Xã hội hóa biên soạn SGK: Đột phá để thay đổi chất lượng giáo dục
Chủ trương xã hội hóa (XHH) biên soạn sách giáo khoa (SGK) là quan điểm tiến bộ. Sự đột phá này làm thay đổi chất lượng cũng như bộ mặt của giáo dục Việt Nam, nên cần quyết tâm, kiên định, vượt khó để triển khai.
Phát huy tối đa khả năng sáng tạo của học sinh là nhiệm vụ căn bản theo chương trình mới. Ảnh minh họa
Xung quanh vấn đề này, Báo Giáo dục & Thời đại có cuộc trao đổi với ông Đặng Tự Ân – Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT).
Thành công ban đầu
- Ông đánh giá thế nào về chủ trương XHH biên soạn SGK?
- Tôi được biết, qua đợt thẩm định SGK năm 2019, có ba nhà xuất bản gửi thẩm định 5 bộ SGK gồm 49 đầu sách của đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1. Đây là thắng lợi lớn của việc XHH việc biên soạn, xuất bản SGK, tạo tiền đề tốt cho việc ra đời các bộ SGK còn lại ở bậc tiểu học và THCS, THPT.
Ngoài ra, Nghị quyết 88 của Quốc hội đã quy định: “Cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGKđể sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT”. Để giáo viên lựa chọn bộ SGK riêng phục vụ giảng dạy là vấn đề mới và rất khó thực hiện trong hoàn cảnh thực tế ở các trường phổ thông hiện nay. Tuy nhiên, cả 63 tỉnh, thành phố đã vượt khó và làm rất tốt Nghị quyết 88 của Quốc hội. Ở nhiều nước trên thế giới, việc lựa chọn SGK để giảng dạy thường do các tổ chuyên môn, hội đồng chuyên môn của trường hoặc do phòng GD&ĐT cấp quận, huyện thực hiện.
SGK trong cơ chế thị trường, nhất là thị trường có nhiều bộ SGK là hàng hóa đặc biệt, nên cơ quan quản lý giáo dục các cấp đã công tâm, làm việc trung thực để chọn lựa bộ SGK có chất lượng và tốt nhất cho mỗi nhà trường. Vì thế có thể nói: Quy định minh bạch, công khai và khoa học là linh hồn của chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK đã được Bộ GD&ĐT chỉ đạo và các địa phương triển khai thực hiện sáng tạo theo đặc thù của từng nơi.
Video đang HOT
Bộ GD&ĐT đã thẩm định và đánh giá đúng chất lượng các bộ SGK và bảo đảm tính công bằng, dân chủ, công khai và giải trình minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng trước những ý kiến trái chiều về SGK không đạt theo quy định thẩm định. Ngăn chặn kịp thời những cạnh tranh không lành mạnh giữa các cá nhân, nhóm tác giả và nhà xuất bản.
- SGK phong phú về số lượng, nội dung bám sát chương trình mới, tạo được hiệu ứng tốt trong dư luận. Theo ông, có nên tiếp tục đẩy mạnh XHH biên soạn SGK?
- Cần phải chủ động tuyên truyền rộng rãi tính ưu việt của chủ trương một chương trình có nhiều SGK cho một số môn. Làm sao để xã hội thấy được mặt trái của việc chỉ có 1 bộ SGK, dẫn đến kết quả học tập khác nhau giữa các vùng miền. Vùng phát triển được đánh giá là quá nhẹ, vùng khó khăn lại cho rằng quá nặng; kìm hãm sự sáng tạo của giáo viên. Đồng thời cần làm rõ quản lý chuyên môn phải bằng chương trình chứ không phải là SGK. Thi theo chuẩn và yêu cầu đầu ra chứ không theo nội dung SGK. Bộ GD&ĐT có trọng trách lớn là xây dựng chương trình, phê duyệt để có được các bộ SGK sao cho vừa hiện đại, phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam.
Chương trình là yếu tố tĩnh, SGK được hiểu là yếu tố động, giáo viên sẽ lựa chọn SGK phù hợp với phương pháp giảng dạy để truyền thụ kiến thức cho học sinh. Đây được xem như độ mở sáng tạo cho giáo viên và học sinh khiến tình trạng thầy đọc – trò chép, dạy thêm học thêm, bài tập về nhà chồng chất sẽ dần loại bỏ.
Mặt khác, giáo dục Việt Nam cũng đã từng có nhiều bộ SGK. Năm 1989 có 3 bộ SGK môn Văn và 3 bộ SGK môn Toán. Năm 2000, bộ SGK này gộp lại thành bộ SGK duy nhất. Năm 2002 lại tiếp tục soạn với 2 bộ SGK, một bộ theo chương trình cơ bản, một bộ nâng cao để dạy học phân ban, cho 6 môn học.
Ông Đặng Tự Ân trao đổi với học sinh tiểu học huyện Bát Xát (Lào Cai). Ảnh: NVCC
Kiên định, quyết tâm vượt khó
- Nhiều người cho rằng, XHH SGK có tính đột phá và tiết kiệm được nguồn ngân sách Nhà nước. Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Tôi không nghĩ chủ trương XHH biên soạn SGK chỉ là nhằm tiết kiệm, giảm chi ngân sách của Nhà nước, mà cần hiểu một cách rộng hơn, đó là sự huy động và hợp tác “sức người, sức của” cũng như tạo điều kiện để tham gia giám sát của mọi người dân, toàn xã hội vào quá trình biên soạn, in và phát hành các bộ SGK.
Việc XHH, cho phép có nhiều bộ SGK là chủ trương mới, chúng ta chưa từng làm một cách rộng rãi và triệt để nên không có nhiều kinh nghiệm. Trong khi đó, thực hiện nhiều bộ SGK cùng theo một chương trình là quan điểm tiến bộ, là xu thế của tất cả các nước có nền giáo dục tiên tiến. Sự đột phá này sẽ làm thay đổi chất lượng cũng như bộ mặt của giáo dục Việt Nam, nên cần quyết tâm, kiên định, vượt khó để triển khai.
- Ông có đề xuất gì để giải quyết bài toán Nghị quyết 88 của Quốc hội giao “Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK”, để việc này không cản trở XHH?
- Tôi nghĩ nguyên nhân sâu xa của việc đưa ra bài toán trên cho Bộ GD&ĐT vì lo lắng xảy ra khả năng không có nhà xuất bản nào biên soạn được đầy đủ một bộ SGK với đủ các môn và hoạt động giáo dục. Trong trường hợp này, Bộ GD&ĐT với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước có quyền lựa chọn trong số các nhà xuất bản một đơn vị có uy tín, năng lực và yêu cầu họ cam kết sẽ biên soạn đầy đủ, chất lượng một bộ SGK cho tất cả các lớp, môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình đã được công bố. Với cách đặt vấn đề như vậy, Bộ GD&ĐT đã có giải pháp, cách giải bài toán và còn tránh được việc phải tổ chức biên soạn một bộ SGK riêng.
Nếu Bộ GD&ĐT tự biên soạn và hoàn thiện bộ SGK rồi lại tự thẩm định sẽ bất lợi, không thể giải thích để xã hội hiểu và tin được sự trung thực và khách quan trong quá trình thẩm định SGK. Ngoài ra, khi có bộ SGK riêng của Bộ GD&ĐT, các địa phương sẽ chọn bộ sách này, bởi nghĩ SGK của Bộ là chuẩn, “lành” nhất và an tâm, không cần suy nghĩ và không cần tìm mua các bộ SGK của các nhà xuất bản khác. Điều này khiến các nhà xuất bản phá sản do không bán được SGK. Từ đó, ý nghĩa cũng như mục tiêu của việc XHH viết SGK sẽ mất đi và không bao giờ có thể thực hiện được ở Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông!
Với 5 bộ SGK đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt để đưa vào giảng dạy ở lớp 1 năm học mới, tôi tin tưởng rằng những bộ SGK mới đã hiện thực hóa và góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới giáo dục nước nhà, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện của học sinh như Nghị quyết số 29-NQ/TW đã chỉ ra. – Ông Đặng Tự Ân
Vì sao sách 'Cánh diều' hấp dẫn?
Trong năm bộ sách giáo khoa lớp 1 được Bộ GD-ĐT phê duyệt để các trường lựa chọn, bộ sách 'Cánh diều' không thuộc Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam được chọn nhiều nhất, vì sao?
GS Nguyễn Minh Thuyết
GS Nguyễn Minh Thuyết - tổng chủ biên môn tiếng Việt của bộ sách "Cánh diều" - cho biết với kinh nghiệm viết sách lâu năm, các tác giả đã kế thừa những ưu điểm của bộ sách giáo khoa (SGK) hiện hành, đồng thời có nhiều đổi mới.
Vì thế, nhiều giáo viên thấy bộ sách này vừa quen thuộc, dễ dạy, dễ triển khai, vừa có triển vọng nâng cao chất lượng giáo dục của môn học. Đó là một ưu điểm để "Cánh diều" được chọn nhiều.
Tuy nhiên, có một lợi thế rõ ràng nhất để bộ SGK "Cánh diều" thành công trong đợt cạnh tranh đầu tiên chọn SGK lớp 1 lại nằm ở "sự hấp dẫn" của đội ngũ tác giả, chủ biên, tổng chủ biên. Có 40/56 người là tác giả, chủ biên, tổng chủ biên của bộ SGK "Cánh diều" là chủ biên hoặc thành viên xây dựng các chương trình môn học.
Về điều này, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, trong Sổ tay thực hiện dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông đã thống nhất giữa Bộ GD-ĐT và Ngân hàng Thế giới có quy định sẽ chuyển toàn bộ đội ngũ làm chương trình sang viết bộ SGK do Bộ GD-ĐT tổ chức (sử dụng ngân sách) nếu các thành viên này tình nguyện và đáp ứng được yêu cầu biên soạn SGK.
Bộ sách giáo khoa "Cánh diều" trong buổi ra mắt tại Hà Nội - Ảnh: V.Hà
Sổ tay thực hiện dự án quy định bộ SGK do Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn phải khởi động chậm nhất sáu tháng trước khi công bố chương trình giáo dục phổ thông. Việc bắt tay vào soạn SGK và đem SGK đi dạy thực nghiệm sẽ rất hữu ích đối với việc hoàn thiện dự thảo chương trình. Đáng tiếc là Bộ GD-ĐT đã không thể triển khai được công việc này đúng tiến độ.
Với những thông tin này, liệu các tác giả vừa tham gia chương trình, vừa viết SGK có rơi vào tình huống "vừa là trọng tài, vừa là cầu thủ"? Điểm mạnh của "Cánh diều" để thành công trong cuộc chọn sách liệu có phải yếu tố thiếu công bằng với các bộ SGK khác?
Trao đổi với Tuổi Trẻ về băn khoăn này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết các văn bản quy phạm pháp luật chỉ không cho phép vừa viết SGK vừa tham gia thẩm định SGK và như vậy mới gọi là "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Sổ tay thực hiện dự án còn khuyến khích người làm chương trình viết SGK. Việc người hiểu rõ chương trình biên soạn SGK chỉ có lợi cho người học, người dạy.
Như vậy, có một khoảng giao nhau giữa công việc xây dựng chương trình và biên soạn SGK. Nhưng theo GS Thuyết, nếu không chuẩn bị trước thì không thể có SGK kịp thẩm định và chọn SGK như bây giờ.
Xã hội hóa biên soạn SGK - Đưa Nghị quyết của Quốc hội vào thực tiễn giáo dục Hiện Bộ GD&ĐT đã phê duyệt và cho phép sử dụng 5 bộ SGK lớp 1 mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018; Đã có 3 NXB tham gia biên soạn SGK cho thấy Nghị quyết của Quốc hội về xã hội hoá biên soạn SGK đã đi vào thực tiễn giáo dục. Hiện có 3 NXB tham gia biên soạn...