Xây dựng xã hội học tập ở địa bàn biên giới, hải đảo: Đẩy mạnh truyền thông để người dân thông hiểu xã hội học tập
Từ cuối năm 2011, Bộ GD&ĐT và Bộ Tư lệnh BĐBP đã triển khai chương trình phối hợp về “Đẩy mạnh công tác chống mù chữ, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và phát triển trung tâm học tập cộng đồng khu vực biên giới, hải đảo”.
Thầy giáo quân hàm xanh tại lớp xóa mù
Công tác phối hợp giữa hai ngành đã đi vào chiều sâu, triển khai nhiều nội dung, biện pháp hoạt động phối hợp phong phú… mang tới những kết quả đáng ghi nhận.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ GD&ĐT đã trao đổi xung quanh vấn đề trên.
Phóng viên: Ông có thể đánh giá khái quát về hiệu quả của chương trình phối hợp giữa Bộ GD&ĐT với BĐBP đã triển khai từ giữa năm 2012 – 2017?
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên
- Ông Nguyễn Hồng Sơn: Chương trình phối hợp giữa Bộ GD&ĐT với BĐBP được triển khai từ giữa năm 2012 tới năm 2017 đã thực hiện khá tốt. Các cơ quan, đơn vị thuộc ngành GD&ĐT và các đơn vị BĐBP đã phối hợp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành và đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân về ý nghĩa thiết thực của việc nâng cao trình độ dân trí, trước hết là xóa mù, phổ cập giáo dục…
Hàng năm, phòng GD các huyện, thành phố phối hợp với các đồn Biên phòng điều tra, thống kê, tổng hợp các số liệu các cấp học. Trên cơ sở đó tham mưu cho địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai nhiệm vụ công tác xóa mù chữ, phổ cập GDTH; làm tốt công tác vận động các bậc phụ huynh đưa con em đi học đúng độ tuổi và cam kết không bỏ học. Vận động người lớn mù chữ tham gia học lớp xóa mù chữ và học tập các lớp chuyên đề tại các TTHTCĐ…
Hai bên đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ sư phạm cho hơn 300 cán bộ, chiến sĩ BĐBP tham gia XMC. Phối hợp triển khai xây dựng điểm 3 trung tâm học tập cộng đồng tại tỉnh Lạng Sơn, Hà Tĩnh và Tây Ninh… Có thể khẳng định, công tác XMC và PCGDTH ở vùng biên đã đạt kết quả bền vững hơn, dân trí của người dân vùng miền núi, biên giới được nâng lên, qua đó hạn chế việc người dân vi phạm pháp luật, quy chế quản lý biên giới. Người dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Thành quả từ công tác xóa mù rất đáng ghi nhận, tuy nhiên theo ông, chúng ta cần có giải pháp nào để tình trạng tái mù không tái diễn?
Video đang HOT
- Công tác XMC được chia ra một số giai đoạn và hiện giờ là 2 giai đoạn. Thứ nhất là dạy cho người học biết đọc, biết viết, làm phép tính cộng trừ, nhân chia đơn giản. Giai đoạn 2 là bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kiến thức văn hóa của người được XMC lên tới trình độ lớp 5 để có cơ hội tiếp tục đi học lên cao hơn. Nếu dạy XMC xong mà không tiếp tục bồi dưỡng nữa thì họ sẽ không học, không cố gắng nữa rất có thể sẽ lại tái mù.
Chúng tôi không kỳ vọng người trên 25 tuổi sau khi học chương trình XMC xong sẽ tiếp tục đi học lên cao. Tuy nhiên, để họ không bị tái mù chữ, chúng tôi khuyến khích họ tham gia sinh hoạt ở trung tâm học tập cộng đồng với các hoạt động giáo dục như phổ biến giáo dục pháp luật, chăm sóc sức khỏe, cách làm kinh tế… làm cho họ không rơi vào nguy cơ tái mù chữ nữa.
Những kinh nghiệm nào đã được rút ra sau quá trình phối hợp giữa hai ngành thưa ông?
-Trước hết, cần có nhận thức đúng đắn và trách nhiệm cao đối với đồng bào các dân tộc ở biên giới, hải đảo. Xác định nhiệm vụ phát triển sự nghiệp GD&ĐT nói chung, công tác xóa mù chữ, phổ cập GDTH ở địa bàn vùng cao biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một công việc khó khăn, phức tạp lâu dài, là trách nhiệm của các cấp, các ngành… Phải có cơ chế, biện pháp phù hợp để huy động sự hỗ trợ đóng góp của các ngành, đoàn thể và sự tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh việc thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền vận động để đồng bào thấy rõ lợi ích của việc nâng cao dân trí, tích cực tham gia học tập, xóa mù chữ… thì hình thức tổ chức các lớp học xóa mù chữ, các loại hình giáo dục phải linh hoạt, đa dạng.
Cần gắn nhiệm vụ giáo dục tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần mang lại lợi ích thiết thực cho người học như gắn việc dạy chữ với tuyên truyền, vận động thực hiện các chương trình định canh, định cư, xóa đói giảm nghèo…
Đặc biệt, cần thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ cán bọ, giáo viên và cán bộ, chiến sỹ BĐBP tham gia xóa mù chữ, phổ cập GDTH và tham gia Ban quản lý TTHTCĐ. Cần coi trọng việc sơ tổng kết rút kinh nghiệm nhân rộng cách làm hay, mô hình sáng tạo; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình phối hợp.
Trong chương trình phối hợp “Đẩy mạnh công tác xây dựng xã hội học tập ở địa bàn biên giới, hải đảo giai đoạn 2018 – 2025″ của Bộ GD&ĐT và BTL BĐBP mục tiêu hướng tới ra sao thưa ông?
Để phát huy kết quả đã đạt được và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, chương trình phối hợp đăt mục tiêu: Huy động sức mạnh tổng hợp của chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể địa phương và toàn thể nhân dân để xây dựng XHHT ở địa bàn biên giới, hải đảo.
Huy động trẻ em đến trường, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học; nâng cao tỷ lệ và chất lượng xóa mù chữ cho người lớn, nhất là người dân tộc thiểu số và phụ nữ.
Phát triển bền vững và nhân rộng mô hình TTHTCĐ hoạt động hiệu quả tại các xã, phường thị trấn ở địa bàn biên giới, hải đảo đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của cộng đồng dân cư…
Trong chương trình phối hợp lần này công tác XMC, PCGDTH vẫn là nhiệm vụ trọng tâm và ổn định an ninh xã hội thông qua mô hình XHHT. Người dân được trang bị các kỹ năng cơ bản nhất để giúp họ trong cuộc sống hàng ngày và tăng cường khả năng sử dụng ngoại ngữ nhất là ở các khu du lịch…
Để đạt được mục tiêu xây dựng xã hội học tập ở khu vực biên giới, hải đảo chúng ta sẽ triển khai các giải pháp nào thưa ông?
- Chúng tôi đã dự kiến một số biện pháp thực hiện, trong đó xác định quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh truyền thông để người dân thông hiểu thế nào là xã hội học tập. Bên cạnh đó, tiếng Việt cần được tăng cường hơn. Điều đó có nghĩa là sẽ phải tiếp tục mở các khóa học tiếng Việt cho trẻ em và đồng bào dân tộc thiểu số. Có như vậy, trẻ em đến lớp mới nghe và hiểu cô giáo nói gì, mới có hứng thú với việc học và không bỏ học.
Cùng đó, một số trung tâm học tập cộng đồng đã hoạt động hiệu quả, sẽ rút kinh nghiệm và chỉ ra những định hướng để hoạt động tốt hơn và nhân rộng ra. Chúng tôi không hy vọng phủ kín được ngay nhưng ít nhất sẽ mở rộng các TTHTCĐ ở 3 địa bàn trọng điểm Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Công tác tập huấn cũng phải tăng cường bởi nếu không có phương pháp sư phạm không thể đứng lớp được dù là dạy XMC…
Xin cảm ơn ông!
Từ khi thực hiện Chương trình phối hợp đến nay, các đơn vị BĐBP đã trực tiếp mở gần 300 lớp xóa mù chữ cho gần 10.000 học viên, 196 lớp PCGDTH cho hơn 3.000 học sinh, 45 lớp học tình thương cho 934 học sinh; vận động 48.054 học sinh bỏ học trở lại trường, 66.078 học sinh trong độ tuổi đến lớp. Hàng năm có trên 95% cán bộ quản lý, giáo viên, báo cáo viên của TTHTCĐ địa bàn biên giới được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ. Chiến sỹ BĐBP giúp đỡ 32.390 ngày công tu sửa các phòng, lớp học, tặng 615 bộ bàn ghế, xây sửa 524 phòng học, tặng các cháu học sinh nghèo 14.312.
Đức Hạnh (thực hiện)
Theo giaoducthoidai.vn
Sóc Trăng: Người dân hài lòng nhất với dịch vụ giáo dục tiểu học
Sở GD&ĐT Sóc Trăng công bố trên trang thông tin điện tử kết quả đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng năm 2017.
Công bố kết quả đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng năm 2017
Kết quả điều tra cho thấy trong lĩnh vực tiếp cận dịch vụ, người dân hài lòng nhất là tiếp cận dịch vụ của giáo dục tiểu học (HLI = 0,98); tiếp theo lần lượt là giáo dục mầm non (HLI = 0,97), giáo dục THCS (HLI = 0,96), giáo dục thường xuyên (HLI = 0,94), giáo dục đại học (HLI = 0,93) và giáo dục THPT (HLI = 0,9).
Như vậy, các chỉ số hài lòng trong lĩnh vực tiếp cận dịch vụ ở các cấp, bậc học đều đạt khá cao (từ 0,9 trở lên). Chỉ số hài lòng của người dân nói chung cũng đạt đến 0,96. Kết quả này phần nào cho thấy giáo dục của tỉnh nhà đã làm tốt việc giúp người dân tiếp cận thuận lợi các dịch vụ giáo dục.
Về cơ sở vật chất, đạt được sự hài lòng cao nhất của người dân tiếp tục là cơ sở vật chất của giáo dục tiểu học (HLI = 0,97). Kế đến là giáo dục THCS (HLI = 0,95), giáo dục mầm non (HLI = 0,88).
Giáo dục THPT, giáo dục thường xuyên và đại học có HLI đạt thấp hơn khá nhiều so với các cấp, bậc học khác (0,55 % - 0,79%). Mặc dù chỉ số hài lòng của người dân đối với cơ sở vật chất của giáo dục công nói chung cũng đạt được 0,93 nhưng đây là lĩnh vực ghi nhận nhiều ý kiến phản hồi nhất từ phía người dân.
Về môi trường giáo dục, giáo dục tiểu học tiếp tục dẫn đầu với HLI đạt 0,99; giáo dục mầm non xếp thứ hai (HLI = 0,98); giáo dục THCS xếp thứ ba (HLI = 0,95). Tiếp theo lần lượt là giáo dục thường xuyên (HLI = 0,86), giáo dục THPT (HLI = 0,85) và giáo dục đại học (HLI = 0,83).
Chỉ số hài lòng của người dân đối với Môi trường giáo dục công nói chung đạt bằng với tiếp cận dịch vụ (HLI = 0,96). Điều này cho thấy sự đồng thuận và hài lòng cao từ phía người dân đối với môi trường giáo dục của Tỉnh trong thời gian qua.
Về hoạt động giáo dục, giáo dục Tiểu học, Mầm non và THCS đều giữ vững các thứ hạng cao với chỉ số hài lòng HLI đạt bằng với HLI tương ứng ở Môi trường giáo dục. Giáo dục THPT vươn lên vị trí thứ tư với HLI = 0,9; hai vị trí sau cùng vẫn là giáo dục đại học (HLI = 0,85) và thường xuyên (HLI = 0,83). Chỉ số hài lòng của người dân đối với hoạt động giáo dục công nói chung đạt 0,97.
Như vậy, hoạt động giáo dục công được người dân hài lòng cao hơn cả Tiếp cận dịch vụ và Môi trường giáo dục. Tuy nhiên, người dân cũng mong muốn ngành giáo dục tiếp tục quan tâm đổi mới thêm một số nội dung để nâng cao hơn nữa chất lượng của hoạt động giáo dục ở tất cả các cấp học, bậc học.
Về kết quả giáo dục, ba vị trí đầu vẫn là giáo dục Tiểu học, Mầm non và THCS với chỉ số hài lòng HLI lần lượt là 0,99; 0,98 và 0,96. Giáo dục THPT và thường xuyên xếp vị trí tiếp theo (đều có HLI = 0,89) và cuối cùng là giáo dục đại học (HLI = 0,82). Chỉ số hài lòng của người dân đối với kết quả giáo dục công nói chung đạt bằng với Hoạt động giáo dục (HLI = 0,97) đã phần nào ghi nhận sự hài lòng cao của người dân.
Trong 5 lĩnh vực được khảo sát về dịch vụ giáo dục, người dân hài lòng nhất là Hoạt động giáo dục và Kết quả giáo dục (HLI = 0,97). Tiếp theo là Tiếp cận dịch vụ và Môi trường giáo dục (HLI = 0,96); cuối cùng là Cơ sở vật chất (HLI = 0,93).
Bên cạnh đó, kết quả tính toán về chỉ số hài lòng tổng thể của dịch vụ giáo dục công ở từng cấp, bậc học cũng cho thấy người dân có xu hướng hài lòng cao về toàn bộ dịch vụ giáo dục hơn là ở từng lĩnh vực cụ thể. Các chỉ số hài lòng đều đạt cao; nhất là ở các cấp, bậc học phổ thông (HLI đạt từ 0,97 đến 1,00).
Được biết cuộc điều tra, đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công lập do Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng thực hiện từ tháng 11 năm 2017 đến tháng 3 năm 2018 bằng cách lấy ý kiến (qua phiếu khảo sát). Các nội dung điều tra, khảo sát gồm: Tiếp cận dịch vụ, Cơ sở vật chất, Môi trường giáo dục, Hoạt động giáo dục và Kết quả giáo dục.
Năm 2017, tổng số mẫu khảo sát là 4359. Các bước chọn mẫu được tiến hành theo yêu cầu của phương pháp phân tầng nhiều giai đoạn. Phân phối mẫu theo đơn vị hành chính đảm bảo tính đại diện với 3 nhóm: Nhóm phát triển, nhóm trung bình và nhóm kém phát triển. Phân phối mẫu cũng đảm bảo yêu cầu về cấp học, ngành học và đơn vị trường học được khảo sát.
Theo Sở GD&ĐT Sóc Trăng
Sơn La lập các đoàn công tác về cơ sở phòng, chống rét cho học sinh Sở GD&ĐT Sơn La vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị, nhà trường đặc biệt lưu ý phòng, chống rét đậm, rét hại. ảnh minh họa Theo văn bản này, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh được tăng cường liên tục, tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xảy ra đợt rét đậm,...