Vì sao gian lận thi cử ngày càng trầm trọng?
Vụ gian lận thi cử chưa từng có trong lịch sử giáo dục, xảy ra ở 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình ở kỳ thi THPT năm 2018 và đang đưa ra xét xử không chỉ gây bức xúc trong dư luận, mất niềm tin của người dân mà thực sự là nỗi đau của toàn xã hội ta hiện nay.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang – Ảnh: Thái Sơn
Học sinh (HS) VN đạt thành tích cao trong các giải thi quốc tế về toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học và nghiên cứu khoa học. Đánh giá quốc tế PISA năm 2012 và 2015 của Tổ chức OECD, cho thấy VN xếp hạng cao (tốp 20 trong 70 nước và lãnh thổ tham gia)… Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực nước ta vẫn thấp, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là chưa xây dựng được nền giáo dục trung thực.
Lỗi hệ thống đánh giá thi cử
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiêu cực thi cử, cứ lặp đi, lặp lại, vụ sau nghiêm trọng hơn vụ trước, có tính chu kỳ (năm 2006, 2012 và 2018). Tuy nhiên, có hai nguyên nhân cơ bản, một thuộc về hệ thống đánh giá, thi cử và hai là sự tha hóa đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức, trong đó chủ yếu là ngành giáo dục.
Nếu làm công tác thi mà không giúp đỡ cho con cái của anh em, đồng nghiệp, ơn nghĩa, cấp trên… là không phải đạo, và lần sau không bố trí coi thi, chấm thi nữa…
Về nguyên nhân thứ nhất, đó là chúng ta chưa có một phương thức đánh giá HS một cách chính xác, khoa học, đánh giá cả phẩm chất, năng lực, quá trình học tập… mà quá tập trung vào thi cử (thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh, thi HS giỏi…) dẫn đến hoạt động nhà trường cứ xoay quanh việc thi, chưa chú trọng đến hoạt động giáo dục phát triển toàn diện HS. Có tư duy cho rằng, trường có chất lượng đồng nghĩa với kết quả thi tốt nghiệp cao, trong khi những mặt như đạo đức, sức khỏe, thẩm mỹ, khả năng hợp tác, sáng tạo, tự học… rất cần cho HS phát triển sau này lại bị xem nhẹ. Từ đó cũng nảy sinh sự gian dối, móc ngoặc, thậm chí là mua – bán điểm.
Tha hóa đạo đức
Nguyên nhân thứ hai, đó là sự tha hóa đạo đức của một số người trong ngành giáo dục cũng như các ngành có liên quan. Bởi vì, động lực thúc đẩy thực hiện hành vi đạo đức đúng đắn, có trách nhiệm không xuất phát từ bên trong mà chủ yếu là các yếu tố bên ngoài như: thành tích thi cử, tỷ lệ xếp loại, lợi ích nhóm, nhu cầu của phụ huynh đỗ vào trường chất lượng cao… đã dẫn đến lệch lạc trong suy nghĩ và hành động ứng xử đạo đức và trách nhiệm của nhà giáo. Nhà trường cũng như xã hội, vì thành tích mà yêu cầu giáo viên đánh giá, nhận xét HS rất nương nhẹ. Nếu người nào đó đánh giá, cho điểm nhận xét HS nghiêm túc thì bị hạ thi đua. Trong coi thi, nếu giám thị lập biên bản HS vi phạm thì cả hội đồng xin tha, nếu không tha thì cho người đó là “bất bình thường”; nếu làm công tác thi mà không giúp đỡ cho con cái của anh em, đồng nghiệp, ơn nghĩa, cấp trên… là không phải đạo, và lần sau không bố trí coi thi, chấm thi nữa…
Và nguy hiểm hơn, khi việc gian lận thi cử có sự bàn bạc, liên minh liên kết lợi ích nhiều người, để không chỉ sửa điểm vặt (sửa một vài người, nâng nửa điểm, một điểm), mà chở hàng trăm bài thi trắc nghiệm của thí sinh từ phòng chấm thi về nhà riêng để cùng sửa, sau đó quét ảnh lại. Thậm chí không chỉ sửa một lần, mà sửa nhiều lần để đạt mức điểm theo yêu cầu.
Video đang HOT
Ở Hòa Bình, một số bị cáo không chỉ can tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ mà còn can tội đưa hối lộ, nhận hối lộ. Ở Sơn La có dấu hiệu phạm tội đưa hối lộ, nhận hối lộ, vì vậy tòa án đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Còn ở Hà Giang không chỉ là lãnh đạo, chuyên viên sở, công an bảo vệ phạm tội mà có dấu hiệu của cả lãnh đạo tỉnh…
Cần đa dạng hóa các hình thức đánh giá học sinh
Xu hướng của giáo dục thế giới là giao đánh giá HS hoàn toàn cho nhà trường và giáo viên. Nhà trường chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng HS của mình. Các kỳ đánh giá quốc gia, địa phương hằng năm nhằm hỗ trợ nhà trường đánh giá HS, chứ không căn cứ hoàn toàn kết quả đánh giá này để tuyển sinh. Hầu hết các quốc gia đều tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia nhưng xu hướng chung là đa dạng hóa các hình thức đánh giá và các loại văn bằng, chứng chỉ để thực hiện phân hóa năng lực HS một cách hiệu quả nhất, chứ không chỉ thông qua điểm số như kỳ thi THPT nước ta.
Hầu hết các quốc gia sử dụng nhiều tiêu chí tuyển sinh ĐH, CĐ như: điểm của 3 kỳ thi (thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh và thi chuẩn hóa năng lực), kết quả học tập ở trường THPT, hồ sơ dự tuyển (kết quả học tập, thành tích hoạt động, bài tự luận, thư giới thiệu…), yếu tố nhân thân (nữ, người dân tộc, vùng khó khăn…).
Vì vậy, hướng tới đánh giá HS bằng quá trình, giao cho nhà trường là chủ yếu và đánh giá cấp độ quốc gia bằng hình thức thi trên máy tính, với ngân hàng đề chuẩn hóa, đa dạng, một năm có thể tổ chức nhiều đợt (như nhiều nước) là điều mà người dân mong đợi. Tiêu chí, phương thức tuyển sinh ĐH, CĐ đa dạng, phong phú và do trường quyết định. Những trường lớn trong hồ sơ thí sinh cần có thư giới thiệu của giáo viên và xác nhận của nhà trường, kết quả học tập của sinh viên cần gửi về cho trường phổ thông biết và công khai.
Nhà giáo có đạo đức nghề nghiệp, phụ huynh thay đổi tư duy
Ngoài ra, việc thúc đẩy nhà giáo thực hiện đạo đức nghề nghiệp, chức trách của mình bằng những “động cơ trong sáng từ bên trong” chứ không phải thúc ép từ bên ngoài, mới là giải pháp hữu hiệu nhất. Nhà nước, nhà trường tạo điều kiện và nhà giáo tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tư cách, thực hiện trách nhiệm của mình, được đánh giá, nhận xét HS công bằng, đúng thực chất về phẩm chất, năng lực để giúp các em tiến bộ, đánh giá vì hạnh phúc của HS, hạnh phúc của bản thân và hạnh phúc của toàn xã hội.
Phụ huynh, cần đổi mới tư duy. Hãy xem con cái thành đạt, xây dựng cuộc sống hạnh phúc ở tất cả các ngành, nghề, học tập ở tất cả các loại trường nghề, trường CĐ, ĐH khác nhau đúng với khả năng của mình chứ không chỉ vào được các ngành hấp dẫn. Bởi rằng, ngay cả vào những ngành học “ nóng” rồi cũng không đảm bảo có cuộc sống hạnh phúc.
Thiết nghĩ, sau khi kết thúc xử 3 vụ án trên, ngành giáo dục cũng cần tổng kết, đánh giá, rút ra bài học đắt giá để phổ biến trong toàn ngành.
Những tiêu cực trong thi cử
Những năm cuối thập niên 1990, Bộ GD-ĐT chủ trương tuyển thẳng ĐH đối với HS tốt nghiệp THPT loại giỏi, có bình quân 8,5 điểm trở lên… Nhưng cũng là cơ hội cho gian lận nảy sinh, từ việc nâng điểm cho HS, đến gian lận trong coi thi và chấm thi. Bộ phải bỏ chủ trương này.
Đến kỳ thi THPT 2006, đã xảy ra gian lận nghiêm trọng ở Hội đồng thi THPT Phú Xuyên A (Hà Tây cũ) và Hội đồng thi bổ túc tại THCS Trừ Văn Thố, Cai Lậy (Tiền Giang). Bộ GD-ĐT đã phát động cuộc vận động hai không: “Nói không với bệnh thành tích trong giáo dục và tiêu cực trong thi cử”.
Cho đến kỳ thi năm 2012, đã xảy ra vụ gian lận ở Hội đồng thi THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang), giám thị giải bài, đưa bài cho thí sinh, trong phòng thi quay cóp lộn xộn.
Từ năm 2014 trở đi, Bộ GD-ĐT chú trọng đổi mới thi THPT… Tuy nhiên, đến năm 2018 chính việc giao cho địa phương chủ trì đã nảy sinh tiêu cực, và điều bất ngờ lớn xảy ra, đó là gian lận thi cử chưa từng có trong lịch sử giáo dục, tại 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình.
Theo Thanh niên
Nếu phúc tra cả nước, liệu còn phát hiện vi phạm thi?
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đặt vấn đề như thế trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) Ảnh: Như Ý
Nhắc lại vụ việc gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay, ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho biết, cử tri vừa mong mỏi, vừa theo dõi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xử lý nghiêm, chỉ ra những thiếu sót trong công tác tổ chức kỳ thi quốc gia và người chịu trách nhiệm cụ thể.
"Không thể nói hoàn toàn là lỗi địa phương vì không phải chỉ một mà là nhiều địa phương phát hiện gian lận thi cử trong kỳ thi vừa qua", ông Hiếu nói.
Theo ông, mỗi năm một lần, bộ thay đổi cách thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng càng cải cách kết quả càng kém hơn, nhiều tiêu cực bị phát hiện hơn... Bộ không đánh giá về kết quả thi hằng năm của các tỉnh, thành phố, tỷ lệ điểm, nếu phân tích kết quả không thể không đặt dấu hỏi, vì sao nhiều tỉnh miền núi điểm khá giỏi lại cao hơn Hà Nội, TPHCM.
"Nếu phúc tra cả nước, tôi tin sẽ còn rất nhiều vi phạm trong kỳ thi vừa qua. Đây là lỗi hệ thống, lỗi quy trình rất cần có người chịu trách nhiệm trước nhân dân. Có như vậy, trong tương lai các thử nghiệm của Bộ GD&ĐT về quy trình thi cử nói riêng và trong hệ thống giáo dục nói chung mới bảo đảm tính nghiêm túc, khoa học và hiệu quả", ông Hiếu nói.
Một nền giáo dục không nói dối
Cho rằng trong giáo dục, việc đánh giá kết quả là hết sức quan trọng, nhưng theo ông Hiếu, phương pháp cải cách của Bộ GD&ĐT chưa đúng. "Trong phiên thảo luận về giáo dục, nhiều người đã bàn về triết lý giáo dục, trước mắt chúng ta cần đưa ra nguyên tắc giáo dục rất đơn giản nhưng cần thiết lúc này là một nền giáo dục không nói dối. Không thể tạo nên một sản phẩm giáo dục hoàn hảo khi chúng ta chấp nhận nói dối từ những năm đầu tiên các con cắp sách tới trường", ông Hiếu nói.
Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, chưa cần nói đến vấn đề tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018, giáo dục vẫn được coi là khoảng tối. Giáo dục là lĩnh vực phức tạp, được cả xã hội quan tâm, nhưng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ GD&ĐT cứ loay hoay với nhiều những vấn đề mà ít đem lại kết quả để đạt được mục tiêu phát triển đã đề ra. Cải tiến nối tiếp cải tiến trong khi chưa mang lại kết quả gì rõ ràng thì tiêu cực, sai phạm lại nảy sinh.
"Thử hỏi rằng rồi nên giáo dục của chúng ta sẽ đi về đâu khi mà hiện trạng giáo dục như vậy. Tiêu cực trong giáo dục khá nặng nề, cộng với thị trường văn bằng chứng chỉ giả rất sôi động", ông Cương nói.
Về sai phạm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018, ông Cương nhận xét: Bộ GD&ĐT chưa thấy hết hệ quả tệ hại mà sai phạm đó mang lại. Nó khiến xã hội mất niềm tin vào giáo dục nước nhà. Ngay cả sai phạm khi xảy ra thì không phải bộ phát hiện mà do một nhóm các thầy giáo ở Hà Nội phát hiện, tố giác rồi bộ mới vào cuộc. Nhưng điều đáng nói hơn là khi làm rõ được sai phạm thì việc công khai danh tính của những học sinh và phụ huynh liên quan đến sai phạm thì bộ không có chính kiến rõ ràng.
"Sau sai phạm năm 2018, bộ đang nỗ lực cải tiến kỳ thi năm 2019 nghiêm túc và an toàn nhưng ai dám bảo đảm sai phạm đó sẽ không xảy ra", ông Cương đặt vấn đề.
"Hành vi ăn cướp, vô liêm sỉ"
"Tiêu cực trong thi cử năm 2018, là giọt nước tràn li buộc ngành giáo dục phải xem xét và đánh giá lại hiệu quả thực chất của việc nhập hai kỳ thi phổ thông và tuyển sinh đại học. Phải xem lại phương pháp coi thi, phương pháp chấm thi, nhằm hạn chế thấp nhất tiêu cực trong thi cử.
Tôi có thể gọi hành động gian lận thi cử trong năm 2018 là hành vi ăn cướp, là vô liêm sỉ, vì đã đánh mất cơ hội, cướp mất tương lai của các cháu học thật và thi thật. Hành động gian lận thi cử đã làm băng hoại nền tảng xã hội và nền giáo dục nước nhà. Chính phủ, Bộ GD&ĐT nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá trúng thực chất những vấn đề tồn tại của ngành, có những giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nữa để cứu vãn nền giáo dục nước nhà", ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau).
VĂN KIÊN - LUÂN DŨNG
Theo Tiền phong
Đại biểu Quốc hội: Gian lận thi cử 2018 là hành vi ăn cướp, vô liêm sỉ Đại biểu Thái Trường Giang lên án việc gian lận thi cử năm 2018 là hành vi ăn cướp, vô liêm sỉ vì lấy đi cơ hội, tương lai của các thí sinh học thật. Tại phiên thảo luận về đánh giá kết quả phát triển kinh tế xã hội, ngân sách năm 2018 và kế hoạch năm 2019, quyết toán ngân sách...