Vì phẩm giá con người
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc ( UNICEF) công bố ngày 13-5 khiến dư luận rất lo ngại: Đến năm 2015, trên thế giới vẫn còn khoảng 2,4 tỷ người, tương đương 30% dân số toàn cầu, không được tiếp cận các cơ sở vệ sinh cơ bản.
Cảnh đi lấy nước sạch xa hàng cây số ở châu Phi
Tháng 7-2011, tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc về quyền tiếp cận nước sạch và các điều kiện vệ sinh, Liên hợp quốc đã tái khẳng định việc được sử dụng nước sạch và các điều kiện vệ sinh là quyền cơ bản của con người. Thậm chí câu chữ được đưa ra trong hội nghị còn nói rất rõ rằng “Các quyền này đảm bảo cho con người được sống trong phẩm giá và tự do”. Tiếp cận dịch vụ vệ sinh cũng là vấn đề liên quan đến hầu hết các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG).
Video đang HOT
Thế nhưng, khi thời hạn cuối cùng để thực hiện các MDG là năm 2015 đang đến rất gần, các quyền để con người sống trong “phẩm giá và tự do” vẫn là câu hỏi lớn chưa có lời giải. Trong số 2,4 tỷ người đang sống trong các điều kiện vệ sinh không đảm bảo, có tới 761 triệu người phải sử dụng các khu vệ sinh công cộng và 693 triệu người phải sử dụng các thiết bị không đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu về vệ sinh.
Thống kê của LHQ cho thấy đến cuối năm 2015, vẫn còn gần 1/3 dân số thế giới vẫn chưa tiếp cận được với những phương tiện vệ sinh tiêu chuẩn. Còn hiện tại, khoảng 1 tỉ người trên thế giới vẫn đi vệ sinh ngoài trời, và 90% trường hợp là ở các vùng quê. Hệ quả là 1,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi chết hàng năm và 443 triệu ngày học bị mất vì các bệnh liên quan đến thiếu nước sạch và các điều kiện vệ sinh.
Đánh giá về thực trạng này, người đứng đầu chương trình toàn cầu của UNICEF về nước sạch, điều kiện vệ sinh S. Wijesekera khẳng định đảm bảo vệ sinh là vấn đề khẩn cấp, đáng sợ không kém một vụ động đất nghiêm trọng hay một trận sóng thần khi mà hàng ngày, trên thế giới có hàng trăm trẻ em tử vong vì điều kiện sống không đảm bảo vệ sinh. Còn theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, mất mát kinh tế toàn thế giới do điều kiện vệ sinh yếu kém lên đến 260 tỉ USD một năm.
Theo các chuyên gia, việc cải thiện điều kiện vệ sinh sẽ có tác động tích cực đến điều kiện sống của con người, đặc biệt là trong việc xóa đói nghèo, tăng cường sức khỏe trẻ em và chống bệnh tật.
Chính vì thế, trong thông điệp gửi các nước trên thế giới, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định nhiệm vụ cấp bách trước mắt của cộng đồng thế giới là biến những cam kết thành hành động thực tế cung cấp cho con người nước sạch và các điều kiện vệ sinh. Ông nhấn mạnh trong khi nhiều nước đã đưa quyền tiếp cận nước sạch và vệ sinh vào Hiến pháp và luật pháp, các nước khác cần hành động không chậm trễ theo hướng này để đảm bảo tất cả mọi người được hưởng các quyền sống trong phẩm giá, tự do và phúc lợi.
Theo ANTD
Nỗi đau nghèo đói
Dù thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ thứ 4 - giảm 2/3 tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trong giai đoạn 1990-2015 - song đây vẫn là một "nỗi đau nghèo đói".
Nghèo đói lại cộng thêm xung đột nên Somali là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong cao trên thế giới
Trong Báo cáo của LHQ ngày 7-3, Cao ủy LHQ về nhân quyền (UNHCR) đã bày tỏ sự quan ngại đặc biệt về tỷ lệ tử vong cao ở trẻ em trên thế giới do thiếu dinh dưỡng và không được chăm sóc y tế đầy đủ. Theo UNHCR, nhờ nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong nhiều năm qua, số lượng trẻ em tử vong trên toàn cầu đã giảm nhẹ, nhưng hiện vẫn ở mức cao.
Hiện trung bình mỗi năm trên thế giới có 6,9 triệu trẻ dưới 5 tuổi tử vong, phần lớn là do không đủ dinh dưỡng cần thiết hoặc thiếu thuốc men và phương tiện điều trị khi mắc bệnh. UNHCR đặc biệt lưu ý tới tình trạng số trẻ em tử vong tại các nước có thu nhập thấp nhiều năm qua luôn cao hơn từ 18 lần trở lên so với các quốc gia phát triển, mà phần lớn nguyên nhân là do các chứng bệnh suy dinh dưỡng, tả, viêm phổi, sốt rét....
Những đánh giá và số liệu thống kê của UNHCR khiến cộng đồng quốc tế không khỏi quan ngại khi mà thời gian hoàn thành các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) của LHQ, trong đó có mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi tử vong, đã sắp hết. Dù rằng trước đó, thế giới với nỗ lực của mỗi quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế đã đạt được những tiến bộ đáng khích lệ trong vấn đề này.
Các số liệu thống kê chung của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) cho thấy, trong 20 năm qua, tỷ lệ trẻ em bị chết yểu trên toàn thế giới đã giảm được gần 50%. Nếu năm 1990, trên thế giới có tới 12 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị chết, thì con số này đã giảm xuống 6,9 triệu năm 2012.
Đây là một thành tựu được ghi nhận song các chuyên gia của những tổ chức trên cho rằng, các quốc gia và cộng đồng quốc tế cần nỗ lực hơn nữa, tài trợ nhiều hơn cho việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Nếu không làm được như vậy thế giới khó hoàn thành mục tiêu giảm 2/3 tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vào năm 2015 so với năm 1990 theo MDGs.
Nguyên nhân chính khiến tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới vẫn còn cao là do nghèo đói dẫn tới suy dinh dưỡng cũng như điều kiện vệ sinh và chăm sóc sức khoẻ kém tại các nước đang phát triển nghèo, các khu vực nghèo. Theo nghiên cứu của UNICEF, bệnh viêm phổi và tiêu chảy gây tử vong 2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm, chiếm gần 33% số ca tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu, trong đó 90% số ca tử vong của trẻ em do bệnh viêm phổi và tiêu chảy trên thế giới là ở Nam Á và phía Nam sa mạc Sahara châu Phi, những khu vực nghèo đói nhất thế giới.
Theo Cao ủy UNHCR Navi Pillay, LHQ có các biện pháp cấp bách để nâng cao mức sống của người dân các nước kém phát triển, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo trên thế giới để góp phần giảm bớt số trẻ tử vong. Bà Pillay kêu gọi các thành viên LHQ có chính sách quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa đến trẻ em cùng gia đình, nhất là tại các nước kém phát triển, bởi theo người đứng đầu UNHCR, nếu 2,5 tỷ người dưới 19 tuổi hiện nay trên thế giới được khỏe mạnh và học hành đầy đủ sẽ là sự bảo đảm tốt nhất cho tương lai của nhân loại.
Theo ANTD
Thiệt hại 18 tỷ USD vì cướp biển Somalia Theo báo cáo mang tên "Pirates of Somalia: Ending the Threat, Rebuilding a Nation" (tạm dịch: Cướp biển Somalia: đẩy lùi đe dọa, tái thiết đất nước) được Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố mới đây tại Thủ đô Somali, Mogadishu, nạn cướp biển vẫn gây thiệt hại đến nền kinh tế toàn cầu ước tính khoảng 18 tỷ USD. Ngoài...