Xét nghiệm tìm kháng thể không phản ánh chính xác tỷ lệ mắc COVID-19
Các cuộc khảo sát để xác định tỷ lệ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bằng cách xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể có thể không đáng tin cậy, bởi các protein chống các tác nhân gây bệnh này thường có “tuổi thọ” ngắn.
Đây là kết luận được đưa ra trong nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tiến hành và công bố ngày 25/11.
Nghiên cứu để sản xuất vaccine phòng COVID-19 tại phòng thí nghiệm của Novavax ở Gaithersburg, bang Maryland, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Tới nay, câu hỏi liệu sự suy giảm các kháng thể chống virus SARS -CoV-2 có làm tăng nguy cơ tái nhiễm hay không vẫn còn bỏ ngỏ. Người ta cho rằng nếu tái tiếp xúc với virus SARS -CoV-2, hệ miễn dịch của hầu hết mọi người sẽ tạo ra các kháng thể mới, cũng như các tế bào miễn dịch có khả năng tiêu diệt các tế bào đã bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nghiên cứu mới của CDC đã nêu bật một hạn chế quan trọng của các nghiên cứu về tỷ lệ mắc bệnh dựa trên xét nghiệm huyết thanh vốn đang được thực hiện trên khắp thế giới , qua đó hiểu rõ hơn về số người thực sự nhiễm các loại virus không làm xuất hiện triệu chứng.
Máu gồm hai thành phần chính là các tế bào máu và huyết tương. Huyết tương sau khi được loại bỏ các yếu tố đông máu sẽ trở thành huyết thanh. CDC đã thu thập các mẫu huyết thanh từ các nhân viên y tế tuyến đầu tại 13 bệnh viện trong thời gian từ 3/4 – 19/6 năm nay và theo dõi khoảng hai tháng sau đó. Tính chung, 194 trong số 3.248 người tham gia khảo sát (tương đương 6%) có kháng thể có thể phát hiện được với virus SARS -CoV-2 ngay lần đầu tiên được xét nghiệm.
Trong số những người tham gia khảo sát có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS -CoV-2, 156 người đồng ý xét nghiệm lại trong khoảng thời gian sau 50 – 91 ngày. Trong nhóm này, 94% ghi nhận mức kháng thể sụt giảm, trong đó có 28% không sản xuất kháng thể chống virus SARS-CoV-2 đủ đến ngưỡng được coi là dương tính.
Các tác giả nghiên cứu cho rằng kết quả này cho thấy xét nghiệm huyết thanh tại một thời điểm duy nhất có khả năng không phản ánh hết số người từng nhiễm virus SARS-CoV-2, và người có kết quả xét nghiệm huyết thanh âm tính không có nghĩa là chưa từng nhiễm virus này. Những người có xuất hiện triệu chứng mắc COVID-19 có mức kháng thể ban đầu cao hơn những người bị nhiễm mà không có triệu chứng.
Ở hầu hết những người bị nhiễm virus SARS-CoV-2, cơ thể đều sản sinh kháng thể trong một vài tuần tiếp theo, trong đó những người mắc bệnh ở thể nhẹ hơn hoặc không có triệu chứng lại sản sinh ít kháng thể hơn. Do đó, kết quả của nghiên cứu trên đặt ra câu hỏi đối với quan niệm sử dụng các kết quả xét nghiệm huyết thanh của cá nhân để xác định từng bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hay chưa. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có hạn chế trong việc sử dụng hiệu quả “huyết tương dưỡng”, được lấy từ bệnh nhân mắc COVID-19 đã bình phục, trong điều trị bệnh.
Rapper 11 tuổi khơi mào tranh cãi chính trị
Khi đăng video nhạc rap lên mạng xã hội, cậu học sinh 11 tuổi người Palestine ở Gaza không ngờ mình sẽ nổi tiếng đồng thời gặp rắc rối.
Video Abdel Rahman al-Shantti, 11 tuổi, đọc rap trước cổng trường ở Gaza City bằng tiếng Anh đầy tự tin và phong thái hip-hop sôi động, đã giúp cậu bé thu hút hơn một triệu lượt xem và lời khen của những rapper nổi tiếng thế giới.
Rắc rối xảy ra khi cậu bé được hỏi về thông điệp mình muốn truyền tải.
"Cháu muốn lan tỏa tình yêu giữa chúng cháu và Israel", Abdel Rahman nói với một hãng tin Nga. "Không có lý do gì để đánh nhau và chiến tranh. Chúng ta cần xây dựng mối quan hệ giữa hai bên ngày càng tốt đẹp hơn".
Video nhạc rap của Abdel Rahman thu hút hơn một triệu lượt xem. Video: Abdel Rahman/Twitter
Bình luận này vấp phải chỉ trích dữ dội ở Gaza, nơi lãnh đạo nhóm dân quân Hamas chủ trương chống Israel để đòi lại phần đất mà họ coi là thuộc về Palestine, không chấp nhận chuyện bắt tay làm hòa với Israel.
Nhiều người Palestine đã công kích rapper nhí trên mạng xã hội cũng như bố cậu bé, cáo buộc ông đã không dạy con đúng cách về lịch sử Palestine.
Khi một cậu bé "không được học hành đầy đủ về lịch sử quê hương sẽ dễ nảy sinh những ý tưởng này trong đầu", Saad Yaghi, 23 tuổi, một người dân Gaza City, thành phố của người Palestine ở Dải Gaza viết trên Facebook.
Hãng tin Russian Today đã xóa video của Abdel Rahman theo yêu cầu của Saleh al-Shantti, bố cậu bé. Ông cũng đăng video giải thích rằng con trai không có ý nói hòa bình và tình yêu cụ thể với Israel mà muốn nói hòa bình thế giới.
"Thằng bé mới 11 tuổi và nó nói nhịu", al-Shantti nói. "Khi đó người cháu không khỏe, chuyện nói nhầm hoàn toàn có thể xảy ra".
Kêu gọi chung sống hòa bình với Israel là điều cấm kỵ ở Gaza và được coi là hành động bình thường hóa quan hệ với Israel. Một số hành động khác bao gồm các hoạt động chung hoặc giao tiếp với người Israel, có thể bị coi là phạm tội ở Gaza dù không có cơ quan chính quyền nào lên tiếng bình luận của Abdel Rahman là phạm luật.
Abdel Rahman, học sinh lớp 7 tại trường học do Liên Hợp Quốc điều hành ở Gaza City, cho biết tự học tiếng Anh bằng cách nghe nhạc trực tuyến. Cậu bắt đầu đọc rap từ năm 9 tuổi, nghe rap của những ca sĩ nổi tiếng và thu âm lại, thậm chí xuất bản nhạc của chính mình hợp tác với các nghệ sĩ nước ngoài.
Cậu thích xem giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA và trượt ván. Rapper nhí cho biết nghệ sĩ rap mà cậu ngưỡng mộ nhất là Eminem. Abdel Rahman mơ ước trở thành một nghệ sĩ nhạc rap chuyên nghiệp và được tới Mỹ biểu diễn.
Video nổi tiếng mạng xã hội do bố của Abdel Rahman quay và đăng. Một người dẫn chương trình phát thanh của Arab đã đăng nó lên Twitter của mình, thu hút gần nửa triệu lượt xem.
Abdel Rahman cho biết âm nhạc của mình nhằm truyền tải nỗi đau của người Palestine ở Gaza, nơi nền kinh tế bị tàn phá bởi sự phong tỏa của Israel và Ai Cập với lý do ngăn Hamas nhập khẩu vũ khí hoặc phương tiện để chế tạo vũ khí. Nhưng cậu cũng muốn chia sẻ thông điệp về hòa bình và bình đẳng.
"Hãy đối xử với người khác như cách ta muốn người khác đối xử với mình", cậu bé nói. "Cháu ước chúng ta có thể ngăn chặn bạo lực và phân biệt đối xử ở mọi nơi và mọi chủng tộc".
Các rapper người Palestine đánh giá cao tiềm năng của Abdel Rahman. Waheeb Nasan, rapper người Mỹ gốc Palestine, người đã viết lời bài hát trong đoạn rap đăng trên mạng của Abdel Rahman, ca ngợi cậu bé 11 tuổi vì "đã rất mạnh mẽ, truyền cảm hứng cho mọi người".
Abdel Rahman (phải) trò chuyện với bố tại nhà riêng ở Gaza. Ảnh: Reuters
"Tôi nhìn thấy cậu bé muốn truyền bá thông điệp tích cực", Nasan nói. "Tôi thấy cháu đầy triển vọng, giàu năng lượng và mang trong mình khát khao thuần khiết".
Phần đầu của video là lời khen ngợi những người Palestine đã chết vì lý tưởng, phản ánh tính dân tộc mạnh mẽ. Nasan đã kết hợp phần rap với bản phối lại bài "Hẹn gặp lại", một ca khúc ăn khách của Wiz Khalifa.
"Trước hết, đây là đất nước của chúng tôi. Hãy để tôi kể cho bạn nghe về đất nước mình", Abdel Rahman mở đầu video.
Nhiều người dùng mạng xã hội chấp nhận lời giải thích của bố cậu bé, rằng Abdel Rahman đã nói nhịu. Một số người khác không nhận xét về quan điểm của Abdel Rahman, chỉ nói việc biến một cậu bé thành mục tiêu chỉ trích là không phù hợp.
Cao ủy thương mại EU từ chức vì vi phạm giãn cách Cao ủy Thương mại EU Phil Hogan tuyên bố từ chức sau những chỉ trích vì vi phạm quy định giãn cách xã hội giữa đại dịch Covid-19. Hogan đệ đơn từ chức sau khi dự tiệc tối của hội chơi golf trong chuyến thăm Ireland, quê hương ông, hôm 19/8. Buổi tiệc có sự tham gia của khoảng 80 người, trong đó...