Xăng đã giảm giá, giá cước vận tải vẫn cao là không sòng phẳng
Sau nhiều lần giảm giá liên tục, giá xăng đã giảm hơn 20% so với mức đỉnh vào tháng 6-2022 nhưng cước vận tải, nhất là loại hình xe công nghệ như Grab, Be, Gojek…, vẫn chưa giảm giá cước, thậm chí còn tiếp tục tăng giá ở một số tỉnh thành.
Các app xe công nghệ vẫn chưa có động thái giảm giá cước dù giá xăng dầu đã giảm mạnh – Ảnh: C.TRUNG
Từ tháng 3-2022, khi giá xăng bắt đầu tăng, Grab đã tăng giá cước GrabCar từ 20.000 đồng lên 29.000 đồng/2km đầu tiên với xe 4 chỗ, các kilômet tiếp theo tăng từ 9.000 đồng lên 10.000 đồng với lý do để bù đắp chi phí vận hành của tài xế.
Thậm chí đầu tháng 8, Grab thông báo tăng giá cước dịch vụ GrabTaxi ở Thanh Hóa 20.000 đồng cho 1,2km, khoảng cách dưới 30km sẽ tính giá 15.000 đồng.
Mức giá này tăng 2.000 – 3.000 đồng so với đầu năm 2022. Thế nhưng đến nay, dù giá xăng dầu giảm sâu nhiều lần, giá cước tối thiểu 2km đầu tiên vẫn “neo” ở 29.000 đồng cùng loạt “ma trận” phụ phí vẫn bủa vây người dùng như phí thay đổi lộ trình, phụ phí ban đêm…
Anh Nguyễn Ngọc Anh Khoa ( quận Bình Thạnh, TP.HCM), người thường xuyên sử dụng dịch vụ xe công nghệ, cho biết chỉ thấy giá cước tăng chứ chưa cảm nhận được mức giảm giá khi giá xăng dầu giảm mạnh.
Dẫn trường hợp vừa đặt dịch vụ GrabCar và BeCar cho hành trình chưa tới 4km từ đường Nguyễn Xí đến trung tâm thương mại Giga Mall, anh Khoa cho biết giá cước hiển thị lần lượt 67.000 và 70.000 đồng/xe 4 chỗ.
“Khi xăng tăng, doanh nghiệp kêu khó đủ thứ để tăng giá cước. Nhưng khi giá xăng giảm mạnh, hãng xe không sòng phẳng với khách hàng, giá cước vẫn ở mức khá cao” – anh Khoa bức xúc.
Theo các chuyên gia kinh tế, lúc xăng dầu tăng giá, doanh nghiệp “té nước theo mưa” nhất loạt tăng giá từ hàng hóa, lương thực, thực phẩm tới cước vận tải. Nhưng khi giá xăng dầu giảm hơn 20%, doanh nghiệp lại chần chừ chưa thực hiện giảm giá cước là điều khó có thể chấp nhận.
Video đang HOT
Để công bằng, sòng phẳng với người tiêu dùng, một chuyên gia cho rằng doanh nghiệp vận tải được định giá cước theo thị trường nhưng các cơ quan chức năng vẫn phải giám sát.
Nếu cố tình chây ì không giảm giá cước phù hợp với giá nguyên liệu đầu vào thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định và công bố công khai để toàn xã hội và người tiêu dùng biết.
Xe khách đã giảm cước
Một số doanh nghiệp vận tải hành khách đã bắt đầu giảm cước – Ảnh: CÔNG TRUNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tạ Chương Chín – phó giám đốc bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TP.HCM) – cho biết trong thời gian giá xăng dầu lập đỉnh, có một số doanh nghiệp xe khách tại bến kê khai tăng giá nhưng cũng có doanh nghiệp cầm cự, không tăng giá. Sau khi giá xăng giảm mạnh, bến xe đã có phổ biến và trao đổi với các nhà xe nghiên cứu điều chỉnh giảm giá vé để người dân thuận tiện đi lại.
Đến nay, đã có một đơn vị chạy tuyến TP.HCM – Tuy Hòa báo giảm 10% giá vé. Nhiều doanh nghiệp cũng báo cáo đang tiến hành rà soát, kê khai lại giá vé. Tuy nhiên, theo ông Chín, hầu hết nhà xe vẫn còn bị ảnh hưởng bởi dư âm đại dịch, số lượng hành khách qua bến xe này từ ngày 1-8 đến nay chỉ đạt bình quân khoảng 64% so với trước dịch.
Giá xăng và chiết khấu tăng cao, nhiều lái xe công nghệ tắt ứng dụng
Thời gian gần đây, nhiều người dùng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phản ánh tình trạng khó đặt taxi, xe ô tô hay ngay cả xe ôm công nghệ. Thay vì đợi vài phút như thông thường, thời gian tìm kiếm phương tiện di chuyển trên ứng dụng nay bị kéo dài lên tới 15-30 phút, thậm chí không có xe nào nhận.
"Đỏ mắt" tìm xe, giá cao ngất
Nhiều khách hàng phàn nàn, thời gian gần đây rất khó gọi được xe công nghệ.
Chị Trần Thị Uyên, ngụ tại Quận 3 (TP Hồ Chí Minh) cho biết: "Chủ nhật vừa rồi, tôi và con trai sau khi ăn cơm trưa ở nhà hàng tại Quận 3 có đặt xe ô tô công nghệ đi đến trung tâm thương mại Quận 1 để chơi, thế nhưng đặt hơn 15 - 20 phút vẫn không xe nào chịu nhận dù trên bản đồ định vị có rất nhiều xe quanh đó. Tôi có chuyển từ app Grab sang GoJek nhưng tình trạng cũng tương tự".
Tình trạng khó bắt xe công nghệ không phải là mới đây, trên thực tế, từ sau dịch COVID-19, rất nhiều người đặt xe taxi và công nghệ rất khó. Chị Ngọc Mai, ngụ tại thành phố Thủ Đức cho biết: "Vừa rồi, tôi có đặt xe ô tô công nghệ ra sân bay Tân Sơn Nhất để về quê. Dù đã dự trù đi ra sân bay trước 3 tiếng, thế nhưng hơn 30 phút tôi vẫn không đặt được chiếc xe nào. Cứ xe nào bắt xong rồi lại bị hủy, liên tục như vậy hết hơn 6 xe, tính cả Grab và Gojek. Tính bỏ cuộc cùng con lấy xe máy chạy ra sân bay, may sao cũng có một xe chịu đến chở".
Theo lái xe chở chị Mai ra sân bay, hiện nay còn rất ít lái xe chạy xe công nghệ. Do thấy chị đặt xe ra sân bay liên tục mà không có xe nhận, anh đành nhận cuốc này vì sợ chị vội, trễ chuyến bay. Nếu chị đi chặng đường khác, chắc chắn sẽ không có xe nào nhận vì sau dịch, xăng tăng mà chiết khấu % của nhà cung cấp ứng dụng cũng tăng.
Điều đáng nói, sau nhiều lần lái xe hủy chuyến không nhận, giá cước trên ứng dụng cũng tăng lên dần. Chị Hải Hà, ngụ tại thành phố Thủ Đức, thường xuyên đi công tác xa nên hay đón xe qua ứng dụng công nghệ cho hay: "Tôi hay đón xe từ sân bay Tân Sơn Nhất về nhà. Sau nhiều lần bị lái xe hủy chuyến, giá cước đi từ sân bay Tân Sơn Nhất về khu vực phường Phước Long A, thành phố Thủ Đức đã tăng từ 170.000 đồng/chuyến lên 190.000 đồng/chuyến, rồi 230.000 đồng/chuyến và thậm chí lên hơn 270.000 đồng/chuyến".
Một chuyến xe đi từ sân bay về Quận 3 khoảng 7 km đã có giá 170.000 đồng/chuyến.
Nhưng đợi hơn 30 phút vẫn không book được xe vì hầu hết các lái xe đều đóng ứng dụng, chuyển sang tự thoả thuận với khách theo giá niêm yết trên ứng dụng. "Tuy nhiên, giá Grab lúc đó gần 300.000 đồng/chuyến, tôi đề nghị giảm còn 250.000 đồng/chuyến, bao luôn phí vé sân bay, lái xe đó đồng ý luôn. Trong khi trước dịch COVID-19, một chuyến đi từ sân bay về nhà tôi khoảng 16km chưa tới 200.000 đồng, thường 170.000 đồng là cao nhất", chị Hà chia sẻ.
Không chỉ xe công nghệ, ngay cả taxi của các hãng lớn tại TP Hồ Chí Minh cũng khó gọi. Anh Tín, ngụ tại Quận 7, chia sẻ: "Do không gọi được xe công nghệ, tôi đã ra đường vẫy taxi. Thế nhưng, rất ít taxi chạy qua trục đường tôi đứng, nếu có thì hầu như đã có khách. Vì thế, mất hơn 30 phút tôi vẫn không bắt được xe taxi nào, đành cầu cứu người thân đưa đi".
Theo đại diện các hãng xe, sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu đi lại tăng cao hơn trước nhưng nhân lực lái xe taxi lại bị thiếu hụt nhiều, điều này đã gây khó khăn cho việc phục vụ đi lại của người dân.
Ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Vinasun cho biết, việc khách hàng khó gọi xe vốn xảy ra từ lâu nhưng chủ yếu tập trung vào giờ cao điểm. Song, tình trạng này có thể dễ thấy hơn trong bối cảnh lượng đầu xe của các hãng đều sụt giảm sau đại dịch.
Lực cản từ chiết khấu, giá xăng
Grab cho biết cũng đang triển khai một số chương trình thưởng và ưu đãi để hỗ trợ đối tác có thêm cơ hội tăng thu nhập, doanh thu.
Hầu hết các hãng xe, ứng dụng công nghệ gọi xe đều liên tục tuyển, kết nối lái xe trong thời gian qua. Tính riêng tháng 5/2022, tổng số đối tác lái xe hoạt động trên ứng dụng tăng gần 10% so với năm 2021. Riêng số lượng lái xe GoCar tại TP Hồ Chí Minh, trong vòng tháng 5 tăng gần 20%. Tại Hà Nội, số lượng lái xe ô tô mới đăng ký cũng tăng gấp đôi so với tháng trước.
Trao đổi với phóng viên Báo Tin tức, hầu hết các lái xe công nghệ, từ ô tô đến mô tô đều than thở chiếu khấu của ứng dụng công nghệ quá cao, cộng thêm chi phí xăng đội lên nên các lái xe không còn mặn mà chạy xe dịch vụ qua hãng hay qua ứng dụng công nghệ.
"Có thể nói, từ khi Grab bước chân vào Việt Nam, nhiều lái xe xem đây là cơ hội kiếm tiền "béo bở" vì có khách liên tục, chiết khấu chưa đến 20% mà còn được thưởng nếu chạy liên tục, không hủy chuyến... Càng về sau, lượng lái xe tham gia đội ngũ Grab càng đông, tiền thưởng ngày càng cắt giảm và gắt gao hơn, chiết khấu cũng dần tăng, hầu như đội ngũ lái xe ai cũng chán. Để tăng nguồn thu, lái xe nào cũng có đến 2 đến 3 ứng dụng gọi xe công nghệ. Nếu giờ cao điểm, bên nào tiền cao hơn thì lái xe sẽ mở ứng dụng đó để chạy", một lái xe công nghệ chia sẻ.
Nhiều lái xe GrabCar cho biết, hiện mức chiết khấu của ứng dụng này đã lên đến khoảng 35%. Chiết khấu đã cao, xăng cũng tăng cao không giảm, định vị thì lúc chính xác lúc không, chưa kể nhiều lái xe đã "quay lưng" không chạy cho các ứng dụng gọi xe công nghệ sau dịch COVID-19 khiến lái xe công nghệ càng ít đi. Vì thế, nhiều khách book xe điểm đến thì rất gần nhưng điểm từ nơi xe đến đón khách lại xa gần gấp đôi. Đó là lí do nhiều xe công nghệ đã hủy chuyến khiến cho khách càng gọi xe, càng khó tìm tài chấp nhận.
Tương tự, tại các ứng dụng gọi xe công nghệ "đi sau" Grab như GoJek, Be cũng không đáp ứng đủ lái xe cho nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tăng. Phần lớn các lái xe này một lúc dùng nhiều ứng dụng. Chính vì vậy, dù lượng lái xe được thông báo mỗi ứng dụng gọi xe công nghệ tăng nhưng thực tế lại không tăng.
Tương tự, tại các hãng taxi lớn tại TP Hồ Chí Minh cũng gặp khó khăn khi thiếu đầu xe phục vụ khách. Theo ông Tạ Long Hỷ, ngoài lý do giá cả thị trường gia tăng, việc xe ô tô phải đăng ký biển số kinh doanh vận tải (biển vàng) khiến lượng đầu xe giảm khá nhiều.
Tuy nhiên, nhiều lái xe cho biết, để giảm tối ưu chi phí xăng xe, các lái xe lập nhóm riêng và ưu tiên đón khách quen, khách đi đường dài. Những khách nào đi ứng dụng công nghệ trước đó muốn tìm xe thuận tiện hơn, có thể gọi vào số điện thoại của lái xe. Chỉ cần khách báo đang ở đâu, lái xe đó thông báo lên group để người ở gần đó rước. Giá cả đã được thỏa thuận từ trước khi đặt xe nên lái xe không lo khách hủy chuyến.
"Từ khi có nhóm này, chúng tôi không phải trả nhiều chiết khấu cho các ứng dụng như trước, chi phí xăng xe cũng đỡ hao tổn hơn mà mạng lưới lái xe trong nhóm cũng gần 1.000 đầu xe. Như vậy, vừa được 90% tiền khách trả, còn người báo điều xe cũng được 10%. Trung bình 1 tháng, thu nhập của chúng tôi ước cũng vài chục triệu, phần lớn là đi tỉnh nhiều", một lái xe từng chạy ứng dụng công nghệ cho biết.
Bộ GTVT yêu cầu xử lý việc xe tăng giá, ép khách tại sân bay Tân Sơn Nhất Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn vừa ký văn bản gửi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) yêu cầu doanh nghiệp này chỉ đạo Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh trong tổ chức giao thông vận tải tại sân bay....