Vừa xong “giải cứu”, giá tôm hùm bật tăng
Trước thông tin một số cửa khẩu tại biên giới Trung Quốc đã được mở cửa trở lại khiến giá tôm hùm trên thị trường tăng cao gấp đôi so với giá “giải cứu” lúc trước.
Nhiều chủ cửa hàng chuyên bán tôm hùm tại Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa (Hà Nội) cho biết, cửa khẩu đang dần được mở lại, các trại nuôi tôm tại Khánh Hòa đang rục rịch bán xuất khẩu nên giá tôm có dấu hiệu tăng.
“Những ngày gần đây giá tôm hùm baby đang nhích dần do các nhà xuất khẩu đã đánh tiếng tiếp tục thu mua tôm để xuất đi Trung Quốc”, chị Nguyễn Thu Trang, chủ hàng hải sản tại Thanh Xuân, Hà Nội nói.
Cụ thể, giá tôm hùm baby (loại 3-4 lạng/con) mua sống mang về đã tăng từ 288.000 đồng/con lên 333.000 đồng/con, cao hơn giá cũ 45.000 đồng/con. Mua 1 kg tôm hùm baby, khách hàng sẽ phải trả thêm khoảng 135.000 đồng so với giá cũ.
Tôm hùm đã được”giải cứu” xong.
Nhiều khách hàng vẫn tiếp tục mua tôm hùm vì cho rằng còn đang trong đợt “giải cứu”.
Tại một cửa hàng chuyên bán tôm hùm khác tại Đống Đa, Hà Nội, tôm hùm baby còn sống có giá dao động 630.000 – 700.000 đồng/kg tùy kích cỡ.
Video đang HOT
“Giá tôm hùm ăn tại nhà hàng cũng được điều chỉnh từ 338.000 đồng/con lên 383.000 đồng/con, tăng 15% so với giá trước đây”, anh Nguyễn Văn Mạnh, chủ hàng tôm hùm tại Trần Thái Tông cho biết.
Trên các trang mạng cách đây 1 tuần, giá tôm hùm cùng kích cỡ chỉ bán giá 620.000 – 670.000 đồng/kg, giá “giải cứu” từ 500.000 đồng/kg.
Tại các điểm “giải cứu”, giá tôm hùm cũng đang nhích nhẹ. Trên đường Trung Kính, Hà Nội, tôm loại 3 con/kg tăng từ 800.000 đồng/kg lên 830.000 đồng/kg, tôm 4 con/kg tăng lên mức 730.000 đồng/kg.
Tại siêu thị BigC, tôm hùm giá “giải cứu” 485.000đồng/ kg (loại 0,2 -0,3kg), và 495.000 đồng/ kg (loại 0,3-0,4kg). Giá này áp dụng từ 22/2 -29/2/2020 tại Miền Trung.
Trao đổi với báo chí trước đó, ông Võ Khắc Én, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, giá bán tôm hùm xanh tại vựa hiện đã lên 700.000 đồng/kg.
“Số lượng tôm hùm đến thời điểm này không còn bao nhiêu, các đại lý đã đăng ký mua hết. Các hộ nuôi đã bắt đầu vào vụ mới, khoảng 7-8 tháng nữa thì bước vào vụ thu hoạch. Còn tôm hùm bông thì nuôi tới 18 tháng. Tuy nhiên, do giá cao, giống khan hiếm nên số lượng tôm hùm bông không nhiều”, ông Én nói.
Theo Báo dân sinh
Giải cứu nông sản: Phát triển công nghiệp chế biến thay vì xuất khẩu tươi?
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, cần đẩy mạnh tìm kiếm thị trường xuất khẩu nông sản, phát triển công nghiệp chế biến có giá trị gia tăng cao, bởi nếu cứ đợi mãi vào xuất khẩu tươi thì không ổn.
Do ảnh hưởng của dịch virus covid-19, nhiều mặt hàng nông sản trong nước như dưa hấu, thanh long, mít, sầu riêng, thậm chí tôm hùm... bị rớt giá phải kêu gọi giải cứu.
Người tiêu dùng giải cứu thanh long
Tuy nhiên, không phải đến bây giờ việc giải cứu nông sản mới diễn ra. Câu chuyện này đã lặp đi lặp lại bao nhiêu năm nay, hễ mỗi lần cứ "được mùa, mất giá" là điệp khúc giải cứu lại rầm rộ, rồi mỗi lần nông sản ùn ứ không xuất khẩu do chính sách thay đổi được cũng phải... giải cứu, và nay lại ảnh hưởng của virus covid-19 cũng phải... giải cứu. Còn người nông dân thì gặp muôn vàn khó khăn.
Dù hành động giải cứu mang ý nghĩa nhân văn, người dân trong nước cũng được hưởng lợi từ giá rẻ nhưng để phát triển nông nghiệp bền vững, không thể chỉ trông chờ vào giải cứu.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, những lúc khó khăn, hành động giải cứu cho nông dân là đáng hoan nghênh nhưng không thể để kéo dài việc giải cứu nông sản từ năm này qua năm khác. Câu chuyện giải cứu đã diễn ra cả chục năm nay, nhiều loại nông sản lặp đi lặp lại như trái cây tươi, nhất là hàng xuất đi Trung Quốc.
"Điều đó chứng tỏ chúng ta rất có vấn đề về sản xuất, nghiên cứu thị trường. Việc tập trung quá nhiều vào một thị trường dẫn đến lệ thuộc. Người nông dân sản xuất trực tiếp, người kinh doanh chịu ảnh hưởng và cũng không công bằng với người tiêu dùng bởi hàng ngon, hàng tốt thì bán cho người khác nhưng hàng ế thì dồn kêu mua. Người tiêu dùng cũng không thể ủng hộ mãi như thế được. Những thói quen xấu cần phải chấm dứt, không thể cứ phụ thuộc vào giải cứu", bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Tại cuộc họp về thúc đẩy thương mại và phát triển sản xuất nông sản trước tác động của dịch virus corona, sau khi nghe kiến nghị của lãnh đạo UBND tỉnh Long An về việc "giải cứu" thanh long, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh thông điệp, địa phương cần chủ động trong việc này chứ không phải đợi chờ, bị động.
"Trên địa bàn nước ta có 150 cơ sở chế biến, 100 cơ sở đông lạnh, phải họp tất cả lại, tự mình phải cứu mình chứ cứu ai, chờ gì nữa. Nên cân đối từng tháng, sản lượng như thế nào, yêu cầu các doanh nghiệp chế biến phải vào cuộc, phải làm đi chứ không thể bị động ngồi chờ đó", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để giải quyết câu chuyện xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, suốt 2 năm qua, Bộ đã khuyến cáo các chủ hàng chủ động chuyển từ hình thức trao đổi cư dân sang hình thức trao đổi chính ngạch để đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ. Tuy nhiên các chủ hàng vẫn ngần ngại vì xuất khẩu chính ngạch đồng nghĩa mất thêm chi phí, chưa kể phải đáp ứng yêu cầu về bao bì, nhãn mác truy xuất nguồn gốc.
Ông Nguyễn Đình Tùng, đại diện Hiệp hội rau quả Việt Nam cũng cho hay, khi dịch bệnh xảy ra, nhóm bị ảnh hưởng ngay lập tức là những doanh nghiệp xuất hàng đi Trung Quốc gần như tê liệt. Trong khi đó, với nhóm nông dân nằm trong vùng liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu, hoặc đi các thị trường khác thì vẫn được đảm bảo. Doanh nghiệp vẫn giữ uy tín, thu mua trái cây cho bà con.
"Đây là cơ hội để chúng ta nhìn lại, bà con cần chuyển hướng liên kết với doanh nghiệp. Còn xưa nay chúng ta chỉ nhìn vào thị trường Trung Quốc, buôn bán tiểu ngạch, không có hợp đồng", ông Tùng nói.
Bên cạnh đó, theo ông cần phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản. "Trái cây hiện nay bảo quản lâu, nhất là trái dừa, còn như thanh long trắng chỉ được 45 ngày, thanh long đỏ 15 ngày. Công nghệ bảo quản là chủ lực để xuất khẩu, nếu có công nghệ bảo quản tốt thì thời điểm này chúng ta có thể đưa vào bảo quản để đợi thời điểm tốt thì đưa ra thị trường", ông Tùng cho hay.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hàng nông sản hay sản xuất cái gì cũng vậy cần phải tính tới thị trường. Nghĩa là phải xem thị trường có nhu cầu hay không, yêu cầu như thế nào, cụ thể về số lượng, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, chứng nhận xuất xứ...
Bám được thị trường, hiểu được thị trường đối với từng nông dân riêng lẻ thì khó nhưng vai trò của các cơ quan, bộ ngành, viện nghiên cứu phải đưa ra thông tin đầy đủ cho người nông dân. Tiếp nữa là trách nhiệm về quy hoạch, kế hoạch, địa phương phải có trách nhiệm về mặt sản xuất, hiểu được mình có cái gì, cần tổ chức sản xuất như thế nào, trách nhiệm hướng dẫn người nông dân đáp ứng nhu cầu thị trường.
Như câu chuyện quả vải thiều, cách đây mấy năm khi đầu ra cho quả vải thiều khó khăn, lãnh đạo địa phương Bắc Giang đã cùng các sở, doanh nghiệp đi vào TP.HCM giới thiệu, xây dựng mạng lưới tiêu thụ ổn định hơn, hiệu quả hơn.
Các nhà khoa học công nghệ đóng vai trò trong việc đưa ra quy trình sản xuất tốt, ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm. Sản phẩm tốt, chất lượng tốt, an toàn thì không lo gì không có thị trường.
Đối với người nông dân cũng cần thay đổi sản xuất, không thể phân tán nhỏ lẻ, thiếu tổ chức.
Cũng theo chuyên gia Phạm Chi Lan, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cũng cần đẩy mạnh tìm kiếm thị trường xuất khẩu nông sản, phát triển công nghiệp chế biến có giá trị gia tăng cao, bởi nếu cứ đợi mãi vào xuất khẩu tươi thì không ổn.
"Nếu xuất khẩu tươi, khi vào mùa vụ bán ào ạt với giá rất rẻ, còn nếu chúng ta có phương tiện bảo quản thì hàng bán ra từ từ, giá tốt hơn, cũng đỡ vất vả hơn. Tuyệt đối không thể nhìn xuất khẩu nông sản chỉ là những mặt hàng tươi, phải nghĩ rằng đây là nguyên liệu cho một loạt ngành công nghiệp chế biến để tạo giá trị gia tăng cao hơn", chuyên gia Pham Chi Lan nói.
Theo Infonet
"Giải cứu" xong, tôm hùm Khánh Hòa lại tăng giá Lãnh đạo Sở NN&PTNT Khánh Hòa cho biết, hiện tại giá tôm hùm xanh tại Khánh Hòa đã tăng 100.000-200.000 đồng/kg, lên mức 700.000 đồng/kg, số lượng tôm hùm đã được giải cứu gần hết. Trước đó, toàn tỉnh Khánh Hòa có khoảng 600 tấn tôm hùm vào vụ khai thác nhưng không xuất bán được sang Trung Quốc do ảnh hưởng của...