Vận động học sinh vùng sâu trở lại trường
Trong khi ở vùng đồng bằng, học sinh trở lại trường đầy đủ và rộn ràng niềm vui gặp thầy giáo, cô giáo, bè bạn thì ở các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Bình, việc đi học lại của các em gặp nhiều khó khăn sau thời gian dài nghỉ học do dịch Covid-19.
Giáo viên nhiều trường phải đến từng bản vận động, lên rẫy tìm học sinh đưa đến trường nhằm bảo đảm sĩ số và duy trì tốt việc dạy và học.
Giờ học môn tiếng Việt của học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Lâm Hóa.
Lâm Hóa là một trong ba xã miền núi của huyện Tuyên Hóa có đông đồng bào Mã Liềng và Sách thuộc dân tộc Chứt sinh sống. Những năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước cho nên đời sống của người dân có nhiều đổi thay. Tuy nhiên, những tập tục lạc hậu đã hằn sâu vào tiềm thức vẫn chưa thay đổi nhiều, chưa quan tâm việc học của con cái; trẻ em 10 đến 12 tuổi thường nghỉ học để đi rừng và làm rẫy.
Thầy Nguyễn Hữu Tâm, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở (PTDTBT TH và THCS) Lâm Hóa cho biết, công việc dạy học ở Lâm Hóa khó khăn nhất là duy trì sĩ số. Ngày lên lớp bình thường đã khó, huống chi ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên ngay từ cuối tháng 4, giáo viên của trường đã đến từng bản, gặp từng nhà để vận động học sinh trở lại trường.
Do đang vào giai đoạn cuối của mùa rẫy, các em nghỉ, đi làm rẫy với cha mẹ. Các thầy giáo phải dò hỏi đường rồi leo dốc, vượt suối vào tận rẫy để vận động học trò đi học lại. Theo thầy Tâm, việc vận động học sinh đến lớp đều đặn mất khá nhiều thời gian. Giáo viên không quản ngại nhưng cha mẹ các em chưa hợp tác để động viên con cái đi học đầy đủ.
“Nhiều lúc mình đi gọi học trò và vận động cha mẹ để con đến trường mà họ cứ lần lữa mãi. Thậm chí có người không muốn cho con em đi học, họ nói con họ đau ốm để không đến trường nhưng lại đi rừng hái măng, lấy lá nón. Có trường hợp thấy giáo viên đến là bỏ chạy, phải vận động nhiều lần mới đi học lại” – thầy Tâm chia sẻ.
Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Hóa có 18 lớp với 227 học sinh, gồm ba điểm trường lẻ. Cứ 6 giờ 30 phút, giáo viên đánh kẻng để học sinh nội trú trở dậy, vệ sinh cá nhân, ăn sáng và học bài. Tiếng kẻng này cũng là tiếng kẻng báo thức cho toàn bộ các em trong bản chuẩn bị đến trường.
Thực hiện các quy định về phòng dịch bệnh, trường vận động học sinh đeo khẩu trang, vệ sinh phòng học và khu nội trú, phối hợp chính quyền địa phương lắp 20 vòi nước và xà-phòng để học sinh rửa tay thường xuyên khi đến lớp. Mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ song nhờ sự hướng dẫn và động viên của giáo viên, các em từng bước thực hiện các quy định phòng dịch khi đến trường. Hiện tỷ lệ học sinh đến trường đối với bậc tiểu học đạt 100%, học sinh THCS đạt hơn 90% và trường tiếp tục vận động để toàn bộ học sinh đi học đầy đủ.
Video đang HOT
Cán bộ, giáo viên Trường PTDT nội trú huyện Bố Trạch (đóng tại xã biên giới Thượng Trạch) cũng phải mất nhiều thời gian cho công tác vận động học sinh đến trường. Thầy giáo Phạm Trường Thọ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ban giám hiệu phân công các giáo viên đến từng bản, gặp từng hộ có con em theo học động viên trở lại lớp. Thậm chí, nhiều thầy giáo, cô giáo còn mua bánh kẹo để thưởng cho học sinh đến lớp đầy đủ và vệ sinh cá nhân thường xuyên.
Từ ngày đầu học sinh đến rải rác, đến ngày 7-5, tỷ lệ các em có mặt đạt hơn 80%. Trường hiện có ba lớp 9 với 80 học sinh, để các em có đủ kiến thức phục vụ việc xét tốt nghiệp cuối cấp, nhà trường dành nhiều thời gian để ôn luyện cho các em. Cùng với tổ chức ổn định công tác dạy học, trường luôn chú trọng khâu phòng dịch bằng cách thường xuyên tuyên truyền cho học sinh và dân bản về dịch Covid-19, đề nghị học sinh thông báo cho trường biết khi có người lạ vào bản, tổ chức vệ sinh trường lớp, lau chùi bàn ghế, trang thiết bị dạy học và khu nội trú, lắp vòi nước và vận động các em thường xuyên rửa tay.
Hiện nay ở Thượng Trạch thời tiết nắng nóng, thiếu nước sinh hoạt ảnh hưởng đến đời sống giáo viên và học sinh nội trú. Mặt khác, sau nhiều tháng nghỉ học, học sinh bị thiếu phương tiện đi lại, kiến thức cũng bị “rơi rụng” nhiều cho nên việc dạy học gặp nhiều khó khăn.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) huyện Bố Trạch Nguyễn Minh Ngọc cho biết, trong khi các trường ở vùng đồng bằng đã ổn định công tác dạy học và học sinh trở lại lớp đầy đủ thì tại sáu trường có học sinh dân tộc thiểu số đã gặp nhiều khó khăn khi hoạt động trở lại.
Về cơ bản, học sinh được quan tâm về sách vở và các điều kiện học tập nhưng khó nhất là việc huy động các em trở lại trường. Giáo viên phải đến từng bản không chỉ để tìm học sinh mà còn trao đổi, thuyết phục trưởng bản, người có uy tín vận động cha mẹ các em tạo điều kiện cho con em đến trường.
Thầy vào rừng tìm, học sinh nói "chi pâu" rồi bỏ chạy
Tại một số địa phương ở Tây Nguyên, giáo viên đã phải đến tận từng thôn, buôn trong rừng vận động, thông báo để học sinh trở lại trường sau một thời gian dài nghỉ học.
Xã Đắk R'măng (huyện Đắk G'long, Đắk Nông) có 4 cụm dân cư 8,9,10,12 của thôn 7, nằm trong lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk R'măng.
Tại đây, có khoảng hơn 300 học sinh trong độ tuổi tiểu học, theo học tại Trường Tiểu học Vừ A Dính.
Các cụm dân cư nằm sâu trong rừng, cách trung tâm hơn 30km, chỉ toàn đường đất xuyên qua những quả đồi.
Cách liên lạc duy nhất giữa nhà trường với trưởng cụm là bằng điện thoại.
Trước ngày đi học trở lại (4/5) thầy cô giáo đã liên hệ với trưởng cụm. Nhưng có những cụm dân cư nằm trong rừng, nhiều lúc điện thoại không có sóng nên không thể liên lạc, thông báo được.
Để đảm bảo học sinh đến trường, nhà trường đã phải cử thầy, cô giáo chạy xe máy vào rừng "tìm học sinh".
Giáo viên vào tận rừng vận động học sinh trở lại trường
Thầy Hoàng Ngọc Yêm, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Vừ A Dính cho biết, đây là công việc thường xuyên của các giáo viên nhà trường sau mỗi kỳ nghỉ dài.
Hàng năm cứ đầu tháng 8, trước khi vào năm học mới và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các học sinh thường "ngại" quay lại trường.
Giáo viên phải vào tận nơi giải thích cho trưởng bản, trưởng cụm, phải đến tận nhà để vận động phụ huynh và cả học sinh.
"Tranh thủ ngày 30/4 vừa qua, các thầy giáo của trường vào tận các cụm dân cư để thông báo cho người dân có con em đang đi học. Phải đi thật sớm hoặc đi vào ngày nghỉ thì phụ huynh mới có nhà, chứ vào muộn là họ đi làm hết rồi", thầy Yêm chia sẻ.
Cũng theo thầy Yêm, nhà trường thường phải thông báo lịch học sớm để các em học sinh chuẩn bị sách vở. Ngoài ra, còn để các em ra trung tâm xã chuẩn bị phòng trọ, lau chùi, dọn dẹp chỗ ở trọ học.
Thầy Nguyễn Xuân Trường, Giáo viên trường Tiểu học Vừ A Dính chia sẻ, việc vận động học sinh trở lại trường ở đây không hề dễ dàng.
Đã không ít lần, khí giáo viên đến nhà tìm thì các em học sinh trốn biệt ra sau vườn. Giáo viên đứng ngoài gọi các em vẫn không chịu ra mở cổng.
Cũng theo thầy Trường, nhiều cháu nghỉ học lâu quá, ở nhà chơi vui, nên khi được thông báo đi học lại thì không chịu đi.
"Ở đây, nhiều cháu mới học lớp 1, sau một thời gian biết sử dụng tiếng phổ thông, nghỉ học lâu quá nên quên hết. Nhiều khi mình đến nhà không có phụ huynh, nói các em chuẩn bị đi học thì các em chỉ nói "chi pâu", nghĩa là "không biết" rồi bỏ đi. Mình phải ghi tờ giấy để lại trong nhà, nhắn lại cho phụ huynh biết", thầy Trường kể.
Theo ông Đoàn Văn Phương, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đắk G'long, 4 cụm dân cư ở xã Đắk R'măng nằm sâu trong rừng, điều kiện đi lại khó khăn, 100% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số nên luôn được ngành giáo dục quan tâm.
Trước ngày đi học trở lại vào ngày 4/5, ông Phương đã trực tiếp vào rừng, đến từng nhà vận động phụ huynh cho con em đi học trở lại.
"Nhiều phụ huynh trong các cụm dân cư này ngày trước là học trò của mình. Khi thấy giáo viên về, họ quý lắm nên vận động là họ nghe ngay", ông Phương chia sẻ.
Vận động học sinh trở lại trường sau thời gian nghỉ dài.
Tuy nhiên, không phải lúc nào việc vận động cũng hiệu quả vì nhiều trường hợp phụ huynh chưa hợp tác.
"Có trường hợp thấy thầy đến là bỏ chạy, phải đi vận động nhiều lần mới trở lại trường. Cũng có gia đình bảo để cho con ở nhà để đi làm hoặc lấy lý do đường xa, nhà nghèo, không có tiền cho con ở trọ nên không cho con đi học nữa...", ông Phương trăn trở.
Vòng tròn xương voi ma mút thời tiền sử ở Nga Một vòng tròn xương voi ma mút được tìm thấy ở vùng đồng bằng nước Nga. Theo các nhà khảo cổ, vòng tròn xương này có niên đại ít nhất khoảng 20.000 năm trước. Uyên Hoàng