Vì sao Trung Quốc sợ hệ thống THAAD Mỹ triển khai tại Hàn Quốc?
Mọi hoạt động của quân đội Trung Quốc dọc bờ biển đều nằm trong tầm trinh sát của radar hệ thống THAAD là lý do Bắc Kinh kịch liệt phản đối triển khai Mỹ triển khai nó tại Hàn Quốc.
Bất chấp sự phản đối từ phía Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc đã thống nhất việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc nhằm chống lại mối đẹ dọa từ tên lửa của Triều Tiên.
Yonhap dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 8/7 cho biết, Thiết bị phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) sẽ được lên kế hoạch triển khai sớm, dự kiến đưa vào hoạt động chậm nhất vào cuối năm 2017.
Theo bản tuyên bố, khi hệ thống THAAD được triển khai tới bán đảo Triều Tiên, nó sẽ chỉ tập trung vào các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và không nhắm mục tiêu tới bất kỳ quốc gia nào khác.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc chấm dứt việc triển khai lá chắn tên lửa bởi nó không có lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho an ninh các nước khác, bao gồm Trung Quốc.
Theo giới thiệu từ tập đoàn Lockheed Martin – nhà sản xuất của hệ thống THAAD, hệ thống này có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo ở cự ly khoảng 200 km. Hệ thống này không có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa bắn về phía Mỹ nếu có.
THAAD có mặt tại Hàn Quốc hầu như không ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực răn đe hạt nhân của Trung Quốc. Vậy tại sao Bắc Kinh lại tỏ ra giận dữ với việc Mỹ triển khai hệ thống này tại Hàn Quốc.
Tầm trinh sát vào sâu bên trong Trung Quốc
THAAD có phạm vi đánh chặn chỉ khoảng 200 km, nhưng radar của hệ thống lại có phạm vi phát hiện mục tiêu gấp 5 lần tầm đánh chặn của tên lửa. Cụ thể radar AN/TPY-2 có phạm vi phát hiện mục tiêu khoảng 1.000 km. Đây là một radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA) với khả năng nhận dạng mục tiêu rất cao.
Tầm trinh sát tới 4.000 km của radar AN/TPY-2 khiến Trung Quốc đặc biệt quan ngại. Ảnh: Defence Industry Daily
Mỗi hệ thống THAAD gồm 2 radar AN/TPY-2 kết nối với nhau thông qua một trung tâm chỉ huy. Radar đầu tiên sẽ đặt ở vị trí khá xa so với radar còn lại. Radar này có nhiệm vụ phát hiện, theo dõi và tính toán quỹ đạo bay của tên lửa mục tiêu. Radar AN/TPY-2 thứ 2 sẽ làm nhiệm vụ điều khiển hỏa lực dẫn đường cho tên lửa đánh chặn mục tiêu.
Video đang HOT
Theo thông số từ nhà sản xuất Lockheed Martin, radar AN/TPY-2 có tầm trinh sát hơn 1.000 km, có thể mở rộng lên đến 4.000 km. Như vậy, nếu Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc, toàn bộ căn cứ quân sự dọc theo Hoàng Hải và Đông Hải đều nằm trong tầm trinh sát của hệ thống radar này.
Nhà phân tích Sungtae Jacky Park – thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại có trụ sở tại New York, Mỹ từng nhận xét, radar của hệ thống THAAD có thể “xoi mói” các hoạt động quân sự từ sâu bên trong lãnh thổ Trung Quốc. Mọi hoạt động triển khai lực lượng có thể bị Mỹ phát hiện từ sớm gây bất lợi cho Trung Quốc.
Trước đó, Frank A. Rose – trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Kiểm soát vũ khí từng cảnh báo, Mỹ gặp nhiều khó khăn trong việc theo dõi hoạt động của lực lượng tên lửa hạt nhân Trung Quốc. Về mặt lý thuyết, radar của hệ thống THAAD có thể giúp Mỹ tăng cường khả năng giám sát hoạt động của quân đội Trung Quốc, trong đó có lực lượng tên lửa chiến lược.
Về mặt lý thuyết, radar của hệ thống THAAD có thể làm suy giảm năng lực răn đe hạt nhân của Trung Quốc. Một tướng về hưu của Trung Quốc từng ví von rằng, sự hiện diện của hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc giống “một người đàn ông có tiền án đi lang thang ngoài cửa nhà bạn”.
Xu Guangyu – nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí và Giải trừ quân bị Trung Quốc nhận xét, radar di động của hệ thống THAAD với phạm vi tìm tới 3.000 km. Như vậy các cuộc diễn tập quân sự trên đất liền, trên không đều bị phơi bày, tần suất xuất kích, số lượng, vị trí sân bay cũng bị lộ.
Hình thành liên minh phòng thủ
Đại tá về hưu Yue Gang – thuộc Bộ Tham mưu quân đội Trung Quốc từng nói với SCMP rằng, việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc sẽ là bước đệm để cũng cố liên minh quân sự Mỹ – Nhật – Hàn.
“Sau khi hoàn tất việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc, bước tiếp theo là kết nối với hệ thống phòng thủ tên lửa ở Nhật Bản. Washington đang tìm cách hình thành một liên minh quân sự giữa 3 nước giống như một NATO mini ở Đông Á”, đại tá Yue nói.
Đồ họa cơ chế đánh chặn của hệ thống phòng thủ THAAD. Ảnh: Business Insider
Cựu sĩ quan tham mưu nhận định, mục đích sâu xa của việc triển khai THAAD nhằm thay đổi cán cân an ninh chiến lược của Đông Á theo chiều hướng bất lợi cho Trung Quốc. Hiện tại, Mỹ và Nhật Bản đang hợp tác triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis BMD trên một số chiến hạm của Mỹ và Nhật Bản.
Hệ thống Aegis BMD sử dụng tên lửa đánh chặn siêu hạng SM-3 có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa từ bên ngoài bầu khí quyển. Nếu hệ thống THAAD ở Hàn Quốc kết nối với Aegis BMD sẽ trở thành mối đe dọa lớn đối với năng lực răn đe hạt nhân của Trung Quốc.
Các mối đe dọa quân sự đằng sau việc triển khai THAAD lớn hơn nhiều so với năng lực đánh chặn của hệ thống này. Đó chính là lý do Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc triển khai THAAD, mặc dù việc phản đối được xem là can thiệp vào công việc nội bộ của Hàn Quốc.
Theo Quốc Việt (Zing)
Hé lộ ác mộng đáng sợ nhất của Triều Tiên
THAAD, cơn ác mộng tồi tệ nhất với Triều Tiên là hệ thống tên lửa tiên tiến nhất thế giới có khả năng săn đuổi và phá huỷ tầm ngắn và tầm trung với tỷ lệ thành công lên đến 100%. Hôm 8/7, Hàn Quốc thông báo Washington và Seoul đã nhất trí triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc nhằm ngăn chặn các mối đe dọa đến từ Triều Tiên.
Đây sẽ là hung tin với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và giới chức quân sự nước này bởi THAAD một trong những hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật tối tân trên thế giới hiện nay với tính di động và hiệu quả hoạt động tối ưu.
THAAD được coi là hệ thống tên lửa đánh chặn tiên tiến nhất trên thế giới
"Việc Triều Tiên tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hủy diệt hàng loạt buộc liên minh phải thận trọng và có biện pháp bảo vệ để củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa của chúng tôi", Tướng Vincent Brooks, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc cho hay.
Giới chức quân sự của Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu cân nhắc triển khai Thaad vào hồi tháng 2 sau khi Triều Tiên phóng một vật thể bay bị nghi là tên lửa tầm xa vào quỹ đạo.
"Đây là hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay", Đại tá Alan Wiernicki, chỉ huy Lữ đoàn pháo phòng không số 11, nói với tờ Bussiness Insider.
Mặc dù từng ngốn tới 800.000 USD trong ngân sách quốc phòng, nhưng mãi đến tháng 4/2013, người ta mới bắt đầu để mắt tới tấm khiên bảo vệ bầu trời nước Mỹ khi Washington triển khai nó tới đảo Guam để dằn mặt Triều Tiên.
Tấm khiên bảo vệ bầu trời nước Mỹ
Hồi tháng 10/2015, hệ thống phòng thủ tối tân này lại tiếp tục làm tốn không biết bao giấy mực của báo chí thế giới sau khi Washington và Seoul đàm phán về việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc nhân chuyến thăm của Tổng thống Park Geun-hye tới Nhà Trắng.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại tỏ ra quan ngại về động thái này khi cho rằng việc triển khai THAAD sẽ gây bất ổn, đồng thời phá vỡ sự cân bằng chiến lược trong khu vực và có thể làm căng thẳng leo thang dẫn đến nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang.
Mặc dù vậy, theo giới chức quân sự Hàn Quốc, Trung Quốc thực chất đang lo lắng về khả năng Seoul có thể sử dụng THAAD để theo dõi cac hoạt động của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
"Trung Quốc thừa hiểu THAAD được triển khai ở Hàn Quốc không phải nhằm vào họ. Chỉ là Bắc Kinh không thích đưa vũ khí của Mỹ tới gần họ mà thôi", ông Yoo Dong-ryol, người đứng đầu Viện Dân chủ Tự do Hàn Quốc nhận định.
Cách THAAD tiêu diệt và đánh chặn mục tiêu.
THAAD không mang theo một đầu đạn hạt nhân, thay vào đó nó sử dụng động năng để tiêu diệt tên lửa đối phương theo phương pháp tiếp cận "truy đuổi - tiêu diệt".
Mỗi khẩu đội THAAD bao gồm 4 xe phóng với 8 tên lửa được trang bị trên mỗi xe, radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực AN/TPY-2, một xe trung tâm điều khiển di động và hai trung tâm hoạt động chiến thuật.
AN/TPY-2 là một radar mạng pha hoạt động ở băng tần X, có khả năng phát hiện các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung ở cự ly 1.000 km, tức là gấp 5 lần so với phạm vi đánh chặn chỉ khoảng 200 km của nó.
Dù chỉ có kích cỡ bằng một chiếc xe buýt, nhưng dàn radar di động của hệ thống tên lửa đánh chặn này có thể quét sạch một vùng rộng lớn
Kích cỡ của dàn radar di động này chỉ ngang với một chiếc xe buýt, nhưng có thể quét một vùng rộng bằng diện tích của nhiều quốc gia.
Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ đang lên kế hoạch sẽ giao thêm 48 dàn THAAD cho quân đội Mỹ, nâng tổng số hệ thống THAAD lên con số 155 trong năm nay.
Theo VTC
Nga nhắm vào 'gót chân Asin' của lá chắn tên lửa Mỹ Các chuyên gia quân sự Nga cho rằng các lá chắn tên lửa của Mỹ không thể đánh chặn tên lửa siêu vượt âm ở tầng khí quyển giữa. Mô hình tên lửa siêu vượt âm Yu-71 của Nga. Ảnh: National Interest Cuộc cạnh tranh về sức mạnh của các hệ thống tên lửa giữa các cường quốc trên thế giới mà điển...