Vì sao dưới 5 tuổi không được học trường quốc tế?
Thông tin hạn chế học sinh Việt Nam học tại các trường quốc tế mới được biết đến đang khiến dư luận xôn xao. Sáng 18/2, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý đã trao đổi về vấn đề này.
- Đề nghị Thứ trưởng cho biết Nghị định số 73/2012/NĐ-CP của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục áp dụng cho những đối tượng nào, và họ được đầu tư các loại hình cơ sở giáo dục nào tại Việt Nam?
- Tại Khoản 2 Điều 1 của Nghị định nêu rõ đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức Quốc tế và tổ chức, cá nhân người nước ngoài – gọi là Nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) hoạt động hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề theo các hình thức: Liên kết đào tạo; Thành lập cơ sởgiáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; Thành lập văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý.
Nghị định cũng nêu rõ các loại hình cơ sở giáo dục mà các nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập và qui định các đối tượng người học, gồm: Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn; Cơ sở giáo dục nghề nghiệp và Cơ sở giáo dục ĐH, CĐ. Ba loại hình cơ sở giáo dục này dành cho mọi đối tượng là người nước ngoài và người Việt Nam và không hạn chế số lượng người Việt Nam học tập.
Điều 21 của Nghị định cũng quy định, nhà ĐTNN được thành lập các cơ sở giáo dục Mầm non thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài và dành cho trẻ em là người nước ngoài.
Cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài, cấp bằng của nước ngoài, chủ yếu dành cho học sinh là người nước ngoài và cho phép các cơ sở giáo dục này được tiếp nhận một tỷ lệ học sinh Việt Nam có nhu cầu học tập, cụ thể: Ở các trường Tiểu học và THCS không quá 10% tổng số học sinh của trường; ở các trường THPT không quá 20% tổng số học sinh của trường.
Nghị định còn qui định học sinh Việt Nam không đủ 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình của nước ngoài.
Mong trẻ lớn lên thông thạo tiếng Việt
Video đang HOT
- Tại sao lại quy định trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình của nước ngoài và hạn chế tỷ lệ học sinh Việt Nam vào học ở các cơ sở giáo dục phổ thông có vốn ĐTNN, thưa thứ trưởng?
- Tại Nghị định 73 quy định trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình của nước ngoài. Ở đây chúng ta hiểu chương trình của nước ngoài là toàn bộ chương trình giáo dục được nhập của nước ngoài và được dạy bằng tiếng nước ngoài.
Trong quá trình xây dựng Nghị định chúng tôi quan tâm đến đối tượng các em dưới 5 tuổi, ở độ tuổi này các em cần phải học nói thạo tiếng Việt để giao tiếp với cộng đồng cùng lứa tuổi là người Việt Nam, để xây dựng cái gốc văn hoá Việt và để sau này các em có khả năng học bằng tiếng Việt một số môn học quy định bắt buộc theo chương trình giáo dục của Việt Nam. Các môn học bắt buộc này sẽ được quy định cụ thể tại Thông tư hướng dẫn Nghị định 73.
Nếu các em chưa vững tiếng Việt mà đã phải học toàn bộ chương trình giáo dụccủa nước ngoài bằng tiếng nước ngoài và lại học trong môi trường đa số các bạn là người nước ngoài sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức và khó khăn hoà nhập với bạn bè và cộng đồng sau này. Là người Việt Nam chúng ta không mong muốn con em của mình lớn lên tại Việt Nam mà không thông thạo tiếng Việt và không hoà nhập với cộng đồng, với các bạn cùng lứa tuổi ở trên quê hương mình.
Các em học trong các trường có vốn ĐTNN sẽ không được hưởng ưu đãi này và do trường có vốn ĐTNN được thành lập với mục đích giảng dạy cho học sinh là người nước ngoài chứ không phải là học sinh Việt Nam, nên việc giúp cho các em học sinh Việt Nam học tại trường này hình thành kiến thức và hiểu biết được truyền thống văn hoá, lịch sử của dân tộc Việt Nam sẽ khó khăn.
Nhưng thực tế cũng có một số gia đình có điều kiện về kinh tế mong muốn cho con em mình được học tập tại các trường có vốn ĐTNN, dạy bằng chương trình nước ngoài để các em có khả năng đi du học hoặc học tập trình độ cao hơn tại nước ngoài. Thể theo nguyện vọng chính đáng này, Nghị định 73 cho phép trường có vốn ĐTNN được tiếp nhận một số học sinh Việt Nam có điều kiện được học tập tại trường.
Theo kinh nghiệm Quốc tế, những trường đầu tư nước ngoài hoạt động có chất lượng thì tỉ lệ học sinh bản địa theo học thường từ 10 đến 20% là hợp lý. Hơn nữa, mục tiêu của các trường được thành lập là dành cho con em của họ được học tập thuận lợi tại Việt Nam và không phải vì mục tiêu kinh doanh giáo dục, nên các nhà ĐTNN cũng như là các phụ huynh mong muốn nếu tiếp nhận học sinh là công dân Việt Nam thì nên theo tỷ lệ như vậy.
Sẽ có hướng dẫn cụ thể
- Đối với các cơ sở giáo dục có vốn ĐTNN, dành cho người nước ngoài đã tiếp nhận học sinh Việt Nam cao hơn tỷ lệ quy định thì thực hiện Nghị định 73 như thế nào?
- Nghị định số 73 không quy định hồi tố hoặc xem xét lại các trường đã thành lập và hoạt động tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và các cam kết khi thành lập.
Những em học sinh Việt Nam đã được tiếp nhận vẫn tiếp tục học tập bình thường tại trường, nhưng nhà trường cần phải có kế hoạch, lộ trình để tuân thủ các quy định của Nghị định số 73 về tỷ lệ tiếp nhận học sinh Việt Nam. Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng Thông tư hướng dẫn về việc này.
- Các trường quốc tế có 100% vốn đầu tư trong nước có thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 73 hay không?
- Không. Các trường Quốc tế trước đây được cho phép thí điểm thì cần phải tổng kết, đánh giá thí điểm và đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Hiện nay, Bộ đang xây dựng thông tư hướng dẫn Nghị định 73 và sẽ đưa lên mạng lấy ý kiến đóng góp, chúng tôi rất mong các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư và các bậc phụ huynh quan tâm góp ý.
Theo Vietnamnet
Giới hạn HS vào trường quốc tế: Bất hợp lý
GS Phạm Minh Hạc tỏ ra bất bình trước Nghị định 73 giới hạn học sinh Việt Nam vào trường quốc tế chỉ 10%.
Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng quy định này sẽ lại gây ra cơ chế "xin - cho", "chạy" vào các trường quốc tế.
Giáo sư Phạm Minh Hạc đặt câu hỏi: Nhà nước cho phép người nước ngoài mở trường tại Việt Nam, sao chỉ khống chế 10% người Việt Nam theo học các trường này? "Tôi cho là nên để khả năng thu nạp học sinh đến đâu, người ta sẽ nhận đến đấy. Nếu quy định thế này sẽ dẫn đến những mâu thuẫn, người này được vào học, người kia thì không. Liệu 10% này sẽ rơi vào con cái nhà ai?" - GS Phạm Minh Hạc băn khoăn. Ông cũng cho rằng việc này sẽ dẫn đến nguy cơ phải "chạy" vào các trường cơ chế, lại tái diễn cơ chế xin - cho.
Chỉ nên kiểm duyệt chương trình
"Tôi đã sang Phần Lan, thăm trường có học sinh Việt theo học. Ở trường này, họ có thêm những giờ dạy tiếng Việt cho học sinh Việt Nam, dù người Việt Nam ở Phần Lan khi đó rất ít, khoảng 1.000 người. Nói thế để thấy vấn đề chính ở đây là quản lý nội dung giảng dạy chứ không phải lo lắng trẻ học trường quốc tế thì quên mất nguồn gốc lịch sử dân tộc mình" - GS Phạm Minh Hạc cho hay.
Giờ học của học sinh Trường Quốc tế Kinder World của Singapore tại Hà Nội
Cũng đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, cho rằng không nên giới hạn con số 10% học sinh Việt ở trường quốc tế. "Quan trọng là phải kiểm duyệt được chương trình" - TS Lâm nhấn mạnh. "Muốn tồn tại được, các cơ sở giáo dục nước ngoài phải tuân thủ các quy định của Việt Nam. Điều cốt lõi ở đây là chúng ta phải buộc họ phải giảng dạy thêm một số môn tiếng Việt trong chương trình của họ, điều đó không khó. Bản thân các trường cũng muốn phát triển đa văn hóa nên tôi cho việc dạy thêm một số môn tiếng Việt trong trường quốc tế không phải là điều gì khó khăn".
Chia sẻ về việc lo lắng trẻ Việt có nguy cơ biến thành "Tây" nếu học các trường quốc tế từ quá sớm, một chuyên gia giáo dục thừa nhận "Bộ GD-ĐT có cái lý của họ". Tuy nhiên, chuyên gia này cho biết: "Tây hóa hay không Tây do rất nhiều yếu tố chứ không phải do học trường quốc tế. Cần phải chủ động hòa nhập chứ không nên lo hòa tan với học sinh nước ngoài. Cơ quan chức năng phải quy định trường quốc tế cần có giáo viên Việt dạy lịch sử Việt, tiếng Việt song song với chương trình tiếng Anh".
Quyền lợi học sinh?
Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ GD-ĐT, trong lĩnh vực giáo dục, cả nước có khoảng 111 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại 6 tỉnh, TP, gồm: Hà Nội, TPHCM, Vũng Tàu, Cần Thơ, Hải Phòng và Đà Nẵng. Cơ sở giáo dục có vốn nước ngoài chiếm số lượng lớn nhất là các cơ sở đào tạo ngắn hạn (chiếm 40%), cơ sở giáo dục phổ thông (32,4%)... Số lượng các cơ sở giáo dục đa cấp (18) chiếm đến 50% tổng số cơ sở giáo dục phổ thông.
Nếu phải đáp ứng các quy định trong Nghị định 73, nhiều trường quốc tế có nguy cơ phải cho nghỉ học bớt học sinh Việt Nam. Một phụ huynh có con học tại Trường Kinder World của Singapore cho hay chị khá lo lắng trước quyết định này. Bởi, nếu phải thay đổi môi trường học, chắc chắn trẻ phải có một khoảng thời gian nhất định mới có thể thích nghi được với môi trường mới. Điều này gây khó khăn cho trẻ. Chúng tôi đã liên lạc với lãnh đạo Trường Kinder World để trao đổi thêm về vấn đề này, bởi hiện nhà trường có khoảng 70% số học sinh theo học là trẻ Việt. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường vẫn chưa có câu trả lời.
Hiện Trường Fosco (TPHCM) với 100% vốn nước ngoài có tỉ lệ học sinh Việt Nam so với học sinh quốc tế là 70/30. Từ khóa học 2012 - 2013, học sinh theo học ở đây được học giáo trình của tiểu bang Califorina (Mỹ), từ năm 2013 - 2014 trở đi sẽ theo giáo trình Comment Core. Bộ giáo trình này hoàn khác so với giáo trình đang giảng dạy ở Việt Nam. Vì vậy, nếu trường phải tuân thủ quy định chỉ tuyển 10% học sinh Việt, rất nhiều phụ huynh sẽ lo lắng. "Trên thực tế, đây là một quy định bất hợp lý. Con chúng tôi đang học trường quốc tế, chẳng lẽ lại phải chuyển trường trong khi chúng tôi có nhu cầu và các cháu cũng đang học rất tốt?" - một phụ huynh bức xúc.
Theo Yến Anh (Người Lao Động)
Tập trung rà soát các cơ sở giáo dục nước ngoài Theo số liệu tổng hợp quý IV năm 2012, các dự án giáo dục nước ngoài tại Hà Nội có tổng vốn đầu tư là 159,164 triệu USD (tăng 47,6% so với 107,81 triệu USD cuối năm 2008). Năm 2013, Bộ GD-ĐT tập trung rà soát các cơ sở giáo dục nước ngoài. Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị hướng...