Xây dựng bộ quy tắc ứng xử nhằm ngăn chặn bạo lực học đường
Trước tình trạng bạo lực học đường diễn ra phức tạp, Bộ GD&ĐT vừa tổ chức hội thảo xây dựng môi trường văn hóa trường học, trong đó chú trọng áp dụng bộ quy tắc ứng xử.
Thời gian qua, tình trạng bạo lực học đường diễn ra phức tạp khi liên tiếp những clip học sinh đánh bạn xuất hiện trên các diễn đàn mạng.
Ngày 11/10, trường THPT Cẩm Thủy 3 ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa, đã ra quyết định đình chỉ học một năm đối với hai nữ sinh đánh bạn bất tỉnh vì mâu thuẫn cá nhân.
Trước đó, hai nữ sinh ở Huế đánh bạn học tới tấp, nạn nhân chỉ biết đưa tay đỡ đòn, hoàn toàn không có năng lực phản kháng.
Hình ảnh các nữ sinh đánh nhau xuất hiện tràn lan trên mạng. Ảnh cắt từ clip.
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra thời gian gần đây. Nhiều em đánh hội đồng bạn đến ngất xỉu chỉ vì mặc đồ giống nhau, “nhìn đểu”, giật người yêu, tranh chấp trên mạng…
Không ít học sinh còn “khủng bố tinh thần” bạn học bằng cách chửi rủa, sỉ nhục, lột đồ, quay clip tung lên mạng. Những hành vi bạo lực, sự bàng quan của người xung quanh cùng bình luận vô cảm từ cộng đồng mạng đã đẩy nạn nhân đến bờ vực tuyệt vọng.
Nạn nhân của bạo lực học đường thường trong độ tuổi mới lớn, có nhiều xáo trộn trong tâm lý. Các em dễ bị tổn thương, suy nghĩ tiêu cực và hành động dại dột.
Nhiều học sinh đã tìm đến cái chết như trường hợp nam sinh lớp 8 ở Yên Bái. Học sinh này đã tự tử sau khi clip em bị đánh, làm nhục trước đám đông lan truyền trên mạng xã hội.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, vì các vụ đánh nhau gắn mác bạo lực học đường nên người ta thường quy trách nhiệm cho nhà trường, giáo viên. Tuy nhiên, việc hình thành và phát triển nhân cách con người chịu tác động từ nhiều yếu tố, trong đó văn hóa gia đình tác động trực tiếp đến hành vi của trẻ.
Video đang HOT
Thạc sĩ Duy cho rằng thay vì đổ hết lỗi lên nhà trường, phụ huynh và bản thân, học sinh phải nhìn thẳng vào trách nhiệm của mình.
Ông cũng không ủng hộ xử phạt bằng cách đình chỉ hay buộc thôi học đối với học sinh đánh bạn, bởi nó cho thấy sự bất lực của nhà trường và giáo viên. Thay vào đó, thầy cô nên đưa ra cách xử lý phù hợp đặc điểm tâm lý của học trò.
Cô Hoàng Thị Minh Phương, Phó hiệu trưởng trường THCS Lê Hồng Phong (Hà Đông, Hà Nội) khẳng định giáo viên luôn hy vọng những em trót phạm sai lầm có thêm cơ hội sửa sai. Chỉ khi không có cách nào khác, trường mới phải đình chỉ hay đuổi học các em theo đúng quy chế.
Tuy nhiên, việc kỷ luật học sinh chỉ giải quyết vấn đề ở phần ngọn chứ chưa ngăn chặn bạo lực học đường ngay từ đầu.
Tại hội thảo xây dựng môi trường văn hóa trường học do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 12/10, ông Trương Đình Chiến – Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM – cho rằng một bộ phận học sinh đang có sự lệch lạc từ nhận thức đến hành vi.
Điều này xuất phát từ việc các em không chịu ảnh hưởng quy tắc ứng xử nào đó. Vì thế, các trường phải xây dựng được bộ quy tắc ứng xử để điều chỉnh hành vi của học sinh.
Trao đổi với Zing.vn, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định cả nhà trường, gia đình và xã hội đều có trách nhiệm trước tình trạng bạo lực học đường.
Bà cho biết thêm việc áp dụng bộ quy tắc ứng xử sẽ tạo ra môi trường văn hóa trong trường học, đưa học sinh vào nề nếp, kỷ cương, góp phần hạn chế bạo lực học đường.
Bộ GD&ĐT luôn coi việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng và định hướng xây dựng môi trường học tập thân thiện, lành mạnh và an toàn để các em phát triển tốt nhất. Tuy nhiên, việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử chỉ là bước đầu tiên trong quá trình giải quyết tình trạng bạo lực học đường.
“Quy tắc ứng xử là những quy định tối thiểu về hành vi trong nhà trường. Nó phải trở thành văn hóa mới phát huy được hiệu quả”, GS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến – nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, giảng viên cao cấp tại Học viện Quản lý Giáo dục – nói.
Theo Zing
Nữ sinh cấp hai đánh bạn: Tuổi nào nên dùng Facebook?
Theo TS Huỳnh Văn Sơn, việc cấm con sử dụng Facebook thể hiện sự bất lực của phụ huynh, nhà trường. TS Vũ Thu Hương không cho phép con sử dụng mạng xã hội khi dưới tuổi 15.
Mới đây, mạng xã hội lan truyền clip ghi cảnh học sinh cấp 2 bị ba nữ sinh khác đánh hội đồng ở Phú Yên. Nữ sinh liên tục bị bạn tát, đánh, đạp, nguyên nhân vì mâu thuẫn trên Facebook. Nạn nhân bị đánh còn đeo khăn quàng đỏ.
Đau lòng nhìn trẻ lớp 7 đánh nhau
Theo xác nhận của ông Phan Văn Như, Hiệu trưởng THCS Tây Sơn (xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa, Phú Yên), nữ sinh bị đánh trong clip mới học lớp 7, là học sinh của trường. Còn 3 nữ sinh đánh bạn đều thuộc địa bàn của huyện: THCS Đồng Khởi, THCS Phạm Văn Đồng và THCS Nguyễn Thị Định. Trong đó, hai em học lớp 8 và một em lớp 9.
Việc không ít học sinh dưới 15 tuổi đánh nhau gây xôn xao mạng xã hội khiến nhiều người đặt câu hỏi: Độ tuổi nào nên sử dụng mạng xã hội?
Độc giả Như Quỳnh viết: "Ngày không có Facebook thấy các em ngoan hơn hẳn. Bây giờ mới ở tuổi cấp hai mà các em đã đánh bạn như kẻ thù. Xem clip, tôi thấy đau lòng hơn khi nạn nhân bị đánh vẫn đeo khăn quàng đỏ, đang ở lứa tuổi măng non".
Bạn Nguyễn Nam viết: "Bạo lực học đường do bố mẹ quá chiều con. Tại sao mới là học sinh lớp 7, lớp 8, phụ huynh đã cho con sử dụng Facebook để gây mâu thuẫn. Phụ huynh nên cân nhắc việc quản lý con em mình chặt chẽ, bởi nhà trường không thể là nơi gánh mọi trách nhiệm".
Nữ sinh đeo khăn đỏ bị đánh hội đồng vì mâu thuẫn trên Facebook. Ảnh cắt từ clip.
Trao đổi về vấn đề này, cô Thùy Linh (giáo viên tại Hải Dương) bày tỏ: Độ tuổi sử dụng Facebook của con không quan trọng, quan trọng là cách quản lý của cha mẹ.
Cô Linh đề xuất, với trẻ em, cha mẹ hãy lọc danh sách bạn bè và giám sát con sử dụng Facebook. Phụ huynh hãy coi con như những người bạn thân thiết, có thể nắm rõ mật khẩu của từng tài khoản trên mạng xã hội.
Có nên cẩm trẻ em dùng Facebook?
TS Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: "Riêng với con gái, tôi không cho phép cháu sử dụng Facebook trước khi tròn 15 tuổi".
Theo TS Hương, khi sử dụng Facebook, con phải ký vào bản cam kết luôn giữ tình trạng kết bạn với cha mẹ. Phải sử dụng ngôn từ trong sáng, lịch sự khi tham gia Facebook. Không sử dụng Facebook để công kích, chỉ trích bất kể ai hay chính sách gì của Nhà nước. Con sử dụng Facebook trong thời gian giới hạn theo quy định rõ ràng. Khi bị phạt, con phải chấp nhận khóa Facebook theo thời gian thỏa thuận với cha mẹ.
TS Huỳnh Văn Sơn - Trưởng khoa Tâm lý học, Đại học Sư phạm TP HCM cho rằng, hành động cấm con sử dụng Facebook thể hiện sự bất lực của gia đình và nhà trường. Điều đó cho thấy người lớn có tư duy một chiều "không dạy được thì cấm". Hơn nữa, việc trẻ sử dụng mạng xã hội không vi phạm luật, không phải trẻ em nào sử dụng cũng... đánh nhau.
Theo TS Sơn, Facebook có thể dạy con trẻ rất nhiều điều, giúp con giao tiếp, mở rộng các hoạt động online. Ông đề xuất, từ đầu bậc THCS, trẻ có thể sử dụng kênh thông tin Facebook để thỏa mãn nhu cầu giao tiếp với bạn bè.
Trưởng khoa Tâm lý học, Đại học Sư phạm TP HCM cho rằng, việc độ tuổi nào nên cho con sử dụng Facebook tùy hoàn cảnh, cách giáo dục của mỗi gia đình. Tuy nhiên, cha mẹ cần hướng dẫn kỹ lưỡng cho con về kỹ năng sử dụng.
Trong nhà trường, thầy cô dạy tin học phải là những người cập nhật nội dung hướng dẫn các em sử dụng mạng xã hội trong hoặc ngoài giờ lên lớp. Cha mẹ cũng cần "xóa mù" công nghệ thông tin để luôn đồng hành, kiểm soát con trong thế giới mạng.
"Hãy cho trẻ cơ hội tìm hiểu và trang bị kỹ năng để làm chủ thế giới mạng thay vì không ủng hộ hay bỏ mặc trẻ" là thông điệp TS Huỳnh Văn Sơn muốn nhắn nhủ.
Ngày 4/5, clip được ghi lại tại trường THCS 15/10 (Mộc Châu, Sơn La) khiến nhiều người giật mình, choáng váng theo từng cái tát của nữ sinh đánh bạn. Sau 52 cái tát, nạn nhân đứng đối diện chảy máu mũi nhưng nữ sinh này vẫn đánh không hề run tay. Nguyên nhân là bởi... Facebook.
Ngày 5/4, Công an huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận), ban giám hiệu trường THCS Quang Trung cùng phụ huynh tổ chức cuộc họp giải quyết vụ học sinh lớp 7/5 đánh bạn bị chấn thương đầu, phải nhập viện. Hai học sinh này đã có nhiều bình luận qua lại trên Facebook.
Trước đó, cuối tháng 2, trên mạng xã hội xuất hiện clip hai nữ sinh đánh nhau trong sự cổ vũ nhiệt tình của các bạn cùng lớp. Nguyên nhân vì nữ sinh bị đánh đã nói xấu... một người bạn khác trên Facebook. Cả hai đều đang học tại trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (thị trấn Ia Kha, Ia Grai, Gia Lai).
Ngoài ra, nhiều vụ việc học sinh đánh nhau, chửi bới trên mạng... khiến không ít cha mẹ lo lắng việc con cái sử dụng mạng xã hội.
Theo Zing
Nữ sinh lớp 7 đánh bạn: Trách nhiệm thuộc về người lớn "Sự việc đau lòng đã xảy ra và không thể đuổi học các cháu là xong, bởi các cháu còn quá nhỏ, ra đời sớm sẽ ra sao?", Phó chủ tịch UBND TP Huế nói về vụ nữ sinh đánh hội đồng bạn. Ngày 14/1, nói về vụ học sinh lớp 7 đánh bạn gây xôn xao dư luận tại cuộc họp báo...