Vụ 7 học sinh chết đuối ở biển Cần Giờ: Anh hai đi, bỏ lại đứa em nhỏ
Trong số 7 học sinh chết đuối ở Cần Giờ (TP.HCM), dù mới 15 tuổi nhưng có em ngoài trách nhiệm làm anh, còn đóng luôn vai trò là cha, là mẹ để chăm sóc em út khi người lớn vắng nhà.
Chị Cẩm Loan, mẹ em Đoàn Minh Tâm bần thần khi nhắc đến tên con
Ổ bánh mì dành cho anh
Phải băng qua con đường dài ngun ngút giữa rừng cao su chúng tôi mới đến được ngôi nhà của Đoàn Minh Tâm, một trong những học sinh thiệt mạng ở Cần Giờ. Ngôi nhà tại xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, nằm cách rất xa ngôi trường Tâm học ở thị trấn Dầu Tiếng.
Đến nơi, hình ảnh chúng tôi nhìn thấy là cô gái nhỏ, chừng 6 tuổi, nắm trong tay ổ bánh mì.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Loan, mẹ của Tâm, xót xa nhìn cô gái nhỏ rồi kể: “Tối qua, khi đang tìm anh hai, người ta phát cho bánh mì, nó chỉ ăn nửa ổ, còn một ổ để dành cho anh hai”.
Cả trong lúc ngủ, cô bé vẫn giữ chặt túi đựng ổ bánh mì, nhất định dành cho anh hai ăn. Cô giữ cho đến khi thi thể anh hai được tìm thấy và chuyển về nhà.
Dù mới 6 tuổi, nhưng cô bé đã hiểu rằng anh hai không còn nữa. Có lúc, cô bé hỏi mẹ: “Mẹ ơi, anh đi rồi con ngủ với ai?”. Những lúc ấy, dù là người phụ nữ rất cứng cỏi, chị Loan cũng phải bật khóc.
Video đang HOT
Sinh ra trong gia đình không mấy khá giả, ba Tâm là anh Đoàn Tấn Được, đi làm bảo vệ ở nông trường, ba hoặc bốn hôm về nhà một lần, trong khi mẹ là chị Loan làm nghề giúp việc, 7 – 8 giờ tối mới về.
Vì thế, trong ngôi nhà ấy, đối với cô em gái, Tâm vừa là anh hai, vừa là ba, là mẹ để chăm sóc và dạy dỗ em.
“Nó hiền lành lắm, ai cũng thương!”
Mỗi ngày, để đến trường, Tâm phải đạp xe hơn 10 cây số giữa rừng cao su bạt ngàn. Tan học, hơn 6 giờ tối, Tâm mới đạp xe về đến nhà. Lúc này, Tâm lo dọn dẹp nhà cửa để khi mẹ về không phải phiền lòng.
Như đợt đi biển Cần Giờ này, chị Loan đi làm về khuya, chỉ kịp hái mận trong nhà, gói trong túi ni lông đưa cho con cất vào cặp. Em hào hứng cất túi mận mẹ cho rồi ríu rít hỏi mẹ chuẩn bị đồ đạc gì, áo quần gì…
Sáng ra, nhìn qua cổng trường, chị Loan thấy bạn bè Tâm người mang bánh, người mang sữa… bày ra ăn, trong khi con chị chỉ mang theo mận mà không khỏi chạnh lòng.
Từ nhỏ, cuộc sống của Tâm cũng như chính cái tên em được đặt cho. Em thường đến chùa chơi và ăn chay mỗi đầu và giữa tháng âm lịch. Nhắc đến Tâm, những người lớn tuổi ở đây tỏ ra tiếc nuối: “Nó hiền lành lắm, ai cũng thương!”.
Vậy mà… em đi, để lại khoảng trống lớn cho gia đình, khoảng trống không gì khỏa lấp được.
Đầu năm học này, Tâm từng nói với mẹ: “Con muốn hết năm nay sẽ vào chùa sống”. Từ nhỏ Tâm đã thích sống ở chùa và từng có ý nguyện được quy y cửa Phật nên khi mất đi, gia đình mang tro cốt em vào chùa, nơi em mong muốn.
Hôm 29.12, khi cố gắng tìm con, chị Loan lo lắng đến nỗi khóc gục xuống ghế; hôm nay, tinh thần chị đã vững hơn, vì với chị… con trai đi là đi vào chùa nên tưởng xa mà gần lắm…
“Cứ tưởng đi du lịch theo đoàn ở trường là an toàn” Lý do cho con đi du lịch cùng trường trong chuyến đi định mệnh ở Cần Giờ, chị Loan nói: “Đây là lần đầu tiên con xin đi du lịch như thế này, số tiền phải đóng với gia đình tôi 400.000 đồng là không nhỏ nên tôi đã từ chối. Sau thấy con năn nỉ, xin đi vì lý do học hành tốt, lại nghĩ con đi với đoàn ở trường chắc sẽ an toàn chứ không phải bạn bè, nên tôi chấp nhận”. Từ ngày 29.12, chị không ăn, không ngủ. “Mỗi lần nhắm mắt lại, tôi thấy thằng Tâm, tôi cứ gọi: con ơi, con về với mẹ!”, chị Loan nghẹn ngào tâm sự. Cũng với ý nghĩ như chị Loan, ông Võ Văn Thành, ông nội của em Võ Tấn Tài, cho rằng, gia đình cũng từng phản đối chuyến đi Cần Giờ của cháu vì đây là lần đầu Tài đi du lịch mà không có người thân bên cạnh. “Sau cháu năn nỉ xin đi. Cả gia đình cho là đi cùng nhà trường có người quản lý chắc sẽ không sao…”, ông Thành ngậm ngùi. Anh Nguyễn Văn Tâm, ba của em Nguyễn Hoàng Long, vẫn day dứt về những phút cuối đời của con mình: “Người ta kể khi vớt nó lên, cơ thể còn ấm nóng…”. Những gia đình cho con cái đi du lịch Cần Giờ, ai cũng trong tâm lý an tâm khi đi cùng đoàn ở trường, có thầy cô, người quản lý… Anh Thế Vinh, một người hàng xóm của em Nguyễn Phan Thành Lâm, vừa nhìn bố mẹ em Lâm bây giờ như người mất hồn, vừa nói: “Con người ta sinh ra, mất đi người ta đau từng khúc ruột. Tại sao một chuyến đi có đóng tiền hẳn hoi, có người giám sát, bãi biển cũng có cứu hộ… mà đến 7 đứa phải ra đi?”.
Theo VNE
Lời kể lại của học sinh thoát chết ở biển Cần Giờ
Sáng 30/12, sau 15 giờ với khoảng 180 người tham gia tìm kiếm, thi thể học sinh cuối cùng trong vụ bảy học sinh đuối nước ở Cần Giờ đã được lực lượng cứu hộ tìm thấy.
Chị Nguyễn Thị Thu Phượng, mẹ học sinh xấu số Nguyễn Hoàng Long, khóc ngất bên quan tài con trai.
Đến trưa cùng ngày, thi thể của bảy học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khuyên (thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) đã được giao cho gia đình để làm lễ an táng...
Không khí tang thương bao trùm cả thị trấn này...
"Em thấy các bạn chìm xuống"
Nói về giây phút kinh hoàng trên bãi biển Cần Giờ, em Trần Thanh Triều (học sinh lớp 9A6) kể: Khoảng 11h ngày 29/12, nhóm 12 bạn nam rủ xuống biển tắm. Khi đó có một cô giáo nói: "Chỗ này tắm nhiều sình lầy, tắm dơ ráng chịu nhé". Tuy nhiên, vì lâu không được tắm biển nên cả nhóm vẫn xuống biển tắm.
"Tắm được khoảng 30 phút, em thấy lạnh nên đã rủ các bạn lên bờ nghỉ ngơi. Lúc này có một bạn trong nhóm lên tiếng: "Lâu rồi không được tắm biển, tắm cho đã đi". Vì vậy, khoảng tám bạn quay lại tắm tiếp. Khi em về chỗ các bạn tập trung tắm nước ngọt thì khoảng 20 phút sau, một bạn chạy về hô hoán kêu "Cứu, các bạn bị chìm hết rồi!". Lúc này các thầy cô mới hoảng hốt chạy ra nhưng không còn kịp nữa. Lúc đó ở khu vực không có một người cứu hộ nào. Có một người dân gần đó nhảy xuống cứu nhưng cũng không kịp...".
Theo Triều, trong tám bạn ở lại tắm tiếp thì Võ Ngọc Tuấn là người sống sót duy nhất. Triều kể: "Hiện Tuấn rất hoảng loạn và có kể lại cho em nghe rằng lúc cả nhóm đang tắm ở khu vực nước chỉ trên ngực. Không hiểu tại sao khi sóng xô ngập, vươn khỏi mặt nước thì đã thấy tất cả bị cuốn ra xa. Lúc đó Tuấn cố bơi vào bờ. Vào gần tới bờ, Tuấn nhìn lại phía sau vẫn thấy cánh tay của các bạn vẫy cầu cứu nhưng đến con sóng tiếp theo là không còn thấy cánh tay nào dâng trên khỏi mặt nước nữa. Các bạn đều biết bơi hết mà không hiểu tại sao lại xảy ra như vậy".
Cả thị trấn bàng hoàng
Thị trấn Dầu Tiếng, nơi có bảy học sinh chết đuối đang nhuốm tang thương. Trong căn nhà nhỏ của học sinh Nguyễn Hoàng Long (lớp 8) bị chết đuối, mẹ của em ôm chặt lấy chiếc quan tài khóc ngất, vật vã gọi: "Con ơi, đừng rời xa ba mẹ... Trả con cho tôi..." rồi ngất lịm bên quan tài.
Cha của Long nói: "Hôm thứ Bảy vừa rồi nó mang giấy khen về nhà khoe rồi nói sẽ đi tham quan ở huyện Cần Giờ cùng với các học sinh cùng trường đạt thành tích học tập tốt. Vì thương con, vợ chồng tôi đóng 400.000 đồng cho chuyến đi. Long còn hứa sẽ mua quà cho em và ba mẹ. Vậy mà...".
Còn mẹ của học sinh xấu số Võ Thành Luân (học sinh lớp 9) quá đau đớn đã ngã quỵ vì không chịu nổi việc mất đứa con duy nhất của gia đình. Trong căn nhà nhỏ hơn 30 m2 được ghép bằng gỗ đã mục nát, cửa ra vào chỉ rộng khoảng 1 m không đủ chỗ để đặt chiếc quan tài của em nên gia đình đã đặt ngay ngoài sân đất trước cửa nhà. Cha của Luân thẫn thờ tâm sự: "Trước kia kinh tế khó khăn nên sau khi sinh Luân hai vợ chồng nghĩ sẽ không sinh thêm nữa để tập trung nuôi con ăn học nên người. Giờ như tan vỡ hết rồi. Không biết vợ tôi có vượt qua được nỗi đau này không... Nghe Long nói nhà trường tổ chức cho các học sinh giỏi, tiên tiến đi tham quan cùng thầy cô giáo nên vợ chồng tôi mới cho đi. Vậy mà...".
Ngoài những người thân của ba mẹ em Nguyễn Hoàng Long, Đoàn Minh Tâm, Võ Thành Luân còn bốn gia đình của em Lê Tường Duy, Lê Công Hận, Võ Tấn Tài, Nguyễn Phan Thành Lâm đều đang quằn quại trong đau đớn, tất cả như vẫn không thể tin nổi sự mất mát đột ngột này...
UBND tỉnh Bình Dương, Sở GD&ĐT cùng các ban ngành, UBND huyện Dầu Tiếng, lãnh đạo thị trấn Dầu Tiếng đã đến thăm hỏi gia đình bảy học sinh, hỗ trợ tổng số tiền 25 triệu đồng cho gia đình có học sinh bị nạn.
Theo Xahoi
Vụ 7 học sinh mất tích: Đã có lúc tôi tưởng em Long được cứu sống Có mặt tại hiện trường ở thời điểm bảy học sinh bị sóng biển cuốn trôi, ông Nguyễn Văn Phương (40 tuổi), nhà ở ấp Long Thạnh, xã Long Hòa (Cần Giờ) là người trực tiếp tham gia cứu nạn, cho hay tiếc nhất là trường hợp em Nguyễn Hoàng Long - nạn nhân được tìm thấy xác đầu tiên. Ông Nguyễn Văn...