Vượt qua cú sốc trượt ĐH như thế nào?
Cảm giác buồn bã, chán nản là một cảm giác không thể ngăn được, nhưng đừng vì thế mà tuyệt vọng, suy sụp.
18 tuổi, cái tuổi trưởng thành, tuổi đẹp nhất của con người, là khi những mơ ước, khát vọng bắt đầu lớn dậy. Ấy vậy mà bạn lại không vượt qua được kỳ thi đại học mặc dù đã dành nhiều cố gắng, quyết tâm. Cảm giác buồn bã, chán nản là một cảm giác không thể ngăn được, nhưng đừng vì thế mà tuyệt vọng, suy sụp.
Nhìn lại bản thân
Người xưa thường nói “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” quả không sai, bạn đừng quên rằng thành bại đều do bản thân mình cả. Trước tiên, bạn nên xem xét lại sức học của bản thân mình. Bạn đã thực sự chắc kiến thức cơ bản và những dạng đề thi chưa? Bạn đã thực sự chăm chỉ trong thu lượm kiến thức và trau dồi kỹ năng chưa? Trừ một số trường hợp may mắn hay rủi ro, hy hữu trong quá trình thi đại học, tôi cho rằng kết quả thi đại học là phản ánh đúng sức học của mỗi sĩ tử.
Ngoài xem xét lại sức học của bản thân, thất bại trong kỳ thi đại học cũng là cơ hội để bạn rút kinh nghiệm trong những lần thi cử khác. G – thí sinh thi vào HVCS đã nhận được một bài học xương máu khi bị đau bụng trong khi thi do ăn phải đồ ăn không đảm bảo. Hay rất nhiều bạn không làm chủ được tâm lý dẫn đến tâm trạng quá hồi hộp và căng thẳng khiến bài thi không đạt được hiệu quả đúng với sức học của mình.
Trượt đại học, cũng đồng nghĩa với chặng đường đến với ước mơ của chúng ta có phần bị dang dở, cũng là thời gian bạn nhìn lại xem mình có thực sự yêu mến ngành nghề mà mình đã chọn và quyết tâm theo đuổi ngành, nghề đó không?
Trượt đại học cũng tạo thêm cho bạn một cơ hội lựa chọn, định hướng lại nghề nghiệp của mình trong lần nộp NV2, NV3, và cũng là cơ hội thử thách lòng yêu mến với nghề nếu bạn quyết tâm ôn thi lại.
Đó là trường hợp của D – cô bạn thi ngành Sư phạm do bố mẹ định hướng nhưng không đậu, thời gian ở nhà cô bạn đã lên mạng viết những bài viết về tâm trạng thật của mình và được đánh giá cao. D đã nhận ra được sở trường của mình và quyết tâm ôn luyện để thi lại vào một trường có chuyên ngành về Báo chí.
Hãy mở rộng lòng mình với mọi người
Video đang HOT
Tâm lý chung của nhiều bạn trẻ không gặp may trong kỳ thi đại học này là tâm trạng suy sụp, xấu hổ, tự ti, không dám gặp hay nói chuyện với bất cứ ai. Đừng tự giam mình trong ngục thất của chính mình, hãy nói chuyện và chia sẻ với bạn bè hay người thân yêu trong gia đình những tâm trạng, cảm xúc của bạn vào lúc này.
Trò chuyện trên Internet và trên các trang mạng xã hội cũng góp ít nhiều trong việc giải tỏa căng thẳng thời điểm này.
Tôi còn nhớ như in câu nói của bạn thân khi tôi trượt đại học: “Dù mày có đỗ hay trượt đại học thì chúng ta vẫn là bạn của nhau cơ mà”.
“Miễn là con đã cố gắng hết sức mình, nếu năm nay không đậu, bố mẹ vẫn sẵn sàng nuôi con để con ôn thi lại” T – thí sinh thi vào đại học NT đã rất xúc động khi kể lại câu chuyện về cha mình.
Trượt đại học cũng là khi bạn nhận ra tình yêu thương, quan tâm chăm sóc của bạn bè, gia đình có ý nghĩa lớn lao với bạn như thế nào. Hãy gom tất cả những sự tác động tích cực từ bên ngoài đó để tạo thành nguồn động lực mạnh mẽ cho bạn để tiếp tục phấn đấu và vươn lên.
Đừng bao giờ từ bỏ giấc mơ
Trượt đại học, là bạn đã đánh mất một phần chứ không phải tất cả cơ hội. Con đường vào giảng đường đại học không phải là con đường duy nhất để dẫn tới thành công. Bạn có thể theo học ngành học mình yêu thích tại một trường khác có số điểm thấp hơn, hoặc chọn lại một ngành nghề phù hợp với bản thân và nhu cầu việc làm của xã hội hơn. Bạn đã biết rất nhiều con người thành đạt mà chưa hề được đào tạo qua trường lớp hoặc chưa có bằng đại học đúng không nào?
Chẳng nói đâu xa, cứ mỗi lần đi thi đại học, bạn lại gặp rất nhiều anh, chị thi lại đại học đúng không? Có thể họ đã không may mắn, chưa nỗ lực đủ ở năm trước nhưng quyết tâm trong họ vẫn không lụy tàn. Họ có thể, tại sao bạn lại không?
Victor Hugo đã từng nói “Trở lực nào trong cuộc sống cũng là điểm tựa cho vinh quang”. Hàng năm có tới 2/3 số lượng thí sinh phải trì hoãn giấc mơ vào giảng đường đại học của mình. Trượt đại học chính là một trở lực để tạo điểm tựa cho những ai biết quyết tâm và muốn vươn lên. Sau cơn mưa, chỉ có những chiếc cây khỏe mạnh và dũng cảm mới có thể vươn lên tiếp tục đón ánh sáng mặt trời, còn bạn, trong rừng cây ấy, bạn ở đâu?
Theo TTVN
Những lí do khiến "teen" khoái là sinh viên
Mà theo vài lí do, thì làm sinh viên quả thật "sướng" hơn nhiều so với khi còn là học sinh.
Rất nhiều teen khi còn đang là học sinh THPT có ước mơ được làm sinh viên bởi vô vàn lí do mà có lẽ các bậc phụ huynh và thầy cô giáo cũng chẳng thể nghĩ ra được. Mà theo những lí do đó, thì làm sinh viên quả thật "sướng" hơn nhiều so với khi còn là học sinh.
Không phải học bài cũ, không cần làm bài tập về nhà và cũng chẳng cần ghi chép
Có lẽ đây là lí do được teen ủng hộ nhiều nhất. Nhiều teen ngay từ khi học cấp 2 đã cảm thấy "sợ" với 15 phút đầu giờ. Kiểm tra bài cũ là một nỗi ám ảnh kinh hoàng không chỉ với teen học trung bình, mà ngay cả các teen học khá, giỏi cũng phải "lắc đầu ngán ngẩm". Mỗi lần thầy cô giở sổ, dò tên thì cả lớp nín thở chờ đợi xem ai xấu số bị gọi lên bảng.
Nhưng khi bước chân vào giảng đường đại học thì teen hoàn toàn yên tâm về chuyện này. Bởi với tinh thần tự học là chính, giảng viên chỉ là người giải đáp những thắc mắc của sinh viên mà thôi, vì thế sẽ không có việc kiểm tra bài cũ, cũng như chuyện teen có làm bài tập về nhà hay không? Ở đại học, chỉ cần bạn có đủ bài kiểm tra, đủ điều kiện để được thi cuối kì.
Cũng vì không kiểm tra bài cũ, không kiểm tra vở ghi nên nhiều sinh viên đại học trong giờ giảng, hiếm khi ghi chép bài và thường làm việc riêng là chính, có lẽ số sinh viên gà gật còn nhiều hơn số sinh viên chăm chú nghe giảng. Phổ biến là sinh viên thường sử dụng một quyển vở để ghi chép cho tất cả môn học. Thậm chí còn có những bạn không có vở ghi nữa.
Điều này làm cho sinh viên thấy khá thoải mái về mặt thời gian và có nhận xét chung là "sinh viên đại học nhàn hơn rất nhiều so với học sinh".
Trốn tiết nhờ điểm danh hộ
Sĩ số một lớp ở đại học thường là từ 70 - 80 sinh viên. Mỗi thầy cô dạy nhiều lớp ở nhiều khoa khác nhau. Với lượng sinh viên lớn như vậy thì các thầy cô không thể biết và nhớ hết tất cả sinh viên của mình. Và chuyện điểm danh cũng khá tốn thời gian. Thế nên thầy cô chỉ điểm danh đột xuất một vài sinh viên trong một vài buổi học mà thôi. Đây là cơ hội để cho những sinh viên "lười" đi học trốn tiết nhờ bạn điểm danh hộ hoặc đi học hộ.
Hồng (19t) nói: "Là lớp trưởng nên mình hay được các thầy cô tín nhiệm điểm danh đầu hoặc cuối buổi học. Nhiều bạn nhờ người điểm danh hộ, mình biết rõ ràng, nếu đánh dấu các bạn vắng thì không đành, nhiều khi xảy ra xích mích với nhau, rồi các bạn lại nói này nói kia. Còn nếu không đánh dấu thì mình đã bao che cho các bạn, không công bằng với những bạn khác và đã không đúng với lòng tin của các thầy cô. Nhiều khi cũng thấy khó xử."
Thực ra việc đi học đầy đủ người được lợi chính là sinh viên. Không chỉ giúp tiếp thu được kiến thức liền mạch mà sau này việc ôn tập cho thi cử cũng thuận lợi hơn rất nhiều.
Khi nào thi mới phải học
Không phải kiểm tra bài cũ, không phải làm bài tập về nhà là những nguyên nhân khiến cho sinh viên ngày thường rất rảnh rỗi vì không phải học bài. Khi thời điểm thi cuối kì đến, sinh viên mới bắt đầu "vắt chân lên cổ mà chạy" vì lượng kiến thức ở đại học rất lớn mà chỉ học trong tầm 15-16 tuần.
Tình trạng thường thấy đó là chỉ còn hai, ba ngày nữa đến ngày thi thì sinh viên bắt đầu công cuộc ôn thi của mình bằng cách quên ăn, quên ngủ, thậm chí là thức thâu đêm học bài đến sáng mai đi thi luôn và về nhà hôm sau ngủ bù.
Bố mẹ và chuyện điểm số cũng thoải mái hơn
Ngoài chuyện điểm số, bố mẹ còn vô số chuyện khác phải quan tâm, lo lắng, như cơm nước, tiêu pha, vấn đề sức khỏe, xe cộ, nhà trọ... Một phần nữa cuộc sống xa nhà cũng khiến cho teen ít bị bố mẹ kiểm soát hơn, hay nói một cách khác teen được tự do hơn rất nhiều so với ở nhà. Bố mẹ không biết ở đại học teen có những đầu điểm gì, cách tính điểm ra sao bởi mỗi trường có một cách tính khác nhau, không đồng nhất như cấp 3.
Tâm lí không thi lại không phải là sinh viên, không học lại không phải sinh viên, nên dù có thiếu điểm thì teen cũng dễ dàng "thuyết phục" được bố mẹ bỏ qua. Chính vì thế, lên đại học bố mẹ cũng xuề xòa vấn đề điểm hơn.
Nói là vậy, nhưng một khi bước vào môi trường mới, nhất là giảng đường đại học, để đạt được thành tích tốt, teen cần phải nỗ lực thật sự, phấn đấu rất nhiều, thậm chí gấp 2, 3 lần khi còn học phổ thông. Học đại học quả thực không hề "sướng" như teen vẫn nghĩ đâu!
Theo TTVN
Sĩ tử thi trượt: Đừng chết dại dột Hàng năm, cứ sau mỗi kỳ thi đại học, lại xuất hiện những tin không mấy vui từ những cái chết lãng xẹt. Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa công bố điểm sàn của kỳ thi đại học năm nay thì cũng là lúc trên nửa triệu thí sinh thi trượt đại học bắt đầu hoang mang lo lắng về tương lai...