Vụ oan án của 2 cán bộ xã ở Đồng Nai: Phải đình chỉ vì không có tội!
Hành vi của chủ tịch và cán bộ UBND xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai không cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trên số báo hôm qua (5-9), Pháp Luật TP.HCM đã thông tinchuyện VKSND huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai đình chỉ vụ án do miễn trách nhiệm hình sự cho bốn bị can, trong đó có một cán bộ và một nguyên chủ tịch UBND xã.
Sau khi báo đăng, nhiều ý kiến cho rằng trường hợp này VKS phải đình chỉ các bị can ở khoản 2 Điều 107 BLTTHS do hành vi không cấu thành tội phạm mới đúng. Việc đình chỉ với lý do miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 25 BLHS như vậy thực chất là VKS đang né trách nhiệm xin lỗi, bồi thường oan.
Dưới đây là ý kiến của các luật sư về trường hợp oan án này.
Luật sư NGUYỄN KIỀU HƯNG, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Hành vi không cấu thành tội phạm
Theo thông tin mà bài báo phản ánh thì các chứng cứ chưa đủ cơ sở để cơ quan điều tra xác định anh Trần Đình Hòa và chị Nguyễn Thị Kim Lý chiếm đoạt tài sản của ông Tô Văn Nho và ngân hàng. Bởi ông Nho vẫn đang quản lý thửa đất và ngân hàng cũng xác định không bị thiệt hại.
VKS lập luận: “Tội phạm được hoàn thành từ thời điểm ông Hòa được giải ngân và nhận tiền từ ngân hàng (được thế chấp bằng tài sản không phải của Hòa)” để miễn trách nhiệm hình sự là thiếu cơ sở. Bởi dù không phải dùng tài sản của mình để thế chấp nhưng Hòa vẫn thanh toán tiền lãi và tiền vay thì không có hành vi chiếm đoạt. Tội phạm chỉ cấu thành khi nào ngân hàng đã phát hiện sự việc, yêu cầu Hòa thanh toán nhưng Hòa bỏ trốn, lẩn tránh nhằm cố tình chiếm đoạt khoản tiền này.
VKS viện dẫn khoản 1 Điều 25 BLHS để đình chỉ là không đúng. Bởi tất cả hành vi của những người nói trên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm chứ không phải do chuyển biến tình hình (chính sách pháp luật thay đổi).
Anh Trần Bá Đại (từng bị bắt tạm giam gần ba tháng) nói sẽ tiếp tục khiếu nại vì anh không có tội. Ảnh: NGÂN NGA
Luật sư HUỲNH PHƯỚC HIỆP, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Ông Hòa, bà Lý cũng không có tội
Thứ nhất: Nếu ông Tô Văn Nho cho rằng mình bị ông Trần Đình Hòa và bà Nguyễn Thị Kim Lý đã lừa dối để ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì căn cứ theo Điều 132 BLDS, ông Nho có thể khởi kiện ra tòa yêu cầu tuyên giao dịch vô hiệu. Do ông Nho đang quản lý sử dụng đất nên các bên không phải hoàn trả gì cho nhau.
Video đang HOT
Thứ hai: Về việc vay tài sản giữa ông Hòa và ngân hàng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Nho và ông Hòa chưa được tòa án tuyên là giao dịch vô hiệu. Như vậy, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Hòa còn giá trị. Việc cho vay và trả nợ không phải căn cứ vào quyền sử dụng đất hay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Hòa mà căn cứ vào khả năng trả nợ của ông Hòa để ngân hàng quyết định cho vay.
Như vậy cả hai quan hệ pháp luật này không nhằm chiếm đoạt tài sản thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự ông Hòa và bà Lý.
VKS phải ra quyết định đình chỉ vụ án theo khoản 2 Điều 107 BLTTHS về “hành vi không cấu thành tội phạm” mới đúng.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Có dấu hiệu làm oan cho cả bốn người
Hành vi cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 285 BLHS phải có hai yếu tố cơ bản, đó là: Hành vi thiếu trách nhiệm và gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nên nếu chỉ có hành vi thiếu trách nhiệm mà chưa gây ra hoặc không gây ra hậu quả nghiêm trọng thì cũng không cấu thành tội này.
Hành vi thiếu trách nhiệm của anh Trần Bá Đại (cán bộ địa chính) và ông Võ Văn Bảy (chủ tịch xã) trong việc chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là khá rõ. Nhưng hành vi này chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng. Bởi VKSND huyện Cẩm Mỹ đã xác định ông Hòa, bà Lý không có hành vi lừa đảo ông Nho.
Còn đối với ngân hàng, VKS cũng chỉ xác định là “có dấu hiệu”. Cho nên VKSND huyện Cẩm Mỹ xác định hành vi của ông Bảy và ông Đại có dấu hiệu tiếp tay cho Hòa để chiếm đoạt tài sản của ngân hàng là không đúng. Bởi lỗi thiếu trách nhiệm của ông Đại, ông Bảy chỉ là lỗi vô ý, không phải cố ý cùng thực hiện hành vi phạm tội với ông Hòa, bà Lý. Khi sự việc bị phát hiện, vợ ông Hòa đã đem tài sản khác vào thế chấp, đồng thời ngân hàng không yêu cầu bồi thường thiệt hại. Như vậy, khoản vay của ông Hòa tại ngân hàng đã được bảo đảm bằng tài sản khác nên ngân hàng hoàn toàn không bị thiệt hại gì.
Vì vậy theo tôi, hành vi của ông Bảy, ông Đại chỉ là lỗi hành chính trong việc chứng thực. Việc các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, truy tố và xét xử khi chưa xác định được hậu quả nghiêm trọng từ hành vi thiếu trách nhiệm này là làm oan cho ông Bảy, ông Đại.
Luật sư NGUYỄN THỊ THU THỦY, Đoàn Luật sư TP.HCM, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM:
Truy tố hành vi A lại đi đình chỉ hành vi B
Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai nhận định người bị hại trong vụ án là Ngân hàng Quân đội. Theo tôi, hành vi này có truy tố hay không là thuộc thẩm quyền của CQĐT Bộ Quốc phòng, không thuộc thẩm quyền của VKSND – TAND huyện Cẩm Mỹ. Vì thế, VKSND huyện Cẩm Mỹ không thể truy tố Hòa về hành vi lừa đảo tài sản của ông Nho mà lại đình chỉ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng Quân đội như vậy là sai tố tụng. Ai đời khởi tố, truy tố hành vi A nhưng lại đình chỉ hành vi B khi hành vi này không được đề cập trong cáo trạng!
Đình chỉ với lý do miễn tội Năm 2007, ông Tô Văn Nho (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) đến gặp Nguyễn Thị Kim Lý nhờ vay giùm 50 triệu đồng bằng cách thế chấp giấy đỏ. Lý cũng đang cần tiền nên đến gặp Trần Đình Hòa nhờ đứng ra vay tiền ngân hàng giùm. Hòa yêu cầu Lý phải làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ ông Nho sang cho Hòa thì Hòa mới vay được. Lúc đầu Lý không đồng ý nhưng nghe Hòa cam kết sau khi hết hạn vay sẽ trả lại giấy đỏ cho ông Nho thì Lý đồng ý. Sau đó, Lý nhờ một người hàng xóm của anh Trần Bá Đại (cán bộ địa chính xã) mang hồ sơ đến UBND xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ ký chứng thực. Thấy hồ sơ đầy đủ, anh Đại tin tưởng nên đem trình cho chủ tịch xã Võ Văn Bảy ký chứng thực. Sau khi xã ký chứng thực, UBND huyện Cẩm Mỹ đã cấp giấy chủ quyền thửa đất của ông Nho sang cho Hòa. Hòa đem giấy đỏ này đến một Ngân hàng Quân đội thế chấp để vay 500 triệu đồng. Đến năm 2010, khi mang tiền đến trả cho Lý để lấy lại giấy đỏ, ông Nho mới hay sự việc nên làm đơn tố cáo. Sau đó, Hòa, Lý bị VKSND huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bị tòa cùng cấp phạt lần lượt sáu và hai năm tù. Còn anh Đại và ông Bảy bị xử phạt lần lượt 12 tháng và 18 tháng cải tạo không giam giữ về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Sau khi án sơ thẩm bị TAND tỉnh Đồng Nai hủy, VKSND huyện Cẩm Mỹ đã đình chỉ điều tra bị can bốn người với lý do miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 25 BLHS. Hiện anh Đại và ông Bảy đang khiếu nại quyết định đình chỉ này vì cho rằng thật sự mình không có tội.
NGÂN NGA
Theo PLO
Oan án của hai cán bộ xã ở Đồng Nai
Hai cán bộ xã ở Đồng Nai cho rằng mình bị khởi tố oan nhưng VKS lại đình chỉ với lý do miễn trách nhiệm hình sự.
VKSND huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai vừa đình chỉ bị can theo diện miễn trách nhiệm hình sự cho bốn bị can (trong đó nguyên chủ tịch cùng một cán bộ xã UBND xã Xuân Bảo) theo khoản 1 Điều 25 BLHS. Tuy nhiên, người cán bộ và nguyên chủ tịch xã này đang khiếu nại đến VKSND tỉnh Đồng Nai về quyết định đình chỉ này vì cho rằng mình không có tội nên không chấp nhận "bị" miễn tội.
Cán bộ trình, chủ tịch xã ký chứng thực
Anh Trần Bá Đại, cán bộ UBND xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ, một trong bốn người vừa được đình chỉ, kể: Năm 2007, ông Tô Văn Nho đến gặp Nguyễn Thị Kim Lý nhờ vay giùm 50 triệu đồng bằng cách thế chấp giấy đỏ. Đúng lúc này, Lý cũng đang cần tiền nên đến gặp Trần Đình Hòa nhờ đứng ra vay tiền ngân hàng giùm. Hòa yêu cầu Lý phải làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ ông Nho sang cho Hòa thì Hòa mới vay được.
Tháng 12/2007, tại phòng công chứng, Lý nói là làm thủ tục vay vốn ngân hàng, ông Nho tin tưởng nên đã ký tên, điểm chỉ vào giấy tờ mà không biết thực chất đây là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ ông sang cho Hòa. Tuy nhiên, với hợp đồng chuyển nhượng đã công chứng này, Hòa không đi vay được. Vì vậy, Hòa yêu cầu Lý làm thủ tục chuyển tên từ ông Nho sang cho Hòa.
Lúc đầu Lý không đồng ý. Nhưng nghe Hòa cam kết sau khi hết hạn vay sẽ trả lại giấy đỏ cho ông Nho thì Lý đồng ý. Sau đó, Lý nhờ một người hàng xóm của anh Trần Bá Đại (khi ấy anh Đại là cán bộ địa chính xã) mang hồ sơ đến UBND xã Xuân Bảo.
"Tôi không quen biết gì với ông Nho, Hòa và Lý. Tôi có hỏi anh hàng xóm sao những người kia không lên, anh ấy nói họ bận việc. Thấy hồ sơ đầy đủ, tôi tin tưởng nên chủ quan đem trình cho chủ tịch xã Võ Văn Bảy ký chứng thực. Ở quê mà, quen biết nhau thì làm thôi chứ tôi không nghĩ đến khả năng lừa đảo gì cả" - anh Đại kể.
Sau khi xã ký chứng thực, UBND huyện Cẩm Mỹ đã cấp giấy chủ quyền thửa đất của ông Nho sang cho Hòa. Hòa đem giấy đỏ này đến một ngân hàng thế chấp để vay 500 triệu đồng. Đến năm 2010, khi mang tiền đến trả cho Lý để lấy lại giấy đỏ, ông Nho mới hay sự việc nên làm đơn tố cáo.
Anh Trần Bá Đại (phải) đang trao đổi với luật sư về việc khiếu nại quyết định đình chỉ của VKSND huyện Cẩm Mỹ.
Bị kết tội thiếu trách nhiệm
Anh Đại kể tiếp: "Tôi có ngờ đâu đến năm 2013 thì tôi bị bắt tạm giam 2,5 tháng. Sau đó tôi và chủ tịch xã Võ Văn Bảy bị khởi tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (ông Bảy được tại ngoại - PV). Họ bảo chúng tôi đã không thực hiện đúng trình tự, thủ tục về chứng thực".
Riêng Hòa và Lý thì bị khởi tố, bắt giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (của ông Nho).
Tháng 7/2014, TAND huyện Cẩm Mỹ xử sơ thẩm. Tại tòa, luật sư của Hòa cho rằng Hòa không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi Hòa không có ý thức chiếm đoạt tài sản của ông Nho mà chỉ sử dụng giấy đỏ để vay vốn và hứa sẽ trả lại giấy đỏ cho ông Nho sau ba năm. Hợp đồng này đã được công chứng viên tiến hành đúng theo quy định của pháp luật, tức Hòa không hề lừa dối ông Nho. Đối với hợp đồng ký tại UBND xã Xuân Bảo, bị cáo Hòa không hề biết và cũng không hề ký tên nên Hòa không phải chịu trách nhiệm với hợp đồng này.
Tuy nhiên, TAND huyện Cẩm Mỹ vẫn tuyên phạt Hòa sáu năm tù, Lý hai năm tù, ông Bảy 18 tháng cải tạo không giam giữ và anh Đại một năm cải tạo không giam giữ.
Sau đó, bị cáo Hòa kháng cáo kêu oan. Xử phúc thẩm vào tháng 1/2015, TAND tỉnh Đồng Nai nhận định người bị hại trong vụ án này không phải là ông Nho mà là ngân hàng nơi Hòa vay tiền. Hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Nho và bị cáo Hòa tại UBND xã Xuân Bảo chưa rõ có phải chữ ký của bị cáo Hòa hay không. Từ đó, tòa tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.
Rồi được miễn trách nhiệm hình sự
Tháng 7-2016, VKSND huyện Cẩm Mỹ căn cứ vào khoản 1 Điều 25 BLHS (do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa) để miễn trách nhiệm hình sự và đình chỉ điều tra bị can cho cả Hòa, Lý, Bảy và Đại.
Quyết định đình chỉ nêu rõ: "Hành vi của Trần Đình Hòa và Nguyễn Thị Kim Lý không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của vợ chồng ông Tô Văn Nho. Bởi lẽ tài sản đất đai và vật kiến trúc vẫn do ông Nho quản lý, sử dụng. Cũng theo Điều 163 BLDS và Công văn 141 ngày 21/9/2011 của TAND Tối cao xác định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là tài sản".
Đồng thời VKSND huyện Cẩm Mỹ cho rằng hành vi của Hòa và Lý có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ngân hàng Hòa vay tiền. Tội phạm được hoàn thành từ thời điểm Hòa được giải ngân và nhận tiền từ ngân hàng (được thế chấp bằng tài sản không phải của Hòa).
Theo VKS, hành vi của hai cán bộ xã Võ Văn Bảy và Trần Bá Đại có dấu hiệu tiếp tay cho Hòa để chiếm đoạt tài sản của ngân hàng. Tuy nhiên, khi sự việc bị phát hiện, vợ Hòa đã đem tài sản khác vào thế chấp, đồng thời ngân hàng không yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Sau đó ông Bảy và anh Đại đã khiếu nại quyết định đình chỉ trên tới các cơ quan tố tụng của Đồng Nai. "Lẽ ra VKS phải đình chỉ với lý do chúng tôi không có tội mới đúng. Tôi thừa nhận có sai quy trình nhưng chưa tới mức bị tội" - anh Đại nói.
"Bị bắt rồi mà vẫn đi làm à?"
Anh Trần Bá Đại bị tạm giam 2,5 tháng. Khoảng thời gian này cuộc sống gia đình anh bị xáo trộn. Khi anh bị bắt, cha anh đã 83 tuổi. Nghe tin con trai bị bắt, ông không ít lần ngất lên ngất xuống. Vợ anh Đại là giáo viên trường mầm non, hết giờ dạy, cắm mặt về mà không dám nhìn ai vì sợ xấu hổ. Còn anh Đại khi được tại ngoại thì anh phải nghe rất nhiều điều tiếng xì xào từ bà con lối xóm.
"Sau khi bị TAND huyện Cẩm Mỹ tuyên phạt một năm cải tạo không giam giữ, tôi được UBND xã chuyển công tác sang mảng xây dựng môi trường. 10 năm làm ở xã và sống ở địa phương đã 30 năm nên rất nhiều người biết tôi. Trước kia tôi là người có uy tín nhưng giờ đi làm tôi không dám nhìn ai. Mỗi lần dân ra xã là họ hỏi: Anh Đại bị bắt rồi mà vẫn đi làm à?" - anh Đại ứa nước mắt kể.
Viện, tòa khất trả lời với phóng viên
PV đã liên hệ với VKSND huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai để tìm hiểu vụ việc nhưng Viện trưởng Phan Văn Lương nói không có thẩm quyền phát ngôn và đề nghị PV liên lạc với VKSND tỉnh Đồng Nai. Còn VKSND tỉnh Đồng Nai thì trả lời viện đang tiếp nhận đơn khiếu nại của anh Đại và ông Bảy nên hứa sẽ thông tin lại với PV sau.
Tương tự, Chánh án TAND huyện Cẩm Mỹ Nguyễn Văn Lễ hứa sẽ tiếp PV sau khi trả lời đơn khiếu nại của anh Đại và ông Bảy.
Theo Pháp Luật TP.HCM
Oan án của 2 cán bộ xã Hai cán bộ xã ở Đồng Nai cho rằng mình bị khởi tố oan nhưng VKS lại đình chỉ với lý do miễn trách nhiệm hình sự. VKSND huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai vừa đình chỉ bị can theo diện miễn trách nhiệm hình sự cho bốn bị can (trong đó nguyên chủ tịch cùng một cán bộ xã UBND xã Xuân Bảo)...