Vượt qua giới hạn trong quá khứ, nhiều nước phương Tây cung cấp xe bọc thép chiến đấu cho Ukraine
Các cường quốc lớn phương Tây cuối cùng đã quyết định gửi các phương tiện thiết giáp tới Ukraine, một động thái mà giới lãnh đạo Kiev đã yêu cầu từ lâu với hy vọng sẽ mang lại một sự thúc đẩy lớn trong cuộc xung đột với các lực lượng Nga.
Quân nhân Ukraine trên xe tăng ở chiến trường miền Đông. Ảnh: AFP/Getty Images
Tin vui đến vào ngày 4/1 khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo rằng ông sẽ gửi “ xe tăng hạng nhẹ” – xe chiến đấu bọc thép AMX-10 RC – tới Ukraine. Nhà lãnh đạo Pháp cho biết ông quyết định “mở rộng sự giúp đỡ” để đáp ứng “nhu cầu mà Ukraine đã bày tỏ”.
Theo ông Franois Heisbourg, cố vấn cấp cao về châu Âu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), quyết định của Pháp đánh dấu “lần đầu tiên một loại xe tăng do phương Tây thiết kế sẽ được chuyển giao cho Ukraine. Trước đó, Kiev đã nhận được viện trợ xe bọc thép, nhưng đều là những mẫu do Liên Xô thiết kế.
Quyết định của Paris vừa tạo động lực, vừa gây áp lực lên các quốc gia khác. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng ngày 4/1 đã cảm ơn Pháp vì đã cung cấp AMX-10, đồng thời kêu gọi các đồng minh khác cung cấp xe tăng và vũ khí hạng nặng khác. Ông nói: “Không có lý do hợp lý nào giải thích tại sao Ukraine vẫn chưa được cung cấp xe tăng phương Tây”.
Chỉ vài giờ sau, Đức và Mỹ đã công bố những động thái liên quan. Theo đó, Đức sẽ cung cấp xe chiến đấu bộ binh Marder, còn Mỹ sẽ gửi xe chiến đấu Bradley cho Ukraine.
Tuy nhiên, không có loại nào trong số này là phương tiện chiến đấu hiện đại mà Ukraine thực sự muốn, như chiếc Leclerc tối tân của Pháp, Leopard của Đức hay M1 Abrams của quân đội Mỹ – cơ động hơn, chính xác hơn và có tầm bắn xa hơn so với các loại xe tăng cũ của Liên Xô. Dù vậy, các động thái trên báo hiệu rằng việc cung cấp các phương tiện bọc thép cho Kiev không còn là giới hạn nữa.
Berlin và Washington cũng sẽ phối hợp cung cấp một khẩu đội tên lửa phòng không Patriot do Mỹ sản xuất cho Ukraine, nâng số lượng Patriot mà Kiev có được lên 2 khẩu đội sau khi Nhà Trắng đã công bố động thái này vào tháng trước.
Vương quốc Anh vẫn chưa đưa ra cam kết tương tự, nhưng Ngoại trưởng Jamess Cleverly cho biết sau cuộc gặp với người đồng cấp Đức Annalena Baerbock: “Chúng tôi đã và đang cung cấp loại thiết bị quân sự có thể tung ra một cú đấm quyết định vào các mục tiêu của Nga ở tầm xa”.
Xe chiến đấu AMX-10 RC của Pháp. Ảnh: Military.com
Xe chiến đấu AMX-10 RC (Pháp)
Mặc dù chiến tuyến ở Ukraine không thay đổi nhiều trong những tuần gần đây, nhưng những ưu tiên ở các thủ đô của châu Âu đang chuyển sang những gì xảy ra tiếp theo.
Đối với Pháp, đó là “một cuộc tấn công của Nga có thể xảy ra vào mùa xuân” – một cố vấn của Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Pháp Sébastien Lecornu nhắc lại những cảnh báo của NATO vào tháng 12/2022.
Xe chiến đấu AMX-10 RC đã từng được lực lượng Pháp sử dụng làm phương tiện trinh sát và là sát thủ xe tăng, kể cả trong Chiến dịch Barkhane ở châu Phi, chính thức kết thúc vào tháng 11/2022. Khả năng cơ động cũng như tốc độ của nó sẽ cho phép Ukraine tấn công nhanh và mạnh trong các cuộc đụng độ nhỏ. Tuy nhiên, lớp giáp tương đối nhẹ của AMX-10 RC là một nhược điểm khi đối mặt với các loại súng hạng nặng của Nga.
Video đang HOT
Tướng về hưu Jérôme Pellistrandi, Giám đốc tạp chí National Defense Review (Mỹ), cho biết phương tiện này có thể được triển khai phía trước một đoàn xe tăng chiến đấu chủ lực trong các chiến dịch.
“Đó là phương tiện được thiết kế vào những năm 1970 và 1980 để theo dõi bước tiến của các lực lượng vũ trang trên bộ Liên Xô. Điều lạ là ngày nay nó sẽ được sử dụng cho đúng mục đích thiết kế ban đầu, bởi người Nga đã cho thấy học thuyết của họ không thay đổi nhiều kể từ thời Xô viết”, ông Pellistrandi nói.
AMX-10 RC có thể di chuyển với tốc độ 40km/h ở địa hình gồ ghề. Ảnh: ACTU
Mặc dù không có dữ liệu công bố về việc giao hàng từ Pháp, nhưng ông Pellistrandi ước tính rằng có khoảng 30 chiếc AMX-10 RC sẽ được gửi ngay tới Ukraine vì chúng đang được thay thế bằng một thế hệ xe bọc thép mới hơn.
Tuy nhiên, có những nghi ngờ về mức độ ảnh hưởng của những chiếc xe này trên chiến trường. “Nó có thể giúp ích, nhưng xét về số lượng thì không nhiều vì có hàng trăm xe tăng và hàng nghìn xe bọc thép ở Ukraine. Người Ukraine sẽ sử dụng chúng tốt, nhưng chúng không bắn xa như xe tăng Nga”, đại tá nghỉ hưu Michel Goya, một cố vấn quốc phòng người Mỹ, cho biết.
Loại xe tăng hạng nhẹ này được trang bị pháo 105mm, tầm bắn hiệu quả 2000m. Kíp chiến đấu của xe gồm 4 người, bao gồm lái xe, trưởng xe, xạ thủ và người nạp đạn. Ngoài khẩu pháo chính, xe còn được trang bị 1 khẩu súng máy đồng trục cỡ nòng 7,62 mm và 1 khẩu súng máy hạng nặng 12,7mm có nhiệm vụ phòng không. Cơ số đạn dự trữ của khẩu pháo này là 38 viên.
AMX-10RC có trọng lượng 15 tấn, sử dụng động cơ diesel tăng áp Baudouin 6F11 SRX 280 mã lực, di chuyển với tốc độ tối đa khoảng 85km/h trên đường thường và 40km/h trên địa hình xấu.
Loại thiết giáp này được trang bị tổng cộng 4 ống phóng lựu khói, cho phép nó có thể tạo ra bức tường khói trong diện tích khoảng 100 mét vuông, đủ để che mắt đối phương và rút lui an toàn trong trường hợp nguy hiểm.
Xe chiến đấu bộ binh Marder (Đức)
Xe chiến đấu bộ binh Marder của Đức. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Marder là xe thiết giáp do Đức phát triển từ những năm 1960 và được biên chế trong quân đội Đức từ năm 1971. Xe được thiết kế với lớp vỏ bọc được làm từ thép có khả năng chống lại các loại đạn và các mảnh đạn pháo, thậm chí có thể chống đỡ trước đạn xuyên giáp 20mm.
Marder 1A3 là phiên bản nâng cấp của Marder, đã được bàn giao cho quân đội Đức từ năm 1989.
Dòng xe chiến đấu bộ binh này được thiết kế với trọng lượng 33,5 tấn; chiều dài 6,88m, chiều rộng 3,38 m và chiều cao 3,01 m. Động cơ công suất 600 mã lực cho phép xe chạy với tốc độ tối đa 65 km/h với tầm hoạt động là 500 km. Ngoài ra, Marder có thể vượt qua các chướng ngại vật thẳng đứng với độ cao 1 m, vượt qua các rãnh sâu 1,5m và tối đa là 2,5m nếu có các dụng cụ hỗ trợ.
Hỏa lực chính của Marder là pháo tự động nòng 20mm Rheinmetall MK20 Rh202 đặt trên tháp pháo có thể bắn đạn xuyên giáp và đạn nổ. Tháp pháo có thể xoay 360 và góc nâng hạ nòng là từ -17 đến 65; tầm bắn hiệu quả đối với các mục tiêu mặt đất là 2500 m và 1600 m đối với các mục tiêu trên không.
Vũ khí thứ cấp được trang bị cho xe là súng máy MG3 7,62 mm gắn đồng trục với pháo 20mm; ống phóng lựu đạn khói 76mm và bệ phóng tên lửa chống tăng MILAN.
Xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley (Mỹ)
Xe chiến đấu Bradley của Mỹ sẽ được cung cấp cho Ukraine. Ảnh: Military.com
M2 Bradley là xe chiến đấu bộ binh (IFV) do công ty BAE Systems Land & Armaments chế tạo và được quân đội Mỹ sử dụng từ năm 1981. Xe được thiết kế để chở theo 9 lính, trong đó 3 người phụ trách điều khiển xe, cùng các trang thiết bị chiến đấu của họ, đồng thời bảo vệ những người lính này khỏi hỏa lực của đối phương trên chiến trường.
Xe nặng 22,6 tấn; dài 6,44m; rộng 3,2m và cao 2,57m. Với động cơ công suất 500 mã lực, M2 Bradley có thể di chuyển với vận tốc 66 km/h trên địa hình bằng phẳng, với phạm vi hoạt động lên tới 480km. Khi lội nước, vận tốc di chuyển của xe đạt 7 km/h.
Phiên bản gốc của M2 được trang bị một pháo M242 cỡ nòng 25mm cùng tổ hợp tên lửa chống tăng TOW BGM-71. Bệ phóng của hai ống phóng tên lửa TOW được lắp ở vị trí bên trái tháp pháo. Về sau, các kỹ sư của BAE Systems Land & Armaments đã cho ra mắt một số biến thể được trang bị tên lửa phòng không hoặc thiết bị cảm biến mục tiêu dựa theo yêu cầu tác chiến của binh sĩ Mỹ, với nhiều cái tên khác nhau.
Giới chuyên gia cho rằng, M2 Bradley có thể tăng cường khả năng tác chiến của binh sĩ Ukraine. Bởi khác với dòng xe bọc thép M113 được Washington chuyển cho Kiev trước đó, Bradley có hệ thống vũ khí mạnh mẽ hơn nhiều.
Các công ty Đông Âu tăng cường sản xuất vũ khí để gửi cho Ukraine
Ngành vũ khí của Đông Âu đang sản xuất súng, đạn pháo và các vật tư quân sự khác với tốc độ chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Lạnh trong bối cảnh các chính phủ trong khu vực đi đầu trong hỗ trợ Ukraine chống Nga.
Một hệ thống súng trường tấn công tại nhà máy vũ khí PGZ ở Ba Lan ngày 7/11. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters ngày 24/11, các đồng minh đã cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch đặc biệt ngày 24/2, khiến kho vũ khí của chính các nước này đang cạn dần.
Một chương trình theo dõi của Viện Kiel cho thấy Mỹ và Anh đã cam kết viện trợ quân sự trực tiếp nhiều nhất cho Ukraine trong khoảng thời gian từ ngày 24/1 đến ngày 3/10, còn Ba Lan đứng ở vị trí thứ ba và Cộng hòa Séc đứng thứ 9.
Gần chục quan chức chính phủ và công ty cũng như các nhà phân tích cho biết cuộc xung đột ở Ukraine đã mang đến những cơ hội mới cho ngành công nghiệp vũ khí của khu vực.
Ông Sebastian Chwalek, Giám đốc điều hành tập đoàn PGZ của Ba Lan, nói: "Xét thực tế của cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine và xu hướng rõ ràng là nhiều quốc gia tăng chi tiêu trong lĩnh vực ngân sách quốc phòng, có cơ hội thực sự để thâm nhập thị trường mới và tăng doanh thu xuất khẩu trong những năm tới".
Tập đoàn PGZ kiểm soát hơn 50 công ty sản xuất vũ khí và đạn dược, từ xe vận chuyển bọc thép đến hệ thống máy bay không người lái. Tập đoàn này nắm giữ cổ phần trong hàng chục công ty khác.
Ông Chwalek cho biết PGZ hiện có kế hoạch đầu tư tới 1,8 tỷ USD trong thập kỷ tới, nhiều hơn gấp đôi so với mục tiêu trước xung đột ở Ukraine. Các khoản đầu tư này được rót vào xây các cơ sở mới nằm cách xa biên giới với Belarus vì lý do an ninh.
Các công ty và quan chức chính phủ Ba Lan, Slovakia và Cộng hòa Séc cho biết các nhà sản xuất khác cũng đang tăng công suất sản xuất và chạy đua để thuê công nhân.
Ngay sau khi nổ ra xung đột ở Ukraine, một số quân đội và nhà sản xuất ở Đông Âu đã bắt đầu cạn kho vũ khí và đạn dược thời Liên Xô để gửi cho Ukraine.
Khi những kho vũ khí dự trữ cạn kiệt, các nhà sản xuất đã tăng cường sản xuất cả thiết bị cũ và thiết bị hiện đại để duy trì nguồn cung cho Ukraine. Dòng vũ khí đã giúp Ukraine đẩy lùi lực lượng Nga và giành lại nhiều vùng lãnh thổ.
Ông Chwalek cho biết PGZ sẽ sản xuất 1.000 hệ thống phòng không Piorun vác vai di động vào năm 2023 so với 600 hệ thống vào năm 2022 và 300 - 350 trong những năm trước. Tuy nhiên, không phải toàn bộ 1.000 hệ thống này đều dành cho Ukraine.
Năm 2022, PGZ có khả năng vượt qua mục tiêu doanh thu đặt ra trước xung đột.
Ngành công nghiệp vũ khí của Đông Âu có từ thế kỷ 19, khi ông Emil Skoda người Séc bắt đầu sản xuất vũ khí cho Đế quốc Áo - Hung.
Thời đó, các nhà máy lớn ở Tiệp Khắc (nước sản xuất vũ khí lớn thứ hai thuộc khối Hiệp ước Warsaw), Ba Lan và các nước khác trong khu vực đã giúp người dân có việc làm thông qua sản xuất vũ khí cho các cuộc xung đột thời Chiến tranh Lạnh.
Đại sứ Séc tại NATO Jakub Landovsky nói với Reuters: "Cộng hòa Séc là một trong những cường quốc xuất khẩu vũ khí và chúng tôi có nhân sự, cơ sở vật chất, dây chuyền sản xuất cần thiết để tăng công suất".
Một công nhân kiểm tra chất lượng bắn của hệ thống súng trường tấn công tại nhà máy sản xuất vũ khí PGZ ở Ba Lan. Ảnh: Reuters
Séc đã giao đến Ukraine đạn cho lựu pháo 152mm và rocket 122mm mà các công ty phương Tây không sản xuất. Ukraine đã mua vũ khí và thiết bị thông qua tiền quyên góp từ các chính phủ và hợp đồng thương mại trực tiếp giữa Ukraine và các nhà sản xuất.
Ông Christoph Trebesch, Giáo sư tại Viện Kiel, cho biết: "Các nước Đông Âu hỗ trợ Ukraine một cách đáng kể. Đồng thời, đây là cơ hội để họ xây dựng ngành công nghiệp sản xuất quân sự của mình".
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Séc Tomas Kopecny nói rằng Ukraine đã nhận được vũ khí và thiết bị trị giá gần 2,1 tỷ USD từ các công ty Séc, khoảng 95% trong số đó là giao hàng thương mại. Ông cho biết xuất khẩu vũ khí của Séc năm nay sẽ cao nhất kể từ năm 1989, khi nhiều công ty trong lĩnh vực này tăng thêm việc làm và công suất.
Ông David Hac, Giám đốc điều hành Tập đoàn STV của Séc, đã vạch kế hoạch bổ sung dây chuyền sản xuất đạn cỡ nhỏ và cho biết họ đang xem xét mở rộng công suất sản xuất đạn cỡ lớn. Trong một thị trường lao động khan hiếm, công ty này đang cố gắng lôi kéo công nhân từ ngành ô tô vốn đang chậm lại.
Doanh số quốc phòng đã giúp Tập đoàn Czechoslovak tăng gần gấp đôi doanh thu nửa đầu năm so với một năm trước đó. Người phát ngôn Andrej Cirtek cho biết công ty này đang tăng cường sản xuất cả đạn cỡ nòng 155mm và 152mm, đồng thời tân trang lại các phương tiện chiến đấu bộ binh và xe tăng T-72 thời Liên Xô.
Mỹ chuẩn bị giải ngân khoản viện trợ 4,5 tỷ USD dành cho Ukraine Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 22/11 công bố quá trình giải ngân khoản viện trợ kinh tế trị giá 4,5 tỷ USD dành cho Ukraine sẽ bắt đầu được thực hiện trong những tuần tới. Các quân nhân Ukraine tháo dỡ tên lửa chống tăng Javelin từ Mỹ vào ngày 11/2/2022. Ảnh minh họa:...