Vai trò tổ chuyên môn trong bồi dưỡng giáo viên triển khai Chương trình mới
Trong điều kiện dịch bệnh, các trường liên tục chuyển đổi hình thức dạy học trực tuyến và trực tiếp, việc bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên thực hiện chương trình SGK mới cũng linh hoạt cách thức tổ chức.
Trường THCS Trưng Vương tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên về phương pháp dạy học tích cực theo hình thức trực tuyến.
Kết hợp trực tuyến và trực tiếp
Trước khi bước vào khai giảng năm học 2021 – 2022, Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã tổ chức bồi dưỡng thêm cho giáo viên về phương pháp dạy học tích cực, phát huy tính sáng tạo của học sinh.
Thầy Hồ Ngọc Hưng – Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Với 6 buổi tập huấn, thảo luận về các phương pháp dạy học tích, giáo viên nhà trường còn được giảng viên “chuyển giao” công nghệ dạy học trực tuyến. Ngoài giới thiệu các phần mềm dạy – học trực tuyến, giảng viên còn phân tích thế mạnh của từng phần mềm cùng cách khai thác, sử dụng sao cho hiệu quả, phát huy được sự tích cực, chủ động của học sinh.
Nhờ vậy, dù hình thức dạy học trực tuyến kéo dài hơn một học kỳ, nhưng giáo viên đứng lớp khối 6 chương trình GDPT 2018 của Trường THCS Trưng Vương vẫn có thể triển khai dạy học theo hướng hình thành – phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.
“Tuy nhiên, khi chuyển từ dạy học trực tuyến sang trực tiếp, giáo viên vẫn phải dành thời gian hướng dẫn cho học sinh cách làm việc nhóm khi tham gia hoạt động học tập tại lớp. Trước đó, các em đã quen với cách làm việc nhóm khi học online. Nhưng cách làm việc nhóm trên các ứng dụng phần mềm khác với làm việc nhóm trên thực tế. Giáo viên phải dành một lượng thời gian nhất định để học sinh thích nghi khi chuyển đổi hình thức dạy – học” – thầy Hưng nhận xét.
Giáo viên Trường THCS Trưng Vương tham gia khóa bồi dưỡng chuyên môn do nhà trường tổ chức về phương pháp dạy học theo mục tiêu phát triển năng lực học sinh.
Video đang HOT
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành nhận xét: “Qua dự giờ, thăm lớp ở khối lớp 2 cho thấy, vẫn còn tình trạng một số giáo viên làm thay cho học sinh. Ví dụ như đầu mỗi tiết dạy, với chương trình SGK mới, cô giáo phải tổ chức hoạt động khởi động chứ không phải là hoạt động ổn định như trước đây. Và với phần khởi động cũng phải do học sinh tự thực hiện chứ không phải là cô giáo”.
Theo như cô Thu Nguyệt, điểm khác biệt nhất của chương trình – SGK mới là thông qua những hoạt động do chính học sinh thực hiện, dưới sự hướng dẫn, định hướng của giáo viên, hướng tới hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Ví dụ như với hoạt động chữa bài, học sinh sẽ tự hoán đổi vở cho nhau để phát hiện lỗi sai của các bạn, nếu có. Từ những hoạt động bổ trợ này, sẽ góp phần hình thành trí lực cho học sinh.
Cô Thu Nguyệt cho biết, việc dạy – học trực tuyến kéo dài ở bậc Tiểu học đã khiến giáo viên rất khó để áp dụng các phương pháp phát triển năng lực cho học sinh một cách có hiệu quả. Vì vậy, khi học sinh trở lại trường học trực tiếp, các tổ chuyên môn đều quán triệt đến giáo viên cần dành thời gian để tập cho học sinh có sự chủ động trong các hoạt động học tập.
Mỗi tổ chuyên môn là một đơn vị bồi dưỡng
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: “Chủ trương của chúng tôi trong sinh hoạt tổ chuyên môn là chú trọng nội dung nghiên cứu học tập, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng trong sinh hoạt chuyên môn như: giải quyết, bàn bạc, thảo luận những vấn đề khó, lúng túng thuộc về nội dung, phương pháp mà tổ nêu ra hoặc tổ viên đề xuất; bồi dưỡng thường xuyên theo modun của Bộ GD&ĐT, triển khai các chuyên đề.
Giáo viên Trường Tiểu học Núi Thành sinh hoạt tổ chuyên môn.
Với các chuyên đề, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Núi Thành yêu cầu các tổ chuyên môn cần xây dựng tiết dạy minh họa để cùng rút kinh nghiệm và triển khai. Một nội dung nữa là tổ chức báo cáo các sáng kiến của thành viên trong tổ, chia sẻ, trao đổi công tác chủ nhiệm như xử lý các tình huống sư phạm của tổ bạn, trường bạn để học tập…
Theo yêu cầu cải tiến chất lượng, nội dung bồi dưỡng cho các tổ chuyên môn của Trường Tiểu học Núi Thành tập trung vào một số vấn đề như: các chuyên đề chuyên môn được Phòng GD&ĐT triển khai; nội dung trong các chuyên san giáo dục có liên quan đến tiểu học, nhất là các nội dung và phương pháp GV còn lúng túng; phổ biến các sáng kiến kinh nghiệm có thể vận dụng được.
Cô Lê Thị Xuân Đào – giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Tây Sơn (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: Với chương trình Ngữ văn lớp 6, nhóm giáo viên đều thảo luận để đi đến thống nhất sẽ sử dụng những phương pháp dạy học nào để tổ chức các hoạt động.
“Với cách trao đổi chuyên môn như vậy, các giáo viên đều có thể học hỏi từ đồng nghiệp của mình từ những ý tưởng tổ chức hoạt động, các sản phẩm học tập… giao cho học sinh hoàn thành. Những lúng túng ban đầu khi triển khai chương trình – sách giáo khoa mới vì vậy cũng được tháo gỡ kịp thời” – cô Đào chia sẻ.
Rà soát, sửa đổi các Thông tư liên quan tới bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông
Bộ sẽ tiến hành rà soát, sửa đổi các Thông tư liên quan tới bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cũng như hoàn thiện, điều chỉnh các Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông...
đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) thông tin tại Hội thảo Phát triển năng lực đội ngũ nhà giáo - thành quả và thách thức- Chương trình ETEP tổ chức hôm 28/3.
Tại Hội thảo, TS. Phạm Tuấn Anh Phó Cục trưởng Cục NG&CBQLGD cho biết, Chương trình GDPT mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp người học tích lũy được kiến thức phổ thông vững chắc; biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời...
Từ định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh như vậy đòi hỏi phải đổi mới cách dạy, cách học. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục (GV và CBQLCSGD) phổ thông phải nâng cao năng lực, phẩm chất để đáp ứng các yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, đặc biệt là đáp ứng những đổi mới của chương trình SGK GDPT. Giáo viên phải hướng dẫn học sinh về phương pháp học nhiều hơn. Học sinh phải tự học nhiều hơn, phải biết huy động tổng thể kiến thức, kỹ năng, tiềm lực của mình để thực hiện mục tiêu giáo dục.
Để thực hiện tốt chương trình GDPT mới, một trong những điều kiện tiên quyết là phải bồi dưỡng đội ngũ GV và CBQLCSGD về phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá, xây dựng kế hoạch bài dạy theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Đây chính là định hướng căn bản, chủ đạo Của Bộ BGDĐT trong công tác bồi dưỡng thường xuyên (BDTX) GV và CBQLCSGD hiện nay và trong thời gian tới.
TS. Phạm Tuấn Anh Phó Cục trưởng Cục NG&CBQLGD
Chính vì vậy, trong thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bồi dưỡng thường xuyên, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh. Cụ thể, trong năm 2022, Bộ tiến hành sửa đổi Thông tư số 19 về quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm GDTX; Trong đó quy định bỏ chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên và giao thẩm quyền cho địa phương công nhận kết quả bồi dưỡng hằng năm của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Trong năm nay, Bộ cũng rà soát, điều chỉnh các Thông tư về chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo các hạng chức danh nghề nghiệp (Thông tư 01 đến 04). Theo đó, mỗi cấp học có 01 chương trình bồi dưỡng, mỗi giáo viên chỉ cần 01 chứng chỉ bồi dưỡng tương ứng với cấp học đang giảng dạy. Trên cơ sở các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh đã được sửa đổi, bổ sung, Bộ sẽ tiến hành rà soát sửa đổi các Thông tư ban hành các chương trình bồi dưỡng thường xuyên các cấp học; rà soát các mô đun BDTX đã được ban hành kèm theo các Thông tư ban hành chương trình BDTXGV và CBQLCSGD để tránh chồng chéo, cập nhật, bổ sung những vấn đề mới, phù hợp với đổi mới giáo dục, đổi mới chương trình GDPT trong giai đoạn tới (việc này thực hiện từ năm 2023).
Đồng thời, Bộ cũng rà soát, hoàn thiện, bổ sung, điều chỉnh các Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông theo định hướng nhận diện được thực trạng năng lực của đội ngũ, phát hiện những năng lực còn yếu, còn thiếu của đội ngũ làm căn cứ xây dựng chương trình bồi dưỡng, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ.
Cũng tại Hội thảo, TS. Phạm Tuấn Anh cho biết một số định hướng đổi mới về chương trình, nội dung, tài liệu BDTX, hình thức, phương pháp bồi dưỡng thường xuyên.
Xây dựng các mô đun bồi dưỡng GV và CBQLCSGD từ kết quả đánh giá, phân loại đội ngũ theo chuẩn nghề nghiệp. Đặc biệt chú trọng bồi dưỡng đội ngũ CBQLCSGD giúp họ có đủ kiến thức và năng lực để có thể quản lý, chỉ đạo GV trong việc thực hiện, triển khai chương trình, SGK mới. Với các nội dung bồi dưỡng tự chọn đã được ban hành kèm theo các chương trình BDTX, các địa phương, cơ sở giáo dục cần xây dựng kế hoạch bồi dưỡng theo nhu cầu của GV và CBQLCSGD; tránh tình trạng áp đặt mô đun bồi dưỡng.
Việc xây dựng kế hoạch bồi dưỡng của các địa phương cần xuất phát từ nhu cầu bồi dưỡng của giáo GV và CBQLCSGD. Trên cơ sở nhu cầu bồi dưỡng của người học để thiết kế, xây dựng các khóa bồi dưỡng; tránh tình trạng để thuận lợi cho công tác quản lý mà bỏ qua nhu cầu bồi dưỡng của người học.
Phó Cục trưởng lưu ý, mỗi nhà giáo phải tự xác định cho bản thân là không ngừng tự bồi dưỡng. Đây chính là quá trình tự cập nhật, bổ sung kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình công tác. Trong thời đại khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin phát triển, nguồn tài liệu trên internet vô cùng đa dạng và phong phú. Bằng kỹ năng tìm kiếm, lựa chọn thông tin, mỗi nhà giáo cần tự rèn luyện cho mình năng lực tự học để có thể chọn lựa cho bản thân những thông tin bổ ích, thiết thực hỗ trợ quá trình hành nghề của mình; Tăng cường tự học, tự bồi dưỡng... Kết hợp phương thức bồi dưỡng trực tiếp với bồi dưỡng trực tuyến qua mạng internet, bồi dưỡng từ xa nhằm thúc đẩy quá trình tự học, tự nghiên cứu, tạo điều kiện giúp cho nhà giáo chủ động sắp xếp thời gian bồi dưỡng. Tiếp tục triển khai hoạt động BDTX một cách thiết thực, hiệu quả; biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ; tăng cường vai trò của đội ngũ cốt cán trong công tác BDTX...
Đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp BDTX, ứng dụng CNTT, tăng cường các hoạt động thực hành, bồi dưỡng thường xuyên liên tục, tại chỗ, ngay trong công việc, trong hoạt động sinh hoạt chuyên môn tại nhà trường/cụm trường...
TS. Phạm Tuấn Anh cho hay, sau khi Chương trình ETEP kết thúc, Bộ GDĐT tiếp tục triển khai các kết quả chương trình đã đạt được để triển khai công tác bồi dưỡng GV, CBQLCSGD. Cục NG&CBQLGD đang xây dựng Đề án số hóa hệ thống các tài liệu bồi dưỡng và đưa lên hệ thống để GV, CBQLCSGD tự học, tự bồi dưỡng theo nhu cầu.
Nhấn mạnh tới hiệu quả của công tác BDTX, Phó Cục trưởng đề nghị các địa phương cần quán triệt và nhận thức đúng tầm quan trọng của việc BDTX, xác định rõ việc BDTX cho GV, CBQLCSGD là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ, do đó phải tập trung mọi nguồn lực và đổi mới công tác quản lý để thực hiện có hiệu quả theo từng năm học. Công tác BDTX đối với GV và CBQLCSGD tiếp tục thực hiện theo các văn bản hiện hành. Cần bảo đảm thực hiện tốt các yêu cầu về nội dung bồi dưỡng, điều kiện tổ chức thực hiện bồi dưỡng, hình thức bồi dưỡng phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và nhiệm vụ năm học.
Các địa phương xây dựng đội ngũ GV và CBQLCSGD cốt cán đảm bảo đủ số lượng và chất lượng để thực hiện các công việc: hỗ trợ đồng nghiệp trong quá trình tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ tại địa phương, thảo luận, tháo gỡ vướng mắc; liên hệ, trao đổi với các chuyên gia để giải đáp thắc mắc trong quá trình giáo viên tự bồi dưỡng. Các địa phương tổ chức bồi dưỡng có sự hướng dẫn, trao đổi của đội ngũ cốt cán, các chuyên gia giáo dục. Phát huy tối đa việc tự học, tự bồi dưỡng qua mạng đảm bảo thực hiện tốt việc bồi dưỡng theo nhu cầu của từng cá nhân. Tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra công tác tự học, tự bồi dưỡng của GV, CBQLCSGD và việc tổ chức bồi dưỡng của các nhà trường trong năm học,đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, nêu gương điển hình, chia sẻ kinh nghiệm.
Các địa phương cần triển khai nghiêm túc, hiệu quả việc kiểm tra, đánh giá kết quả BDTX hàng năm trên tinh thần lựa chọn các hình thức đánh giá linh hoạt, phù hợp với đối tượng và hình thức tổ chức bồi dưỡng, đảm bảo tính khách quan, trung thực. Tăng cường ứng dụng CNTT trong việc quản lý, tổ chức, đánh giá kết quả bồi dưỡng. Sử dụng tốt kết quả BDTX trong đánh giá đội ngũ và việc thực hiện các chế độ chính sách khác, góp phần thiết thực trong công tác phát triển đội ngũ.
Các sở GDĐT cần chủ động tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị... đầu tư kinh phí và cơ chế, chính sách của địa phương cho công tác BDTX./.
Mời giáo sư, phó giáo sư dạy trường chuyên không đúng Luật Giáo dục Mời phó giáo sư, giáo sư dạy trường trung học phổ thông chuyên vừa trái Luật Giáo dục vừa khó đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình vừa có Dự thảo Tờ trình về việc đề nghị thông qua Nghị quyết Quy định một số chính sách đặc thù đối với trường trung học phổ thông chuyên;...