WSJ: Mỹ dự định chuyển bom dẫn đường chính xác cho Israel
Chính quyền Mỹ được cho là đã trình Quốc hội về kế hoạch chuyển giao Tổ hợp bom lượn Spice Family – một loại vũ khí dẫn đường chính xác được phóng đi từ máy bay chiến đấu, cho Israel.
Những quả bom MK-84 được gắn đuôi là bộ thiết bị Đạn dược Tấn công Trực tiếp Phối hợp trong một nhà kho của căn cứ không quân Mỹ Al Udeid ở Qatar. Ảnh: Không quân Mỹ
Theo tờ Wall Street Journal ngày 6/11, chính quyền Tổng thống Biden sẽ chuyển 320 triệu USD bom dẫn đường chính xác cho Israel khi cuộc chiến với Hamas tiếp tục ở Gaza và Israel đang đối mặt với áp lực phải tạm dừng chiến đấu vì lý do nhân đạo.
Dựa trên những thư từ mà tờ WSJ nắm được, Rafael USA, một nhà sản xuất vũ khí ở Mỹ, sẽ chuyển bom cho công ty mẹ ở Israel là Rafael Advanced Defense Systems để quân đội Israel sử dụng. Gói vũ khí bao gồm cả hỗ trợ và thử nghiệm.
Theo Wall Street Journal, chính quyền Tổng thống Biden đã chính thức thông báo cho các nhà lãnh đạo Quốc hội về việc chuyển giao này từ ngày 31/10.
Thông tin nói trên được đưa ra ngay sau khi Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu “đã thảo luận về khả năng tạm dừng chiến thuật” để cho phép dân thường rời khỏi khu vực giao tranh một cách an toàn, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi ngừng bắn.
Cùng ngày, tờ New York Times cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt thương vụ trị giá 320 triệu USD bán cho Israel các thiết bị biến bom không điều khiển thành đạn dược dẫn đường bằng GPS chính xác hơn – theo một lá thư của Bộ Ngoại giao gửi tới Quốc hội mà tờ báo có được. Đơn đặt hàng này tiếp nối đơn đặt hàng trước đó cho cùng một thiết bị trị giá gần 403 triệu USD. Israel đã sử dụng bộ dụng cụ này trong chiến dịch ném bom ở Gaza.
Bộ Ngoại giao Mỹ được cho là đã gửi thư thông báo về việc bán thiết bị dẫn đường bom cho các văn phòng Quốc hội vào ngày diễn ra cuộc tấn công vào Jabaliya. Bức thư nói rằng Rafael Advanced Defense Systems, một nhà sản xuất vũ khí thuộc sở hữu của Bộ Quốc phòng Israel, đang trả 320 triệu USD cho thiết bị và dịch vụ cho “Các tổ hợp bom lượn gia đình Spice”, ám chỉ một loại bộ bom chính xác do Rafael sản xuất. Bên bán thiết bị là Rafael USA, một công ty có trụ sở tại Bethesda, là công ty liên kết với Rafael Advanced Defense Systems của Israel.
Theo tờ New York Times, đây là thương vụ trong đó một thực thể nước ngoài mua vũ khí trực tiếp từ một công ty Mỹ thay vì thông qua chính phủ Mỹ, vì vậy Bộ Ngoại giao chỉ được yêu cầu tiết lộ sự chấp thuận của mình trong các kênh hẹp. Cơ quan đăng ký Quốc hội lưu ý rằng Bộ Ngoại giao đã gửi thư thông báo vào ngày 31/10, nhưng bức thư này không có trên bất kỳ trang web công cộng nào của quốc hội hoặc trên trang web của Bộ Ngoại giao.
Video đang HOT
Bức thư được gửi từ Naz Durakoglu, trợ lý thư ký phụ trách các vấn đề lập pháp, tới Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, cũng như tới Ủy ban Đối ngoại Hạ viện và Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cả hai đều giám sát việc phê duyệt bán vũ khí của Bộ Ngoại giao.
New York Times dẫn nguồn một quan chức Bộ ngoại giao Mỹ, nói rằng yêu cầu của Israel về việc ủy quyền mua thiết bị chế tạo bom trị giá 320 triệu USD đã được đưa ra vào đầu năm nay và đã trải qua quá trình xem xét không chính thức với các ủy ban Quốc hội, nhưng chưa nhận được sự chấp thuận cuối cùng của Bộ Ngoại giao trước vụ tấn công ngày 7/10.
Theo bức thư, đơn đặt hàng trước đó do Rafael Advanced Defense Systems đặt cho cùng loại thiết bị và trị giá gần 403 triệu USD, đã được Bộ phê duyệt vào ngày 5/2.
Tờ New York Times cũng cho biết Israel đã đặt mua thêm đạn dược từ Mỹ cùng với thiết bị chế tạo bom dẫn đường. Quân đội hiện đại thường bổ sung hệ thống dẫn đường vào bom của họ với mục tiêu giảm thiểu thương vong cho dân thường, mặc dù thiệt hại vẫn có thể rất nặng nề, đặc biệt là ở các khu vực thành thị.
Kho vũ khí phòng không của Israel chủ yếu bao gồm những quả bom nặng 450 – 900kg, là những loại bom lớn nhất được sử dụng bởi bất kỳ lực lượng quân sự nào. Israel đã thả ít nhất hai quả bom nặng 900kg trong một cuộc không kích vào ngày 31/10 xuống khu Jabaliya đông đúc ở Gaza. Theo chính quyền Gaza và các quan chức bệnh viện, cuộc tấn công đó đã giết chết hàng chục người và làm nhiều người khác bị thương.
Về phần mình, Israel cho biết họ đã nhắm mục tiêu thành công vào một chỉ huy cấp cao của Hamas, người đã giúp lên kế hoạch cho các cuộc tấn công ngày 7/10, trong đó các tay súng Hamas và những nhóm vũ trang khác đã sát hại hơn 1.400 người Israel, bắt cóc 240 người khác.
Hamas phủ nhận có bất kỳ chỉ huy nào của họ có mặt ở khu vực Jabaliya vào thời điểm xảy ra cuộc tấn công ngày 31/10.
Cùng ngày 6/11, Liên hợp quốc cho biết Gaza đang trở thành “nghĩa địa cho trẻ em”, nhấn mạnh hơn yêu cầu ngừng bắn trong bối cảnh Cơ quan y tế Palestine cho biết số người chết vì các cuộc tấn công của Israel đã vượt quá 10.000.
Hamas sử dụng chiến thuật của Ukraine để phục kích binh sĩ Israel ở Gaza
Những đoạn video mới từ Gaza cho thấy Hamas có thể đã rút được bài học từ cuộc chiến máy bay không người lái trên các chiến tuyến ở Ukraine.
Theo tờ Telegraph, Lữ đoàn Al-Qassam, nhánh quân sự của Hamas, tuần này đã thực hiện một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các binh sĩ IDF ở Beit Hanoun. Chiếc UAV thả loại lựu đạn chế thủ công, bắt chước lựu đạn M26A2.
Lúc đầu, chiếc máy bay không người lái bay cao trên một khu phố ở Beit Hanoun, giờ đây là vùng đất hoang tàn đổ nát trên sa mạc cằn cỗi phía bắc Gaza sau nhiều cuộc không kích của Israel.
Đoạn video, được quay bởi chính thiết bị do Hamas vận hành, cho thấy cách nó chuyển động tự động để tìm và nhắm vào mục tiêu. Một quả bom màu đen, với phần đuôi màu cam giúp dẫn hướng, lơ lửng giữa không trung trong vài giây rồi rơi xuống.
Cảnh quay góc rộng lúc này thu hẹp lại để tập trung vào tác động của vụ nổ, chỉ cách hàng chục binh sĩ của một đơn vị bộ binh Israel đang nghỉ ngơi vài bước chân. Hầu hết các binh sĩ đều bật dậy, chạy tán loạn trong làn khói và chạy qua vùng đất hoang. Một số dường như vẫn ở lại thực địa, số phận của họ không rõ.
Đoạn phim do cánh quân sự của Hamas công bố trên mạng xã hội không thể được xác minh độc lập, nhưng nó chỉ ra việc nhóm này áp dụng các chiến thuật được thấy rộng rãi trong cuộc xung đột ở Ukraine, nơi việc sử dụng máy bay không người lái thương mại được cải tiến để tấn công đối phương đã trở nên phổ biến như một hoạt động thường ngày ở tiền tuyến.
Chiến lược này lần đầu tiên được Hamas triển khai và gây ra tác động tàn khốc vào ngày 7/10, khi nhóm chiến binh Palestine phát động cuộc tấn công bất ngờ vào Israel bằng cách lần đầu tiên sử dụng máy bay không người lái thương mại thả chất nổ làm vô hiệu hóa các tháp giám sát dọc theo hàng rào biên giới với Dải Gaza.
Trước đó, ngay từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, Nga đã triển khai máy bay không người lái thương mại mang theo thiết bị nổ - một chiến lược sau đó nhanh chóng được Ukraine nhân rộng và hiện đang nỗ lực chế tạo càng nhiều máy bay không người lái càng tốt để trinh sát và tấn công quân địch.
Trong "cuộc chiến máy bay không người lái" ở Ukraine, những đoạn video được tung lên mạng xã hội đã nhiều lần tiết lộ việc quân đội Nga trú ẩn trong chiến hào đã bị bất ngờ trước cuộc tấn công từ một máy bay không người lái nhỏ (UAV) mà họ khó có thể phát hiện cho đến khi chúng đã lơ lửng trên đầu.
Đoạn video mới từ Gaza cho thấy Hamas có thể đã học được bài học này, mặc dù các chuyên gia chỉ ra rằng số lượng và quy mô máy bay không người lái được sử dụng ở Gaza không thể bằng Ukraine.
Trong những ngày sau cuộc tấn công kinh hoàng của Hamas vào các vùng biên giới phía nam Israel, các nhà phân tích cho biết họ đã rất ngạc nhiên trước khả năng hiệu chỉnh lại các máy bay không người lái có sẵn của nhóm chiến binh này.
Liran Antebi, chuyên gia công nghệ máy bay không người lái tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) ở Tel Aviv, nói với Deutsche Welle (Đức) rằng bà "rất ngạc nhiên trước cách sử dụng máy bay không người lái phức tạp và bất ngờ của Hamas".
Bà Antebi nói thêm: "Điều này chứng tỏ rằng, ngay cả khi còn khá thô sơ về mặt công nghệ, bọn chúng vẫn có thể nguy hiểm hơn nhiều trong một nhiệm vụ phức tạp so với những gì chúng tôi đã thừa nhận trước đây".
Máy bay không người lái của Hamas bay trên Thành phố Gaza vào ngày 14/12/2022. Ảnh: NurPhoto/Getty Images
Hôm 2/11, quân đội Israel xác nhận 15 binh sĩ đã thiệt mạng trong các trận chiến ở phía bắc Gaza kể từ ngày 31/10 - đây là thương vong đầu tiên của Israel bên trong khu vực này. Họ không đề cập đến vụ đánh bom bằng máy bay không người lái nói trên.
Tướng Vincent Desportes, giáo sư chiến lược tại Đại học Sciences Po, đã giải thích sự phức tạp của một cuộc tấn công trên bộ trong một cuộc phỏng vấn trên kênh France 24, ông cho rằng Hamas có thể sẽ nhắm mục đích gây thương vong hàng loạt để gây sốc cho công chúng Israel và buộc quân đội nước này phải rút lui.
Ông Desportes nói: "Israel biết rằng họ đang rơi vào một cái bẫy do Hamas chuẩn bị trong nhiều năm, vì vậy Israel phải rất cẩn thận trong cách thực hiện chiến dịch trên bộ của mình".
Các hệ thống máy bay không người lái nhỏ (UAS) đã được Hamas sử dụng trong làn sóng tấn công đầu tiên ngày 7/10 nhằm loại bỏ các tháp quan sát, camera và thông tin liên lạc của Israel. Chiến thuật này nhằm mục đích bịt mắt đối phương và khiến hàng phòng thủ Israel bối rối.
Nhóm Palestine cũng thả đạn từ UAS xuống xe tăng, biết rõ cách nhắm mục tiêu để vô hiệu hóa chúng, cũng như binh lính và lực lượng ứng cứu khẩn cấp. Một nhóm máy bay không người lái cũng được triển khai để tấn công các tàu hải quân và cơ sở hạ tầng năng lượng.
Cũng trong cuộc tấn công ngày 7/10, cùng với hàng nghìn quả tên lửa, Hamas còn phóng loạt loại đạn tuần kích mớicòn được gọi là máy bay không người lái tự sátđược gọi là Zouari, đặt theo tên của kỹ sư quá cố của Hamas là Mohammed Zouari.
Israel lần đầu tiên sử dụng vũ khí 'Ngòi Sắt' trong chiến đấu Iron Sting (Ngòi Sắt) đã được đơn vị Maglan của IDF sử dụng để bắn trúng các bệ phóng tên lửa của Hamas ở Gaza. Lắp đặt "Ngòi sắt" lên súng cối Cardom của Israel. Ảnh: Breakingdefense Hỏa lực chính xác là một khía cạnh quan trọng của chiến tranh hiện đại. Việc triển khai đạn dược trực tiếp tới mục tiêu sẽ...