Vụ chống hạn trên giấy: Quay lại tội ban đầu
Sau hơn hai năm rưỡi điều tra, truy tố, xét xử, vụ án quay trở lại với tội danh ban đầu.
VKSND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành cáo trạng truy tố 11 bị can trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa ( Công ty Nam Khánh Hòa).
Đây là vụ chống hạn… trên giấy để tham ô tài sản mà PLO đã nhiều lần phản ánh.
Các bị cáo tại phiên tòa hồi tháng 8-2019. Ảnh: TL
Theo đó, có chín bị can bị truy tố tội tham ô tài sản theo điểm a khoản 4 Điều 353 BLHS 2015 (hình phạt 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình).
Trong số này, có tám cựu cán bộ Công ty Nam Khánh Hòa gồm Đỗ Hồng Hải, cựu chủ tịch kiêm giám đốc; Đoàn Phi Dũng, cựu phó giám đốc; Diệp Thụy Khánh Trân, cựu kế toán trưởng; các cựu nhân viên Đặng Thanh Xuân, Đỗ Xuân Đoan, Phan Tuấn Nam, Lương Thành Nam, Phạm Thị Ngọc Phi.
Bị can còn lại là Nguyễn Văn Minh, giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng Thành Khánh Quyên.
Hai bị can bị truy tố tội tham ô tài sản theo điểm a khoản 3 Điều 353 BLHS năm 2015 có (hình phạt từ 15 đến 20 năm tù) gồm: Ngô Mạnh, cựu phó giám đốc Công ty Nam Khánh Hòa và Nguyễn Văn Tiến, cựu nhân viên công ty này.
Cáo trạng trên được ban hành sau khi TAND tỉnh Khánh Hòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án. Ngày 22-8, sau hơn 10 ngày xét xử, TAND tỉnh Khánh Hòa đã quyết định trả hồ sơ cho VKSND tỉnh để điều tra bổ sung đối với hành vi của bảy bị cáo có dấu hiệu đồng phạm, giúp sức cho Đỗ Hồng Hải phạm tội tham ô tài sản.
Video đang HOT
Tháng 8-2019, sau 10 ngày xét xử, TAND tỉnh Khánh Hòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Ảnh: TL
Theo hồ sơ, trước đây, toàn bộ 11 bị can trong vụ án này đều bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố tội tham ô tài sản. Sau hơn một năm điều tra, tháng 3-2018, cơ quan điều tra ra bảy quyết định thay đổi tội danh đối với bảy bị can.
Trong đó, sáu bị can được đổi sang tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng gồm Ngô Mạnh, Đặng Thanh Xuân, Đỗ Xuân Đoan, Phan Tuấn Nam, Lương Thành Nam, Nguyễn Văn Tiến.
Riêng Phạm Thị Ngọc Phi được chuyển sang tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là hai tội danh mới được quy định trong BLHS 2015 và nhẹ hơn tội tham ô tài sản.
Một công trình thủy lợi do Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa quản lý.
Trong quá trình chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử, ngày 5-6, TAND tỉnh cũng đã có quyết định trả hồ sơ cho VKSND tỉnh để điều tra bổ sung.
Tại quyết định này, TAND tỉnh nêu: Xét thấy VKSND tỉnh truy tố bảy bị can các tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng nhưng chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy hành vi các bị can này đã phạm tội khác, có dấu hiệu đồng phạm với vai trò giúp sức cho Đỗ Hồng Hải phạm tội tham ô tài sản.
Tuy nhiên, ngày 26-6, VKSND tỉnh có công văn giữ nguyên cáo trạng, đề nghị TAND tỉnh đưa vụ án ra xét xử. VKSND tỉnh cho rằng hành vi của bảy bị can không thành tội tham ô tài sản với vai trò đồng phạm cùng bị can Hải mà phạm tội vi phạm quy định về đầu tư xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Khi tiến hành điều tra bổ sung theo yêu cầu của TAND tỉnh, ngày 7-10, CQĐT tỉnh phải ban hành các quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bổ sung vụ án, thay đổi quyết định khởi tố bị can. Như vậy, sau hơn hai năm rưỡi khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, vụ án đã quay trở lại với tội danh cũ.
Giám đốc tham ô hơn 6 tỉ đồng
Cáo trạng xác định: Trong hai năm 2014-2015, lợi dụng chủ trương bổ sung kinh phí khắc phục hậu quả hạn hán, phục vụ tưới tiêu thủy lợi chống hạn của UBND tỉnh Khánh Hòa, giám đốc Công ty Nam Khánh Hòa Đỗ Hồng Hải đã tham ô, chiếm đoạt tổng cộng 6,1 tỉ đồng ngân sách nhà nước.
Cụ thể, Đỗ Hồng Hải chỉ đạo cấp dưới câu kết với doanh nghiệp lập khống hồ sơ 24 công trình nạo vét chống hạn, gây thiệt hại đối với ngân sách nhà nước gần 5 tỉ đồng. Cùng thời điểm trên, Hải chỉ đạo cấp dưới lập khống khối lượng dầu bơm chống hạn với tổng kinh phí hơn 1,1 tỉ đồng, trong đó thanh quyết toán khống gần 900 triệu đồng.
TẤN LỘC
Theo plo.vn
Cựu chủ tịch công ty thừa nhận chống hạn trên giấy
Cựu chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa thừa nhận chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ để rút tiền của Nhà nước.
Ngày 12-8, TAND tỉnh Khánh Hòa bắt đầu xử vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa (Công ty Nam Khánh Hòa). Đây là vụ chống hạn... trên giấy để tham ô tài sản mà PLO đã từng phản ánh.
Có 11 bị cáo hầu tòa trong vụ án trên. Trong đó, có bốn bị cáo bị VKSND tỉnh Khánh Hòa truy tố tội tham ô tài sản, gồm ba cán bộ Công ty Nam Khánh Hòa là cựu chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Đỗ Hồng Hải, cựu phó giám đốc Đoàn Phi Dũng, nguyên kế toán trưởng Diệp Thụy Khánh Trân và Nguyễn Văn Minh (giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng Thành Khánh Quyên). Bốn bị cáo này bị truy tố tội tham ô tài sản quy định tại khoản 4 Điều 353 BLHS năm 2015 có khung hình phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Sáu bị cáo khác đều là cán bộ, nhân viên Công ty Nam Khánh Hòa bị truy tố tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, gồm Ngô Mạnh (cựu phó giám đốc), Đặng Thanh Xuân, Đỗ Xuân Đoan, Phan Tuấn Nam, Lương Thành Nam, Nguyễn Văn Tiến. Một bị cáo bị truy tố tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng là Phạm Thị Ngọc Phi, kế toán Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa.
Các bị cáo tại phiên tòa sáng 12-8.
Sau khi HĐXX làm thủ tục mở phiên tòa, đại diện VKSND tỉnh Khánh Hòa tại phiên tòa công bố cáo trạng. Theo đó, trong hai năm 2014-2015, lợi dụng chủ trương bổ sung kinh phí khắc phục hậu quả hạn hán, phục vụ tưới tiêu thủy lợi chống hạn của UBND tỉnh Khánh Hòa, giám đốc Công ty Nam Khánh Hòa đã tham ô, chiếm đoạt tổng cộng 6,1 tỉ đồng ngân sách nhà nước.
Đỗ Hồng Hải chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ thanh quyết toán khống các công trình nạo vét chống hạn, hỗ trợ bơm dầu chống hạn, các công trình sửa chữa thường xuyên để chiếm đoạt ngân sách nhà nước. Cụ thể, Hải chỉ đạo cấp dưới câu kết với doanh nghiệp lập hồ sơ 24 công trình nạo vét chống hạn. Thủ đoạn là lập hồ sơ thiết kế, tính toán khối lượng công trình không vượt 300 triệu đồng để thuộc thẩm quyền tự phê duyệt thiết kế, dự toán theo quy định.
Giám đốc Hải chỉ đạo cấp dưới thiết kế, tính toán khối lượng khống theo số tiền Hải đã ấn định trước. Hầu hết các hồ sơ công trình này đều không khảo sát, kiểm tra thực tế mà chỉ dựa vào tài liệu cũ. Hải cũng chỉ đạo ký khống biên bản nghiệm thu công trình hoàn thành để đầy đủ thủ tục. Sau đó, toàn bộ hồ sơ hợp thức hóa thanh toán thi công, quyết toán giả mạo được Hải duyệt để rút tiền ngân sách nhà nước. Việc lập hồ sơ quyết toán 24 công trình nạo vét chống hạn khống đã gây thiệt hại ngân sách gần 5 tỉ đồng.
Cùng thời điểm trên, Hải chỉ đạo cấp dưới lập khống khối lượng dầu bơm chống hạn để quyết toán kinh phí thông qua việc lập hồ sơ hỗ trợ bơm dầu chống hạn cho các địa phương. Hồ sơ có sự xác nhận diện tích, biện pháp chống hạn, nghiệm thu công tác bơm chống hạn của các UBND xã, hợp tác xã, Phòng Kinh tế TP Cam Ranh, Phòng Nông nghiệp các huyện Diên Khánh, Cam Lâm.
Theo VKS, để thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ bơm dầu chống hạn, Hải mua hóa đơn của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đưa vào hồ sơ quyết toán. Tổng kinh phí hỗ trợ bơm dầu chống hạn đã thanh quyết toán trong hai năm 2014-2015 là hơn 1,1 tỉ đồng nhưng số tiền thanh quyết toán khống đến gần 900 triệu đồng.
Ngoài ra, Hải còn chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ khống thanh quyết toán chi phí nhân công sửa chữa thường xuyên sáu công trình với tổng kinh phí hơn 280 triệu đồng. Toàn bộ số tiền thanh quyết toán khống đều được cấp dưới, các doanh nghiệp giao lại cho Hải.
VKSND tỉnh Khánh Hòa xác định: Công ty TNHH Vận tải - Thương mại Liên Hoa có liên quan đến việc ký hợp đồng, xuất hóa đơn bán hàng vật tư cho Công ty Nam Khánh Hòa đối với công trình nạo vét chống hạn và chuyển tiền cho Hải. Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Tiến, giám đốc Công ty Liên Hoa, đã xuất cảnh sang Mỹ nên công an chưa triệu tập được để làm rõ và chưa có căn cứ xem xét.
Công ty TNHH Lan Bảo đã xuất hai hóa đơn dầu cho Công ty Nam Khánh Hòa để Hải thanh quyết toán tiền hỗ trợ bơm dầu chống hạn. Nhưng hành vi này thực hiện với mục đích mua bán hóa đơn nên chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Công ty này đã bị cơ quan thuế kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính hơn 53 triệu đồng.
Mở đầu phần xét hỏi, HĐXX tập trung làm rõ quá trình, hành vi vi phạm pháp luật của cựu chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty Nam Khánh Hòa. Bị cáo Hải cơ bản đồng ý với cáo buộc của VKS, thừa nhận đã chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ, chứng từ nạo vét, bơm tưới chống hạn để chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Hải nói mình chịu trách nhiệm với phần lớn các sai phạm của Công ty Nam Khánh Hòa.
TẤN LỘC
Theo PLO
Phụ huynh hối lộ 300 triệu nâng điểm: Căn cứ mới Việc xác định được người hối lộ 300 triệu đồng nâng điểm cho con là căn cứ cho thấy không thể tin hoàn toàn vào lời khai của phụ huynh. Kết quả điều tra bổ sung của Công an tỉnh Sơn La đưa ra vào giữa tháng 11/2019, sau một tháng bị TAND tỉnh trả hồ sơ, yêu cầu làm rõ hành vi...