Việt Nam nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Tương lai châu Á
Phát biểu tại Hội nghị Quốc tế Tương lai châu Á, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, diễn biến phức tạp trên Biển Đông đe dọa an ninh khu vực. Các quốc gia liên quan đều phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế, thực hiện nghiêm túc DOC.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại hội nghị (Ảnh: VGP)
Ngày 21/5/2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã tham dự Hội nghị quốc tế Tương lai Châu Á lần thứ 21 tại Tokyo, Nhật Bản. Hội nghị năm nay có sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao như Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagin Elbegdorja, Phó Tổng thống Indonesia Muhammad Jusuf Kalla, Phó Thủ tướng Thái Lan Devacula Pridyathorn, cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong , cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan chính phủ, khu vực doan nghiệp, giới học giả nhiều nước châu Á.
Với chủ đề “Châu Á sau 2015 – Tìm kiếm hòa bình và thịnh vượng lâu dài” , Hội nghị tập trung thảo luận về các nhân tố có ảnh hưởng sâu sắc đến tương lai Châu Á như thách thức và cơ hội của Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015, chính sách phát triển của các nền kinh tế lớn và các bất ổn trong quan hệ quốc tế. Vấn đề Biển Đông cũng được đề cập nhiều tại Hội nghị.
Phát biểu ngay tại Phiên khai mac Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ ra những xu thế phát triển lớn của thế giới ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển của Châu Á, đó là: quá trình toàn cầu hoá và liên kết kinh tế quốc tế sâu rộng; sự dịch chuyển sức mạnh kinh tế tạo nên cục diện quan hệ quốc tế mới và thế giới đa cực; sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ; làn sóng đô thị hoá và xu thế già hoá dân số; và tình trạng ngày càng trầm trọng hơn của biến đổi khí hậu và khan hiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Phó Thủ tướng cho rằng, trong một thế giới biến đổi nhanh chóng, các quốc gia châu Á cần nắm bắt thời cơ và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để vươn lên thành công. Xây dựng Cộng đồng ASEAN là quyết định có ý nghĩa lịch sử và mang tính chiến lược của các nhà Lãnh đạo ASEAN nhằm tạo bước chuyển về chất cho quá trình hội nhập và vị thế của ASEAN trong cấu trúc khu vực và nền kinh tế toàn cầu. Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho cả doanh nghiệp trong ASEAN và ngoài ASEAN.
Video đang HOT
Cùng với các nước ASEAN, Việt Nam đang đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN, nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế trị trường, cơ chế chính sách và chủ động hội nhập quốc tế; phấn đấu đến cuối năm 2015 các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam bằng và vượt mức trung bình của các nước ASEAN dẫn đầu. Phó Thủ tướng đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản đối với quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và hoan nghênh những đóng góp của các doanh nghiệp Nhật Bản vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của các nước ASEAN.
Phó Thủ tướng khẳng định trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia trong khu vực trong bảo đảm môi trường hòa bình và ổn định vì sự phát triển bền vững của châu lục. Để ứng phó một cách hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, các quốc gia dù lớn nhỏ đều cần tôn trọng độc lập chủ quyền và quyền lợi của các nước khác, tăng cường lòng tin và giải quyết bất đồng, tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải thông qua các biện pháp hoà bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc.
Liên quan đến Biển Đông, Phó Thủ tướng khẳng định các diễn biến hết sức phức tạp của tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải đang tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng khôngở khu vực. Các quốc gia liên quan đều phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ quy các ứng xử (COC).
Cũng trong ngày 21/5, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bày tỏ mong muốn hai nước phối hợp chặt chẽ để triển khai các thỏa thuận cấp cao về kinh tế; đề nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục cung cấp nguồn vốn ODA ở mức cao hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững, khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư, chuyển giao công nghệ vào Việt Nam, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.
Thủ tướng Abe khẳng định Nhật Bản hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam và sẽ tiếp tục tích cực hợp tác và hỗ trợ sự phát triển của Việt Nam, cam kết đẩy mạnh hợp tác, trao đổi trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác trên các Diễn đàn quốc tế và khu vực. Thủ tướng Abe bày tỏ mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Nhật Bản với khu vực Mê Công trong thời gian tới.
Liên quan đến tình hình Biển Đông, Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế và cho rằng cộng đồng quốc tế cần hợp tác chặt chẽ để đảm bảo việc tuân thủ luật pháp quốc tế.
Nam Hằng
Theo dantri
Báo Nhật: Cam Ranh vẫn là "át chủ bài" của Việt Nam để bảo vệ chủ quyền
Mỹ đang cạnh tranh chiến lược với Nga về việc sử dụng (dịch vụ tại) Cam Ranh. Việt Nam rất có thể thay đổi cán cân quyền lực ở châu Á - Thái Bình Dương...
Tờ Nikkei ngày 21/5 đăng bài phân tích của tác giả Atsushi Tomiyama cho rằng, trong cạnh tranh chiến lược, Việt Nam nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc với kích thước nền kinh tế nhỏ hơn 54 lần và hải quân Trung Quốc có quy mô lớn hơn 10 lần Việt Nam. Nhưng trong vấn đề liên quan đến Biển Đông, Việt Nam có một quân át chủ bài, đó là vịnh Cam Ranh. Tomiyama cho rằng để tận dụng tối đa đòn bẩy của Cam Ranh, Việt Nam thường cho phép Nga sử dụng dịch vụ tại cảng này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thăm vịnh Cam Ranh năm 2012.
Cam Ranh là một trong những vịnh chiến lược quan trọng nhất châu Á. Hoa Kỳ từng sử dụng nó làm trung tâm các hoạt động hải quân trong Chiến tranh Việt Nam. Bây giờ hải quân Mỹ đang cạnh tranh chiến lược với Nga về việc sử dụng (dịch vụ tại) Cam Ranh. Việt Nam rất có thể thay đổi cán cân quyền lực ở châu Á - Thái Bình Dương chỉ đơn giản bằng cách cung cấp một hoặc một số cách tiếp cận ưu đãi khác với Cam Ranh. Vịnh này nằm cách quần đảo Hoàng Sa 600 km về phía Tây và cách Trường Sa 800 km về phía Tây Bắc.
Tàu đóng tại Cam Ranh có thể dễ dàng truy cập Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca. Lịch sử đã cho thấy giá trị của nó như một căn cứ hải quân và không quân. Sau Chiến tranh Việt Nam, Liên Xô và sau này là Nga đã thuê Cam Ranh từ năm 1979 đến 2002. Kết thúc Chiến tranh Lạnh, một số tầm quan trọng chiến lược của Cam Ranh bị suy giảm. Nhưng sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm thay đổi tầm quan trọng trong sự hiện diện của vịnh Cam Ranh.
Việt Nam lâu nay vẫn chủ trương nhất quán không cho bất cứ quốc gia nào "thuê" Cam Ranh và nhiều lần từ chối yêu cầu lặp đi lặp lại từ Hoa Kỳ đang tìm cách sử dụng cảng Cam Ranh như một căn cứ. Việt Nam chỉ cho phép tàu nước ngoài được truy cập và sử dụng dịch vụ tại Cam Ranh và Nga trở thành khách hàng thường xuyên. Tính đến tháng 3 năm nay hải quân Việt Nam đã mua 3 tàu ngầm lớp Kilo do Nga chế tạo và triển khai ở Cam Ranh. 3 chiếc còn lại sẽ được bàn giao hoàn tất vào cuối năm 2016.
Tàu chiến Nga ghé cảng Cam Ranh sử dụng dịch vụ thường xuyên hơn sẽ dễ dàng hơn cho Việt Nam để có được lời khuyên của Nga về hoạt động của tàu ngầm chiến lược. Một nhà ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội nói với Tomiyama, rất có thể Việt Nam đã nhận được cam kết từ Nga để cập nhật hệ thống vũ khí cho Việt Nam nếu được ưu đãi sử dụng dịch vụ tại Cam Ranh. Năm nay đánh dấu 20 năm bình thường hóa quan hệ Mỹ - Việt, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp đi thăm Hoa Kỳ và nhiều khả năng là trong tháng Sáu này.
Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc, chiếm 11,7% tổng giá trị thương mại của người Việt. Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vũ khí sát thương đối với Việt Nam trong 40 năm qua. Cho đến nay những hạn chế được nới lỏng cho các mặt hàng liên quan đến phòng thủ hàng hải. Tomiyanma cho rằng dường như Việt Nam đang quan tâm đến mua máy bay chống tàu ngầm và tàu thuyền tuần tra biển tốc độ cao.
Khoảng 95% vũ khí hiện tại của Việt Nam đến từ Nga và hầu hết đã cũ. Vũ khí Mỹ có thể là một lựa chọn thay thế với dịch vụ hậu mãi và đào tạo sau bán hàng tốt hơn. Nhật Bản cũng quan tâm sâu sắc đến những diễn biến này. Cuối tháng 4 Reuters đưa tin Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã xem xét phương án tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông. Nếu được sử dụng (dịch vụ tại) Cam Ranh, Nhật Bản có thể thường xuyên theo dõi toàn bộ Biển Đông, nhà ngoại giao tại Hà Nội nói với Tomiyama.
Ngày 13/5, hai chiếc P-3C của quân đội Nhật Bản đã bay đến Đà Nẵng, phía Bắc vịnh Cam Ranh để tham gia hoạt động trao đổi quân sự với Việt Nam. Đây là chuyến thăm thứ 2 đến Việt Nam của máy bay P-3C Nhật Bản. Dù là tình cờ hay hữu ý, Tomiyama cho rằng Việt Nam đang gửi một thông điệp tới các nước láng giềng. Trò chơi quyền lực trong khu vực đang trở nên phức tạp hơn.
Theo Giáo Dục
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ: Các hành động của Trung Quốc đi ngược luật pháp quốc tế Phát biểu tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/5, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nói rằng các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đi ngược với luật pháp quốc tế và kêu gọi Bắc Kinh "đóng băng" dự án bồi đắp. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken (trái) gặp Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại...