Việt Hoàng ‘Siêu trí tuệ’ và bài học từ sự liều lĩnh, bất cẩn
Sau “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2017 và “Siêu trí tuệ” 2019, Hà Việt Hoàng cho biết em đã trưởng thành và tự tin hơn sau mỗi chiến thắng và cả thất bại.
Những ngày cuối năm 2019, Hà Việt Hoàng, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, bước vào môn thi cuối trước kỳ nghỉ Tết. Hoàng chia sẻ Tết là thời gian em dành cho gia đình.
Không còn là thí sinh của “Siêu trí tuệ” hay “Đường lên đỉnh Olympia”, cậu đơn giản là con cháu của dòng họ, mong đến giờ giao thừa cùng gia đình xem pháo hoa.
Thành công đến từ nỗ lực
- Chào Việt Hoàng. Khi nhận danh hiệu một trong 10 ‘” Gương mặt trẻ thủ đô tiêu biểu” mới đây, Hoàng có cảm xúc gì? Sau “Siêu trí tuệ”, cuộc sống của em có gì đổi khác?
- Em khá bất ngờ khi nhận danh hiệu “G ương mặt trẻ thủ đô tiêu biểu” bởi chỉ nghĩ mình được mời tới dự lễ tuyên dương, chứ không biết sẽ được vinh danh.
Sau “Siêu trí tuệ”, em được nhiều người biết đến hơn. Tuy nhiên, em đã quen với điều này khi là thí sinh vào chung kết năm của “Đường lên đỉnh Olympia” 2017 nên đã biết cách giữ tâm lý ổn định để có được sự tập trung cần thiết.
Em hạn chế đọc bình luận và bớt thời gian lên mạng xã hội. Dù trước kia “nghiện” mạng xã hội, nhưng bây giờ, em hạn chế đọc bình luận và kết bạn với người không quen biết. Facebook với em đơn giản là nơi liên lạc với mọi người.
Việt Hoàng bày tỏ để học tốt chương trình của ĐH Bách khoa Hà Nội không phải dễ dàng. Ảnh: T.D.
- Việt Hoàng được chú ý nhiều trên mạng xã hội khi là sinh viên, điều này có khiến bố mẹ em lo lắng?
- Bố em là sĩ quan quân đội, mẹ từng là giáo viên mầm non, hiện làm việc tại sân bay. Bố là người ít chia sẻ, chưa bao giờ muốn em nổi tiếng vì coi việc này như “con dao hai lưỡi”. Bố luôn muốn em tập trung cho con đường vào đại học, trở thành kỹ sư giỏi.
Bản thân em trải nghiệm nổi tiếng mang lại nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít hệ lụy. Điều quan trọng là mình biết tận dụng lợi thế đó như thế nào để có nhiều mối quan hệ, cơ hội hơn, biết đâu đó sẽ là con đường dẫn đến thành công.
“Siêu trí tuệ” vừa kết thúc. Khi chương trình lắng xuống, em sẽ có nhiều thời gian để tập trung cho việc học.
- Những cuộc thi trên truyền hình giúp Việt Hoàng học được những gì?
- Khi thi đấu “Đường lên đỉnh Olympia”, em là người nhút nhát, thậm chí trận chung kết năm không dám chọn ngôi sao hy vọng. Điều này giúp em nhận ra bài học cuộc sống đôi khi cần liều lĩnh, nếu chỉ ở trong vùng an toàn mãi sẽ không thể thành công.
Đến “Siêu trí tuệ”, trải nghiệm sự liều lĩnh, ở vòng một, em không nhìn ô chữ để giải. Vòng 3, dù giải ô chữ chỉ sau 3 phút, em đã phạm phải sai lầm là điều chỉnh đáp án sau khi đã bấm chuông. Với em, đó là bài học phải trả giá cho sự bất cẩn.
- Việt Hoàng cho rằng những thành công ban đầu của mình đến từ đâu, do bẩm sinh hay nỗ lực học tập?
- Nhà khoa học Thomas Edison từng nói: “Thiên tài do 1% bẩm sinh và 99% do nỗ lực mà có”. Em nghĩ khả năng ghi nhớ của mình có một phần may mắn do “trời cho” khi lúc 2,3 tuổi đã nhớ được số điện thoại, biển số xe khá tốt. Bố mẹ cũng tạo điều kiện giúp em học hỏi điều này.
Muốn ghi nhớ tốt, em phải đọc đi đọc lại nhiều lần để hiểu. Em thường đọc và tìm hiểu sâu kiến thức khi cảm thấy hứng thú, đồng nghĩa với lúc não bộ hoạt động tốt nhất.
Với kiến thức mà mình không hứng thú, em đọc để hiểu cơ bản. Việc rèn luyện trong thời gian dài giúp em tìm được phương pháp tốt nhất để ghi nhớ, góp phần phát triển khả năng của não bộ.
Không đặt ra mục tiêu vượt qua Huy Hoàng
- Việt Hoàng và Huy Hoàng là sinh viên của ĐH Bách khoa Hà Nội, cùng là đối thủ từ “Đường lên đỉnh Olympia” đến “Siêu trí tuệ”. Mối quan hệ của các em thế nào?
- Em gặp Huy Hoàng từ “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2017. Trải qua các cuộc thi, chúng em không coi nhau là đối thủ, mà thường nói vui là “bạn khẩu nghiệp”, luôn vui vẻ cùng nhau.
Đối với em, cuộc thi truyền hình chỉ là cuộc chơi. Em không đặt mục tiêu bằng mọi giá để vượt qua Huy Hoàng. Nếu có cuộc thi tiếp theo, chúng em sẽ luôn cố gắng hết mình.
Hà Việt Hoàng (thứ ba từ trái sang) gây ấn tượng trong chương trình “Siêu trí tuệ”. Ảnh: NVCC.
Vòng 2 của “Siêu trí tuệ”, em đối đầu Huy Hoàng là phần thi đáng nhớ nhất, bởi cả hai đã rất cố gắng và nhận được phản hồi tốt từ khán giả.
Em và Huy Hoàng khá thân thiết, có điểm tương đồng về đam mê, tìm hiểu và thu thập kiến thức mới. Chúng em cùng là thành viên chung của một số hội nhóm trao đổi về các chủ đề nâng cao kiến thức của cộng đồng Olympia.
Tại huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội, em cũng thành lập CLB Olympia từ năm 2017, tạo điều kiện giúp tất cả học sinh trong địa bàn huyện có sân chơi thú vị.
- Có khi nào Việt Hoàng thấy mình thất bại?
- Em thấy mình trưởng thành và tự tin hơn khi tham gia các cuộc thi truyền hình. Em luôn nghĩ nếu mình khép kín biết đâu sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội. Không ai toàn diện cả, chỉ có biết nhiều hay ít kiến thức mà thôi.
Em từng gặp thất bại khi thi cấp ba, “Đường lên đỉnh Olympia” và cả đại học. Nguyện vọng 1 vào ĐH Bách khoa của em bị thiếu 0,05 điểm. Nhóm ngành Thông tin Điện tử Viễn thông đang học là nguyện vọng 2. Ngày biết kết quả, em rất tiếc nuối nhưng bây giờ phải cố gắng với con đường đã chọn.
Nhiều người hỏi tại sao đam mê lịch sử, thể thao nhưng lại chọn ngành kỹ thuật. Em xác định đam mê tìm hiểu kiến thức là cảm hứng còn công việc lâu dài em cần làm với những ngành có tư duy tốt, trong đó có kỹ thuật.
- Việt Hoàng có dự định tham gia cuộc thi truyền hình nào khác không? Xa hơn, Việt Hoàng có nghĩ mình sẽ du học khi có cơ hội?
- Hiện tại, em cũng như nhiều sinh viên ĐH Bách khoa khác, gặp khó khăn với các môn đại cương. Học tốt chương trình của ĐH Bách khoa Hà Nội không bao giờ là dễ dàng. Thậm chí, em đang phải học lại một môn học.
Tương lai gần, em nghĩ mình sẽ không tham dự thêm các cuộc thi trền truyền hình, bởi đã bỏ ra khá nhiều thời gian cho “Siêu trí tuệ”. Em cũng luôn nghĩ đến việc đi du học nếu có cơ hội.
Theo Zing
Chàng trai khiến Lại Văn Sâm kinh ngạc ở Siêu trí tuệ: 'Tôi làm toán rất ẩu'
Tạo được ấn tượng mạnh tại Siêu trí tuệ Việt Nam, chàng sinh viên 19 tuổi của Đại học Bách Khoa đã có những chia sẻ với VietNamNet về cuộc sống, việc học và quá trình tham gia Siêu trí tuệ Việt Nam.
Phần thi của Việt Hoàng ở Siêu trí tuệ Việt Nam:
Thí sinh Việt Hoàng đã gây bất ngờ với phần thi xuất sắc ở Siêu trí tuệ Việt Nam. Chàng trai 19 tuổi tham gia thử thách 'Bách khoa siêu ô chữ' với đề bài lắp 25 cụm từ với lượng từ khác nhau, ở nhiều lĩnh vực khác nhau và các ô chữ có sẵn, trong tổng số 50 cụm từ mà 25 cụm từ còn lại là gây nhiễu.
Sau 3 phút 42 giây, Việt Hoàng nhớ hết 50 dữ kiện của chương trình và gây sốc khi thực hiện phần thi mà không cần nhìn vào màn hình. Chàng trai 19 tuổi đã nhận được số điểm tuyệt đối là 140 điểm.
VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với Việt Hoàng sau phần dự thi đáng chú ý của mình:
- Cuộc sống của Việt Hoàng thay đổi ra sao sau khi lên sóng Siêu trí tuệ Việt Nam?
Sau khi phần thi của tôi lên sóng, cuộc sống của tôi cũng có một vài sự thay đổi. Tôi nhận được sự quan tâm nhiều hơn của mọi người từ trên mạng xã hội cho đến ngoài đời, và cũng có nhiều bạn ở trường Đại học đến chúc mừng và xin chụp ảnh.
Điều đáng nhớ nhất với tôi chính là quá trình trước khi tôi bước lên sân khấu, khi mà tôi bắt đầu phần thi thì đồng hồ đã điểm 4h sáng. Lúc ấy, tôi phải rất cố gắng để giữ được sự tỉnh táo cho trí não của bản thân.
Thí sinh Hà Việt Hoàng chiến thắng thử thách ở Siêu trí tuệ Việt Nam với 140 điểm.
- Bạn có thể chia sẻ điều gì để khán giả dễ hình dung nhất nếu nói về lượng thông tin bạn nhớ được và bao quát được ở các lĩnh vực?
Thực ra, như tôi đã nói, chúng ta dù có thông thái đến đâu thì vốn kiến thức của chúng ta cũng chỉ như một hạt cát trong vũ trụ. Vì vậy, chắc là ở lĩnh vực nào tôi thích thì tôi sẽ nhớ nhiều, còn không thì tôi cũng chỉ nhớ một vài điều cơ bản, thậm chí, tất nhiên sẽ có những chủ đề mà tôi "mù tịt". Cuốn bách khoa toàn thư của tôi vẫn còn nhiều thiếu sót lắm.
- Thời gian bạn dành cho việc xem xem, nghe, đọc một ngày ra sao và cách lưu và nhớ thông tin của bạn như thế nào?
Tôi dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu kiến thức qua sách báo hoặc các phương tiện thông tin đại chúng, khoảng 2 tiếng/ngày. Tôi chủ yếu tìm hiểu kiến thức khi có hứng, vì khi đó tôi cảm giác sẽ dễ dàng nhớ và tư duy hơn.
- Việc học ở trường ĐH Bách khoa liệu có phải không quá khó khăn với một người có năng lực xử lý thông tin tốt như bạn?
Ngược lại ấy chứ, tôi thấy khá khó (cười lớn). Môi trường học tập ở Bách khoa rất khắc nghiệt, đòi hỏi sinh viên phải cố gắng không ngừng để tiếp thu lượng kiến thức khổng lồ từ các giảng viên cũng như hệ thống giáo trình của trường. Mọi kiến thức bạn học được ở đây đều phải đảm bảo sự chính xác tuyệt đối, vì vậy đối với tôi thì việc học tốt ở Bách khoa cũng là một thử thách không hề dễ dàng.
- Ngoài công việc học tập, Việt Hoàng có những sở thích, thói quen hoạt động nào?
Tôi thích xem những chương trình về kiến thức như Đường lên đỉnh Olympia, Đấu trường 100, Ai là triệu phú,... để trau dồi thêm vốn hiểu biết của bản thân. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên tham gia thể dục thể thao, ra ngoài chơi với bạn bè hay chơi game để có thể thư giãn sau những giờ học căng thẳng.
Việt Hoàng gây sốc vì giải "Bách khoa siêu ô chữ" mà không cần nhìn đề bài.
- Theo dõi các thí sinh của Siêu trí tuệ Việt Nam các tuần qua, bạn ấn tượng với thí sinh nào nhất?
Tôi rất ấn tượng với bé Gia Hưng. Tôi cũng là một người rất thích tư duy toán học, tuy nhiên lại rất ẩu, vì vậy những tài năng tính nhẩm với độ chính xác cao và tốc độ xử lý nhanh như Gia Hưng làm tôi cảm thấy thực sự ngưỡng mộ.
- Ngoài đời, bạn có gặp những người có những tố chất đặc biệt như mình?
Tôi cũng rất may mắn khi có nhiều người bạn mà tôi đánh giá họ còn 'khủng' hơn cả tôi nữa. Tôi học được họ rất nhiều, từ tư duy logic, tư duy toán học cho đến sự chăm chỉ rèn luyện. Bật mí một chút, tôi cũng có một người bạn sẽ chuẩn bị xuất hiện tại sân khấu Siêu trí tuệ Việt Nam.
- Đẩy thử thách lên một mức độ khó cao hơn, bạn muốn chứng minh khả năng của người Việt không thua kém người nước ngoài. Vậy với quán sát của bạn với các đại diện Siêu trí tuệ ở các nước, bạn ấn tượng nhất với những ai và vì sao?
Trước đây, tôi từng theo dõi Siêu trí tuệ của Trung Quốc, và tôi thực sự ấn tượng với 3 cái tên, 2 của Trung Quốc và 1 của Nhật Bản. Đó là anh Vương Phong, anh Vương Dục Hoành và bé Rinne Tsujikubo. Họ làm được những điều mà tôi cảm thấy gần như là không thể, và tôi thần tượng họ.
- Với năng lực của bản thân, mục tiêu của bạn trong việc học cũng như công việc sau này là gì?
Mục tiêu gần của tôi chắc chắn vẫn sẽ là hoàn thành thật tốt chương trình học tại ĐH Bách khoa. Tôi cũng sẽ tìm kiếm những cơ hội để trải nghiệm ở nhiều môi trường khác nhằm hoàn thiện bản thân, đồng thời nếu có cơ hội để phát triển thêm khả năng chắc chắn tôi sẽ thử.
Trần Mặc - Thúy Vân
Theo vietnamnet
Nam sinh ĐH Bách khoa khiến nhiều người "thót tim" tại sân chơi Siêu trí tuệ Tập 7 Siêu Trí Tuệ Việt Nam vừa phát sóng khiến ban giám khảo và hàng triệu khán giả vừa "nổi da gà", vừa hồi hộp thót tim với tài năng của chàng nam sinh ĐH Bách khoa Hà Nội. Trong tập 7 của Siêu trí tuệ Việt Nam, Huy Hoàng là một trong hai thí sinh xuất sắc, đi tiếp vào vòng...