Vì sao Biển Đen chợt nóng trở lại?
Từ chỗ ít được chú ý trong xung đột Ukraine, Biển Đen gần đây bất chợt trở thành điểm nóng quân sự và địa chính trị.
Khu vực này vô cùng quan trọng đối với Moscow, Ukraine và phương Tây.
Binh sĩ Nga trong lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Hải quân vào tháng 7 tại cảng Novorossiysk ở Biển Đen (Ảnh: AFP).
Tàu chiến Nga tuần tra mặt nước Biển Đen, phóng tên lửa vào các mục tiêu của Ukraine. Xuồng tự sát Ukraine âm thầm lướt đi, mang theo thuốc nổ tiếp cận tàu bè và bến cảng Nga.
Phía trên, máy bay cùng UAV trinh sát của NATO bay lượn trong vùng biển quốc tế để thu thập thông tin tình báo, và máy bay Nga cũng xuất hiện trên bầu trời.
Với vị trí tiếp giáp Ukraine, Nga và 3 nước NATO, Biển Đen lúc này đã trở nên căng thẳng hơn từ khi sáng kiến ngũ cốc do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ đã bị đình chỉ vào tháng 7.
“Biển Đen hiện là khu vực xung đột, có ý nghĩa đối với NATO ngang phía tây Ukraine”, ông Ivo Daalder, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO, đánh giá.
Cuộc cạnh tranh tại Biển Đen có thể tác động đến thị trường năng lượng toàn cầu và nguồn cung lương thực thế giới. Và nó gần như chắc chắn cũng sẽ đặt ra bài toán cho NATO khi khối này muốn duy trì tự do hàng hải trên biển – một nguyên tắc quan trọng của luật pháp quốc tế – mà không bị kéo vào xung đột trực tiếp với Nga.
Cạnh tranh tầm kiểm soát
Trong nhiều thế kỷ, Biển Đen có vai trò quan trọng đối với Nga. Các bến cảng dọc theo vùng nước ấm tại đây giúp việc giao thương diễn ra thuận lợi quanh năm. Vị trí như một giao lộ địa chính trị này còn mang đến cho nước Nga một nơi để phóng chiếu sức mạnh vào châu Âu, Trung Đông và xa hơn nữa.
Nhiều năm qua, Moscow đã tìm cách tăng cường ảnh hưởng quanh Biển Đen, thông qua việc phát triển các cảng biển và thành phố nghỉ dưỡng, đồng thời tích lũy lực lượng tại các căn cứ hải quân trong khu vực dành cho hạm đội phía nam của Nga.
Biển Đen có vị trí quan trọng với các nước tiếp giáp (Đồ họa: New York Times).
Video đang HOT
Biển Đen có ý nghĩa quan trọng không kém đối với NATO. Ba quốc gia thành viên khối này – gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Romania và Bulgaria – tiếp giáp Biển Đen và có 4 cảng quan trọng tại đây. Năm quốc gia đối tác của NATO cũng nằm trong khu vực là Armenia, Azerbaijan, Georgia, Moldova và Ukraine.
Kể từ khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt”, Moscow đã kiểm soát 3 cảng lớn của Ukraine và siết chặt việc tàu thuyền qua lại.
Dù NATO bày tỏ muốn tránh đối đầu trực tiếp với Nga, nguy cơ xảy ra sự cố ngoài tầm kiểm soát đã gia tăng trong thời gian qua.
NATO và các nước thành viên vẫn thường thực hiện hoạt động tuần tra vùng trời bên trên lãnh thổ, lãnh hải NATO và vùng biển quốc tế của Biển Đen. Họ luôn cố gắng không đi lạc vào vùng chiến sự.
Nhưng vào tháng 3, một tiêm kích Nga đã va chạm với máy bay không người lái (UAV) do thám của Mỹ, khiến chiếc UAV rơi xuống vùng biển quốc tế. Tới tháng 7, NATO thông báo về việc gia tăng số lượng chuyến bay tuần tra trên không.
Trước tình hình này, Liên Hợp Quốc hôm 21/7 đã cảnh báo gia tăng căng thẳng tại Biển Đen sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc và tập kích một số cảng quan trọng của Ukraine.
“Chúng ta đang chứng kiến tác động lớn đối với an ninh lương thực toàn cầu, khi Nga 4 ngày liên tiếp tập kích các cảng Biển Đen của Ukraine”, quan chức Liên Hợp Quốc phụ trách vấn đề chính trị, Rosemary DiCarlo, nói với Hội đồng Bảo an, theo Anadolu.
Ảnh vệ tinh cho thấy tàu chiến Nga bị thiệt hại gần cảng Novorossiysk hôm 4/8 (Ảnh: AP).
Ngay cả một số nước NATO cũng lo ngại. Thổ Nhĩ Kỳ đã kiên quyết lập trường ngăn các đồng minh NATO leo thang căng thẳng với Nga ở Biển Đen, theo ông Sinan Ulgen, cựu nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và Giám đốc tổ chức nghiên cứu EDAM.
“Thổ Nhĩ Kỳ rất phản đối các nhiệm vụ của NATO ở Biển Đen vì họ thấy rằng sự tăng cường hiện diện của NATO ở đây sẽ làm tăng nguy cơ xung đột với Nga”, ông Ulgen nói.
Bất ngờ từ Ukraine
Trong nhiều tháng trước đó, Ukraine thường lực bất tòng tâm trước khả năng kiểm soát Biển Đen của Nga, nhưng Kiev vẫn tiếp tục phát triển phương tiện để thách thức lực lượng hải quân hùng mạnh hơn nhiều của Nga.
Hồi tháng 10, Ukraine dùng xuồng không người lái để tấn công hạm đội hải quân Nga. Khi đó, không ai biết liệu xuồng tự sát có trở thành khí tài hiệu quả và phổ biến trong kho vũ khí của Ukraine hay không. Nhưng vào tuần trước, xuồng tự sát của Ukraine bất ngờ tấn công 2 tàu Nga.
“Chúng ta phải bảo vệ bờ biển của mình bắt đầu từ bờ biển của đối thù,” Tư lệnh hải quân Ukraine, Chuẩn đô đốc Oleksiy Neizhpapa, nói hồi tháng 5, khi ông kêu gọi cần có phản ứng mạnh mẽ hơn tại vùng biển quốc tế của Biển Đen.
P.W. Singer, chuyên gia về chiến tranh thế kỷ 21 tại viện chính sách Nước Mỹ Mới có trụ sở Washington D.C., nói rằng Ukraine đang được hưởng lợi nhờ vào xuồng không người lái trên biển thế hệ mới với nhiều cải tiến.
Ông cho rằng trong vòng chưa đầy một năm, những chiếc xuồng không người lái đã được cải tiến, có kích thước lớn hơn, nhanh hơn, hoạt động kín đáo hơn và có thể mang theo nhiều chất nổ hơn.
Tiêm kích Nga va chạm với UAV của Mỹ bên trên Biển Đen (Ảnh: Nikolay Nikolov).
Các nhà sản xuất xuồng không người lái cho biết chúng được thiết kế cho nhiều loại nhiệm vụ, từ giám sát cho đến chiến đấu.
Những chiếc xuồng này có thể di chuyển với tốc độ khoảng 48 dặm/h với tầm hoạt động lên đến 450 hải lý. Ở phạm vi đó, xuồng không người lái xuất phát từ cảng Odesa của Ukraine có thể tới Novorossiysk, nơi Ukraine tấn công hôm 4/8.
Ông Singer nhận định tiến triển nhanh chóng của Ukraine trong việc chế tạo xuồng không người lái gần giống tốc độ tại Thung lũng Silicon.
Trong khi đó, quan chức Nga khẳng định nước này có đủ mọi năng lực quân sự và kỹ thuật để chống lại các mối đe dọa ở Biển Đen.
“Điều quan trọng là chúng tôi có mọi khả năng quân sự và kỹ thuật quân sự để ngăn chặn tình trạng này mà không ảnh hưởng đến lợi ích an ninh của đất nước, an ninh của người dân và các cơ sở của chúng ta”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói với TASS.
Tác động kinh tế
Việc xung đột Ukraine bùng nổ đã làm gia tăng lo ngại về giá dầu tăng cao có thể gây sốc cho nền kinh tế toàn cầu.
Hơn 3% dầu và chế phẩm dầu toàn cầu di chuyển qua Biển Đen. Trước kia, khoảng 750.000 thùng dầu thô của Nga, tương đương 20% lượng dầu thô xuất khẩu của nước này, xuất phát từ Biển Đen. Tới nay, Nga đã giảm các chuyến hàng chở dầu xuống còn 400.000-575.000 thùng/ngày, theo các công ty theo dõi tàu chở dầu.
Tàu chở dầu Nga neo đậu tại Novorossiysk năm 2022 (Ảnh: AP).
Quan chức Ukraine từng bày tỏ hy vọng rằng bằng cách mở rộng xung đột sang các cảng của Nga, họ có thể gây ra một số thiệt hại kinh tế cho Moscow. Tuy nhiên, Nga đã chứng tỏ bản thân là nhà cung cấp dầu bền bỉ.
Sau khi các thương nhân và công ty dầu mỏ quốc tế lớn từ chối bán dầu của Nga, các công ty thương mại và vận tải biển mới thành lập có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Hy Lạp và Hong Kong đã “điền vào chỗ trống”.
David Goldwyn, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ chịu trách nhiệm về năng lượng, cho biết giá dầu có thể tăng 10-15 USD/thùng nếu xuất khẩu của Nga từ Biển Đen biến mất.
Dầu đang giao dịch ở mức khoảng 85 USD/thùng và vẫn giữ ổn định ngay cả sau khi Ukraine tấn công tàu chở dầu của Nga vào cuối tuần qua.
Sarah Emerson, Chủ tịch công ty tư vấn Energy Security Analysis, cho rằng câu hỏi bây giờ là liệu “Ukraine có thể thực hiện chuyện này nhiều lần nữa hay không. Nó sẽ khiến cho các thị trường năng lượng vốn đã thắt chặt càng trở nên co hẹp hơn”.
Nghi vấn Ukraine tấn công tàu chở dầu Nga gần Crimea
Các vụ nổ đã được phát hiện gần cây cầu nối Crimea với Nga vào sáng sớm 5/8, được cho là có liên quan đến một cuộc tấn công bằng xuồng tự lái của Ukraine nhằm vào tàu chở dầu Nga.
Vụ tấn công tàu chở dầu xảy ra gần cầu Crimea. Ảnh: Reuters
Dịch vụ cứu hộ trên biển của Nga tại cảng Novorossiysk ở Biển Đen sáng 5/8 xác nhận các tàu kéo đã được điều động để trợ giúp một tàu chở dầu hỏng do bị tấn công. "Chúng tôi có thể nói rằng tàu chở dầu bị hư hại ở eo biển Kerch", TASS dẫn lời dịch vụ cứu hộ Nga cho biết.
Theo TASS, phòng máy của tàu bị hư hại, tuy không nhiều, và các thủy thủ trên tàu vẫn an toàn. Vụ tấn công được cho là xảy ra ở vị trí cách eo biển Kerch 60km về phía Nam.
Ông Vladimir Rogov, quan chức do Nga bổ nhiệm ở Zaporizhzhia, cũng đồng thời cho biết: "Theo thông tin sơ bộ, tàu dầu dân sự SIG của Nga bị hư hại sau vụ tấn công bằng xuồng tự sát do những kẻ khủng bố Ukraine thực hiện".
Phía Ukraine chưa lên tiếng về thông tin này.
Trước đó, một tàu chiến của Nga đã bị hư hại nghiêm trọng trong một cuộc tấn công bằng xuồng không người lái của hải quân Ukraine nhằm vào căn cứ hải quân của Nga tại Novorossiysk.
Nhiều cư dân ở thành phố Kerch và các khu vực lân cận cho biết họ đồng thời nghe thấy tiếng nổ và ánh chớp trong đêm. Tất cả giao thông trên cầu Crimea, nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar của Nga cũng tạm bị đình chỉ trong đêm.
Song, phía Nga cho biết các vụ nổ mới nhất không liên quan gì đến cầu Crimea. "Một lần nữa, không có cuộc tấn công trực tiếp nào vào cây cầu Crimea và không có vụ nổ nào ở khu vực lân cận", Oleg Kryuchkov, cố vấn của thống đốc Crimea do Nga bổ nhiệm, khẳng định.
UAV chứa thuốc nổ liên tiếp tập kích Moscow Hệ thống phòng không và tác chiến điện tử của Nga đã vô hiệu hóa hàng loạt máy bay không người lái (UAV) nhằm vào thủ đô Moscow những ngày gần đây. Tòa nhà cao tầng ở khu trung tâm tài chính Moscow bị hư hại sau vụ tập kích UAV hôm 30/7 (Ảnh: AFP). Sputnik dẫn thông tin từ Thị trưởng Moscow...