Xung đột Israel-Hamas: Trung Quốc có thể làm gì vì hòa bình ở Trung Đông?
Bắc Kinh có thể sử dụng ảnh hưởng ngày càng tăng của mình trong khu vực để ngăn chặn xung đột lan rộng.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (giữa) cùng với Ali Shamkhani (phải), Thư ký hội đồng an ninh Iran, và Musaad al-Aiban, Ngoại trưởng Saudi Arabia tại Bắc Kinh vào tháng 3/2023. Ảnh: Tân Hoa/AP
Sự khác biệt giữa xung đột Nga-Ukraine và xung đột Israel-Hamas là gì? Câu trả lời là: không ai biết khi nào xung đột ở Ukraine sẽ kết thúc, trong khi không ai biết khi nào xung đột ở Gaza sẽ lại bắt đầu, ngay cả khi nó vừa kết thúc.
Người bạn của cả Israel và Palestine
Liệu Trung Quốc có thể giúp mang đến hòa bình ở Trung Đông? Câu hỏi này được đặt ra vì những hạn chế rõ ràng của các cường quốc khác vào lúc này.
Nga có ảnh hưởng đáng kể ở Trung Đông, nhưng do nước này đang trong cuộc chiến riêng với Ukraine, mà Iran được cho là một trong những nhà cung cấp vũ khí cho Kiev nên Moskva có rất ít hy vọng giành được lòng tin của Israel. EU thì đang bị phân cực sâu sắc và bất lực trước các cuộc biểu tình ủng hộ người Hồi giáo Palestine trên khắp lục địa. Còn Mỹ, đồng minh trung thành của Israel, trong lịch sử đã hỗ trợ Israel vô điều kiện trong mọi cuộc xung đột.
Theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), bối cảnh đó đã hướng sự chú ý đến vai trò của Trung Quốc. Sau khi làm trung gian cho việc nối lại quan hệ lịch sử giữa Saudi Arabia và Iran, một Bắc Kinh đầy tham vọng hơn đã cố gắng khởi xướng các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine ngay cả trước khi cuộc xung đột mới nhất nổ ra.
Sự ủng hộ của Trung Quốc đối với chính nghĩa của người Palestine đã có từ thời lãnh tụ Mao Trạch Đông. Đồng thời, Trung Quốc cũng đã phát triển mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Israel bắt đầu từ những năm 1980. Tel Aviv cho biết họ thất vọng vì Bắc Kinh không trực tiếp lên án Hamas sau vụ tấn công ngày 7/10.
Tuy nhiên, như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ninh đã nói, Bắc Kinh tự coi mình là bạn của cả Israel và Palestine.
Video đang HOT
Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas, trái, gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào ngày 14/6/2023. Ảnh: Reuters
Ngăn chặn xung đột khu vực
Kể từ khi bùng phát bạo lực mới nhất, Bắc Kinh đã gọi điện thoại, cung cấp viện trợ nhân đạo và cử đặc phái viên tới khu vực. Nhưng theo tờ SCMP, điều tốt nhất Trung Quốc có thể làm – ngoại trừ việc ngăn chặn sự trả đũa của Israel, một nhiệm vụ bất khả thi ngay cả đối với Liên hợp quốc – là giúp ngăn chặn một cuộc xung đột tầm khu vực.
Điều này là khả thi. Các nước Trung Đông đã xích lại gần Trung Quốc hơn trong những năm gần đây. Trong lần mở rộng gần đây của nhóm BRICS, với Trung Quốc làm trung tâm, bốn quốc gia Trung Đông, gồm Ai Cập, Iran, UAE và Saudi Arabia, đã tham gia.
Câu hỏi được quan tâm lúc này là liệu Trung Quốc có thể sử dụng ảnh hưởng của mình với Iran, một nước ủng hộ lâu dài cho Hezbollah, để ngăn chặn nhóm chiến binh này mở mặt trận chiến tranh ở phía bắc Israel hay không. Hezbollah được đánh giá là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Israel hơn Hamas vì nhóm này sở hữu kho tên lửa khổng lồ, hàng nghìn chiến binh giàu kinh nghiệm và nhiều nguồn lực khác.
Gìn giữ hòa bình
Một lĩnh vực khác mà Trung Quốc có thể đóng góp là gìn giữ hòa bình. Israel khó có thể loại bỏ Hamas bằng cuộc chiến của mình và sự chiếm đóng của Israel chắc chắn sẽ phản tác dụng. Điều này có nghĩa là một ngày nào đó có thể cần đến việc gìn giữ hòa bình.
Israel trước đây đã từ chối lời kêu gọi của người Palestine về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Gaza và Bờ Tây, nhưng nước này có thể phải xem xét lại điều này.
Phái bộ Gìn giữ hòa bình đầu tiên của Liên hợp quốc trên thực tế được thành lập để giám sát thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc chiến tranh Arab – Israel năm 1948. Ngày nay, lực lượng gìn giữ hòa bình được phép làm nhiều việc hơn là chỉ tuân thủ lệnh ngừng bắn. Họ có thể giúp bảo vệ dân thường, duy trì trật tự dân sự, hồi hương người tị nạn và xây dựng lại các dịch vụ cơ bản.
Trung Quốc, hiện là nước cung cấp lực lượng gìn giữ hòa bình lớn nhất trong số các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có đủ điều kiện để lãnh đạo nỗ lực gìn giữ hòa bình này.
Người ta đã nói nhiều về cách Bắc Kinh có thể lấp đầy khoảng trống mà Washington để lại ở Trung Đông. Điều này thực ra không đúng. Ngay cả khi Washington muốn rời đi, họ cũng không thể tự giải thoát mình, như có thể thấy trong cuộc xung đột hiện nay.
Thay vào đó, Bắc Kinh và Washington có lợi ích chung ở một Trung Đông ổn định và hòa bình. Không bên nào có lý do gì để phản đối những nỗ lực của bên kia nhằm thúc đẩy hòa bình. Đáng chú ý là cả hai đều có chung quan điểm về hai vấn đề quan trọng nhất trong khu vực: giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine và ngăn chặn người Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Trong khi Gaza đang oằn mình trong tình trạng bạo lực tồi tệ nhất trong 50 năm, giải pháp hai nhà nước lần đầu tiên được đề xuất trong nghị quyết của Liên hợp quốc năm 1974 giờ đây có vẻ giống như điều không tưởng. Do đó, Bắc Kinh và Washington nên cùng nhau hợp tác ngoại giao, áp dụng giải pháp hai nhà nước làm nguyên tắc tối cao dẫn đường cho bất kỳ lộ trình nào phía trước.
Nếu không có giải pháp chính trị, người Israel sẽ luôn sống trong sợ hãi. Và làn sóng bạo lực mới nhất đã cho thấy tại sao người Palestine xứng đáng có một quê hương.
Bắc Kinh và Washington cũng phải hợp tác để tìm ra giải pháp cho tình trạng bế tắc hạt nhân của Iran. Cuộc chiến ở Gaza sẽ làm trầm trọng thêm mối lo ngại của Iran về an ninh của chính họ và có thể khiến nước này quyết tâm phát triển vũ khí hạt nhân hơn.
Về vấn đề này, lợi thế lớn nhất của Trung Quốc chính là sự tin tưởng của Tehran. Trung Quốc là cường quốc duy nhất mang lại cho Iran huyết mạch kinh tế trước các lệnh trừng phạt của Mỹ. Trung Quốc cần nói rõ với Iran rằng ngay cả khi được quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, Iran cũng không được phát triển bom hạt nhân.
Sự phân biệt này phải được thực hiện. Chẳng hạn, mặc dù có mối quan hệ vững chắc với Nga, Trung Quốc cũng nói rõ rằng họ sẽ không dung thứ cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Tên lửa mới của Iran được cho là có thể vươn tới các căn cứ quân sự của Israel và Mỹ ở Trung Đông. Vì vậy, Bắc Kinh cũng cần nói với Tehran rằng ngay cả khi Iran thành công trong việc phát triển bom hạt nhân, nước này cũng sẽ không tăng cường được an ninh. Thay vào đó, Iran có thể hứng chịu một cuộc tấn công quân sự phủ đầu của Israel, hoặc bộ đôi Israel và Mỹ. Hành động của họ chắc chắn sẽ dẫn đến các lệnh trừng phạt nghiêm khắc của Liên hợp quốc, mà Trung Quốc phải tôn trọng.
Một Iran có vũ khí hạt nhân có thể gây ra phản ứng dây chuyền của các cường quốc khác trong khu vực, như Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ, trong việc phát triển vũ khí hạt nhân.
Ở một khu vực mà kẻ thù của kẻ thù không nhất thiết là bạn của tôi, tính trung lập truyền thống của Trung Quốc là hợp lý. Nhưng Trung Quốc cũng là cường quốc duy nhất thân thiện với các nước trong khu vực. Đây là một tài sản lớn. Theo SCMP, Bắc Kinh nên tận dụng điều đó để giúp cho Trung Đông an toàn hơn.
Xung đột Hamas Israel: EU kêu gọi chấm dứt giao tranh
Ngày 31/10, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell một lần nữa kêu gọi ngừng xung đột Hamas-Israel và lên án các cuộc tấn công của những người định cư Israel nhằm vào người Palestine ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng.
Tìm kiếm các nạn nhân trong đống đổ nát sau vụ không kích của Israel xuống thành phố Rafah, Dải Gaza ngày 31/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Sau một loạt cuộc điện đàm với giới chức cấp cao các nước Arab, Văn phòng của Đại diện cấp cao EU cho biết ông Borrell đã "bày tỏ quan ngại sâu sắc và cực lực lên án các cuộc tấn công của những người định cư Israel nhằm vào người Palestine".
EU đã kêu gọi bảo vệ dân thường của cả hai bên trong cuộc xung đột, yêu cầu Hamas thả con tin vô điều kiện và "ngừng bắn nhân đạo" để cho phép viện trợ vào Gaza. Tuy nhiên, sau các cuộc điện đàm với các Ngoại trưởng Saudi Arabia, Jordan và Ai Cập và Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) Hissein Brahim Taha, ông Borrell cũng bày tỏ lo ngại về các sự kiện liên quan ở khu Bờ Tây.
Trong diễn biến khác cùng ngày, Bộ Ngoại giao Bolivia tuyên bố chính phủ nước này sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel. Trước đó, Bolivia từng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel hồi năm 2009 để phản đối các cuộc tấn công vào Dải Gaza. Năm 2020, Chính phủ của Tổng thống Jeanine Anez đã tái thiết lập quan hệ với Nhà nước Do Thái.
Thứ trưởng Ngoại giao Bolivia Freddy Mamani kêu gọi Israel ngừng tấn công Gaza trong bối cảnh hàng nghìn người ở đây đã thiệt mạng do các cuộc giao tranh giữa Israel và Hamas gần một tháng qua.
Bolivia cũng đề nghị Israel ngừng phong tỏa Gaza bởi lệnh bao vây này làm gián đoạn nguồn cung điện, nước, lương thực và các nhu yếu phẩm khác cho người dân ở đây.
Trong khi đó, Chính phủ Chile cũng đã triệu hồi Đại sứ tại Israel về nước để tham vấn sau chiến dịch quân sự của Israel vào Dải Gaza.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Chile kêu gọi chấm dứt ngay lập tức những hành động thù địch, trả tự do cho các con tin bị Hamas bắt giữ và tạo điều kiện cung cấp viện trợ nhân đạo cho khoảng 2 triệu người ở Gaza.
Cùng ngày, trên mạng xã hội X, Tổng thống Colombia Gustavo Petro xác nhận Bogota đã triệu hồi Đại sứ Colombia tại Israel liên quan đến cuộc chiến ở Gaza. Tổng thống Colombia nêu rõ: "Tôi đã quyết định triệu hồi Đại sứ của chúng tôi tại Israel. Nếu Israel không ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào người dân Palestine thì chúng tôi không thể ở lại đó".
Trong khi đó, Tổng thống Brazil Lula da Silva, người đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đã kêu gọi ngừng bắn. Ông nhấn mạnh các cuộc tấn công của các tay súng Hamas chống Israel không thể là cái cớ để sát hại người dân vô tội ở Gaza.
Thúc đẩy nỗ lực quốc tế viện trợ Dải Gaza Bên cạnh nỗ lực thúc đẩy Israel và lực lượng Hamas tiến đến ngừng bắn, cộng đồng quốc tế đang khẩn trương thiết lập các cơ chế chuyển hàng hóa cứu trợ vào Dải Gaza để xoa dịu cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng với người Palestine. Hãng tin AP ngày 30/10 ghi nhận 33 xe tải chở theo nước sạch, thực...