Vụ sinh viên bị đuổi vì tiếng mưa át tiếng giảng: Thầy cô cũng áp lực
Ngày 17/9, nhiều Facebooker lan truyền đoạn clip hội thoại, nội dung là cuộc trò chuyện giữa 1 nam sinh với giảng viên của mình.
Trong clip, khi nam sinh bày tỏ mong muốn được nghe thầy giảng lại do không nghe rõ vì tiếng mưa ồn, anh liền bị thầy mời ra khỏi lớp học trực tuyến.
1 sinh viên tham dự tiết học trực tuyến. (Ảnh: Dân Trí)
Nhiều ý kiến cho rằng, vị giảng viên đã khá nóng tính. Trong khi số khác nhận định, việc giảng dạy online gây khá nhiều áp lực cho thầy cô. Và việc ứng xử ra sao còn phụ thuộc vào khả năng, bản lĩnh sư phạm của mỗi người. Báo Thanh Niên đưa tin, TS. Nguyễn Văn Thuỵ (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Cụ thể, TS. Thuỵ cho rằng, việc giảng dạy online có thể khiến giáo viên mệt gấp 3-4 lần so với bình thường; đồng thời, họ cũng phải liên tục suy nghĩ, tìm cách để học trò nắm được bài vở. Bên cạnh đó, các lớp học trực tuyến thường xảy ra khá nhiều tình huống dở khóc dở cười, ví dụ như học sinh không chịu bật camera vì lí do máy tính hỏng, không tắt mic gây ảnh hưởng đến các bạn còn lại, hoặc đang phát biểu thì màn hình bị trục trặc, khiến mọi người chờ đợi… Những việc trên tuy nhỏ, nhưng nếu xảy ra nhiều lần có thể khiến tiết học bị loãng, ảnh hưởng đến tâm lí người giảng dạy.
Việc internet kết nối chậm có thể gây ức chế với một số sinh viên. (Ảnh minh hoạ: Pinterest)
ThS. Nguyễn Thị Diệu Anh (Giảng viên trường ĐH Văn Hiến) là người từng trải qua không ít tình huống như TS. Thuỵ đề cập. Tuy nhiên, cô cho biết không nên để những lí do như vậy khiến mình nổi nóng.
Thay vào đó, nữ giảng viên đưa ra 1 số chế tài và yêu cầu sinh viên thực hiện. Chẳng hạn như nếu các bạn thực sự bị rớt mạng, cần hoàn thành bài tập và nộp lại trước 22h cùng ngày; hay 1 sinh viên bị gọi tên 3 lần không thưa sẽ được cho là vắng tiết. Cô nhận định, thầy và trò đều cần cố gắng để bài giảng diễn ra hiệu quả. Nếu phải dùng đến những biện pháp mạnh như xúc phạm hoặc đuổi sinh viên ra khỏi lớp, có lẽ người thầy đó chưa đủ bản lĩnh sư phạm, dẫn đến việc xử lý và nhìn nhận chưa thấu suốt. Tất nhiên, học trò không được lừa dối thầy cô và có ý thức học tập tốt.
Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhiều trường học trên cả nước buộc phải chuyển đổi hình thức giảng dạy trực tiếp sang trực tuyến. Điều này dẫn đến một vài thách thức nhất định với hệ thống giáo dục.
Học sinh nhỏ tuổi phải học online dưới sự hướng dẫn từ phụ huynh. (Ảnh: Báo Thanh Niên)
Vietnamnet cho hay, việc dạy học online tại nước ta bộc lộ khá nhiều bất cập. Nổi bật phải kể đến việc thiếu trang thiết bị học tập, tình trạng internet không ổn định…. Nhất là tại những địa phương còn khó khăn, thiếu thốn, không phải phụ huynh nào cũng thành thạo công nghệ để hướng dẫn các con. Ngoài ra, việc thầy và trò chỉ tương tác qua màn hình máy tính có thể làm sụt giảm hiệu quả học tập. Đồng thời, khiến giáo viên gặp khó khăn trong việc truyền cảm hứng, tạo hứng thú học tập cho các em – điều không thể thiếu nếu muốn học trò tiếp thu kiến thức tốt hơn.
Video đang HOT
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, việc áp dụng lệnh giãn cách, tạm dừng hình thức học tập tập trung tại những địa phương có dịch được cho là cách làm khá hiệu quả để phòng, chống dịch. Hi vọng rằng, cả thầy cô lẫn các học trò có thể giữ thái độ cởi mở, từ đó không tạo áp lực cho nhau, giúp buổi học đạt hiệu quả tốt nhất.
Phía sau những "ô đen" của màn hình học online và câu hỏi của một Tiến sĩ: Liệu có thể chấp nhận phá khung, hi sinh tiến độ chương trình, hi sinh điểm số?
Áp lực về thành tích, điểm số đang buộc tất cả chúng ta phải học, phải học và phải học.
Nhưng tôi vẫn cảm thấy vô cùng lo lắng.
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Và việc dạy học trực tuyến sẽ là giải pháp thay thế tốt nhất trong điều kiện dịch bệnh. Tuy vậy, khi guồng quay giáo dục đang vận hành, ngày càng hối hả hơn, khốc liệt hơn bởi những áp lực về thành tích, điểm số, vẫn còn đó nhiều điều lo lắng.
Xin được giới thiệu bài viết: Liệu chúng ta có thể cùng nhau bước chậm lại được không? của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh - Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội đang được nhiều người đồng tình và chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh - Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội.
Phía sau những cái ô đen đen, hỏi không nói, gọi không thưa đó là những con người...
Một lần, khi đào tạo cho giáo viên, vào đầu buổi học, tôi có nêu một số câu hỏi và yêu cầu giáo viên thảo luận như thường lệ. Tôi gọi một cô giáo chia sẻ ý kiến, nhưng phía bên kia chỉ thấy một ô đen im lìm. Camera không bật, và không có một âm thanh nào đáp lại. Lúc đó, tôi đã nghĩ là cô không có mặt trước màn hình, và theo qui định, tôi buộc phải mời cô rời khỏi lớp. Sau buổi học, tôi yêu cầu các giáo viên phản hồi về buổi học bằng google form, và cô giáo nói lúc đó cô đang bật micro, nhưng bị trục trặc, nên không kịp trả lời thì đã bị mời ra khỏi lớp mất rồi.
Một lần khác, trong hội thảo Dạy văn sáng tạo vào lúc 5 giờ sáng Chủ nhật, tôi mời bác Bình phát biểu. Bác đã hơn 70 tuổi, về hưu, nhưng vẫn rất tha thiết muốn được tham dự chương trình, và nhờ tôi cho ID của Zoom. Nhưng tôi đợi mãi mà cũng không thấy ai trả lời. Sau buổi đó, bác nhắn tin cho tôi, nói mong cô thông cảm, tôi đang ở chung với con cái cháu chắt, và không tiện trả lời cô.
Một lần khác nữa, tôi đi coi thi kết thúc học phần cho sinh viên ở trường Đại học. Một em sinh viên cứ loay hoay mãi mà không nộp được bài lên hệ thống. Em hoảng hốt và gần như tuyệt vọng vì không nộp bài được có nghĩa là có thể phải bị tính điểm 0, thi lại hoặc học lại. Trong lúc kiên nhẫn chờ em nộp bài, tôi nghe thấy vang lên đủ thứ tiếng gà gáy, chó sủa, mèo kêu vọng lên từ khắp các ô vuông vuông đen đen. Những âm thanh đặc biệt đó giúp tôi hiểu rằng, trong số các sinh viên của tôi, không phải ai cũng có máy tính tốc độ cao, điện thoại xịn, có phòng học riêng và có điều kiện chỉ để tập trung hoàn toàn vào việc học.
Những sự cố đó luôn nhắc tôi nhớ rằng, phía sau những cái ô đen đen, hỏi không nói, gọi không thưa đó là những con người. Họ có thể đang bất lực với một đường truyền trục trặc. Họ có thể đang ngồi đó, với đứa con bé đu bên cạnh, đứa con lớn đang nghịch loạn trong nhà. Họ có thể đang vừa học, vừa phải tranh thủ lau nhà, nấu cơm, soạn bài, hoặc thậm chí đang phải dỏng tai nghe một cuộc họp khác.
Nhưng môi trường giao tiếp online, với cái màn hình chắn trước mặt lại rất dễ khiến tất cả chúng ta trở nên vô cảm. Lòng trắc ẩn và tính nhân văn của giáo dục lại rất dễ bị mất mát khi ta không nhìn thấy trước mặt một con người bằng xương bằng thịt. Làm sao có thể cảm nhận về một con người, khi trước mặt chúng ta chỉ là một cái máy. Làm sao có thể hiểu thấu được quá trình khi chúng ta chỉ đang gặp gỡ nhau ở một thời điểm. Làm sao có thể truyền đạt được cảm xúc, khi ta chỉ được phép bấm một trong vài cái nút đơn giản.
Đó là một thách thức vô cùng to lớn cho tất cả chúng ta.
Giống như một con mồi ngây thơ bị săn lùng từ tứ phía, con cái chúng ta rất dễ sa ngã vào những cạm bẫy thông tin
Những ngày này, 20 triệu học sinh cả nước đang bước vào năm học mới, và rất nhiều trong số đó đang phải ngồi trước màn hình. Và phía bên kia màn hình, là rất nhiều thầy cô giáo đang phải thức trắng đêm để soạn bài, chấm bài, để tìm tòi thêm những công cụ dạy học mới để đến gần với học sinh của mình hơn.
Là một giáo viên nên tôi hiểu rõ, để có thể dạy được 2 tiếng online, mỗi giáo viên phải bỏ ra ít nhất 4 tiếng trước đó cho việc soạn bài, và tầm 1-2 tiếng sau đó cho việc chấm bài, thu thập phản hồi của học sinh, trả lời vô vàn thắc mắc, trao đổi từ học sinh và phụ huynh, tới mức, suốt một thời gian dài, tôi sợ hãi việc mở mail, facebook, zalo. Để sinh viên có thể tự học được nhiều nhất có thể, tôi lại phải hệ thống hóa, cô đọng lại tất cả những tài liệu cần thiết nhất và đưa ra hướng dẫn cụ thể.
Để làm chủ được một phần mềm nào đó, tôi cũng thường mất rất nhiều thời gian để học hỏi qua rất nhiều kênh khác nhau, rồi sau đó phải tự làm, chấp nhận thử và sai. Vừa dạy, tôi lại phải vừa đọc thêm rất nhiều các tài liệu lý thuyết về dạy học online, dạy học kết hợp. Những công việc đó luôn tốn rất nhiều thời gian, mà không bao giờ được tính toán trong các phần mềm quản lý đào tạo.
Và phía sau màn hình là rất nhiều gia đình đang luống cuống vì không thể nào xử lí được những luồng thông tin khổng lồ đang dội đến từ bốn phía, từ công việc, từ trường lớp của con. Chưa kể, chúng ta còn phải làm quen với khoảng hơn 10 phần mềm dạy học khác nhau, và mỗi phần mềm lại có một luật chơi riêng, mà riêng việc nhớ được link hay password của chúng đã là một thách thức.
Phía sau màn hình, những đứa trẻ đang phải vật lộn với một môi trường mới, với rất nhiều thách thức, cũng hệt như bị ném xuống nước mà chưa được trang bị đủ kĩ năng bơi lội. Chỉ cần mở máy tính của một đứa trẻ tuổi teen, các phụ huynh sẽ giật bắn cả mình vì sự bành trướng kinh khủng của game, video nhảm nhí, các trang web sex và ngôn ngữ không thể tưởng tượng nổi của bọn trẻ con thời nay. Con cái chúng ta đang thực sự phải đối mặt với một thế giới rất nhiều rủi ro.
Và phía sau màn hình là những đứa trẻ đã phải ngồi trước màn hình gần hết một năm học, không được bước chân ra ngoài đến cả tháng, không được chơi thể thao hay gặp gỡ bạn bè, không được ngắm nhìn những hàng cây đang ngày một xanh hơn, thậm chí chẳng biết rằng mùa thu đã tới.
Chậm lại một chút, có được không?
Trong những ngày này, guồng quay giáo dục đang vận hành, ngày càng hối hả hơn, khốc liệt hơn. Áp lực về thành tích, điểm số đang buộc tất cả chúng ta phải học, phải học và phải học. Nhưng tôi vẫn cảm thấy vô cùng lo lắng.
Liệu chúng ta có thể đi chậm lại một chút được không? Liệu có thể giảm bớt các môn học không cần thiết vào thời điểm này được không? Liệu có thể giảm bớt thời lượng học sinh và cả giáo viên phải ngồi trước màn hình được không? Liệu có thể chấp nhận phá khung chương trình, hi sinh tiến độ chương trình, hi sinh điểm số để các phụ huynh và thầy cô chúng ta cùng nhau nhìn lại điều gì thực sự quan trọng với con cái mình, học sinh của mình được hay không?
Liệu chúng ta có thể đi chậm lại một chút được không? Liệu có thể giảm bớt các môn học không cần thiết vào thời điểm này được không?
Và liệu có thể có cách nào đấy để chúng ta lắng nghe được những mệt mỏi, lo âu, những loay hoay, khúc mắc của người kia, những con người đang chỉ hiện lên trước mặt chúng ta qua một avatar nhỏ xíu trên màn hình, hay thậm chí chỉ qua một cái ô đen đen bất động hỏi không nói gọi không thưa hay không?
Liệu chúng ta có thể cùng nhau nhìn vào thực tế, hiểu rõ những khó khăn của hoàn cảnh, xác định những giá trị ưu tiên, và cùng nhau buông bỏ bớt mục tiêu, kì vọng, để chỉ tập trung vào những thứ thực sự quan trọng được hay không? Liệu có cách nào để ta có thể dạy cho con em mình, qua màn hình vô cảm ấy, những bài học cốt lõi nhất trong cuộc sống, bài học về lòng biết ơn, sự khiêm nhường, bài học về cách sống sao cho có ý nghĩa?
Liệu chúng ta có thể cùng nhau bước chậm lại được không?
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.
Mẹ Việt ở Anh chia sẻ cách con đi học thời Covid-19: Nhìn con được đến lớp vui lắm, yên tâm tuyệt đối với mô hình "trường bong bóng" Những tưởng phải tuân theo quy định khắt khe sẽ gây nhiều bí bách nhưng chị Hương khẳng định rằng cả các em nhỏ và các bậc phụ huynh đều cảm thấy thoải mái, yên tâm. Bên cạnh những vấn đề khác trong thời kỳ dịch bệnh, việc học online hay cho con đến trường luôn là mối quan tâm hàng đầu của...