WHO: Không có bằng chứng biến thể virus SARS-CoV-2 kháng vaccine
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, hai quan chức hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 6/1 cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Nam Phi hoặc ở Anh có khả năng kháng vaccine hay khiến bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn.
Hình ảnh quét qua kính hiển vi điện tử cho thấy một tế bào (màu xanh) bị virus SARS-COV-2 (màu tím) xâm nhập, lấy từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 tại Viện Nghiên cứu Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia, Fort Detrick, Maryland, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan và Trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu về COVID-19 của WHO, Tiến sĩ Maria Van Kerkhove đã tham gia phiên họp báo trực tuyến ngày 6/1 nhằm giải đáp các thắc mắc liên quan đến nguy cơ biến thể được phát hiện tại Nam Phi của virus SARS-CoV-2 có thể kháng lại các loại vaccine đang được sử dụng và cấp phép ở nhiều nước. Tiến sĩ Van Kerhove cho rằng đây là tin rất tốt và là thông tin mới nhất WHO có được cho đến nay, trong khi các nghiên cứu vẫn đang tiếp tục.
Biến thể của virus SARS-CoV-2 đã lần đầu tiên được phát hiện ở Vịnh Nelson Mandela, tỉnh Eastern Cape, Nam Phi vào tháng 10/2020. Nghiên cứu cho thấy biến thể này có thể đã xuất hiện vào cuối tháng 8 năm ngoái. Mặc dù đến nay, nhà chức trách mới chỉ ghi nhận một số ca nhiễm biến thể này bên ngoài Nam Phi, song WHO ngày 5/1 nhận định biến thể này có thể tăng nhanh ở nhiều quốc gia khác gồm Anh, Pháp, Phần Lan, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Áo và Zambia.
Giám đốc Van Kerkhove cho biết biến thể tại Nam Phi và các biến thể khác của SARS-CoV-2 đều gây biểu hiện bệnh lý giống nhau, với cùng mức độ nghiêm trọng theo tiêu chí về số bệnh nhân phải nhập viện điều trị và số ca tử vong, do đó WHO chưa ghi nhận sự thay đổi về mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tuy nhiên, nhà dịch tễ học này cho biết dường như biến thể tại Nam Phi đã gia tăng khả năng lây nhiễm so với các loại virus khác.
Về phần mình, Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan cũng lưu ý rằng đã có nhiều biến thể của SARS-CoV-2 xuất hiện vào tháng 2 và tháng 3 năm ngoái. Biến thể xuất hiện khi virus có đột biến trong mã di truyền nhưng điều này không đồng nghĩa rằng virus sẽ hoạt động theo cách khác biệt. Chuyên gia này đánh giá sự khác biệt có thể ảnh hưởng đến cách virus liên kết với tế bào con người hoặc cách virus có thể tự sinh sản thành công trong cơ thể người, nhưng không thay đổi cách thức lây truyền của virus.
WHO nhấn mạnh các đối tượng được ưu tiên tiêm phòng COVID-19
Ngày 5/1, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết nhân viên y tế và những người gặp vấn đề về sức khỏe phải là những người đầu tiên được tiêm chủng vaccine ngừa bệnh COVID-19.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Lille, Pháp, ngày 28/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc Ghebreyesus nhấn mạnh: "Tiêm phòng cho nhân viên y tế và những người có nguy cơ cao mắc bệnh hiểm nghèo là cách nhanh nhất để ổn định hệ thống y tế, đảm bảo mọi dịch vụ y tế thiết yếu hoạt động và sự phục hồi kinh tế toàn cầu thực sự có thể diễn ra." Ông nêu rõ các nhân viên y tế trên toàn thế giới là những người đã chiến đấu trực diện với đại dịch và họ cần được tiêm chủng càng sớm càng tốt.
Tổng Giám đốc Ghebreyesus nhắc lại rằng hơn 30 nước đã bắt đầu tiêm chủng cho những nhóm cư dân dễ bị tổn thương nhất. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế thiết lập một mặt trận chung đối phó với dịch bệnh. Người đứng đầu WHO cũng đồng thời lưu ý các nước về những nghĩa vụ trong việc đảm bảo sự tiếp cận công bằng với vaccine trên toàn thế giới và kêu gọi các công ty dược phẩm đẩy mạnh nguồn cung.
Nhà lãnh đạo WHO đã nhiều lần kêu gọi đầu tư cho chương trình ACT-Accelerator (ACT-A) do tổ chức này đứng đầu, nhằm chia sẻ nghiên cứu và phát triển, sản xuất và mua bán trên quy mô toàn cầu để chống dịch. Cho tới nay, sáng kiến này mới chỉ nhận được 10 tỷ USD trong tổng số 38 tỷ USD cần phải có. Nếu không có được số tiền còn lại, nhiều quốc gia thu nhập thấp không thể tiếp cận với các thuốc điều trị COVID-19, bao gồm cả vaccine. Theo các chuyên gia, đây không chỉ là vấn đề tài chính, mà còn là vấn đề về đạo đức trong việc đảm bảo tiếp cận vaccine công bằng.
Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại Oman và Iran Bộ Y tế Oman ngày 5/1 thông báo đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2, là một người đến từ Anh. Kiểm tra thân nhiệt của hành khách tại sân bay quốc tế Muscat, Oman. Ảnh: AFP/TTXVN Trong một thông báo đăng trên hãng thông tấn nhà nước của Oman, Bộ trên cho biết người này...