Xã hội hóa sách giáo khoa còn tiềm ẩn nhiều rủi ro
Chuyên gia giáo dục, TS Lê Thống Nhất khẳng định, để tồn tại những khuyết điểm lớn trong sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 1 bộ sách Cánh Diều thì phải xem lại quy trình thẩm định và quá trình thực nghiệm. Đặc biệt, việc xã hội hóa SGK đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.
TS Lê Thống Nhất – chuyên gia giáo dục
- Phóng viên: Theo Tiến sỹ, để xảy ra những lỗi nghiêm trọng trong SGK Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều dẫn đến phải chỉnh sửa, thay đổi ngữ liệu như Bộ GD-ĐT đã thừa nhận thì trách nhiệm thuộc về ai?
- TS. Lê Thống Nhất: Trong Điều 32 Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 1-7-2020) thì người chịu trách nhiệm đầu tiên là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, người ký quyết định ban hành bộ sách. Tuy nhiên, về chuyên môn, Hội đồng thẩm định quốc gia là đơn vị chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng của SGK. Nếu SGK có sai sót sau khi đưa vào nhà trường thì Hội đồng thẩm định quốc gia đã không hoàn thành trách nhiệm của họ.
Hội đồng khuyến cáo là đã thấy điều chưa phù hợp thì nếu tác giả không sửa thì Hội đồng cần xếp là không đạt và SGK không thể đưa ra thị trường. Ở đây cần khẳng định, vấn đề đúng – sai trong quá trình thẩm định SGK không chỉ về kiến thức mà cần hiểu ngữ liệu, ngôn từ không phù hợp với học sinh lớp 1 thì không thể coi là “sạn” mà là sai.
- Ông cho rằng việc chỉnh sửa, bổ sung cần tiến hành như thế nào khi SGK thì đã xuất bản và học sinh đã học được gần một nửa học kỳ?
- Tôi nghĩ rằng, phương án sẽ phải in lại những trang được chỉnh sửa như một tập tài liệu bổ sung. Tập tài liệu này phải được chuyển xuống tất cả các nhà trường đang sử dụng SGK Cánh Diều. Tốt nhất là các trang có chỉnh sửa phải được chuyển xuống tất cả các em học sinh từng mua SGK Cánh Diều hoàn toàn miễn phí.
- Ông có ý kiến gì khi nhiều người vẫn lo ngại, việc chỉnh sửa sẽ chỉ khắc phục một phần sự việc chứ chưa thể giải quyết tận gốc những lỗi tương tự trong các bộ SGK khác?
- Bộc lộ những khuyết điểm khiến dư luận phản ánh trong SGK Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều sau một thời gian dạy và học thì lý do tôi nghi nhất là thực nghiệm chưa đến nơi đến chốn. Nếu làm đúng quy trình thực nghiệm thì những khuyết điểm này đã bộc lộ sớm để có thể xử lý kịp thời. Tính khách quan của quá trình thực nghiệm SGK mới hiện nay vẫn là dấu hỏi rất lớn. Năm 2000, cả nước thay đổi chương trình và SGK, lúc đó Bộ GD-ĐT là đơn vị đứng ra tổ chức thực nghiệm, có quy mô khá rộng, bài bản.
SGK năm 2000 được thực nghiệm trong 2 năm, tiếp thu ý kiến, góp ý, chỉnh sửa rồi mới đưa vào sử dụng đại trà. Suốt quá trình giảng dạy sau này, thậm chí vẫn có chỉnh sửa, bổ sung ở những lần tái bản. Trong khi đó, 5 bộ SGK lớp 1 mới chỉ được thực nghiệm trong vài tháng. Điều đáng nói, tổ chức thực nghiệm không phải là đơn vị độc lập hay đơn vị quản lý Nhà nước mà do nhóm tác giả thực hiện. Vậy chẳng khác nào vừa làm luận văn vừa lấy ý kiến, tự cho nhận xét về chính luận văn của mình.
Có thể thấy quá trình thực nghiệm SGK lần này chỉ diễn ra ở quy mô hẹp, thời gian ngắn. Đứng sau các tác giả là các công ty cổ phần. Họ không có điều kiện tổ chức thực nghiệm theo đúng khoa học giáo dục. Vậy quá trình thực nghiệm có khách quan, kết quả có chính xác không? Như SGK lớp 2 hiện nay đã qua đợt thẩm định vòng 1, nhưng chưa thấy thực nghiệm. Theo lộ trình, sách sẽ được đưa vào sử dụng trong năm học tới, do đó thời gian thực nghiệm sẽ không đủ để đánh giá một cách bài bản và khoa học. Như vậy những “hạt sạn” thậm chí là những “cục sỏi” lớn hơn hoàn toàn vẫn có thể tiếp tục xuất hiện.
- Việc xã hội phê phán gay gắt xung quanh SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều liệu có cho thấy vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro khi chúng ta xã hội hóa biên soạn SGK, thưa ông?
- Tôi biết, đã có những tác giả rất nổi tiếng về viết SGK đã làm đơn xin rút. Thậm chí, sau 1 năm đầu tiên, có những bộ sách sẽ không được tổ chức, biên soạn ở các lớp tiếp theo. Và như vậy tới chương trình lớp 2, có thể học sinh phải chuyển sang học bộ sách khác.
Tôi đã từng gửi ý kiến cho Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, ai đảm bảo các công ty cổ phần sẽ cam kết viết đủ SGK cho đủ các lớp học đến cùng. Nếu có một rủi ro nào đó họ có thể sẽ không viết nữa. Cho nên, tôi vẫn ủng hộ quan điểm Bộ GD-ĐT phải có một bộ SGK riêng.
Nhưng không hiểu lý do gì mà Bộ GD-ĐT không thể tổ chức biên soạn một bộ sách. Cũng có lý do đưa ra là không tập trung được tác giả nữa. Tuy nhiên, nếu Bộ GD-ĐT không có một bộ SGK riêng thì “an ninh SGK” sẽ rất nguy hiểm. SGK bây giờ là do các nhà xuất bản, các công ty cổ phần tổ chức biên soạn. Đến một lúc nào đó, thời điểm nào đó, nếu họ không tổ chức viết sách nữa thì điều gì sẽ xảy ra?
- Xin cảm ơn Tiến sỹ Lê Thống Nhất!
Cần làm rõ 5 câu hỏi về sách Tiếng Việt 1
Sau một tháng được triển khai, sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh diều nhận phản hồi tiêu cực. Điều này đặt ra câu hỏi về việc biên soạn, thẩm định, chỉnh sửa đối với cuốn sách này.
Video đang HOT
Những nội dung ở sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh diều bị chỉ trích gồm việc sử dụng những từ ngữ khó hiểu, ít thông dụng cùng các câu chuyện thiếu tính giáo dục.
Trước những ồn ào quanh cuốn sách này chỉ sau một tháng triển khai, một hiệu trưởng ở Hà Nội (đề nghị được giấu tên) đánh giá các khâu biên soạn, thẩm định, chọn sách đều có vấn đề.
Nhiều câu chuyện trong sách không rõ tính giáo dục. Ảnh: N.S.
Cuốn sách có thực sự ổn?
Theo phản ánh của một số phụ huynh và người dân, Tiếng Việt lớp 1, tập 1 bộ Cánh diều dùng những từ khó hiểu như "lồ ô", "gà nhí", "gà nhép", "thở hí hóp", "nhá".
Các truyện Cua, cò và đàn cá; Lừa, thỏ và cọp; Quạ và chó; Hai con ngựa bị đánh giá không phù hợp, thậm chí dạy trẻ tính lừa lọc, khôn lỏi, lười biếng.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên kiêm chủ biên cuốn Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh diều, đưa ra lý do trẻ mới học ít chữ nên phải chọn từ phù hợp để giải thích cho việc câu từ trúc trắc.
Với phần ngữ liệu, ông cho rằng ý nghĩa giáo dục toát lên từ toàn bộ câu chuyện, không thể chỉ xem phần 1 đã đánh giá. Ngoài ra, giáo viên sẽ hướng dẫn để học sinh hiểu đúng.
Tuy nhiên, theo vị hiệu trưởng ở Hà Nội, đây chỉ là lời ngụy biện. Vấn đề ở đây, nhóm biên soạn đang ép trẻ học nhiều chữ trong một bài.
Không những thế, theo ông, họ muốn đưa vào sách các câu dài, trong khi trẻ mới học ít chữ nên rất khó chọn ngữ liệu.
Người này nhấn mạnh khó vẫn phải chọn ngữ liệu đạt một số tiêu chí nhất định. Họ không làm được do ẩu, hoặc tự bản thân họ coi việc những từ, câu chuyện đó là bình thường.
Điều này còn liên quan đến việc nhóm biên soạn có ít thời gian để đầu tư vào sách. Nếu chú trọng tìm những câu chuyện, nhóm sẽ mất nhiều thời gian.
Ngoài ra, theo vị hiệu trưởng này nếu xét về khía cạnh dạy đạo đức, sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh diều có nhiều truyện tiêu cực.
Với học sinh lớp 1, học đọc, viết quan trọng nhất. Song trẻ cũng cần được chú trọng tâm hồn, khuyến khích tinh thần học tập, yêu thương con người, cuộc sống, thiên nhiên, loài vật, sống với nhau đầy tình thương, khuyến khích trí tưởng tượng.
"Tuy nhiên, cuốn sách này chưa làm được điều đó", ông nói. Vì thế, nếu đứng ở góc độ phụ huynh, nếu được chọn, ông sẽ không cho con học theo sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh diều.
Sách nên được dạy thí điểm trong một năm để chỉnh sửa tiếp trước khi dạy đại trà. Ảnh: Tiền Phong.
Tại sao không thí điểm trước?
Một câu hỏi khác được đặt ra khi cuốn sách, cũng như các sách khác trong cả 5 bộ sách giáo khoa mới, được đưa vào dạy đại trà nhưng không có chương trình thí điểm trước.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết cả 5 bộ sách giáo khoa mới đều đã qua dạy thực nghiệm. Riêng bộ Cánh diều, khi đưa sách đi dạy thực nghiệm hai năm liền, từ bài 1 đến bài cuối cùng, nhóm tác giả nhận nhiều góp ý của các giáo viên đứng lớp.
Tuy nhiên, vị hiệu trưởng nói trên cho rằng dạy thực nghiệm khác với thí điểm.
Ông đánh giá việc viết sách mang tính chất chủ quan của người viết. Do đó, họ không thể khẳng định cuốn sách phù hợp với đối tượng nào được.
Vì thế, dạy thí điểm là khâu bắt buộc. Ngành giáo dục cần chọn dạy thí điểm sách mới với số lượng học sinh đủ lớn, mang tính đại diện, có yếu tố vùng miền, trình độ và tiến hành trong một năm để rút kinh nghiệm.
"Thông thường, tôi nghĩ sau khi thí điểm, người ta phải thay đổi hết 25%, thậm chí 30-40% nội dung sách bởi thực tế áp dụng trên lớp khác hoàn toàn suy nghĩ chủ quan của người viết", ông nói.
Vị hiệu trưởng nhấn mạnh dạy thí điểm là quá trình bắt buộc, được coi như van an toàn cuối cùng trước khi dạy đại trà.
Nó tương tự như vaccine cần được thử nghiệm theo nhóm, đến pha thứ 3, số lượng lên đến hàng chục nghìn người để xem có sai sót gì không, sách đã an toàn để đưa vào sử dụng đại trà chưa.
Ông khẳng định việc dạy học sinh những từ, truyện như trong cuốn sách hiện tại không an toàn. Vấn đề xảy ra do không có van an toàn cuối cùng.
Tại sao sách vẫn được hội đồng thẩm định thông qua?
Ngoài ra, khi tranh cãi về sách nổ ra, không ít người thắc mắc nếu sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh diều có nhiều từ, ngữ liệu không phù hợp như thế, tại sao sách vẫn thông qua thẩm định.
Theo GS Mai Ngọc Chừ, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, hội đồng đã đề cập những "hạt sạn" đó với nhóm tác giả.
Trong biên bản thẩm định sách, hội đồng khuyên nhóm tác giả nên thay những ngữ liệu này để phù hợp hơn.
Tuy nhiên, nhóm tác giả giữ bảo lưu quan điểm. Với những điểm không sai nhưng độ phù hợp chưa cao, hội đồng chỉ có thể khuyến cáo, sửa hay không là quyền của các tác giả.
Trong khi đó, vị hiệu trưởng ở Hà Nội lại cho rằng không chỉ nhóm tác giả chủ quan khi viết sách, hội đồng thẩm định cũng chủ quan khi thẩm định.
Tuy nhiên, với ồn ào hiện nay, ông nhận định Bộ GD&ĐT, đứng đầu là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phải chịu trách nhiệm vì đã đưa sách dạy cho số đông, không thể đổ lỗi quanh.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT tiếp thu các góp ý quanh sách Tiếng Việt lớp 1. Ảnh: Lê Hiếu.
Vai trò của giáo viên trong việc chọn sách ra sao?
Trong năm đầu tiên triển khai sách giáo khoa mới, các trường tự chọn sách.
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT tại Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT, tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá sách giáo khoa của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa.
Giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn một đầu sách giáo khoa cho mỗi môn học. Căn cứ danh sách, hội đồng thảo luận tiếp rồi bỏ phiếu để chọn sách.
Như vậy, vấn đề đặt ra tại sao giáo viên lại bỏ qua những "hạt sạn" này trong quá trình đánh giá để chọn sách giáo khoa. Chưa kể đến, họ còn có quá trình tập huấn sách giáo khoa mới.
Đánh giá về vai trò của giáo viên trong chọn sách cũng như góp ý, vị hiệu trưởng ở Hà Nội cho rằng trong quá trình tập huấn, kể cả giáo viên có phát hiện vấn đề, sách cũng đã được in.
Hơn nữa, khi tập huấn, họ chưa thể biết hết được vấn đề. Chỉ khi đưa vào dạy học thực tế, mở từng trang sách, nghiên cứu để soạn giáo án, thầy cô mới nhận ra điều chưa ổn.
Nói về việc chọn sách, ông nói thêm việc chọn một bộ sách hay một cuốn sách theo từng môn không phù hợp.
Sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo, không phải pháp lệnh, giáo viên thậm chí có thể không cần dạy học theo sách giáo khoa.
Đây là cách thức được áp dụng ở nhiều nước. Họ viết nhiều bộ sách giáo khoa để giáo viên có nhiều phương án lựa chọn khác nhau, không bắt buộc chọn quyển nào.
Giải pháp nào cho nơi dạy theo sách này?
Với những nội dung được chỉ ra không phù hợp, nhiều người đặt ra câu hỏi về việc điều chỉnh sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh diều.
Ngày 12/10, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết nhóm tác giả sẽ lắng nghe góp ý và điều chỉnh những điểm chưa hợp lý trong sách.
Chiều cùng ngày, trong buổi làm việc với Bộ GD&ĐT, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo bộ tiếp thu các ý kiến đóng góp về sách Tiếng Việt lớp 1.
Vị hiệu trưởng nói trên cũng khẳng định cuốn sách cần được điều chỉnh. Thậm chí, nếu cầu thị, bên phát hành phải viết lại bản chỉnh sửa, thu hồi sách đã bán ra và phát lại bản mới cho học sinh.
Tuy nhiên, việc này khó thực hiện kịp trong năm nay. Ông nhấn mạnh sách cho năm sau nhất định phải được chỉnh sửa.
Trong thời gian còn lại của năm học, tại những trường chọn dạy Tiếng Việt lớp 1 theo bộ Cánh diều, ông cho rằng giáo viên có thể bỏ, sử dụng phương án mới của mình để dạy học, không nhất thiết theo sách.
"Ngay lập tức ở những bài sau, giáo viên cần thiết kế theo phương án riêng. Đây là trách nhiệm của họ", ông nói.
Tranh cãi chuyện vở Bài tập Tự nhiên và Xã hội lớp 1 dùng từ chỉ bộ phận nhạy cảm, chuyên gia nói gì? Trang 60, vở bài tập Tự nhiên và Xã hội lớp 1 (thuộc bộ sách Cánh Diều) dùng những từ chỉ bộ phận cơ thể như "dương vật", "âm hộ" gây nhiều tranh cãi. * Trang sách này còn có nhiều tranh cãi, tuy nhiên trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến việc sử dụng từ "dương vật"...