Vụ án Vạn Thịnh Phát: TAND TP.HCM tiếp nhận 6 tấn hồ sơ, gần 1 triệu bút lục
TAND TP.HCM đã thụ lý vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1, do bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm thực hiện.
Đồng thời, tòa án đang chuẩn bị cho kế hoạch xét xử sau Tết Nguyên đán 2024.
Ngày 10.1, Chánh văn phòng TAND TP.HCM Phạm Ngọc Duy thông tin TAND TP.HCM đã thụ lý, phân công Chánh tòa hình sự Phạm Lương Toản giải quyết vụ án Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm có hành vi sai phạm trong hoạt động tín dụng, gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hơn 304.000 tỉ đồng.
Chánh văn phòng TAND TP.HCM Phạm Ngọc Duy thông tin về việc xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1. ẢNH PHAN THƯƠNG
Lắp đặt hệ thống PCCC, camera an ninh bảo vệ tài liệu vụ án Vạn Thịnh Phát
Ông Phạm Ngọc Duy cho biết, trước khi TAND TP.HCM tiếp nhận hồ sơ, phía tòa án đã lường trước hồ sơ vụ án nhiều, sẽ có hàng trăm luật sư tham gia bào chữa cho 86 bị can cùng nhiều cá nhân, tổ chức liên quan trong vụ án. Do vậy, tòa án chuẩn bị một phòng riêng đựng hồ sơ, tạo điều kiện để các luật sư sao chụp, nghiên cứu tài liệu; lắp đặt hệ thống PCCC, camera để đảm bảo an ninh.
“Sau khi thụ lý vụ án, lãnh đạo TAND TP.HCM đã phân công Chánh tòa hình sự Phạm Lương Toản giải quyết vụ án. Đồng thời, TAND TP.HCM đang chuẩn bị cho công tác xét xử vụ án sau Tết Nguyên đán 2024″, Chánh văn phòng TAND TP.HCM cho biết.
Cũng theo ông Phạm Ngọc Duy, vụ án Vạn Thịnh Phát liên quan đến sai phạm trong hoạt động tín dụng tại SCB có gần 2.500 tập tài liệu, đóng trong 104 thùng hồ sơ (nặng khoảng 6 tấn), với khoảng 1 triệu bút lục.
104 thùng hồ sơ, nặng khoảng 6 tấn với khoảng 1 triệu bút lục của vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt tiền của SCB. ẢNH PHAN THƯƠNG
Tham ô của SCB hơn 304.000 tỉ đồng
Trước đó, ở giai đoạn 1 vụ án Vạn Thịnh Phát, ngày 13.12.2023, Viện KSND tối cao ban hành cáo trạng truy tố ra trước TAND TP.HCM để xét xử đối với 86 bị can.
Trong đó, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị cáo buộc 3 tội danh: tham ô tài sản, đưa hối lộ và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo cơ quan tố tụng, bà Trương Mỹ Lan là người điều hành “đế chế” Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 doanh nghiệp lớn nhỏ, trong và ngoài nước. Để có nguồn vốn duy trì họat động “hệ sinh thái” doanh nghiệp khổng lồ này, bà Lan tìm cách thâu tóm SCB, nhằm biến ngân hàng trở thành công cụ tài chính của mình.
Thông qua chiêu trò thu gom cổ phần rồi nhờ người khác đứng tên hộ, bà Trương Mỹ Lan sở hữu tới hơn 91,5% cổ phần SCB. Với tỷ lệ cổ phần gần như tuyệt đối, cộng thêm việc cài cắm nhân sự thân tín vào các vị trí chủ chốt tại SCB, bà Lan nắm quyền chi phối mọi hoạt động của ngân hàng, dù không đứng tên trong thành phần ban lãnh đạo.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM nghiên cứu hồ sơ vụ án Vạn Thịnh Phát tại TAND TP.HCM. ẢNH PHAN THƯƠNG
Trong 10 năm, từ năm 2012 – 2022, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng đồng phạm đã được SCB giải ngân hàng ngàn khoản vay, với tổng số tiền hơn 1 triệu tỉ đồng. Tuy nhiên, phần lớn hồ sơ khoản vay được lập khống, tài sản đảm bảo không đủ giá trị pháp lý. Tính đến tháng 10.2022, tổng dư nợ không có khả năng thu hồi là hơn 677.000 tỉ đồng; sau khi trừ đi các tài sản bảo đảm có giá trị, thiệt hại gây ra là hơn 498.000 tỉ đồng.
Trong số thiệt hại trên, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc tham ô tài sản của SCB hơn 304.000 tỉ đồng, cùng với đó là hơn 129.000 tỉ đồng tiền lãi và chi phí phát sinh.
XEM NHANH 20H ngày 10.1: Trụ trì chùa Ba Vàng vi phạm những gì? | 6 tấn hồ sơ vụ Vạn Thịnh Phát
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị truy tố đến khung tử hình. ẢNH T.N
Để sai phạm có thể diễn ra suốt 10 năm mà không bị ngăn chặn, ngoài thủ đoạn đến từ bà Trương Mỹ Lan và các bị can, cơ quan tố tụng xác định một phần nguyên nhân đến từ sự tiếp tay của các cán bộ thanh tra của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Trong số 18 thành viên đoàn thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra Đỗ Thị Nhàn bị truy tố tội nhận hối lộ 5,2 triệu USD; 10 người bị truy tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; 7 người không bị xử lý hình sự…
Các luật sư nghiên cứu, sao chụp hồ sơ vụ án. ẢNH PHAN THƯƠNG
Bộ Công an đang tiếp tục điều tra giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát
Bộ Công an đang tiếp tục điều tra giai đoạn 2 của vụ án Vạn Thịnh Phát, trong đó tập trung điều tra 2 tội danh chính là lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến phát hành trái phiếu và hành vi rửa tiền của bị can Trương Mỹ Lan và đồng phạm.
Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hành vi phát hành trái phiếu, Bộ Công an xác định các bị can đã thông qua 40 doanh nghiệp được thành lập rồi phát hành 25 gói trái phiếu, lừa đảo hơn 30.000 tỉ đồng của 42.000 nhà đầu tư.
Bộ Công an tiếp tục đề nghị những nhà đầu tư mua trái phiếu của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm cần đến công an địa phương nơi bị hại đăng ký địa chỉ trên các trái phiếu để trình báo.
Vụ Vạn Thịnh Phát: Hàng ngàn tỉ đồng được bị can xin nộp lại
Bà Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II (Cục II) Ngân hàng Nhà nước, đã nộp lại 10 sổ tiết kiệm trị giá hơn 10 tỉ đồng và 4,8 triệu USD.
VKSND Tối cao cho rằng, quá trình điều tra, truy tố vụ án Vạn Thịnh Phát, trừ bà Trương Mỹ Lan và 5 bị can bị truy tố, xét xử vắng mặt, 80 bị can còn lại đều ăn năn hối cải, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã điều tra, thu thập trong hồ sơ vụ án.
Nhiều bị can tự nguyện khắc phục hậu quả vụ án Vạn Thịnh Phát.
Chồng bà Trương Mỹ Lan nộp lại 1 tỉ đồng
Theo cáo trạng, một số bị can đã phối hợp, tích cực hợp tác, giúp cơ quan tố tụng điều tra, làm rõ bản chất của vụ án Vạn Thịnh Phát.
Một số bị can khác đã tự nguyện hoặc tác động gia đình nộp tiền, tài sản để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bản thân gây ra.
Cụ thể, ông Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan) đã khắc phục 1 tỉ đồng. Cáo trạng xác định ông Chu Lập Cơ đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình là chủ tịch HĐQT Công ty Times Square giúp sức cho vợ chiếm đoạt và gây hậu quả đặc biệt lớn cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Ông Chu Lập Cơ ký biên bản họp Đại hội đồng cổ đông năm 2012, Biên bản Họp HĐQT năm 2012 và năm 2017 của Công ty Times Square để thế chấp tài sản bảo lãnh cho 73 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB 9.116 tỉ đồng.
Cháu gái bà Trương Mỹ Lan là bị can Trương Huệ Vân đã khắc phục hơn 1 tỉ đồng và 3.000 USD. Bị can Vân đã thực hiện chỉ đạo của bà Lan, lợi dụng chức vụ tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, chỉ đạo cấp dưới thành lập sử dụng 52 công ty ma và 4 công ty có hoạt động thật, tạo lập 155 khoản vay tại SCB.
Trương Huệ Vân được xác định giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền 1.088 tỉ đồng, gây thiệt hại số tiền 25 tỉ đồng.
Cựu trưởng đoàn thanh tra nộp lại 10 sổ tiết kiệm
Bà Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II (Cục II) Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (TTGSNH) Ngân hàng Nhà nước, đã nộp khắc phục 4,8 triệu USD và 10 sổ tiết kiệm ngân hàng có tổng số tiền hơn 10 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Hưng, cựu phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan TTGSNH, NHNN nộp khắc phục 390.000 USD.
Ông Dương Tấn Trước, cựu tổng giám đốc Công ty Tường Việt, sau khi vụ án được khởi tố, đã trả cho SCB hơn 813 tỉ đồng, xin được nộp lại hơn 2.204 tỉ đồng đã nhận của bà Trương Mỹ Lan. Bị can đã nộp khắc phục hơn 52 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Cao Trí được xác định đã nộp khắc phục hơn 657 tỉ đồng và hơn 3,3 triệu USD.
Các bị can khác cũng nộp khắc phục hậu quả vụ án như sau bà Nguyễn Thị Phụng, cựu phó cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II (thuộc Cơ quan TTGSNH, NHNN) nộp lại 20.000 USD và 210 triệu đồng; ông Vương Đỗ Anh Tuấn, trưởng phòng thanh tra, Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II (Cục II) (thuộc Cơ quan TTGSNH) nộp 20.000 USD; ông Nguyễn Văn Thùy, cựu phó trưởng ban giám sát tổng hợp, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia nộp 21.000 USD và 60 triệu đồng.
Ông Lê Thanh Hà, cựu phó chánh thanh tra Kiểm toán Nhà nước, nộp lại 14.000 USD và 100 triệu đồng. Ông Trần Văn Tuấn, cựu thanh tra viên Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II), Thanh tra Chính phủ, nộp lại 6.000 USD và 40 triệu đồng. Ông Nguyễn Duy Phương, cựu thanh tra viên Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II), Thanh tra Chính phủ, đã nộp 1.000 USD và 20 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Dũng, cựu phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, nộp 15.000 USD và 400 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Phi Loan, cựu phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra giám sát NHNN chi nhánh TP.HCM, nộp 470 triệu đồng.
Ông Võ Văn Thuần, cựu phó chánh thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh TP.HCM, khắc phục 1,85 tỉ đồng...
Ngoài ra, còn một số bị can khác cũng có nguyện vọng được khắc phục hậu quả vụ án.
Cáo trạng cho rằng một số bị can còn có tình tiết giảm nhẹ vì có thành tích xuất sắc trong công tác.
Trong đó bị can Nguyễn Văn Hưng từng được nhận Huân chương lao động hạng Nhì; bị can Nguyễn Văn Du: Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; bị can Nguyễn Cao Trí: Huân chương lao động hạng Ba...
Một triệu tỷ bị rút và việc 'bịt tai, che mắt' của 18 cán bộ thanh tra Bà Trương Mỹ Lan rút hàng trăm ngàn tỷ tiền mặt để làm gì? Dòng tiền mặt khổng lồ đó chảy về đâu? Đó là câu hỏi mà chắc chắn cơ quan điều tra không bỏ qua. Theo kết luận của cơ quan điều tra Bộ Công an (C03), trong vụ án Vạn Thịnh Phát, hành vi của nhóm Trương Mỹ Lan được...