Vỡ mộng kiếm tiền bằng du học
Đa số du học sinh đăng ký học trường tiếng Nhật để có thời gian đi làm thêm đủ nghề như bốc vác, cọ rửa nhà vệ sinh, bưng bê ở cửa hàng…, nhưng vẫn không đủ sống.
Khi học đến năm thứ 2, ĐH Hà Tĩnh, Nguyễn Văn Hải ở huyện Kỳ Anh nghe nhiều người kháo đi du học Nhật Bản vừa có bằng quốc tế vừa có cơ hội kiếm bộn tiền.
Tìm hiểu Công ty tư vấn du học Nhật Bản có trụ sở tại thành phố Vinh, Hải được biết, có hai hình thức dễ kiếm tiền ở Nhật gồm đi xuất khẩu lao động hoặc học trường tiếng Nhật, học trường nghề, học cao đẳng. Với mức phí 10.000 USD (khoảng 220 triệu đồng) bao gồm chi phí học tập, vé máy bay, thủ tục, hồ sơ…
Du học sinh vỡ mộng vì đi làm thêm. Ảnh: Tiền Phong.
Người môi giới cho hay, khi sang Nhật, mỗi ngày Hải chỉ việc đi học 1 buổi, còn 1 buổi và đêm thì đi làm thêm lương từ 1.500-2.000 USD. Hải tính toán, với mức thu nhập này ở Nhật, chịu khó làm việc 5 năm, số vốn cũng kha khá.
Hải bỏ ngang việc học, khăn gói theo khóa học tiếng Nhật cơ bản. Sau hơn một năm, nộp cả tiền học, phí làm hồ sơ, tiền đặt cọc với số tiền gần 250 triệu, Hải may mắn trở thành du học sinh ở xứ sở hoa Anh Đào. Tuy nhiên, khi sang đến nơi mới thấy lời tư vấn của nhân viên công ty du học chỉ là bánh vẽ.
Hải cho biết, việc học chiếm khá nhiều thời gian cộng với chi phí học tập tại trường đắt đỏ (gần 200 triệu/năm) nên để có tiền trang trải học tập, sinh sống Hải phải làm thêm đủ nghề như: dọn nhà vệ sinh, đóng hàng ở siêu thị… để có tiền gửi về quê trả nợ. “Lắm hôm, em phải làm việc xuyên đêm, sáng ra đến trường luôn nên rất mệt mỏi”, Hải nói.
Năm 2013, tốt nghiệp ĐH Đà Nẵng, Trần Quốc T. (Hà Tĩnh) không xin được việc làm, gia đình đành cầm cố ngôi nhà đang ở cho ngân hàng vay tiền đi du học tại Học viện Nhật ngữ (Tokyo). Anh T. tính toán, với mức lương làm thêm khoảng 35 – 40 triệu đồng mà nhân viên tư vấn đưa ra, chưa đầy một năm sau anh trả đủ nợ.
Vậy nhưng, khi đến Nhật, T. được biết quy định cho sinh viên đi làm thêm không quá 28 tiếng/tuần nhưng thực tế anh T. đã làm hơn 80 tiếng/tuần để phải trang trải cuộc sống và gửi về nhà khoảng 10 triệu đồng/tháng. Theo T. hầu hết du học sinh sang Nhật gần đây đều có mục đích kiếm tiền nên tranh thủ làm thêm mọi lúc, mọi nơi.
Video đang HOT
Dễ bị lừa
Bà Nguyễn Thị Thanh Minh, Phó Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD&ĐT), cho rằng, năm tới, Sở GD&ĐT Hà Nội cần tăng cường thanh tra, thu hồi giấy phép hoạt động các đơn vị tư vấn vi phạm; công khai danh sách các đơn vị được cấp phép để người dân được biết, tránh bị lừa đảo.
Bà Tanaka Mizuki – Bí thư thứ hai Ban Văn hóa (Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam) lý giải về số lượng lưu học sinh tăng đột biến là do có sự nhầm lẫn giữa mục đích lao động và tư cách lưu học sinh.
Theo bà Tanaka Mizuki, một bộ phận công ty tư vấn du học đã cung cấp thông tin không chính xác, không đúng thực tế. Vì thế, du học sinh phải lãnh hậu quả khi chịu gánh nặng tiền vay và xoay xở đủ đường để chi trả mức phí sinh hoạt. Bà Tanaka Mizuki cho rằng, học sinh cần được học định hướng trước khi có ý định du học đồng thời có cảnh báo với người dân về thông tin du học.
Ông Chữ Xuân Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, một số đơn vị làm tư vấn du học nhưng chưa nắm được quy định hoạt động chung của nhà nước, thông tin thiếu chính xác làm ảnh hưởng đến con đường, sự nghiệp của nhiều học sinh.
Năm 2015, đơn vị đã ký xác nhận với lực lượng công an xử lý một số vụ việc các Cty du học không minh bạch về tài chính. Theo ông Dũng, giải pháp trong năm tới là đơn vị thành lập câu lạc bộ hoặc hội ngành nghề để các đơn vị tư vấn du học nghiêm túc liên kết, hỗ trợ nhau hoạt động.
Theo Nguyễn Hà/Tiền Phong
Những nghề tay trái 'hái' tiền của du học sinh
Trợ giảng, gia sư hay phiên dịch đã trở thành những nghề tay trái phổ biến của nhiều du học sinh. Đây là những việc nhẹ nhàng, có thu nhập hơn hẳn so với công việc khác.
Có trình độ ngoại ngữ tốt, Cao Bảo Ngọc, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Ngôn ngữ tại University of Giessen, Đức, thường làm thêm công việc phiên dịch cho các đoàn ngoại giao, doanh nghiệp của Việt Nam.
Phòng cabin nơi Ngọc đọc phiên dịch cho buổi hội thảo. Ảnh: NVCC.
Ngọc vẫn chưa quên cảm giác hào hứng khi được mời phiên dịch cho đoàn doanh nghiệp cấp cao của Việt Nam trong chuyến thăm Đức tháng 11/2015. Vào phòng cabin với trang thiết bị chuyên nghiệp, nữ sinh có dịp vận dụng hết vốn từ vựng về kinh tế, xã hội của mình để cùng lúc phiên dịch cho cả 2 phía.
Cô cho biết, ở Frankfurt hay có hội chợ quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam sang đây tìm đối tác thường thuê sinh viên người Việt phiên dịch và trợ giúp đoàn.
Trong khi đó, Châu Thanh Vũ, cựu sinh viên Đại học Princeton, Mỹ chọn trợ giảng và chấm bài cho sinh viên. Đây vốn là công việc dành cho nghiên cứu sinh tiến sĩ, nhờ thành tích học tập xuất sắc nên Vũ được đặc cách nhận việc từ khi là sinh viên.
"Làm phục vụ ở quán ăn, lương chỉ khoảng 8 USD/giờ, còn giảng hay chấm bài như mình thường được trả 80 USD mỗi tuần, trong khi thời gian làm việc thực sự chỉ 2 đến 4 tiếng", Vũ chia sẻ về công việc thời sinh viên của mình.
Cũng dạy học như Châu Thanh Vũ, nhưng thay vì giảng bài ở các lớp đại học, Võ Túc Ngân (du học sinh Pháp) lại tìm đến từng gia đình người bản xứ làm gia sư. Ngân chia sẻ, đây là công việc đòi hỏi sự khéo léo và khả năng truyền đạt tốt.
Công việc gia sư và trông trẻ gắn bó với Túc Ngân suốt những năm tháng sinh viên ở Pháp. Ảnh: NVCC.
"Mình từng làm gia sư cho một bé người Pháp học lớp 5. Tiền lương mỗi buổi 25 euro. Nhiệm vụ chủ yếu là hướng dẫn em hoàn thành phiếu bài tập về nhà, gồm mục chính tả, ngữ pháp và toán; cũng như giúp học sinh này tập đọc diễn cảm hơn", Túc Ngân chia sẻ.
Nghề trông ký túc xá
Dành 12 tiếng mỗi tuần cho việc trợ giảng, Nguyễn Linh Chi (sinh viên Đại học Colgate, Mỹ) còn làm thêm quản lý ký túc xá sinh viên. Công việc giúp Chi được miễn phí tiền ăn, ở, tiết kiệm cả nghìn USD mỗi năm.
Trong vai "tổ trưởng dân phố", nhiệm vụ của Chi là trông nom cơ sở vật chất của nhà trường, đảm bảo sinh viên trong khu vực không vi phạm nội quy.
"Công việc có vẻ đơn giản nhưng cần nhiều kỹ năng. Mình phải chú ý đến sức khỏe, điều kiện sống của mọi thành viên trong ký túc xá, ví dụ vấn đề tâm lý bất ổn, mâu thuẫn giữa bạn cùng phòng...", Chi chia sẻ.
Một trong những nghề khác ít người lựa chọn là lập trình phần mềm. Nguyễn Đức Minh, sinh viên Đại học quốc gia Irkutsk, Nga, đã "sắm" được 4 chiếc máy vi tính nhờ công việc này, trong đó có 1 chiếc gửi về Việt Nam cho người thân.
Minh kể, một lần trường cử đi thực tập ở công ty phần mềm Forus, cậu được trưởng nhóm lập trình mời cộng tác. Từ đó, nam sinh say sưa với công việc làm thêm này, mỗi tháng kiếm được khoảng 4.000 rúp.
"Cộng với tiền học bổng, mỗi tháng mình tiết kiệm được 9.000 rúp. đến hết học kỳ, mình lại dùng tiền tiết kiệm để mua máy vi tính phục vụ công việc", Minh chia sẻ.
Làm thêm để tranh thủ học
Bên cạnh kiếm thêm thu nhập, những sinh viên giỏi như Cao Bảo Ngọc, Châu Thanh Vũ còn cố gắng lựa chọn công việc liên quan ngành học của mình để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
Ngoài việc giảng bài, Thanh Vũ còn soạn giáo án, tự nghĩ bài tập, tạo đề thi thử... Công việc trợ giảng mang lại cho cậu nhiều niềm vui, nhất là khi nghe sinh viên nhận xét cách giảng của cậu dễ hiểu. Đôi khi thi cử xong, sinh viên còn gửi thư cho Vũ để cảm ơn.
Còn đối với Võ Túc Ngân, công việc gia sư và trông trẻ chỉ vì nữ sinh rất quý trẻ con và muốn giao tiếp nhiều hơn với người bản xứ. "Bên cạnh đó, nói chuyện, đọc sách và dạy cho trẻ cũng giúp mình tăng vốn từ vựng tiếng Pháp", nữ sinh nói.
Theo Zing
Du học sinh cần tỉnh táo khi chọn việc làm thêm Kiếm tiền trang trải cuộc sống là nhu cầu thiết thực của du học sinh, nhưng không phải ai cũng tỉnh táo, biết cân bằng khi làm thêm để không ảnh hưởng học tập. Từ trải nghiệm của một số du học sinh làm thêm ở nước ngoài, có thể thấy rất nhiều điều cần chú ý bên cạnh những lợi ích của...