Vì sao ung thư cổ tử cung là vấn đề sức khỏe cần được quan tâm?
Độ tuổi mắc ung thư cổ tử cung có khuynh hướng trẻ hóa nhanh(8), điều này đang đặt ra câu hỏi lớn về nhu cầu và giải pháp phòng tránh căn bệnh này cho nữ giới tại Việt Nam.
Hiểu đúng về ung thư cổ tử cung: mức độ nguy hiểm và nguyên nhân gây bệnh
Ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới trên toàn cầu. Tại Việt Nam, căn bệnh này được xếp trong 5 loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ từ 15 đến 44 tuổi(1). Ở nước ta, mỗi năm có khoảng hơn 4.000 trường hợp được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung và hơn 2.000 phụ nữ tử vong, nghĩa là trung bình một ngày có gần 14 ca mắc mới và 7 ca tử vong vì căn bệnh này(2). Theo ước tính đến năm 2025, số phụ nữ ở Việt Nam tử vong do căn bệnh này có thể lên tới 4.000 trường hợp mỗi năm nếu không có giải pháp hiệu quả cho thực trạng này.
Ung thư cổ tử cung có diễn biến khá âm thầm, nhất là giai đoạn tiền ung thư thường ít có triệu chứng rõ rệt và còn rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa thông thường(3). Đối với người có hệ miễn dịch bình thường, ước tính thời gian tiến triển của bệnh có thể kéo dài từ 15 đến 20 năm, và có thể từ 5 – 10 năm với hệ miễn dịch suy yếu, gây khó khăn cho việc phát hiện(4). Chính vì vậy, rất nhiều trường hợp chỉ phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn và làm giảm khả năng chữa trị thành công.
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh nguy hiểm ở phụ nữ nhưng lại có diễn biến âm thầm khó lường
Các số liệu thống kê đã cho thấy ung thư cổ tử cung phổ biến ở phụ nữ trưởng thành, và mắc bệnh ở độ tuổi này chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản, có khả năng dẫn đến cạn kiệt tài chính, suy sụp tinh thần, và gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến không chỉ đến bản thân người mắc bệnh mà cả gia đình họ.
Thực tế xét nghiệm chỉ ra rằng ung thư cổ tử cung có liên hệ mật thiết với HPV, loại virus gây u nhú ở người. Gần như tất cả số ca chẩn đoán ung thư cổ tử cung đều có liên quan đến HPV(5). Virus này có mức độ lây nhiễm cao, trong đó có khoảng 40 tuýp chủ yếu lây qua đường quan hệ tình dục và tiếp xúc da trực tiếp với vùng mang virus hoặc dịch tiết của người bệnh.
Lý do ung thư cổ tử cung chưa có xu hướng giảm tại Việt Nam
Ung thư cổ tử cung thường phổ biến nhất ở phụ nữ từ 30 tuổi trở đi(6), trong khi đó độ tuổi trung bình được chẩn đoán tiền ung thư cổ tử cung (chẩn đoán CIN2 ) là 28 tuổi(7). Điều này cùng với những nghiên cứu được thực hiện trên toàn cầu cho thấy căn bệnh do HPV gây ra đang có khuynh hướng trẻ hóa(8). Theo chuyên gia nhận định, nguyên nhân của hiện tượng này có thể là vì độ tuổi quan hệ tình dục ngày càng sớm hơn trước(9), trong khi chưa được trang bị đầy đủ những hiểu biết và kiến thức đề phòng HPV.
Video đang HOT
Ngoài ra, lối sống hiện đại cũng góp phần làm cho ung thư cổ tử cung gia tăng. Thói quen vệ sinh không tốt, cùng với đó là chế độ dinh dưỡng thiếu lành mạnh, hút thuốc lá và lạm dụng đồ uống có cồn(10), làm hệ miễn dịch suy yếu và mất khả năng chống lại virus khi đã bị nhiễm.
Còn ở phụ nữ trong độ tuổi trưởng thành vốn có nguy cơ nhiễm HPV và tiến triển thành ung thư cao, theo điều tra về phụ nữ và trẻ em do Tổng cục thống kê thực hiện năm 2021, chỉ có 28,2% phụ nữ từ 30-49 tuổi đã được khám sàng lọc ung thư(11), cho thấy đối tượng này vẫn còn chưa quan tâm đúng mức đến sự nguy hiểm của ung thư cổ tử cung và việc phòng ngừa HPV.
Một lối sống lành mạnh giúp tăng cường hệ miễn dịch là một biện pháp phòng ngừa HPV chủ động
Ngoài thường xuyên thăm khám sức khỏe để tầm soát ung thư, phụ nữ cần thực hiện các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục cũng như các thói quen sinh hoạt lành mạnh để duy trì sức khỏe và gia tăng sự vững chắc cho hệ miễn dịch.
Ngoài ra vẫn còn có những biện pháp dự phòng HPV khác hiệu quả và mang tính chủ động cao hơn nhờ sự tiến bộ trong y học. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm HPV ở phụ nữ trưởng thành vẫn còn cao cho thấy mức độ hiệu quả của những biện pháp này chưa được như mong đợi(12). Nguyên nhân có thể vì những quan niệm sai lầm về mức độ hiệu quả với từng nhóm đối tượng, khiến phụ nữ trong độ tuổi nguy cơ cao còn do dự chưa thực hiện những biện pháp chủ động dự phòng HPV. Để bảo vệ bản thân và gia đình, phụ nữ ở mọi lứa tuổi rất cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa HPV và thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để loại trừ mối nguy hiểm từ ung thư cổ tử cung.
Vi rút gây ung thư cổ tử cung xuất hiện ở nam giới
Nhiều người nghĩ rằng vi rút HPV có thể gây ung thư cổ tử cung, tuy nhiên thực tế loại vi rút này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến bộ phận sinh dục của nam giới.
Một bệnh nhân nam thăm khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM - Ảnh: X.MAI
Con đường vi rút HPV gây bệnh ở nam giới có giống nữ giới? Nam giới có cần tiêm vắc xin phòng HPV?
Không chỉ phụ nữ, tất cả đàn ông đều có nguy cơ nhiễm vi rút HPV.
BS LÊ QUANG ĐẠO
Quan hệ tình dục không an toàn, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản
Kết quả báo cáo của Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), nam giới được coi là nguồn mang vi rút HPV không triệu chứng và là điều kiện làm lây lan vi rút HPV trong cộng đồng. Tỉ lệ nhiễm vi rút này ở nam giới là 1 - 73%, trong đó tỉ lệ nhiễm trên nhóm MSM (cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới) lên đến 64%.
Theo các bác sĩ Bệnh viện K, nhiều nghiên cứu cho thấy nhiễm HPV là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung, với 90 - 100% ca ung thư cổ tử cung có HPV dương tính.
Chính do sự phổ biến này, nhiều nam giới nghĩ rằng vi rút HPV chỉ gây ung thư cổ tử cung ở nữ giới mà không biết rằng chúng còn là nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của nam giới.
Bác sĩ CKII Đoàn Văn Lợi Em - trưởng khoa lâm sàng 3 Bệnh viện Da liễu TP.HCM - cho biết vi rút HPV rất phổ biến, rất dễ lây lan nên bất cứ ai ở độ tuổi hoặc giới tính nào cũng có thể bị lây nhiễm. Giống như nữ, nam giới thường nhiễm vi rút HPV qua quan hệ tình dục không an toàn với một người đã nhiễm vi rút này qua đường âm đạo, hậu môn và miệng.
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ - trưởng khoa ung bướu Bệnh viện thành phố Thủ Đức (TP.HCM) - cho biết thêm vi rút HPV ngoài gây bệnh ung thư cổ tử cung với hậu môn, còn liên quan tới ung thư vùng hầu họng với con đường lây truyền thường quan hệ tình dục bằng miệng. Bệnh gặp ở nam nhiều hơn nữ, phần lớn tự hết, tuy nhiên một số có thể tồn tại dai dẳng, liên quan tới ung thư.
Bác sĩ Lê Quang Đạo, khoa nam học Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt - Bỉ, cho hay hiện có hơn 40 type vi rút HPV gây bệnh ở vùng sinh dục. Chúng đều có ảnh hưởng nghiêm trọng đến bộ phận sinh dục của cả hai giới.
Một số loại gây ra tình trạng mụn cóc sinh dục, một số type khác có thể gây ung thư cổ tử cung ở nữ giới và ung thư hậu môn, ung thư dương vật ở nam giới.
Không có phương pháp điều trị đặc hiệu
Bác sĩ Đạo khuyến cáo nam giới cần chăm sóc, quan sát kỹ bộ phận sinh dục của mình để nhận ra sự bất thường trên dương vật, bìu hoặc xung quanh hậu môn. Nên đến bác sĩ khám ngay lập tức nếu thấy "cậu nhỏ" xuất hiện mụn, tổn thương, vết loét, thay đổi sắc tố da...
Nam giới cần nghĩ đến nguy cơ mắc ung thư hậu môn khi nơi đây xuất hiện đau ngứa, chất dịch chảy ra từ hậu môn, sưng hạch vùng hậu môn, chảy máu...
Đối với biểu hiện ung thư dương vật, nam giới lưu ý theo dõi các dấu hiệu đốm da khác màu trên "cậu nhỏ"; da vùng này dày lên hoặc xuất hiện u cục ở các mô của dương vật; mới đầu các u cục này thường không gây đau nhưng sau đó sẽ đau, thậm chí có thể gây chảy máu...
"95% người nhiễm HPV sẽ có thể tự đào thải HPV ra khỏi cơ thể trong 2 năm. Hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho nhiễm vi rút HPV. Các phương pháp điều trị hiện tại chủ yếu tập trung vào loại bỏ tổn thương và nâng cao thể trạng cho người mắc", bác sĩ Đạo nêu.
Bác sĩ Lê Thị Thu Nga, khoa ung thư tổng hợp Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho hay không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa nhiễm tất cả các loại HPV khác nhau.
Do đó, hãy dùng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục, giúp hạn chế lây nhiễm vi rút HPV và một số bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Quan hệ chung thủy với bạn tình, hạn chế số lượng bạn tình và tránh quan hệ tình dục với những người đã có nhiều bạn tình khác có thể giúp giảm nguy cơ tiếp xúc với vi rút sinh dục.
Cả nam và nữ nên tiêm vắc xin phòng HPV, có thể ngăn ngừa nhiễm một số loại vi rút HPV nhất định. Để có tác dụng tốt nhất, nên chủng ngừa vắc xin HPV trong độ tuổi từ 9-12.
Thanh thiếu niên và thanh niên từ 13 - 26 tuổi chưa được tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ mũi nên tiêm vắc xin càng sớm càng tốt. Không khuyến nghị chủng ngừa HPV cho những người trên 26 tuổi.
Lưu ý các loại HPV nguy cơ cao như HPV 16 và 18
Bác sĩ Thu Nga cho biết thêm HPV được chia thành hai loại chính. Một là những loại HPV nguy cơ thấp thường gây ra mụn cóc (u nhú) trên hoặc xung quanh bộ phận sinh dục, hậu môn của cả nam và nữ. Loại HPV này hiếm khi gây ung thư nên chúng được gọi là vi rút "nguy cơ thấp".
Loại thứ hai là các loại HPV nguy cơ cao có thể gây ung thư, phổ biến là HPV 16 và 18. Ở nam giới, HPV nguy cơ cao có thể gây ung thư dương vật, ung thư hậu môn, ung thư miệng và họng. Trong đó, ung thư miệng và họng là những bệnh ung thư liên quan đến HPV phổ biến nhất ở nam giới.
Khám viêm phụ khoa, người phụ nữ phát hiện mắc ung thư cổ tử cung Bệnh nhân chỉ vô tình phát hiện ra ung thư cổ tử cung trong 1 lần đi khám phụ khoa vì nấm ngứa. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt tử cung để loại bỏ tế bào ung thư và ngăn nguy cơ di căn. Ngày 19/3, thông tin từ Bệnh viên Đa khoa Hồng Ngọc, đơn vị vừa tiếp nhận bệnh...