Vì sao công nghệ thông tin thu hút học sinh?
Được xem là lĩnh vực ‘xương sống’ len lỏi, kết nối ở tất cả lĩnh vực trong đời sống, công nghệ thông tin được dự đoán sẽ là ngành học thu hút rất nhiều thí sinh và nhu cầu nhân lực ngành này sẽ rất lớn.
Đại diện các trường đại học tham gia buổi tư vấn ngày 11.3 đều cho rằng nhu cầu nhân lực khối ngành công nghệ và công nghệ thông tin là rất lớn – ĐÀO NGỌC THẠCH
Trong chương trình Tư vấn tuyển sinh trực tuyến Chọn ngành học tương lai với khối ngành công nghệ và công nghệ thông tin (CNTT) do Báo Thanh Niên tổ chức vào tối 11.3, diễn ra đồng thời trên các kênh của Báo Thanh Niên: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube, TikTok, chuyên gia đến từ các trường đại học đã nhận định đây sẽ là ngành hút rất nhiều nhân lực trong thời gian tới.
Tuyển sinh 2021: Nên chọn ngành, nghề như thế nào?
Công nghệ thông tin hiện diện ở mọi nơi
Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, trong những năm gần đây, chúng ta đã quen với khái niệm như cách mạng công nghiệp 4.0 mà nền tảng là lĩnh vực CNTT, trong đó nổi bật là trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn (big data).
Trong năm 2020, khi đại dịch Covid-19 diễn ra, những sản phẩm của CNTT và công nghệ nói chung thành nền tảng để kết nối các nền kinh tế, đặc biệt là kết nối giữa các quốc gia, gia đình, cá nhân với cá nhân…
Cùng chung nhận định, tiến sĩ Lê Đình Phong, Phó trưởng khoa CNTT Trường ĐH Hoa Sen, cũng cho rằng những khái niệm như công nghệ 4.0, công nghệ chuyển đổi số, big data, công nghệ đám mây… đã trở nên phổ biến. Lĩnh vực này phủ khắp hầu hết các lĩnh vực trong đời sống từ việc gọi đồ ăn, đến xe ôm công nghệ, các ứng dụng trên điện thoại hay các ứng dụng mang tầm vĩ mô.
Còn thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Trưởng phòng Truyền thông – Tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến, thì cho rằng với sự ứng dụng của CNTT, tất cả mọi người, mọi lĩnh vực được kết nối linh hoạt.
“Ở dịch Covid-19, chúng ta vẫn có thể kết nối với nhau, vẫn gọi món ăn, nghệ sĩ tạo ra các buổi diễn online, hướng dẫn du lịch… dựa trên nền tảng của CNTT. Mặc dù chúng ta ở nhà nhưng vẫn trải nghiệm đời sống vật chất và tinh thần thông qua CNTT…”, ông Thái nói.
Nhu cầu nhân lực rất lớn
Cũng theo ông Võ Thanh Hải thì hiện nay, rất nhiều trường ĐH tuyển sinh các ngành liên quan đến công nghệ và CNTT. Tuy nhiên, ở mỗi trường sẽ có định hướng đào tạo riêng nên thí sinh phải nghiên cứu kỹ khi chọn ngành, chọn trường.
Đặc biệt, hiện nay, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cũng là ngành mới đang được quan tâm ở hầu hết các trường có khối ngành CNTT.
Còn theo tiến sĩ Ngô Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định, các trường ĐH có thể cung cấp và thỏa mãn tất cả những yêu cầu để giúp sinh viên phát huy được tối đa năng lực của bản thân. Do ngành này được đào tạo ở nhiều trường nên ông Ngô Minh Hải cho rằng khi chọn nghề, trước hết thí sinh phải hiểu được bản thân có thế mạnh gì và mong muốn như thế nào rồi mới chọn ngành, sau đó mới tính toán đến nhu cầu nhân lực trong tương lai. Sau cùng thí sinh cũng phải cân nhắc đến việc chọn trường phù hợp cùng với mức học phí hợp lý.
Từ thực tế này, nhận định về nhu cầu nhân lực của nhóm ngành CNTT, tiến sĩ Nguyễn Kim Quốc, Phó trưởng khoa CNTT Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng nhu cầu của thị trường sẽ rất lớn.
“Chúng ta thấy thực tế hiện nay, trường ĐH cũng đang hướng tới đào tạo ĐH số, cách học cá nhân hóa, mỗi người học thời gian khác nhau, và học bất cứ thời gian nào… Nên nhìn chung khối ngành về CNTT cơ hội việc làm rất nhiều và lương rất cao”, tiến sĩ Nguyễn Kim Quốc nói.
Tiến sĩ Ngô Minh Hải cho rằng khi chọn ngành học, thí sinh thường tính toán đến nhu cầu nhân sự trong tương lai. Nhưng thực tế, như 2 năm qua, dịch Covid-19 làm thay đổi tất cả những dự đoán trước đó. Những ngành trong tương lai sẽ định hình lại dựa trên xu hướng phát triển của xã hội.
Tuy nhiên để thành công khi ra trường làm việc trong lĩnh vực này, sinh viên cần trang bị thêm nhiều kỹ năng. Theo thạc sĩ Lê Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, trong quá trình học, bên cạnh kiến thức chuyên môn, sinh viên cần phải trang bị các kỹ năng như: ngoại ngữ, giao tiếp, thực hiện dự án, phải cập nhật thông tin thường xuyên.
Tố chất để theo học được ngành CNTT
Theo thạc sĩ Lê Dũng, để theo học được ngành này thí sinh cần có một số tố chất cần thiết như yêu thích công nghệ, máy tính, có khả năng về toán, logic thì sẽ có lợi thế khi theo học.
Còn tiến sĩ Nguyễn Văn Khả, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết trong quá trình đào tạo, sinh viên sẽ được học thêm kiến thức chuyên ngành, kỹ năng để trau dồi cho bản thân. Khả năng ngoại ngữ cũng rất quan trọng với sinh viên theo những ngành học công nghệ. Ngành này ứng dụng ngoại ngữ rất nhiều nên sinh viên phải tự bồi dưỡng cho mình kỹ năng cần thiết này.
Trong khi đó, ông Vũ Quang Huy, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhận định: “Để theo học ngành này, những sinh viên có tố chất học tốt các môn tự nhiên sẽ có nhiều lợi thế hơn. Ngoài ra ngành này cũng đòi hỏi tính cẩn thận, tỉ mỉ cao vì bất kỳ một sai sót nhỏ có thể gây ra những hậu quả cao hoặc phải làm lại từ đầu.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân:
Ở mỗi trường sẽ có định hướng đào tạo riêng nên thí sinh phải nghiên cứu kỹ khi chọn ngành, chọn trường.
Tiến sĩ Lê Đình Phong, Phó trưởng khoa CNTT Trường ĐH Hoa Sen:
CNTT phủ khắp hầu hết các lĩnh vực trong đời sống từ việc gọi đồ ăn, đến xe ôm công nghệ, các ứng dụng trên điện thoại hay các ứng dụng vĩ mô.
Thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Trưởng phòng Truyền thông – Tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến:
Với ứng dụng của CNTT, tất cả mọi người, mọi lĩnh vực được kết nối linh hoạt.
Thạc sĩ Lê Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM:
Sinh viên cần phải trang bị các kỹ năng như ngoại ngữ, giao tiếp, thực hiện dự án… mới thành công khi ra trường làm lĩnh vực CNTT.
Học công nghệ thông tin dễ tìm việc làm?
Vào 17 giờ 30 hôm nay 11.3, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến 'Chọn ngành học cho tương lai' với khối ngành công nghệ và công nghệ thông tin.
Chương trình đồng thời diễn ra trên các kênh: thanhnien.vn , Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên .
Trong vài năm gần đây, nhiều ngành đào tạo mới khối ngành công nghệ và công nghệ thông tin đã được các trường ĐH đưa vào tuyển sinh và đào tạo. Năm 2021, việc tuyển sinh và đào tạo khối ngành này có gì mới? Chương trình tư vấn trực tuyến hôm nay sẽ tập trung phân tích các thông tin này.
Chương trình chia thành 2 phần, với 2 khung giờ phát sóng:
Phần 1 (17 giờ 30 - 18 giờ 30) gồm: Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân; thạc sĩ Lê Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM; thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Trưởng phòng Truyền thông - Tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến; tiến sĩ Lê Đình Phong, Phó trưởng khoa CNTT Trường ĐH Hoa Sen.
Phần 2 (18 giờ 40 - 19 giờ 40) gồm: Tiến sĩ Nguyễn Văn Khả, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM; tiến sĩ Nguyễn Kim Quốc, Phó trưởng khoa CNTT Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; tiến sĩ Ngô Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định; thầy Vũ Quang Huy, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Tuyển sinh 2021: Nên chọn ngành, nghề như thế nào?
17:32
* Chào mừng các bạn đến với chương trình tư vấn trực tuyến CHỌN NGÀNH HỌC TƯƠNG LAI với khối ngành CÔNG NGHỆ VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN. Chương trình đang được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn , Fanpage Facebook Báo Thanh Niên , kênh YouTube và Tik Tok. Trong khi chương trình diễn ra, bạn đọc ngay có thể đặt câu hỏi qua các địa chỉ trên.
Thời gian vừa qua, dư luận xôn xao về việc có 2 bạn trẻ làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin đóng thuế hàng chục tỉ đồng nhờ thu nhập "khủng". Tuy nhiên, không đợi đến sự kiện này thì sức hút của ngành công nghệ thông tin nói riêng và công nghệ nói chung vẫn đang rất nóng với người trẻ.
Công nghệ và công nghệ thông tin (CNTT) là một ngành có nhiều hướng phát triển trong tương lai. Theo các chuyên gia, nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, trong đó CNTT vẫn chiếm vị trí dẫn đầu. Nhu cầu nhân lực khối ngành này cũng rất lớn, cơ hội việc làm cao. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, năm 2021 được các chuyên gia dự báo nhu cầu nhân lực ngành CNTT sẽ tăng cao, trong khi việc tuyển dụng sẽ rất khó khăn. Sớm dự báo tình hình Bộ GD-ĐT đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực này trình độ ĐH. Theo đó, sinh viên đang học ĐH các ngành khác được chuyển sang học công nghệ thông tin ở các trường có đào tạo ngành này. Năm 2020, CNTT là một trong 2 nhóm ngành được Bộ GD-ĐT cho các trường ưu tiên tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Và đây cũng là một trong những ngành học có đào tạo ở hầu hết các trường.
Chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề: CHỌN NGÀNH HỌC CÔNG NGHỆ VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN sẽ giải đáp cho thí sinh những băn khoăn về khối ngành đang được quan tâm rất lớn.
Chương trình đang được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn , Fanpage Facebook Báo Thanh Niên và kênh YouTube, Tik Tok. Trong khi chương trình diễn ra, bạn đọc ngay có thể đặt câu hỏi qua các địa chỉ trên.
Chương trình chia làm 2 phần. Phần 1 có sự tham gia của các khách mời:
- Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân
- Tiến sĩ Lê Đình Phong, Phó trưởng khoa CNTT Trường ĐH Hoa Sen
- Thạc sĩ Lê Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM
- Thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Trưởng phòng Truyền thông-Tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến
Khách mời tham dự chương trình - ĐÀO NGỌC THẠCH
17:48
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Trong các năm gần đây, chúng ta quen với khái niệm Cách mạng công nghiệp 4.0, nền tảng là lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), trong đó nổi bật như trí tuệ nhận tạo và Big Data.
Trong năm 2020, khi đại dịch Covid-19 diễn ra, những sản phẩm của CNTT và công nghệ nói chung thành nền tảng để kết nối các nền kinh tế, đặc biệt là kết nối giữa các quốc gia, gia đình, cá nhân với cá nhân.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải - Đ.N.T
Hiện nay, rất nhiều trường ĐH tuyển sinh các ngành CNTT. Mỗi trường có thế mạnh riêng. Tuy nhiên, có mấy điểm cần lưu ý:
Có rất nhiều ngành nghề trong lĩnh vực CNTT, công nghệ khác nhau. Vì vậy, nên tìm hiểu ngành nghề, sau đó chọn trường (học phí, chính sách...), ngành có được thẩm định không, chọn tổ hợp môn, phương thức xét tuyển. Tất cả đề án tuyển sinh đều công khai trên website các trường.
Trường ĐH Duy Tân có xu hướng gom các ngành CNTT lại thành lĩnh vực. 3 ngành đạt kiểm định ABET: công nghệ phần mềm, an ninh mạng, hệ thống thông tin quản lý. Năm nay có 3 ngành mới: khoa học dữ liệu, khoa học máy tính (trí tuệ nhân tạo và Big Data), mạng máy tính và truyền thông
17:50
Tiến sĩ Lê Đình Phong: Ứng dụng CNTT phủ khắp ngóc ngách của cuộc sống. Sự phát triển của xã hội có sự đóng góp của thành tựu ngành CNTT.
Hiện nay theo thống kê, lĩnh vực ứng dụng CNTT nhiều nhất là tài chính ngân hàng, thương mại điện tử và dịch vụ. Vì vậy nhân lực ngành này có nhu cầu nhiều trong thời gian sắp tới.
Bân cạnh năng lực và đam mê thì các bạn cần tìm hiểu thị trường lao động để chọn hướng đi cho phù hợp.
Mỗi trường ĐH có mục tiêu đào tạo khác nhau. Có trường thiên về ứng dụng, có trường thiên về đào tạo hàn lâm, nghiên cứu.
17:51
Thạc sĩ Trần Mạnh Thái: Nếu không có CNTT, ít nhất ngay chương trình này chúng tôi không kết nối được mọi người. Với sự ứng dụng của CNTT, tất cả được kết nối linh hoạt.
Thạc sĩ Trần Mạnh Thái - Đ.N.T
Như trong mùa dịch Covid-19, chúng ta vẫn có thể kết nối với nhau, vẫn gọi món ăn, nghệ sĩ tạo ra show biểu diễn online... dựa trên nền tảng của CNTT. Mặc dù chúng ta ở nhà nhưng vẫn trải nghiệm đời sống vật chất và tinh thần thông qua CNTT.
Vấn đề là chúng ta nắm bắt cơ hội ra sao để khi ra trường chiếm lĩnh việc làm tốt, mang tài trí phục vụ cộng đồng...
18:00
Thạc sĩ Lê Dũng: Các bạn yêu thích công nghệ, máy tính, có khả năng về toán, logic thì có lợi thế khi theo học khối ngành CNTT.
Trường tạo điều kiện cho thí sinh tham gia các phương thức tuyển sinh: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM, xét tuyển học bạ (kết quả trung bình 5 học kỳ từ 30 điểm trở lên, kết quả tổ hợp môn).
Trường đào tạo 29 ngành và có các chương trình học bổng cho sinh viên có thành tích nổi bật.
18:10
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Sinh viên học ngành này CNTT có tương lai tươi sáng. Nhưng có một số điểm khó, không phải ai cũng có thể học CNTT. Chúng ta chọn ngành nghề theo xu thế phát triển trong tương lai, tuy nhiên, có đón đầu được cơ hội hay không là câu chuyện khác.
Trong quá trình học, bên cạnh kiến thức chuyên môn, sinh viên cần phải trang bị các kỹ năng để ra trường được tuyển dụng như: ngoại ngữ, giao tiếp, tham gia nhiều dự án nhiều lĩnh vực khác nhau, thiết lập mối quan hệ với các thế hệ đi trước, phải cập nhật thông tin thường xuyên.
Trường ĐH Duy Tân dạy các ngành dựa trên hợp tác với ĐH Canergie Merlon, đào tạo theo định hướng thực hành, đã được kiểm định ABET. Khi tốt nghiệp, bảng điểm được xác nhận chuẩn kiểm định ABET, được tiếp cận các tập đoàn công nghệ lớn. Trường cũng đào tạo theo module, đưa vào các môn CDIO, đào tạo có sản phẩm cụ thể để ra trường có thể thích ứng ngay.
Năm nay, trường xét tuyển thêm kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM. Trường cũng đưa tổ hợp môn A01 (toán, lý, Anh) để xét tuyển các ngành khoa học máy tính.
Trường có 4 chương trình trong lĩnh vực CNTT: du học tại chỗ, chương trình tiên tiến, đào tạo tài năng, chương trình thường. Thí sinh từ 23 điểm trở lên theo điểm thi tốt nghiệp THPT có cơ hội đạt học bổng bán phần, toàn phần của trường.
18:13
Tiến sĩ Lê Đình Phong: Mỗi trường có định hướng đào tạo khác nhau. Riêng ĐH Hoa Sen đào tạo theo hướng ứng dụng và khoa CNTT có định hướng đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp.
Tiến sĩ Lê Đình Phong - Đ.N.T
Xu hướng lĩnh vực CNTT đa dạng và thay đổi nhanh chóng, nên các trường phải kết nối với doanh nghiệp. Sinh viên của trường được thực tập tại doanh nghiệp thường xuyên để có trải nghiệm và có thể bắt nhịp công việc ngay khi ra trường.
18:16
Thạc sĩ Trần Mạnh Thái: Trường ĐH Văn Hiến đào tạo ngành CNTT từ năm 1997, hàng chục ngàn sinh viên đã tốt nghiệp ra trường. Như nhiều trường ĐH khác, trường cũng đào tạo định hướng ứng dụng. Từ năm 1, trường cũng đưa sinh viên đến doanh nghiệp trải nghiệm môi trường làm việc, phong cách làm việc. Trường trực thuộc tập đoàn kinh tế hoạt động nhiều lĩnh vực khác nhau nên việc ứng dụng CNTT của tập đoàn là nhu cầu rất lớn, sinh viên có thể hình dung, làm quen môi trường ở đây.
Nếu cần thiết đổi ngành học trong lĩnh vực CNTT để phát huy năng lực sở trường, trường có thể hỗ trợ sinh viên. Sinh viên cũng tự do chọn học phần, thầy cô, địa điểm, thời gian học tập.
Trường xét 4 phương thức: xét học bạ, xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM, xét tuyển thẳng.
18:23
Thạc sĩ Lê Dũng: Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM đào tạo theo xu hướng chuẩn quốc tế và hội nhập nên chú trọng đào tạo tiếng Anh. Trên 50% học phần học bằng tiếng Anh, ra trường đạt chứng chỉ IELTS 5.5 trở lên.
Nhà trường đào tạo kết nối doanh nghiệp để sinh viên có thể thích ứng với việc làm sau khi ra trường.
Chương trình đào tạo luôn tiếp cận và đổi mới theo xu hướng của doanh nghiệp. Nhà trường đưa sinh viên đến doanh nhiệp, sinh viên có thể tham gia dự án với doanh nghiệp...
18:30
Những tố chất cần có theo học CNTT
Các thầy có nói các em học các ngành CNTT cần có tư duy về toán học. Nhưng ngoài các khối ngành có liên quan đến toán, nhiều tổ hợp môn chưa liên quan đến toán, hoặc thi đánh giá năng lực là thi tổng hợp, làm sao biết các em có tư duy, tố chất về toán để phù hợp?
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Tất cả các trường ở đây đều đa dạng về phương thức xét tuyển. Có mấy lưu ý cho các em:
- Trong 2 năm gần đây, theo phổ điểm các trường, ngành CNTT có điểm trúng tuyển ở một số trường cao hơn cả ngành y đa khoa. Vì điểm trúng tuyển phụ thuộc chỉ tiêu ngành đó dựa trên tổng số lượng thí sinh nộp hồ sơ. Vì vậy, không nên từ bỏ quyền lợi mà quy chế cho phép là chọn nhiều trường, nhiều nguyện vọng. Nên chọn trường từ nguyện vọng 1 đến nguyện vọng n.
- Thường, xét tuyển học bạ dễ dàng hơn xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét sớm hơn. Các em cần phải xem các trường đợt 1 xét bao nhiêu chỉ tiêu.
- Hiện nay các trường sử dụng bài thi đánh giá năng lực, tư duy toán thế nào? Trong cấu trúc đề thi đánh giá năng lực, có điểm rất mạnh là tư duy logic. Điều này rất cần thiết. Nếu yếu toán, trường có thể hỗ trợ dạy thêm về toán.
- Hiện nay các trường đào tạo theo học chế tín chỉ. Nếu sau 1 năm, thấy không thể đi theo con đường này, nhiều trường cho phép các em chuyển ngành, thậm chí chuyển sang lĩnh vực khác, nếu điểm trúng tuyển bằng hoặc cao hơn ngành chuyển đến.
18:35
Tiến sĩ Lê Đình Phong: Tố chất để theo học ngành CNTT, phần lớn vẫn nói toán là lợi thế khi theo ngành này, có nền tảng để theo học một cách vững chắc. Thế nhưng đó không phải là dấu chấm hết cho những em chưa có thế mạnh môn toán.
Trường ĐH Hoa Sen xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với da dạng sinh viên. Trường không dạy toán theo kiểu hàn lâm mà dạy theo hình thức lồng ghép, trực quan hiểu khái niệm, ý nghĩa công thức đó sử dụng ở đâu để giúp sinh viên không có nền tảng toán như các bạn khác nhưng vẫn có thể theo học. Trường phát triển vị trí cố vấn học tập để theo cùng sinh viên trong từng giai đoạn.
18:40
Thạc sĩ Trần Mạnh Thái: Sinh viên trong Trường ĐH Văn Hiến được dạy học theo dự án, làm việc nhóm. Bản thân chúng ta đôi khi phải hạ cái tôi của mình xuống. Trong quá trình làm việc, tôi thấy nhiều em vào ngành CNTT vì tinh hoa hơn chút nên có cái tôi nhất định. Hoặc có nhiều dự án bên ngoài khi học tập nên mải mê chạy theo, để rồi chậm ra trường. Có những "góc khuất" như vậy, các em cần cảnh giác.
18:41
Thạc sĩ Lê Dũng: Mọi thành công luôn đến với những sinh viên nỗ lực. Các bạn nên luyện tập thường xuyên, khuyết chỗ nào thì bổ sung, nhất là những kỹ năng ngành nghề đang cần thì sẽ thành công.
Thạc sĩ Lê Dũng - Đ.N.T
18:42
** Thưa quý độc giả, quý phụ huynh, chúng tôi hy vọng quý vị đã có được những thông tin, hiểu biết cần thiết về khối ngành CN và CNTT để có thể quyết định đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH. Chương trình sẽ tiếp tục phần 2 trong ít phút nữa cũng tại địa chỉ này. Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi.
Làm chủ công nghệ thông tin, thu nhập 'khủng'! Vào 18 giờ 40 hôm nay 11.3, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến 'Chọn ngành học cho tương lai' với khối ngành công nghệ và công nghệ thông tin. Chương trình đồng thời diễn ra trên các kênh: thanhnien.vn , Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên . Trong vài năm gần đây, nhiều ngành đào...