WHO cảnh báo làn sóng tin giả tác động tiêu cực đến chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19
Thời điểm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan nhanh trên khắp thế giới hồi tháng 2/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng cảnh báo về một làn sóng “bệnh dịch thông tin” gồm tin tức giả và thông tin sai lệch về căn bệnh mới nguy hiểm này trên các mạng truyền thông xã hội.
Đến nay, khi triển vọng sớm có được vaccine ngừa COVID-19 đang ngày càng rõ ràng, tổ chức này một lần nữa cảnh báo thông tin giả và sai lệch có thể gây tổn hại cho các chương trình tiêm chủng vốn được xây dựng nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng dịch bệnh này đang gây ra.
Vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer và BioNTech phối hợp phát triển. Ảnh: AFP/TTXVN
WHO khẳng định COVID-19 là đại dịch đầu tiên trong lịch sử mà trong đó công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội được sử dụng trên quy mô lớn để bảo vệ mọi người an toàn, giúp người dân có được thông tin và được kết nối. Tuy nhiên, WHO nêu rõ mặt trái của việc con người phụ thuộc vào công nghệ để duy trì kết nối và được cung cấp thông tin, chính là sự khuếch đại “bệnh dịch thông tin” và điều này sẽ tiếp tục làm suy yếu nỗ lực ứng phó với COVID-19 trên toàn cầu và gây tổn hại cho các biện pháp khống chế dịch bệnh.
Trên thực tế, dịch bệnh COVID-19 đến nay đã cướp đi sinh mạng của trên 1,4 triệu người trên toàn cầu kể từ khi dịch bệnh được phát hiện vào tháng 12/2019 tại Trung Quốc và đến nay mới chỉ có 3 loại vaccine ngừa COVID-19 do các hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca/Oxford bào chế, được Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) xem xét cho phép lưu hành vào tháng 12 tới.
WHO định nghĩa “bệnh dịch thông tin” là một lượng thông tin dư thừa, cả trực tuyến và ngoại tuyến, bao gồm cả những âm mưu có suy tính nhằm gieo rắc thông tin sai lệch. Ngoài các vấn đề về hậu cận, chính phủ các nước cũng phải đối mặt với sự hoài nghi về vaccine được phát triển với tốc độ kỷ lục vào thời điểm mà phương tiện truyền thông vừa là công cụ để cung cấp thông tin, vừa thông tin sai lệch về virus.
Thực tế, từ tháng 1/2020 đến nay, hãng tin AFP của Pháp đã phát hơn 2.000 bài viết kiểm chứng sự thật để loại bỏ những thông tin sai lệch về virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. WHO nhấn mạnh rằng nếu không có những thông tin chính xác và đáng tin cậy, nhiều phương pháp chẩn đoán sẽ không được sử dụng, các chiến dịch tiêm chủng (hay các chiến dịch quảng bá vaccine hiệu quả) sẽ không đạt được mục tiêu và virus sẽ tiếp tục lây lan.
Video đang HOT
Ông Sylvain Delouvee – nhà nghiên cứu thuộc khoa Tâm lỹ xã hội thuộc Đại học Rennes-2 cho biết với thông tin lạc quan về phát triển vaccine ngừa COVID-19, chính phủ của nhiều nước đã lên kế hoạch bắt đầu tiêm chủng cho nhóm đối tượng dễ tổn thương nhất ngay trong năm nay. Tuy nhiên, cả Facebook, Twitter, YouTube hay WhatsApp đều đang hoạt động như một công cụ trung gian dẫn dắt thông tin không minh bạch và giả.
Nhà nghiên cứu này cho rằng mức độ thông tin giả đang được phát tán ngoài mức kiểm duyệt. Ông Rory Smith thuộc trang chống tin giả First Draft cùng đồng ý với nhận định trên. Ông Smith cho rằng, từ góc độ thông tin, cuộc khủng hoảng dịch bệnh không chỉ gây ra “bệnh dịch thông tin” trên toàn cầu, mà những thông tin giả tác động tiêu cực đến sự tin tưởng vào vaccine, các tổ chức và các phát hiện khoa học.
Rachel O’Brien, người đúng đầu bộ phận tiêm chủng của WHO, cho rằng cơ quan này lo ngại thông tin sai lệch được phong trào bài vaccine tuyên truyền có thể gây ảnh hưởng đến nhận thức của mọi người về sự cần thiết tiêm vaccine như một biện pháp phòng ngừa dịch bệnh hữu hiệu, từ đó khiến nhiều người quay lưng với các chương trình tiêm chủng.
Giáo sư Steven Wilson thuộc Đại học Brandeis University và là đồng tác giả của nghiên cứu có tựa đề “Truyền thông xã hội và Sự đắn đo với vaccine”, phát hiện mối liên quan giữa những chiến dịch gây lũng loạn thông tin trực tuyến và sự sụt giảm số người tiêm chủng.
Theo kết quả thăm dò do Ipsos thực hiện và công bố hồi tháng 10, chỉ có 54% người Pháp được hỏi cho biết họ sẽ đi tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Con số này thấp hơn 10 điểm% so với người tham gia thăm dò tại Mỹ, 22 điểm % tại Canada và 33 điểm% tại Ấn Độ. Số người cho ý kiến sẵn sàng đi tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại 15 nước trong 2 cuộc thăm dò tháng 10 và tháng 8 cũng có sự chênh lệch, 77% vào tháng 8 và giảm còn 73% vào tháng 10.
Điều đáng nói là không chỉ mất sự tin tưởng vào vaccine, các kết quả thăm dò còn cho thấy ngày càng có nhiều người hoài nghi về các tổ chức y tế. Có thể thấy rõ thực tế trong khi virus SARS-CoV-2 đang gặm nhấm sức khỏe người bệnh, “bệnh dịch thông tin” bào mòn sức đề kháng của con người trước những thông tin giả và sai lệch.
Số ca mắc COVID-19 toàn thế giới đã xấp xỉ mức 57,5 triệu
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 20/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 57.473.859 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.369.060 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là 39.888.233 người.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Washington, D.C., Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Đại dịch tiếp tục hoành hành trên toàn cầu trong tuần qua với trung bình 593.000 ca mắc mới/ngày, tăng 3% so với tuần trước. Mỹ tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong tuần với trung bình 167.400 ca/ngày (tăng 26%), sau đó là Ấn Độ với 39.200 ca (giảm 14%), Italy ổn định với 34.600 ca và Brazil 28.600 ca (tăng 18%).
Mỹ cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất trong tuần qua với trung bình 1.400 ca/ngày, sau đó là Italy (612 ca), Pháp (595 ca), Brazil (540 ca) và Ấn Độ (494 ca).
Như vậy, đến nay, quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 258.431 ca tử vong trong tổng số 12.078.831 ca mắc. Đứng thứ hai thế giới là Ấn Độ với 9.021.020 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 132.310 ca tử vong. Brazil đứng thứ 3 thế giới với 5.983.089 ca mắc và 168.141 ca tử vong. Đứng thứ 4 là Pháp 2.086.288 ca mắc và 47.127 ca tử vong.
Châu Âu vẫn là tâm dịch của thế giới trong tuần với 264.100 ca mắc mới. Tuy nhiên, tốc độ lây nhiễm tại châu Âu giảm 7% nhờ các biện pháp phong tỏa và giới nghiêm. Tính đến ngày 20/11, tổng số ca mắc tại châu Âu đã vượt mức 15 triệu ca. Theo thống kê của hãng Reuters (Anh), đến nay châu Âu ghi nhận ít nhất 15.046.656 ca mắc và 344.401 ca tử vong. Trước đó, châu Âu đã ghi nhận 5 triệu ca mắc đầu tiên sau gần 9 tháng và thêm 10 triệu ca mắc chỉ trong chưa đầy 2 tháng sau.
Với dân số chỉ chiếm 10% dân số thế giới, châu Âu hiện chiếm 26% trong tổng cộng 56,9 triệu ca mắc và 25% trong 1,3 triệu ca tử vong trên toàn cầu. Hiện cứ 100 ca mắc được xác nhận trên thế giới có 39 ca từ các nước châu Âu.
Nga đã ghi nhận thêm 24.318 ca nhiễm mới ngày 20/11, trong đó có 6.902 ca tại thủ đô Moskva, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 2.039.926 ca. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày tại Nga. Cũng trong 24 giờ qua, Nga đã ghi nhận thêm 461 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên 35.311 ca.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kiev, Ukraine. Ảnh: THX/TTXVN
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Ukraine thông báo đã có thêm 14.575 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 tại nước này lên 598.085 người, trong đó có 10.598 ca tử vong do COVID-19. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại nước này.
Trong khi đó, số ca mắc mới tại châu Á đã giảm 8%. Tâm dịch tại châu Á - Ấn Độ ghi nhận số ca mắc vượt 9 triệu, sau khi công bố thêm 45.882 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Như vậy, Ấn Độ là quốc gia thứ hai trên thế giới có số ca mắc COVID-19 vượt 9 triệu, sau Mỹ. Tuy nhiên, giới chức y tế lưu ý số ca mắc mới ở nước này đã có chiều hướng giảm sau khi lên mức đỉnh hồi tháng 9 vừa qua. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, số ca tử vong ở nước này đã tăng thêm 584 người, nâng tổng số ca tử vong lên 132.162 người.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi đi tàu điện ngầm tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: THX/TTXVN
Nhật Bản cũng đang chứng kiến số ca nhiễm tăng nhanh trong những tuần gần đây. Các nhân viên y tế lo ngại hệ thống y tế Nhật Bản có thể sớm rơi vào tình trạng quá tải, khi việc thiếu hụt giường bệnh trở nên thường xuyên hơn, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Nhật Bản hiện có tổng cộng 122.966 ca nhiễm và 1.922 ca tử vong, chưa kể số ca trên du thuyền Diamond Princess.
Nỗ lực điều chế vaccine phòng COVID-19 đạt một số tiến triển mới. Trong ngày 20/11, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) sẽ nộp hồ sơ lên Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA), Mỹ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 do hai hãng này phối hợp phát triển và đang trong giai đoạn cuối thử nghiệm.
Hiện vaccine ngừa COVID-19 của BioNTech/Pfizer và hãng dược phẩm Mỹ Moderna đang dẫn đầu trong cuộc đua vaccine trên toàn cầu, sau khi các dữ liệu thử nghiệm quy mô lớn trong tháng này cho thấy các loại vaccine này có hiệu quá ngừa COVID-19 tới 95%.
Tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVUD-19 cho tình nguyện viên tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc ngày 14/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, Liên minh châu Âu (EU) có thể cấp phép lưu hành 2 loại vaccine ngừa COVID-19 kể trên trước cuối tháng 12 tới. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen cho biết Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) sẽ chịu trách nhiệm thẩm định kết quả thử nghiệm 2 loại vaccine trên trước khi đưa ra khuyến nghị EC về việc cấp phép lưu hành.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao APEC trực tuyến Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19/11 thông báo ông sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 27, chính thức diễn ra trong ngày 20/11 theo hình thức trực tuyến. Đây sẽ là lần đầu tiên ông Trump tham dự hội nghị này kể từ lần đầu tiên và duy...