Về Cần Thơ ăn ba khía rang me
Ba khía là loại còng biển, sinh sống nhiều nhất ở vùng bãi bùn nước lợ miệt Cà Mau, Bạc Liêu… Nhưng nếu có dịp đến Cần Thơ, bạn hãy thử đến “đường Ba Khía” để thưởng thức nhiều món ngon độc đáo từ con ba khía như hấp bia, luộc, rang me…
Ba khía rang me – Ảnh: Thanh Tâm
Hằng năm vào mùa con nước lên (khoảng tháng 8 đến 10 âm lịch), khi những hang ổ dày đặc dưới gốc cây đước, cây mắm bị chìm trong nước, ba khía phải “thiên di” lên thân và rễ cây để trú ẩn. Thời điểm này cũng là mùa ba khía hội (vào con nước 30 âm lịch). Thế là người dân chuẩn bị đồ nghề đi bắt ba khía.
Lựa những đêm tối trời khi con nước lên đầy, chỉ cần cập sát xuồng vào mé rạch vừa tầm tay với sát những gốc đước, gốc mắm, vuốt nhẹ những con ba khía còn đang “say sưa tình tự” cho vào giỏ đặt sẵn trên khoang xuồng. Trong một con nước, một người cần mẫn có thể bắt được vài chục ký ba khía dễ dàng.
Giá trị kinh tế của con ba khía ngày xưa không cao, và chỉ có một cách chế biến duy nhất là muối làm mắm ba khía. Đây có thể nói là món ăn đặc trưng của miền Tây, không thể thiếu trong bữa cơm hằng ngày. Ngày nay do nhu cầu ẩm thực gia tăng, ba khía được các chuyên gia ẩm thực “chắp cánh” làm nhiều món khá độc đáo như nấu canh chua cơm mẻ với bắp chuối, hấp bia, rang muối… nhưng độc đáo nhất phải kể là ba khía rang me.
Video đang HOT
Ba khía muối – Ảnh: Thanh Tâm
Ba khía mua ở chợ phải chọn con cái (con đực cứng, thịt ít), yếm cứng, cầm chắc tay (thịt nhiều, mềm sau khi chế biến). Cho ba khía vào xô nhựa, đổ nước ngập vào ba khía và dùng que tre (hay đũa) đảo nhiều vòng cho ba khía sạch đất và bị say không kẹp được. Tiếp đến tách bỏ mai, lấy phần thân chặt đôi (hay để nguyên tùy ý), rửa sạch để ráo. Sau cùng bắc chảo lên bếp phi mỡ, tỏi thơm rồi đổ ba khía vào xào chín. Me chín đổ vào tô, thêm ít nước khuấy đều cho cơm me nở ra. Thêm gia vị (đường, muối, bột ngọt, nước mắm…) cho vừa khẩu vị. Cho tất cả me vào chảo cùng ba khía dưới ngọn lửa riu riu, sơ đều cho tới khi nước me rút vào sền sệt là được. Ra vườn hái vài nắm rau răm xếp sẵn ra đĩa, xúc ba khía để lên. Nhớ thêm vài nhúm đậu phộng rang đâm giập vào nữa là xong.
Bữa ăn đã sẵn sàng. Gắp càng ba khía cùng với rau răm đưa lên miệng nhai chậm rãi, chúng ta sẽ cảm nhận được vị chua, ngọt, béo, giòn của ba khía hòa lẫn vị cay cay, the the của rau răm lan tỏa khắp mọi giác quan, nếu cần thêm một cốc bia lạnh nữa là “đủ bộ”.
Có dịp đến TP Cần Thơ, du khách hãy tìm cơ hội đến đường Đinh Tiên Hoàng thuộc phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ để thưởng thức nhiều món ngon độc đáo từ con ba khía như hấp bia, luộc, rang me… Giá cả tương đối rẻ, vừa túi tiền, từ 30.000-50.000 đồng/đĩa cho bốn người ăn. Chiều đến nơi đây khá nhộn nhịp. Chính vì thế, con đường này được người dân địa phương gọi với một tên dí dỏm khác: “đường Ba Khía”!
THANH TÂM
Theo tuổi trẻ
Ba khía, món ngon miệt sông nước
Ba khía sống ở vùng nước lợ, khá giống cua đồng. Nhưng càng và ngoe ba khía dẹp với ba vạch trên chiếc mai màu sẫm, nên được gọi là ba khía. Đây là loại đặc sản nổi tiếng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là ở vùng duyên hải Cà Mau, Bạc Liêu.
Tuy nhiên gần thành phố Hồ Chí Minh, vùng Cần Giờ - Vàm Sát cũng là nơi có ba khía ngon không kém. Ba khía rừng ngập mặn Cần Giờ ngon có lẽ vì nó ăn những trái mắm đen của những cánh rừng mắm bạc ngàn của Cần Giờ nên gạch son nhiều, thịt chắc nịch và rất thơm.
Ba khía rang me. Ảnh: Q.T
Ba khía là một loại thức ăn rẻ tiền khá phổ biến lại mang đậm nét riêng của văn hóa ẩm thực miệt sông nước. Vài năm trở lại đây, ba khía được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau nhằm tạo sự đa dạng hơn như rang muối, rang me, hấp bia, trộn gỏi,... chứ không còn quanh quẩn quanh món mắm ba khía ăn với cơm nguội như ngày nào.
Bếp trưởng Châu Nhựt Tâm, nhà hàng 79 Hòa Bình, nơi chuyên các món ăn vùng Vàm Sát cho biết, ba khía Vàm Sát ngon và nhờ gần thành phố nên việc vận chuyển rất thuận lợi. Ba khía về tới Sài Gòn còn tươi roi rói, thậm chí nhà hàng còn nuôi sẵn, do đó những món ăn được chế biến bằng ba khía Vàm Sát chắc chắn sẽ ngon hơn ba khía được mang từ vùng xa về.
Chẳng hạn như món ba khía rang me. Để làm món này, ba khía tươi được rửa sạch, tách mai, gạch son còn đầy ắp vì ba khía mới bắt được còn mập căng. Cho ba khía vào chảo dầu sôi chiên vàng, vớt ra để ráo. Me chín được ngâm với nước sôi cho ra chất chua. Phi thơm hành tỏi, cho bột me vào xào, nêm nếm mắm muối cho xốt me có vị chua, ngọt, mặn. Lúc này mới cho ba khía đã chiên vào, xốt me thấm vào ba khía mướt rượt. Nhai miếng ba khía rang me giòn rụm, vị béo của gạch ba khía hòa cùng vị chua ngọt của xốt me như đưa đẩy vị hải sản của ba khía ngon không thua gì cua biển.
Gỏi bò mắm ba khía. Ảnh: Q.T
Còn món gỏi ba khía là một cách làm mới món mắm ba khía. Mắm ba khía tách mai, trụng qua nước sôi, xé ba khía nhỏ ra trộn với tỏi, ớt, chanh, đường, nêm lại cho vừa ăn để khoảng 30 phút cho mắm thấm gia vị. Thịt bò cắt mỏng trụng sơ qua giấm đường rồi cắt sợi hành tây, ớt, khế, chuối chát và rau thơm trộn đều. Lúc này mắm ba khía cũng đã thấm gia vị vừa đủ cho vào trộn chung với rau củ và thịt bò. Gỏi bò trộn mắm ba khía như đằm thắm hơn bởi vị ngọt của thịt bò được vị mặn của mắm làm cho đậm đà hơn. Theo sau đó là vị chua của khế, chanh, vị chát của chuối, mùi thơm của rau, vị cay của ớt như nâng vị của gỏi bò ba khía thật trọn vẹn hương vị, càng ăn càng bắt.
Ba khía, món ăn dân dã mang hơi hướm miệt sông nước đã được biến tấu thành những món ăn đa hương vị. Con ba khía từ vị trí khiêm nhường bao nhiêu năm nay đã có thể cống hiến cho đời nhiều món ngon, vị lạ để xứng đáng là đặc sản miệt sông nước phương Nam.
Địa chỉ tham khảo: nhà hàng 79, 3D Hòa Bình, P.3, Q.11, ĐT: 39638272
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
[Chế biến] - Lẩu ba khía Mắm ba khía là món ăn với cơm rất bắt "mồi", lẩu ba khía cũng lạ miệng, vừa ngon, vừa rẻ. Đầu bếp Trần Đức Hữu (nhà hàng Iris - 185 Võ Văn Tần, P.5, Q.3, TP.HCM) sẽ cùng bạn thực hiện món mới với thời gian khoảng 90 phút dành cho bốn người ăn. Nguyên liệu: 300g ba khía sống, 150g bao...