Vì sao tôm hùm rớt giá, người nuôi tôm lao đao?
Tôm nhiễm bệnh tràn lan, giá xuống thấp hơn so với mọi năm, người nuôi tôm hùm ở tỉnh Phú Yên đang lao đao.
Lâu nay, tỉnh Phú Yên được xem là “thủ phủ” tôm hùm ở miền Trung, cung cấp nguồn hàng cho thị trường cả nước. Người dân tập trung nuôi chủ yếu ở các vịnh Vũng Rô, huyện Đông Hòa, vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, thị xã Sông Cầu.
Với giá tôm hiện nay, nhiều người nuôi tôm nếu ôm chắc lỗ
.
Anh Nguyễn Văn Khánh, người dân thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết, mọi năm giá tôm hùm xanh dao động từ 800.000 – 950.000 đồng/kg. Tôm hùm bông có giá từ 1,8 triệu- 1,9 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay, thương lái mua với giá thấp, tôm hùm xanh chỉ còn 500.000 – 600.000 đồng/kg, tôm hùm bông giá từ 1 triệu – 1,3 triệu đồng/kg.
Anh Nguyễn Văn Khánh nói: “Tôm bông lỗ là đúng vì do chết ngạt nhiều, nhất định là lỗ vốn chứ lời là không có”.
Tôm hùm thương phẩm chủ yếu xuất bán sang thị trường Trung Quốc. Thương lái đưa ra giá nào thì bán giá đó. Mặc dù giá con giống ngày càng rẻ do nhập khẩu từ nước ngoài về nhưng chi phí thuê nhân công, tiền thức ăn cao. Nhiều người nuôi tôm ở Phú Yên thu hoạch không đủ bù chi phí.
Video đang HOT
Thu hoạch tôm hùm ở tỉnh Phú Yên.
Theo ông Đinh Văn Lưu, ở thôn Dân Phú, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, những hộ dân dùng tiền vay ngân hàng để đầu tư nuôi tôm thì càng có nguy cơ đổ nợ vì tôm hùm rớt giá.
“Do nước bị ô nhiễm nên nuôi tôm không lớn, nhập cho Trung Quốc bị đè giá. Hồi trước bán giá 10 giờ bán xuống còn 5, 6, dĩ nhiên là phải lỗ rồi. Không ai là không lỗ hết. Người nào còn vốn thì giữ lại mùa sau, người nào hết vốn mà nợ cũ chưa trả hết thì buộc phải nghỉ”, ông Lưu cho hay.
Hiện nay, nghề nuôi tôm hùm ở tỉnh Phú Yên đang diễn ra một cách tự phát, không theo đúng quy hoạch. Lượng người nuôi lồng, bè trong các vịnh, đầm quá dày, dẫn đến môi trường nước bị ô nhiễm, tôm dễ nhiễm dịch bệnh.
Ông Đỗ Văn Chính, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên cho biết, để tránh tình “được mùa rớt giá” cơ quan chức năng cần có giải pháp tăng cường kiểm soát nguồn con giống nhập vào.
“Việc nhập con giống tôm hùm từ nước ngoài về Việt Nam cũng phải tính toán cho vừa đủ quy hoạch nuôi tôm hùm. Việt Nam chỉ có những vùng nuôi như Khánh Hòa, Phú Yên và một ít của tỉnh Bình Định. Tôi nghĩ rằng cơ quan có thẩm quyền cần phải tính toán để nhập tôm giống về đúng với bản chất quy hoạch các vùng nuôi của địa phương”, ông Chính kiến nghị.
Thương lái thu mua tôm hùm ở vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu.
Bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên cho biết, kỹ thuật chăm sóc tôm hùm của người dân còn thủ công, bè nuôi chưa có thiết bị giám sát môi trường nước. Việc nuôi thả trái quy hoạch, chưa có truy xuất nguồn gốc, chứng nhận vùng nuôi, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.
“Qua tìm hiểu các địa phương và các chủ nậu, nguồn tôm chủ yếu xuất qua Trung Quốc bị dừng lại, lượng hàng đi tiểu ngạch không đi được nữa. Các vùng nuôi tôm của người dân mình lâu nay không đăng ký, không có giấy tờ gì hết. Sau bão năm 2017 thì giá tôm hùm giống rất rẻ, dân đổ xô nuôi, khiến tôm nhiều, giá giảm”, bà Nga cho hay.
Hiện nay nhiều địa phương ở tỉnh Phú Yên đang triển khai các biện pháp di dời lồng bè, quy hoạch lại vùng nuôi trồng thủy sản. Theo quy hoạch phát triển thủy sản đến năm 2025, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản lồng, bè tỉnh Phú Yên là gần 1.700 ha với 50.000 lồng nuôi. Công tác quy hoạch nhằm phát triển kinh tế du lịch vừa bảo vệ môi trường đầm vịnh không bị ô nhiễm.
Theo VOV
Trung Quốc siết tiểu ngạch, tôm hùm rớt giá
Ngày 26-7, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa - xác nhận hiện nay giá tôm hùm nuôi trên địa bàn đang giảm mạnh.
Cụ thể, giá tôm hùm xanh chỉ còn 580.000 đồng/kg, giảm 60%-70% so với cùng thời điểm này năm trước; tôm hùm bông loại 1 (trên 1kg/con) cao nhất cũng chỉ 1,1 triệu đồng/kg, giảm 50% so với với tháng trước.
Bà Nguyễn Thị Châu Pha, Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Linh (TP Cam Ranh), cho biết người nuôi tôm đang đối mặt với tình cảnh khó khăn vì giá giảm sâu trong khi chi phí thức ăn tăng cao. Các hộ khi thu hoạch tôm đều rơi vào cảnh thua lỗ, hộ nuôi vài lồng thì lỗ 20-30 triệu đồng, hộ nuôi nhiều thua lỗ đến cả tỉ đồng. Như hộ ông Nguyễn Chí Lem, có 50 lồng với 5.000 con tôm hùm, mỗi ngày riêng tiền thức ăn đã tốn 5-6 triệu đồng nên ông đành bán giá thấp. "3.000 con tôm mà chỉ đủ tiền thức ăn, còn lại lỗ tiền giống gần 1 tỉ đồng. Thương lái nói bên Trung Quốc tăng thuế, nên họ nhập hàng ít. Họ hô giá bao nhiêu, tôi biết bấy nhiêu chứ thị trường tiêu thụ mình không nắm rõ" - ông Lem nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, trước nay người nuôi tôm hùm chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nhưng gần đây phía Trung Quốc yêu cầu xuất khẩu chính ngạch và phải bảo đảm các điều kiện tiêu chuẩn nên nguồn cung ứ đọng. "Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu phương án để hỗ trợ bà con ngư dân" - ông Sơn chia sẻ.
Tôm hùm ở Khánh Hòa đang rớt giá
Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, cho biết việc Trung Quốc siết chặt đường tiểu ngạch đã được chi cục cảnh báo từ cuối năm 2018. Để xuất được hàng sang thị trường này, các hộ nuôi tôm hùm phải đăng ký nuôi trồng với cơ quan quản lý theo đúng quy hoạch, phải truy xuất nguồn gốc tôm như con giống ở đâu, nuôi ở đâu, quy trình sản xuất ra sao... Tuy nhiên, người nuôi không nắm được vấn đề nên không thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn để xuất khẩu. Do đó, thương lái cũng không thể thu mua để xuất sang Trung Quốc được.
Theo ông Én, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 26 về hướng dẫn Luật Thủy sản. Nghị định này quy định rõ người nuôi trồng thủy sản phải đăng ký theo danh mục, chính quyền địa phương xác nhận, người nuôi phải nuôi trong vùng quy hoạch... Dù vậy, ông Én thừa nhận để thực hiện quy hoạch vùng nuôi cũng như tuyên truyền cho người nuôi hiểu đầy đủ sẽ mất khá nhiều thời gian.
Được biết, Khánh Hòa là thủ phủ tôm hùm của cả nước với lượng nuôi tôm trên 49.000 lồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường hướng dẫn người nuôi theo quy hoạch, đăng ký kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý, đồng thời áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, truy xuất nguồn gốc.
Theo người lao động
Tiền Giang: Giá lợn tăng vọt, người nuôi vẫn chưa dám tái đàn Sau khi rớt giá thê thảm vì dịch bệnh tả lợn Châu Phi, giá lợn ở tỉnh Tiền Giang đang tăng vọt, người chăn nuôi có lãi cao nhưng vẫn chưa dám tái đàn. Tại thời điểm này, lợn thịt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có giá từ 6 - 6,5 triệu đồng/tạ, tăng gấp 2 lần so với tháng trước. Với...