Vì sao Hà Nội, TPHCM không dùng SGK của GS Hồ Ngọc Đại
Những tranh cãi xung quanh bộ sách giáo khoa (SGK) công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại bị Hội đồng thẩm định SGK theo chương trình mới loại từ vòng một vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Vậy giá trị của một cuốn SGK phụ thuộc vào hội đồng thẩm định hay thực tiễn cuộc sống thẩm định?
Giá trị một cuốn SGK phụ thuộc vào hội đồng thẩm định hay thực tế thẩm định? Ảnh: Như Ý
Bộ sách công nghệ giáo dục (CNGD) của GS Hồ Ngọc Đại mang một số phận kỳ lạ. Có lúc chỉ có 1 trường dùng để giảng dạy, có lúc tới 48 tỉnh với 8.198 trường triển khai. Nhưng về mặt pháp lý, chưa bao giờ sách CNGD được coi là SGK chính thống mà chỉ là tài liệu thực nghiệm. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, từ năm 2016 đến nay, có 48 tỉnh dùng sách Tiếng Việt 1 CNGD để dạy trên tinh thần tự nguyện của các địa phương với hơn 900.000 học sinh được học mỗi năm.
Có 15 địa phương không triển khai giảng dạy bằng bộ sách này. Trong đó, có hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Từ khi xuất hiện sách CNGD đến năm 2016, Hà Nội chỉ có duy nhất Trường Thực nghiệm của Bộ GD&ĐT đưa vào giảng dạy. Năm 2016 đến nay, có thêm hệ thống trường thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại triển khai giảng dạy bộ sách này.
Cũng theo ông Phạm Xuân Tiến, trước đây, khi Bộ GD&ĐT có văn bản chỉ đạo các tỉnh có thể lựa chọn giảng dạy theo SGK của Bộ GD&ĐT hoặc sách CNGD, Sở GD&ĐT Hà Nội cử đại diện các trường đi tham gia tập huấn. Tuy nhiên, sau khi tập huấn xong, không thấy trường nào đăng ký triển khai dạy nên Sở cũng không triển khai.
Còn tại TPHCM, Sở GD&ĐT cho biết, năm học 1985-1986, được sự cho phép của Bộ GD&ĐT, thành phố đã áp dụng chương trình CNGD tại hai lớp 1. Đến năm học 1989-1990, chương trình CNGD được triển khai đến toàn bộ các trường trong thành phố (trừ Quận 4), trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc cho học sinh lớp 1 với môn Tiếng Việt. Khi chương trình 2000 (chương trình hiện hành) của Bộ GD&ĐT triển khai, thành phố dừng triển khai chương trình CNGD.
Những năm sau đó, Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị triển khai chương trình CNGD Tiếng Việt lớp 1 ở các địa phương có nhu cầu trên nguyên tắc tự nguyện của học sinh và các nhà trường. Nhưng căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Sở GD&ĐT TPHCM quyết định không triển khai chương trình này. Bên cạnh đó, sở này còn đưa ra lý do nữa là việc để giáo viên tiếp cận chương trình khác trong khi chương trình giáo dục phổ thông mới sắp ban hành là chưa phù hợp.
Video đang HOT
Khi các trường vẫn muốn chọn thì sao?
Ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho rằng về nguyên tắc, chương trình và SGK mới luôn có tính kế thừa tài liệu và phương pháp dạy học hiện hành. Khi thực hiện chương trình, SGK mới, tài liệu dạy học hiện hành có thể dừng “sứ mệnh” của mình nhưng phương pháp dạy học của tài liệu ấy sẽ không bao giờ mất khi nó đã trở thành kỹ năng sư phạm của nhà trường, của giáo viên.
Trong khi đó, một trong những điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông sắp triển khai không còn trói buộc giáo viên với SGK do không phải chỉ có một bộ SGK mà có thể có nhiều bộ sách để lựa chọn. Nhà trường, địa phương được trao quyền chủ động trong việc lựa chọn, bổ sung nội dung giáo dục phù hợp sao cho đảm bảo nội dung cốt lõi, nguyên tắc và định hướng chung.
GS.TS Nguyễn Văn Lợi, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho rằng, xét về mặt tâm lí sư phạm, việc học đọc, học viết tiếng Việt đối với học sinh người Kinh khác đối với học sinh người dân tộc thiểu số. Đối với học sinh người Kinh, học đọc – viết tiếng Việt là học đọc – viết tiếng mẹ đẻ. Đối với học sinh dân tộc thiểu số học đọc – viết tiếng Việt là học đọc – viết ngôn ngữ thứ hai (ngoại ngữ). Đối với học sinh lớp một người dân tộc thiểu số, bắt đầu học đọc – viết tiếng Việt, khi trong tâm thức trẻ chưa có hệ thống ngữ âm – âm vị học tiếng Việt.
Chương trình và SGK tiếng Việt có nhiệm vụ không chỉ giúp các em nắm được mối tương quan giữa các âm vị và kí tự tiếng Việt, mà còn hướng dẫn cách phát âm đúng, các âm vị và kết hợp các âm vị thành âm tiết có nghĩa – tiếng. Việc sách tiếng Việt lớp 1 CNGD dạy sâu về ngữ âm học có thể không thích hợp đối với học sinh người Kinh, nhưng lại có thể phát huy tác dụng đối với học sinh dân tộc thiểu số.
Theo GS Nguyễn Văn Lợi, việc dạy các em đọc – viết thông qua các khối hình tròn, méo (vốn là phương pháp các nhà sư phạm Xô-Viết dùng để dạy trẻ em chậm phát triển tư duy, ngôn ngữ), có thể không cần thiết khi dạy học sinh có tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt, nhưng lại hữu dụng khi dạy đọc – viết tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Bằng chứng là các Sở GD&ĐT miền núi triển khai đạt hiệu quả rất tốt trong việc dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.
“Do đó, dù Hội đồng thẩm định đánh giá ‘không đạt’ nhưng nhiều ý kiến cho rằng, sách CNGD của GS Hồ Ngọc Đại, đặc biệt là cuốn Tiếng Việt 1 CNGD đã được thực tế thẩm định, vậy nên tiếp tục trao quyền ấy cho “cuộc sống” thay vì một mệnh lệnh hành chính. Với tư cách là người có nhiều năm nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, tôi ủng hộ đề xuất này” – GS Nguyễn Văn Lợi nói.
Theo Tiền phong
Thẩm định sách giáo khoa lớp 1: Bản thảo nào cũng có lỗi
Hiện ngoài thông tin về bản thảo sách giáo khoa (SGK) Công nghệ Giáo dục Toán, Tiếng Việt lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại được Hội đồng Thẩm định đánh giá không đạt, nhiều ý kiến băn khoăn về "số phận" các bản thảo khác ra sao?
Tìm mua sách giáo khoa.
"Không bản thảo nào đạt 100% ở vòng 1"
Theo ông Thái Văn Tài - quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT), trong tất cả bản thảo SGK được thẩm định ở vòng 1 (gồm 5 bộ với 9 môn học, một số môn có nhiều hơn 5 bản thảo), không bản thảo nào đạt 100% ở vòng 1. Hội đồng đánh giá đạt và cần sửa chữa với một số bản thảo, tác giả có một tháng để sửa lại theo góp ý của Hội đồng thẩm định rồi đề nghị thẩm định vòng 2. Tác giả cũng có quyền không sửa.
Có một số bản thảo được Hội đồng đánh giá không đạt ở vòng 1, ngoài sách của GS Hồ Ngọc Đại còn có bản thảo của môn Hoạt động trải nghiệm và môn Giáo dục thể chất. Với những bản không đạt này, các tác giả có thời gian để sửa lại không hạn chế, nên có thể sửa nhanh hoặc chậm theo góp ý của Hội đồng Thẩm định. Khi nào sửa xong nộp lại, Hội đồng sẽ thẩm định như thẩm định lần đầu.
Như ở môn Toán lớp 1 có 6 bản thảo. Trong đó, bản thảo của GS Hồ Ngọc Đại đã bị loại ở vòng thẩm định 1 nên chỉ còn 5 bản thảo được tiếp tục thẩm định tại vòng 2. Các bản thảo này đang trong quá trình sửa chữa để chờ thẩm định vòng 2 sẽ chính thức bắt đầu vào ngày 1/10.
Theo nguồn tin riêng của báo Đại Đoàn Kết, trong số các bản thảo nộp về Hội đồng Thẩm định, không có bản thảo nào không cần chỉnh sửa. Tất cả các thành viên của Hội đồng sẽ "soi" từng trang một. Sau khi toàn bộ thành viên của tổ thẩm định không còn ý kiến gì khác thì mới chuyển sang trang khác. Mỗi một bộ Toán gồm khoảng 200 trang, tức là các thành viên đã thẩm định khoảng 1.200 trang bản thảo.
Trả lời câu hỏi: Trong một ngày Hội đồng có chia thời gian cụ thể sẽ thẩm định được bao nhiêu trang bản thảo hay không, một thành viên của Hội đồng Thẩm định SGK Toán lớp 1 cho biết: "Chúng tôi làm việc theo từng trang. Mỗi trang bản thảo đều được tất cả các thành viên trong Hội đồng bàn bạc tỉ mỉ, thống nhất nội dung nào đạt, nội dung nào cần chỉnh sửa theo hướng nào. Vì vậy, không có thời gian cụ thể cho việc thẩm định từng trang sách mà chỉ khi nào tất cả các thành viên trong Hội đồng không còn ý kiến nữa mới chuyển qua thẩm định trang khác. Cách làm việc chi tiết, kỹ càng như vậy đảm bảo không bỏ lọt bất kỳ lỗi nào". Đồng thời, vị này cho biết thêm, thẩm định bao gồm nhiều vấn đề kỹ thuật, các bước cần tuân thủ nghiêm ngặt, không phải thích ai thì chấm tốt cho người đó và ngược lại nên những ý kiến bảo Hội đồng thiên vị cho người này, người kia là không chính xác.
Không công khai bao nhiêu lỗi
Đó là ý kiến của một thành viên Hội đồng Thẩm định. Ông lý giải việc công bố bộ sách này có 50 hay 100 hay 200 lỗi sẽ ảnh hưởng đến câu chuyện cạnh tranh sau này. Bởi sau khi Bộ trưởng tuyên bố là bộ sách này đạt thì đến lượt các địa phương sẽ chọn sách. "Các địa phương sẽ căn cứ vào nhiều ý kiến khác nhau để chọn nên là thành viên của Hội đồng, chúng tôi không thể đưa ra đánh giá bộ SGK nào tốt hơn hay ít lỗi hơn. Như vậy là không khách quan. Trách nhiệm của chúng tôi là đánh giá bộ sách đạt hay không đạt, tức là sách đúng còn sách hay thì phải để người dạy, người học quyết định" - vị này cho biết.
Cũng theo thành viên này, dù số lỗi nhiều hay ít, quan trọng là khi Hội đồng góp ý các tác giả đều nghiêm túc lắng nghe và sửa lỗi. Đến thời điểm này có những bản thảo đã sửa lỗi gần xong do Hội đồng góp ý đến đâu họ sửa đến đấy.
Ở vòng 2 tới đây, nếu tác giả không nghiêm túc sửa chữa các lỗi đã góp ý, Hội đồng sẽ bỏ phiếu đánh giá là đạt hoặc không đạt. Không có mức "đạt và cần sửa chữa" như vòng 1 nữa. Sau đó, các bộ sách đạt sẽ được xem xét để trình Bộ trưởng phê duyệt.
Còn theo ông Thái Văn Tài, thời điểm này, tất cả tác giả được kết luận là đạt nhưng phải sửa chữa đều nộp lại bản thảo để Hội đồng thẩm định vòng 2.
Được biết, 5 bộ SGK lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới là của 3 nhà xuất bản được lọt vào vòng thẩm định lần 2 là của NXB Giáo dục Việt Nam, NXB ĐH Sư phạm Hà Nội, NXB ĐH Sư phạm TPHCM. Trong đó, NXB Giáo dục Việt Nam có nhiều bản thảo nhất vì có kinh nghiệm, tiềm năng.
Dự kiến, tới đầu tháng 10/2019, các bộ sách đạt yêu cầu sẽ được Hội đồng Thẩm định công bố. Ông Thái Văn Tài khẳng định, SGK đã được Hội đồng thẩm định là phù hợp với toàn quốc; đảm bảo phù hợp với thực tế dạy học của nhà trường ở những vùng miền khác nhau và đáp ứng yêu cầu đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Tuy nhiên, cần lưu ý SGK chỉ là tài liệu dạy học quan trọng, chương trình thống nhất chung toàn quốc là pháp lệnh cao nhất và tất cả hoạt động chuyên môn trong các cơ sở giáo dục phổ thông phải dựa vào chương trình, theo đúng yêu cầu của chương trình.
Thu Hương
Theo daidoanket
Sách của GS. Hồ Ngọc Đại bị loại: Có khách quan? Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại bị Hội đồng thẩm định quốc gia đánh trượt từ vòng 1, đồng nghĩa với việc, trong năm tới, học sinh sẽ dừng học bộ sách này. Sau khi thông tin công bố, xuất hiện ý kiến trái chiều. SGK Tiếng Việt lớp 1 của GS...