian từ 1-8-2018 đến 31-7-2019.
Các cơ sở giáo dục ĐH và các viện nghiên cứu của Việt Nam có tên trong top 10 của Bảng xếp hạng này bao gồm: Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam; trường ĐH Phenikaa; trường ĐH Duy Tân; trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia TP HCM, Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành, trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Quốc gia Hà Nội; Trung tâm nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford (tại Việt Nam); Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (thuộc ĐH Quốc gia TP HCM).
5 năm về trước, năm 2013, tổng công bố quốc tế của cả Việt Nam hết sức khiêm tốn, chỉ ở mức 2.309 bài. Tuy nhiên, theo thống kê mới đây nhất của nhóm nghiên cứu độc lập (trường ĐH Duy Tân), tính từ 2017 đến thời điểm công bố vào tháng 6-2018, chỉ riêng công bố quốc tế của 30 trường ĐH (hàng đầu) Việt Nam đã đạt 10.515 bài. Con số này hơn cả giai đoạn 5 năm trước đó (2011-2015), khi toàn Việt Nam mới có 10.034 bài. Nếu chỉ tính riêng các công bố quốc tế thuộc Scopus của Việt Nam, trong vòng 10 năm trở lại đây (2009-2018) đã tăng gần 5 lần. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng: Chúng ta phải đánh giá thật công bằng với những thành tựu mà giáo dục ĐH Việt Nam đã đạt được trong những năm qua. Đặc biệt từ khi có Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam. Thể hiện lớn nhất ở 3 điểm nổi bật là: Hội nhập quốc tế, chất lượng đào tạo (đào tạo gắn với nghiên cứu, với thị trường và công bố quốc tế) và chuyển dịch mạnh mẽ, thành công cơ cấu ngành nghề, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhân lực của xã hội và ngày càng phù hợp với xu thế của thời đại.
Sự đổi mới mạnh mẽ của giáo dục ĐH Việt Nam góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đó là căn bản của việc gia tăng thứ hạng trong các bảng xếp hạng. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam đã định hướng theo các tiêu chí chuẩn mực của khu vực và thế giới. Qua tự đánh giá, đánh giá ngoài, nhà trường đã thấy được điểm mạnh, điểm yếu và đã xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng sát thực và hiệu quả hơn.
Thành tích có được, trước tiên là sự nỗ lực vượt bậc của các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam, nhưng rộng hơn còn là chất lượng giáo dục và phản ánh của sự phát triển KT-XH của đất nước.
Phan Thủy
Theo phapluatxahoi
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM hủy thi riêng, mở 8 đợt xét học bạ Trường ĐH Công nghệ TP.HCM chính thức quyết định dành đến 65% chỉ tiêu cho xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 và sẽ không tổ chức thi riêng như kế hoạch trước đó. Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển học bạ tại trường ĐH Công nghệ TP.HCM (ảnh: NTCC) Trưa 14-5, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đã chính...