Xây dựng Luật Nhà giáo: Tiền lương, phụ cấp đặc thù của GV sẽ được luật hóa
Các nhà giáo mong các vấn đề trong chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng nhà giáo được luật hóa rõ ràng làm động lực để thu hút người giỏi.
Ngày 14 tháng 10 năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 5392/BGDĐT-NGCBQLGD về việc đăng tải dự thảo hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo trên cổng Thông tin điện tử của Chính phủ [1].
Dự kiến, sẽ lấy ý kiến, ban hành dự thảo Luật Nhà giáo rồi trình các cấp có thẩm quyền và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ Sáu khóa XV (tháng 10/2024), thời gian có hiệu lực có thể là từ ngày 01/7/2025.
Ảnh minh họa: Lã Tiến
Tại dự thảo đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất 5 nhóm chính sách chủ yếu nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo. Đây là điều giáo viên cả nước rất mong chờ, khi Luật Nhà Giáo được xây dựng và ban hành vị thế nhà giáo được nâng lên, việc tuyển dụng, sắp xếp hệ thống trường học,… sẽ được thay đổi tích cực.
Vì sao ngành giáo dục rất mong đợi Luật Nhà giáo?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp tốt hơn cho ngành, cho đất nước.
Bên cạnh đó, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, biên chế sự nghiệp của ngành Giáo dục chiếm khoảng 70% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước.
Đội ngũ nhà giáo là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của tất cả các ngành/lĩnh vực, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước.
Tuy vậy, do chưa có Luật Nhà giáo nên hành lang pháp lý trong việc cải thiện cơ chế chính sách đặc thù về lương, bổ nhiệm, tuyển dụng, không phân biệt giáo viên công – tư,… chưa được nâng cao.
Thực trạng thiếu rất nhiều giáo viên nhưng ngành giáo dục lại không được chủ động tuyển dụng, bổ sung,… cũng là một trong những hạn chế khi chưa có Luật Nhà giáo.
Xây dựng Luật Nhà giáo không chỉ xây dựng chế độ tiền lương mới cho giáo viên mà còn liên quan đến nhiều vấn đề khác như: Định danh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền và nghĩa vụ nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo; Quy hoạch, đào tạo, phát triển nghề nghiệp nhà giáo; Đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.
Từ những vấn đề trên nên giáo viên cả nước rất mong sớm có Luật Nhà giáo.
Giáo viên được lợi gì?
Theo quan điểm người viết, với các diễn giải tại dự thảo đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất 5 nhóm chính sách chủ yếu nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề hiện đang bất cập
Thứ nhất, giáo viên không phân biệt công, tư đều là nhà giáo
Hiện nay, giáo viên công lập có người là viên chức, lại có người giáo viên hợp đồng, còn phân biệt giáo viên công – tư, giáo viên nước ngoài,… dẫn đến khó khăn trong việc xác định các hợp đồng lao động, chế độ nhà giáo,…
Nên xây dựng Luật Nhà giáo, có thể tất cả các giáo viên sẽ được gọi chung thống nhất là nhà giáo, chế độ được phân biệt rõ ràng hơn, đầy đủ hơn.
Video đang HOT
Xác định rõ ràng hơn khái niệm, trách nhiệm, quyền lợi, chuẩn nghề nghiệp, chuẩn chức danh,…của nhà giáo.
Có Luật Nhà giáo sẽ đặt nhà giáo lên đúng vai trò vị thế giáo dục là quốc sách hàng đầu, lương nhà giáo được ưu tiên theo Nghị quyết 29/NQ-TW.
Thứ hai, về tuyển dụng giáo viên
Việc tuyển dụng hiện nay theo quy định chung nên thông qua nhiều tầng nấc, tuyển dụng khó khăn, mỗi năm tuyển dụng một lần, ngành giáo dục không thể tự chủ động bổ sung biên chế thiếu, khó luân chuyển giáo viên,…
Nên xây dựng Luật Nhà giáo sẽ xác định trách nhiệm tuyển dụng, bổ sung biên chế làm sao để ngành giáo dục sẽ chủ động trong công tác nhân sự, việc thừa thiếu cục bộ giáo viên sẽ từng bước chấm dứt.
Việc ban hành quy trình, tiêu chuẩn nhân sự giáo viên có thể sẽ được giao cho ngành giáo dục, và có thể sẽ được phân cấp, phân quyền cho các trường trong việc tuyển dụng, tăng cường trách nhiệm, tính tự chủ cho các trường.
Giáo viên luân chuyển từ vùng khó khăn, xa nhà về vùng thuận lợi có thể đơn giản hơn.
Thứ ba, có thể chỉ quy định chứng chỉ hành nghề đối với sinh viên ngoài ngành sư phạm
Hiện nay, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp gây nhiều bức xúc trong giáo viên.
Giáo viên học 4-5 năm tại trường sư phạm đã đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện để được giảng dạy, vấn đề dạy đạt hay không sẽ được trải qua quá trình tập sự và đánh giá hàng năm của hiệu trưởng.
Tuy nhiên, vì giáo viên là viên chức nên phải theo các quy định chung, theo nghị định 89/2021/NĐ-CP quy định, giáo viên cũng như viên chức khác phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, giống như giấy phép hành nghề.
Với các chính sách được đưa ra tại tờ trình đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, đối với chứng chỉ hành nghề chỉ áp dụng đối với sinh viên ngoài ngành sư phạm có nguyện vọng muốn trở thành giáo viên, đối với giáo viên đang công tác có thể sẽ không còn là yêu cầu bắt buộc như hiện nay.
Thứ tư, có chế độ lương, phụ cấp riêng cho nhà giáo
Giáo viên là ngành đặc thù, chiếm số đông nhất trong các ngành nhưng hiện nay là viên chức nên chưa thể ban hành được chế độ lương, phụ cấp đặc thù ngành.
Việc xây dựng Luật Nhà giáo sẽ giúp luật hóa những ưu tiên nhất định trong việc xây dựng chế độ đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo tương xứng với vị thế của ngành, nghề.
Khi có Luật Nhà giáo, khi đó sẽ có chế độ lương, phụ cấp đặc thù riêng cho nhà giáo.
Thứ năm, việc bổ nhiệm hiệu trưởng sẽ thay đổi
Xây dựng Luật Nhà giáo sẽ có tiêu chuẩn cụ thể hơn về quyền hạn và trách nhiệm của hiệu trưởng, nhà giáo quản lý.
Việc tuyển dụng, bổ nhiệm vị trí đầu tàu cho các trường sẽ có nhiều thay đổi, tăng trách nhiệm cho ngành và hiệu trưởng các trường.
Thứ sáu, có thể không cần phải giảm 10% biên chế nhà giáo
Cả nước thiếu hàng trăm ngàn giáo viên, nhưng quy định giảm 10% biên chế viên chức cào bằng dẫn đến ngành giáo dục thiếu nhưng vẫn phải giảm 10%, không tuyển dụng được biên chế vì chờ chính sách tinh giảm,…Nhà giáo là nghề đặc thù, giáo viên dạy theo số tiết quy định, giảm biên chế 10% cào bằng sẽ khiến tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng hơn.
Thứ bảy, xã hội hóa giáo dục sẽ thuận tiện hơn
Khi có Luật Nhà giáo, sẽ tăng cường quyền tự chủ hơn cho ngành giáo dục, cho các trường, việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho giáo dục sẽ thuận tiện hơn.
Việc mở rộng trường ngoài công lập cũng có thể thuận tiện hơn, giáo dục sẽ có cơ hội vươn mình và phát triển mạnh mẽ hơn.
Luật Nhà giáo đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng được giáo viên chờ đợi nhằm cụ thể hóa quyền lợi, trách nhiệm cũng như chế độ đặc thù của ngành, nâng cao vị thế của nhà giáo trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/du-thao-luat-nha-giao-bo-sung-quy-dinh-ve-tien-luong-phu-cap-doi-voi-thay-co-post230536.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Đề xuất 5 chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo
Tại dự thảo đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất 5 nhóm chính sách chủ yếu nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo.
Đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo
Chính sách 1: Định danh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền và nghĩa vụ nhà giáo
Mục tiêu của chính sách nhằm: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý nhà nước đối với công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và bảo đảm định hướng chính trị đúng đắn đối với công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo. Đề cao tiêu chuẩn đầu tiên về đạo đức, phong cách nhà giáo, chuyển các yêu cầu của Trung ương Đảng và Nhà nước về xây dựng đạo đức, phong cách nhà giáo thành quy phạm pháp luật. Làm rõ định hướng nghề nghiệp của giáo viên và nhấn mạnh giáo viên đảm nhận sứ mệnh giáo dục con người cho Đảng, ươm mầm tài năng và đào tạo nhân tài cho đất nước.
Nội dung của chính sách gồm: Xác định các khái niệm về nhà giáo một cách đầy đủ, tường minh, làm cơ sở để xác định phạm vi điều chỉnh và đề xuất các chính sách về nhà giáo; xác định quyền lợi và nghĩa vụ của nhà giáo; tăng cường quyền tự chủ trong giảng dạy và giáo dục của nhà giáo, quyền được áp dụng các biện pháp trừng phạt trong giáo dục và bản quyền sở hữu trí tuệ đối với các nội dung sáng tạo, đổi mới trong giáo dục... Tăng cường nghĩa vụ của nhà giáo trong việc bảo vệ và hỗ trợ học sinh.
Giải pháp thực hiện chính sách thông qua Luật hóa các nội dung: Bổ sung quy định về khái niệm nhà giáo; vị trí, vai trò của nhà giáo; bổ sung quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của nhà giáo; bổ sung quy định về chuẩn nghề nghiệp, chuẩn chức danh nhà giáo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lựa chọn các giải pháp này với lý do: Việc định danh nhà giáo một cách đầy đủ và tường minh sẽ giúp cho việc quản lý nhà giáo trong toàn quốc được thống nhất, các chính sách cho nhà giáo được ban hành đầy đủ, kịp thời.
Chính sách 2: Tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo
Mục tiêu của chính sách: Khắc phục các bất cập trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo thời gian qua; tạo cơ sở pháp lý để tuyển dụng vào ngành những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục.
Nội dung của chính sách: Xác định tiêu chuẩn tuyển dụng nhà giáo; xác định quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm, chế độ làm việc đối với nhà giáo; xác định điều kiện, quy trình thuyên chuyển công tác; xác định điều kiện, quy trình đánh giá, xếp loại, thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với nhà giáo.
Giải pháp thực hiện chính sách bằng cách luật hóa các nội dung: Bổ sung quy định về chuẩn trình độ, tiêu chuẩn để trở thành nhà giáo; việc áp dụng chứng chỉ hành nghề đối với người chưa qua đào tạo sư phạm muốn trở thành nhà giáo; bổ sung quy định về quy trình tuyển dụng nhà giáo; bổ sung quy định về bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp, thực hiện chế độ làm việc đối với nhà giáo; bổ sung quy định về đánh giá, xếp loại nhà giáo.
Bộ GD&ĐT lựa chọn các giải pháp này với lý do: Đảm bảo việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà giáo phù hợp với đặc thù hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo; đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc quản lý nhà giáo hoạt động tự do (không thuộc biên chế nhà giáo), tạo điều kiện cho sự phát triển giáo dục bình đẳng giữa công - tư.
Chính sách 3: Quy hoạch, đào tạo, phát triển nghề nghiệp nhà giáo
Mục tiêu của chính sách là: Xây dựng hệ thống đào tạo nhà giáo đảm bảo chất lượng, nhấn mạnh đến việc tăng cường đào tạo, xây dựng cơ chế cụ thể về việc đào tạo sinh viên sư phạm. Xác định các vấn đề về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển chuyên môn nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tạo điều kiện cho nhà giáo tự do học thuật, phát triển chuyên môn liên tục và có cơ hội hợp tác quốc tế một cách thực chất, hiệu quả.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đề xuất Luật hóa các nội dung sau: Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo. Xác định chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, thúc đẩy hình thành hệ thống trường thực hành sư phạm phục vụ đào tạo, phát triển nghề nghiệp nhà giáo. Xác định, làm rõ việc nhà giáo ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu và trao đổi học thuật; người nước ngoài giảng dạy tại Việt Nam; việc liên kết, hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.
Giải pháp thực hiện chính sách thông qua luật hóa các nội dung: Bổ sung quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo. Bổ sung quy định về các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và hệ thống trường thực hành sư phạm phục vụ đào tạo, phát triển nghề nghiệp nhà giáo. Bổ sung quy định về cơ chế để nhà giáo ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu và trao đổi học thuật.
Lý do Bộ GD&ĐT lựa chọn các giải pháp này nhằm: Đảm bảo định hướng các khuyến khích, động lực để nhà giáo được phát triển chuyên môn, nghề nghiệp, tự do nghiên cứu và trao đổi học thuật. Tạo cơ sở cho sự phát triển của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, giúp nâng cao chất lượng đội ngũ.
Chính sách 4: Đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo
Mục tiêu của chính sách: Xác định các vấn đề trong chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng nhà giáo, làm động lực để thu hút người giỏi tham gia trở thành giáo viên, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo đã vào ngành cống hiến, tận tâm với nghề; tăng cường chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo, thiết lập cơ chế phân loại bảo đảm chế độ đãi ngộ công bằng, người làm nhiều thì được đãi ngộ cao, xây dựng chế độ phân phối tiền lương và cơ hội thăng tiến, tăng lương và đãi ngộ đối với những người có thành tích xuất sắc; thực hiện các yêu cầu để giảm gánh nặng cho nhà giáo, bảo đảm nhà giáo được yên tâm cống hiến hết mình cho việc giảng dạy và giáo dục con người.
Nội dung của chính sách gồm: Xác định các vấn đề cơ bản về chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, chế độ hưu trí, khám chữa bệnh, bảo hiểm xã hội của nhà giáo. Xác định chính sách hỗ trợ về nhà ở, nhà công vụ đối với nhà giáo. Xác định cụ thể hóa các tiêu chí thi đua, khen thưởng đối với nhà giáo.
Giải pháp thực hiện chính sách: Luật hóa các nội dung: Bổ sung quy định về tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo. Bổ sung quy định về chế độ hưu trí, khám chữa bệnh và bảo hiểm xã hội của nhà giáo. Bổ sung quy định về tiêu chí, danh hiệu thi đua, khen thưởng, tôn vinh đối với nhà giáo.
Bộ GD&ĐT lựa chọn các giải pháp này với các lý do như sau: Đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách đối với nhà giáo, có tính toán đến yếu tố đặc thù ngành để nhà giáo yên tâm công tác. Tạo điều kiện cho nhà giáo công tác ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có cơ hội tiếp cận đầy đủ về chính sách, có các hỗ trợ đặc thù để thu hút nhà giáo về công tác.
Chính sách 5: Quản lý nhà nước về nhà giáo
Chính sách này nhằm: Khắc phục các bất cập trong hệ thống quản lý nhà nước về nhà giáo thời gian qua; làm cơ sở thực hiện phân cấp, thống nhất từ trung ương đến địa phương trong quản lý nhà giáo, tạo điều kiện cho nhà giáo tự do trong học thuật, phát triển chuyên môn nghiệp vụ.
Nội dung của chính sách gồm: Xác định hệ thống quản lý nhà giáo từ trung ương đến địa phương đảm bảo thống nhất, hiệu quả, gọn nhẹ. Xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo. Xác định vai trò của các tổ chức hiệp hội nhà giáo.
Giải pháp thực hiện chính sách thông qua Luật hóa các nội dung sau: Bổ sung quy định về hệ thống quản lý nhà giáo từ trung ương đến địa phương. Bổ sung vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức hiệp hội nhà giáo.
Bộ GD&ĐT lựa chọn các giải pháp này với mục tiêu: Làm rõ hệ thống quản lý ngành về nhà giáo; thống nhất việc quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương để tránh chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ, đồng thời nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà giáo. Tăng cường vai trò của các tổ chức hiệp hội nhà giáo trong công tác phát triển đội ngũ nhà giáo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng...