Vị khách Liên Xô khiến lính HQ và Triều Tiên xả mưa đạn vào nhau
Một thanh niên Liên Xô bỏ trốn qua Khu vực An ninh chung vào năm 1984, khiến binh sĩ Triều Tiên và Liên Hợp Quốc giao tranh dữ dội.
Làng đình chiến được coi là nơi nguy hiểm bậc nhất trên bán đảo Triều Tiên.
Theo Army History, Vasilii Yakovlevich Matuzok luôn mơ về viễn cảnh bỏ trốn khỏi Liên Xô khi còn ngồi trên ghế nhà trường hồi cấp 3.
Ở tuổi 22, anh ta trở thành phiên dịch viên cho Đại sứ quán Liên Xô ở Bình Nhưỡng, thủ đô Triều Tiên. Cơ hội để Matuzok bỏ trốn nhanh chóng đến vào ngày 23.11.1984.
Chàng thanh niên Liên Xô khi đó nằm trong nhóm khách du lịch đến làng đình chiến ở khu vực giáp biên giới Triều Tiên-Hàn Quốc. Matuzok nghĩ rằng chỉ một bước chạy thật nhanh, không ai để ý là anh ta có thể vượt qua Đường Ranh giới quân sự để sang Hàn Quốc.
Đường ranh giới quân sự được thiết lập sau hiệp định đình chiến tháng 7.1953, nằm trong khu phi quân sự (DMZ) rộng 4 km, dài gần 260 km ngang bán đảo Triều Tiên.
Tại làng Bàn Môn Điếm, địa điểm ký hiệp định đình chiến, hai nước thiết lập Khu vực An ninh chung (JSA). Đây là khu vực được canh gác nghiêm ngặt nhưng không cài mìn hay thiết bị nổ rải rác giống như các khu vực khác.
Binh sĩ Triều Tiên đụng độ với quân Liên Hợp Quốc ở khu vực an ninh chung.
Sáng ngày 23.11.1984, Vasilii Matuzok giả vờ tiến đến lính gác Triều Tiên rồi lẳng lặng tách đoàn, chạy thẳng hướng phía Hàn Quốc. Chỉ vài giây sau, 30 lính Triều Tiên đuổi theo và nổ súng cảnh cáo nhằm buộc chàng thanh niên Liên Xô dừng lại.
Matuzok chạy qua hai lính Mỹ canh gác ở khu vực JSA, trong khi hô lớn bằng tiếng Anh: “Cứu tôi, bảo vệ tôi”. Cuộc truy đuổi nhanh chóng biến thành đụng độ có vũ trang giữa lính Liên Hợp Quốc và Triều Tiên.
Do Bình Nhưỡng và Seoul về mặt nguyên tắc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, việc binh sĩ Triều Tiên đuổi theo và nổ súng vào Matuzok bị quy là hành động xâm lược có vũ trang. Lính gác của lực lượng Liên Hợp Quốc nhanh chóng thông báo cho đơn vị trực chiến gần đó.
Video đang HOT
Binh sĩ Michael A. Burgoyne, một trong những nhân chứng kể lại: “Tôi nhìn thấy một người bỏ trốn chạy một mạch về phía Hàn Quốc, theo sau anh ta là khoảng 15 binh sĩ Triều Tiên”.
“Tôi thấy có hai lính Triều Tiên nhắm bắn người này nên đã núp sau bụi cây và nổ súng vào họ. Ít nhất một người đã ngã xuống”, Burgoyne kể lại. 10 lính Liên Hợp Quốc khác nhanh chóng có mặt ở khu vực, cầm chân lính gác Triều Tiên.
Đại úy Mizusawa được trao huân chương sau cuộc đụng độ quân sự.
Hai bên đấu súng trong vài phút cho đến khi đại úy Bert Mizusawa nhận lệnh xuất quân từ căn cứ để ngăn chặn lính Triều Tiên.
Đại đội của Mizusawa chạy 400 mét tới JSA mà không biết gì về vụ bỏ trốn của Matuzok. Sau này, Mizusawa cho biết nhiệm vụ duy nhất của ông lúc đó là khôi phục tình trạng biên giới theo hiệp định đình chiến, buộc lính Triều Tiên rút quân.
Mizusawa tới khu vực cùng ba tiểu đội bộ binh và ba tổ súng máy.Vào thời điểm đó, lính Triều Tiên đang bị lực lượng Liên Hợp Quốc cầm chân, chỉ 15 phút kể từ khi Matuzok bỏ trốn.
Mizusawa điều một tiểu đội bộ binh sang phía đông để tăng cường cho trạm gác số 4 đang giao tranh với quân Triều Tiên, còn bản thân ông dẫn hai đơn vị còn lại vòng sang phía tây nam để thọc sườn.
Trong quá trình cơ động, nhóm lính Mỹ phát hiện Matuzok đang ẩn nấp trong một bụi cây. Sau khi biết ý định bỏ trốn chàng thanh niên Liên Xô, Mizusawa giao người này cho một trung sĩ để đưa về căn cứ.
Với việc người bỏ trốn đã an toàn, Mizusawa ra lệnh tập trung tiêu diệt binh lính Triều Tiên. Đại đội Liên Hợp Quốc chiếm ưu thế về chiến thuật, lại tấn công thọc sườn khiến lính Triều Tiên trở nên co cụm.
Mizusawa chỉ huy một tiểu đội đột kích vào vị trí đối phương dưới sự yểm trợ của các khẩu đội súng máy. Những binh sĩ Triều Tiên sống sót buộc phải đầu hàng khi bị dồn ra địa hình trống trải.
Binh nhất Burgoyne là một trong hai người thương vong bên phía quân Liên Hợp Quốc.
Lực lượng phản ứng nhanh chỉ mất tổng cộng 6 phút để đánh bại nhóm lính Triều Tiên tại JSA. Tính từ lúc Matuzok bỏ trốn đến khi sự việc kết thúc chỉ kéo dài 20 phút.
Kết thúc giao tranh, một binh sĩ Hàn Quốc thiệt mạng và một lính Mỹ bị thương khi tìm cách thu hút hỏa lực đối phương. Phía Triều Tiên có ba binh sĩ thiệt mạng, 5 người bị thương và 8 người bị bắt trong sự việc này.
Phía Triều Tiên sau đó chấp nhận đóng băng hiện trường để phục vụ quá trình điều tra. Lính gác Triều Tiên đến nhận thi thể người thiệt mạng và bị thương ngay sau đó.
Binh nhất Burgoyne là người may mắn sống sót bên phía quân Liên Hợp Quốc. Burgoyne mô tả cảnh “mưa đạn” xối xả hai bên nã vào nhau trong khoảng thời gian ngắn xảy ra xung đột.
Đây được coi là sự cố nghiêm trọng nhất ở khu vực DMZ kể từ vụ Hàn Quốc và Triều Tiên suýt chiến tranh vì một cành cây bạch dương năm 1976.
Sau sự cố, khu vực DMZ trở lại yên bình. Matuzok được tới định cư ở Mỹ theo dạng tị nạn. Để bảo đảm bí mật, phải đến năm 2000, Washington mới trao thưởng cho 17 binh sĩ tham gia chiến đấu trong cuộc đụng độ này.
Theo Danviet
Cái giá phải trả cho chiến tranh với Triều Tiên khiến Mỹ "chùn tay"
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng mạnh mẽ cảnh báo Triều Tiên rằng: "Đừng đánh giá thấp chúng tôi. Đừng thử thách chúng tôi". Song theo các chuyên gia, ông Trump cũng không nên đánh giá thấp cái giá phải trả nếu phát động chiến tranh với Triều Tiên.
Binh sĩ Triều Tiên trong một cuộc tập trận hồi tháng 8. Ảnh KCNA/NYT
Vấn đề then chốt đối với Mỹ là khả năng Triều Tiên đã sở hữu tên lửa có khả năng mang bom hạt nhân đánh Hàn Quốc và Nhật Bản, 2 đồng minh ruột của Mỹ, theo New York Times. Nếu một trong những vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đánh trúng mục tiêu, toàn bộ một thành phố sẽ bị tiêu diệt.
Đặc biệt là, ngay cả khi Mỹ phát động cuộc tấn công phủ đầu và phá hủy thành công năng lực hạt nhân của Triều Tiên, thì hàng triệu thường dân Hàn Quốc cũng như binh lính Mỹ đang đóng quân ở Hàn Quốc sẽ trở thành mục tiêu trả đũa bằng vũ khí thông thường hoặc vũ khí hóa học của Triều Tiên. Như vậy, dù không có vũ khí hạt nhân, Triều Tiên vẫn đủ sức hủy diệt Seoul và hàng chục nghìn người sẽ thiệt mạng.
Triều Tiên có thể có tới 250 thiết bị phóng tên lửa di động, trong đó một số thiết bị có thể phóng tên lửa hạt nhân. Nếu một số đơn vị di động này được phân tán nhiều nơi trong thời điểm Mỹ tấn công, Mỹ sẽ không thể tiêu diệt toàn bộ chúng trước khi một tên lửa được phóng đi. Mỹ cũng không gặt hái được nhiều thành công trong việc phát hiện và tiêu diệt các thiết bị phóng tên lửa di động trong các cuộc chiến tranh gần đây.
Một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ có thể khiến Triều Tiên bị bất ngờ và vì thế hiệu quả phản công của quân đội nước này có thể sẽ giảm. Nhưng việc mở một cuộc tấn công bất ngờ là điều rất khó, nếu không muốn nói là không thể làm được.
Theo New York Times, Triều Tiên có những nguồn tin đáng tin cậy về các hoạt động quân sự tại Hàn Quốc và Nhật Bản để có thể cảnh báo cho Bình Nhưỡng về một cuộc tấn công tiềm năng. Chưa kể, các căn cứ tình báo từ Mỹ và những khu vực khác của nước này, hoặc các cơ quan tình báo của các nước có quan hệ với Triều Tiên như Trung Quốc hoặc Nga cũng có thể cảnh báo Bình Nhưỡng về nguy cơ Mỹ mở cuộc tấn công.
Theo đó, để tạo ra yếu tố bất ngờ, Mỹ sẽ phải tìm cách chuẩn bị cho một cuộc chiến bí mật nhất có thể. Washington không thể tăng quân ồ ạt trong khu vực mà không đánh động Triều Tiên.
Người dân Hàn Quốc sẽ không được thông báo về một cuộc tấn công nên không thể chuẩn bị để tránh chiến tranh. Ngay cả các công dân Mỹ ở Hàn Quốc cũng sẽ không được cảnh báo và không được sơ tán khỏi Hàn Quốc. Bất cứ sự chuẩn bị nào cho một cuộc chiến đều sẽ phải nấp sau các cuộc tập trận và các hoạt động bình thường khác.
Tuy nhiên, một cuộc tấn công bất ngờ vẫn đòi hỏi một số lượng lớn các loại vũ khí, đạn dược xuyên thủng tối tân, mạnh mẽ và chính xác để phá hủy các kho chứa tên lửa và đầu đạn hạt nhân Triều Tiên vô cùng kiên cố.
Chỉ những máy bay ném bom chiến lược B-2, B-1B của Mỹ có thể đảm nhiệm việc này. Những chiếc máy bay này có thể được điều từ căn cứ quân sự Guam hoặc các căn cứ ở Mỹ tới Triều Tiên. Nhưng các máy bay ném bom sẽ đòi hỏi sự hỗ trợ đáng kể từ các máy bay tiếp nhiên liệu trên không.
Theo New York Times, rất khó để ước tính cần bao nhiêu máy bay ném bom vì có rất ít thông tin liên quan đến số lượng cũng như vị trí của các căn cứ quân sự Triều Tiên.
Tuy nhiên, nếu ước tính sơ bộ, các chuyên gia cho rằng Mỹ cần huy động ít nhất 20 máy bay ném bom có khả năng chở 500 bom dẫn đường chính xác hoặc các loại bom "khủng" hơn với số lượng ít hơn trong giai đoạn đầu của cuộc chiến.
Các tàu ngầm Mỹ có thể di chuyển gần vào bờ biển Triều Tiên để phóng các tên lửa hành trình trong khi các máy bay ném bom đang trên đường đến. Điều này sẽ làm giảm khả năng Triều Tiên phân tán, di dời các vũ khí di động trước khi phi đội máy bay ném bom Mỹ đến đồng thời vô hiệu hóa một số hệ thống phòng không của Triều Tiên.
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự nhận định rằng, nỗ lực tấn công Triều Tiên bất ngờ là một canh bạc đầy rủi ro. Nếu Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên, mục tiêu đầu tiên cần phải tập trung là cơ sở hạ tầng hạt nhân của nước này.
Ngay cả khi Mỹ thành công trong việc vô hiệu hóa kho vũ khí hạt nhân Triều Tiên, nước này vẫn có cơ hội trả đũa bằng các loại vũ khí thông thường có sức mạnh đáng gờm. Trong tất cả các tình huống, hàng nghìn dân thường và binh lính Mỹ cũng như Hàn Quốc sẽ chết.
Trong khi đó, nếu Mỹ phát động một cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ nhằm hủy diệt kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đồng thời ngăn chặn khả năng Bình Nhưỡng phản công bằng vũ khí thông thường cũng có thể có nhiều cơ hội thành công. Vũ khí hạt nhân của Mỹ được đánh giá là khá chính xác và luôn sẵn sàng trên bệ phóng.
Tuy nhiên, sự nổ tung kho vũ khí hạt nhân Triều Tiên cũng sẽ gây ra thảm họa khôn lường. Chưa kể, một cuộc tấn công như vậy sẽ hủy hoại toàn bộ danh tiếng của nước Mỹ. Hơn nữa, người Mỹ cũng như các quan chức quân sự Mỹ thậm chí sẽ chống lại một lệnh tấn công như vậy.
Vì những lý do mang tính chiến lược, nhân đạo và hiến pháp, lựa chọn tấn công hạt nhân phủ đầu (chống lại Triều Tiên) theo các chuyên gia không nên có ở trên bàn. Kết luận lại, theo New York Times, một cuộc tấn công Triều Tiên là cực kỳ phức tạp, đầy rủi ro và có sự phức tạp, rủi ro và cái giá quá đắt, khó lường trước. Theo đó, kết hợp biện pháp ngoại giao và răn đe để buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân được đánh giá là lựa chọn khôn ngoan nhất.
Theo Danviet
Hé lộ vũ khí đáng gờm của Triều Tiên khiến mọi đối thủ phải dè chừng Ngoài chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân, Triều Tiên cũng sở hữu một công cụ khác được cho là có thể khiến bất cứ đối thủ nào trong cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên phải cảnh giác. Các binh sĩ Triều Tiên. (Ảnh minh họa: BBC) Theo National Interest, bộ máy tình báo Triều Tiên chính vũ khí đáng...