“Với Nga, NATO luôn là một hiểm họa”
“Đương nhiên là Moscow không muốn quyền lực Ukraine nằm trong tay các nhà lãnh đạo bài Nga. Đơn giản chỉ vậy thôi”.
Ảnh: Reuters.
Ukraine là trọng tâm của thượng đỉnh Liên minh Bắc Đại Tây Dương Newport. Tổng thống Porochenko vào trưa 4/9 tiếp kiến tổng thống Hoa Kỳ, Obama, tổng thống Pháp, Hollande và thủ tướng các nước Anh, Đức và Ý bên lề hội nghị. Quốc tế gia tăng áp lực đòi Moscow chấm dứt can thiệp vào miền Đông Ukraine.
Tại hiện trường, phe thân Nga ở miền Đông Ukraine đang giành lại thế mạnh. RFI đặt câu hỏi với giám đốc Viện Quan hệ Chiến lược Quốc tế IRIS của Pháp, ông Philippe Migault về bế tắc trong đối thoại giữa phương Tây và Nga trên hồ sơ Ukraine.
Trước hết phải chăng việc phe thân Nga ở Đông Ukraine đang lấy lại ưu thế là một sự bất ngờ?
Video đang HOT
Điều đó vừa đúng mà vừa không đúng. Mới chỉ cách nay hai tuần, Kiev khẳng định là sắp dẹp được quân nổi dậy ở miền Đông Ukraine. Thế nhưng trên hiện trường, xung đột giữa quân đội Ukraine với phe nổi dậy thân Nga rất khốc liệt, nhất là ở vùng sát biên giới giữa Nga với Ukraine. Quân đội Ukraine cho tới nay chưa từng thành công trong việc tách rời quân nổi dậy khỏi vùng biên giới với Nga.
Trợ giúp từ phía Nga vẫn tiếp tục đổ về khu vực này, nuôi sống, trang bị cho phe nổi dậy thân Nga. Đương nhiên là ngày nào mà liên hệ đó còn được duy trì, thì quân đội Ukraine sẽ bị xói mòn, hao tốn sức lực.
Quân đội Ukraine tuy có nhiều phương tiện nhưng lại bị chia rẽ và thiếu nhân sự. Hơn nữa, trong thế tấn công, Ukraine cần huy động nhiều binh sĩ và các phương tiện quân sự. Chốt lại, tình hình hiện nay tương đối không phải là một điều gây ngạc nhiên.
Quốc tế phải nghĩ gì khi Nga tuyên bố “xét lại chiến lược quân sự” ở phía tây trước khả năng NATO thu nhận thêm thành viên mới?
Tôi nghĩ là chúng ta không nên nao núng vì tuyên bố đó của chính quyền Moscow. Nga không đưa ra điều gì mới mẻ cả. Ngay từ những năm 2010, Moscow đã coi khả năng Liên minh Bắc Đại Tây Dương mở rộng biên giới là một mối đe dọa đối với an ninh của nước Nga.
Trong mắt các nhà cầm quyền Nga, NATO luôn là một hiểm họa. Có điều là với khủng hoảng Ukraine, sau việc Crimea bị thôn tính và sáp nhập vào nước Nga, NATO đề nghị thành lập căn cứ quân sự thường trực tại đông Âu, tức là sát cạnh biên giới của Nga. Đương nhiên là Moscow phải có phản ứng. Có nhiều khả năng Nga tăng cường sự hiện diện quân sự ở vùng phía tây.
Thưa ông, thực ra Nga muốn gì trên hồ sơ Ukraine?
Tôi nghĩ từ đầu cuộc khủng hoảng tới nay, mục tiêu của Moscow đối với Ukraine không hề thay đổi. Liên bang Nga luôn coi Ukraine là một quốc gia có lợi ích sống còn và có tầm mức chiến lược đối với bản thân nước Nga.
Vì vậy Moscow làm tất cả để Kiev không ngả về phía Liên Hiệp Châu Âu và nhất là không đi theo NATO. Nga không muốn trông thấy một nước Ukraine thân Mỹ. Đương nhiên là Moscow không muốn quyền lực Ukraine nằm trong tay các nhà lãnh đạo bài Nga. Đơn giản chỉ vậy thôi.
Liệu rằng Nga có tiếp tục muốn thành lập một liên minh với Ukraine để buộc Kiev chịu ảnh hưởng của Moscow như dưới thời Liên Xô cũ hay không?
Đương nhiên với khủng hoảng không hồi kết như hiện nay, mọi kịch bản đều có thể xảy ra. Chúng ta có thể liên tưởng tới một “liên bang Ukraine” hay một nước Ukraine bị chia đôi mà ở đó vùng Donbass tách rời hẳn khỏi Ukraine để thuần phục Moscow như ở vùng Nam Áp Kha Si. Nhiều người cũng không loại trừ khả năng miền Đông Ukraine xin được sáp nhập hẳn vào nước Nga.
Ngày nào mà các bên liên quan không chịu ngồi vào bàn đàm phán, thì không thể nói tới hồi kết của khủng hoảng Ukraine.
Vào lúc NATO họp thượng đỉnh ở Newport, Anh Quốc, ông có nghĩ là phương Tây và Nga có thể dễ dàng nối lại đối thoại để giải quyết hồ sơ Ukraine hay không?
Tôi có cảm tưởng là liên quan tới đối thoại với Nga, cộng đồng quốc tế đang trong một tình huống tương tự như đối với vấn đề khủng hoảng kinh tế của nước Pháp. Có nghĩa là tất cả mọi người cùng nhận thức được vấn đề nhưng không ai sẵn sàng làm bất cứ một việc gì để giải quyết vấn đề đó.
Vấn đề rất đơn giản. Nga muốn có một cuộc đối thoại về Ukraine. Nhưng đó phải là một cuộc đối thoại tương tương xứng, bình đẳng giữa các bên. Nga không muốn bị cộng đồng quốc tế áp đặt. Phương Tây thì coi đó là một thái độ ngạo mạn của các nhà cầm quyền Moscow.
Khác biệt đó cho thấy khó có thể tiến tới đối thoại thực sự. Vấn đề đặt ra là quốc tế vẫn nghĩ nước Nga ngày nay của ông Putin như liên bang Nga ở những thập niên 1990 dưới thời đạo của cố tổng thống Boris Eltsin. Đó là một sai lầm. Ngày nào mà chúng ta không hiểu được rằng nước Nga ngày nay của Putin không khoan nhượng như thời trước, thì không thể có một sự thương lượng thực sự để đem lại hòa bình cho Ukraine.
Theo Bizlive