Ủy ban Thượng viện Mỹ thông qua dự luật ngăn chặn việc liên kết tăng giá dầu thô toàn cầu
Ngày 5/5, Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật chống độc quyền nhằm ngăn chặn Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC , dàn xếp việc hạn chế nguồn cung để tăng giá dầu thô trên toàn cầu.
Một cơ sở khai thác dầu tại khu vực al-Khurj, phía Nam thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Ảnh: AFP/ TTXVN
Dự luật Không liên kết các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu (NOPEC) do các nghị sĩ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Thượng viện Mỹ bảo trợ. Dự luật này cần được Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua và Tổng thống Joe Biden ký ban hành thành luật. Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật với 17 phiếu thuận và 4 phiếu chống.
Nếu được hai viện Quốc hội thông qua, NOPEC sẽ cho phép Bộ trưởng Tư pháp Mỹ khởi kiện OPEC hoặc các quốc gia thành viên của tổ chức này ra tòa án liên bang nếu nhận thấy có hành vi dàn xếp để “thổi” giá dầu. Các nước đối tác của OPEC trong OPEC cũng có thể bị kiện. Như vậy, NOPEC sẽ thay đổi luật chống độc quyền hiện hành ở Mỹ, qua đó thu hồi quyền miễn trừ tư pháp lâu nay bảo vệ OPEC cũng như các công ty dầu mỏ quốc gia thuộc tổ chức này khỏi các vụ kiện.
Saudi Arabia và các nước sản xuất dầu mỏ khác thuộc OPEC đã từ chối yêu cầu của Mỹ về việc tăng sản lượng để giảm giá dầu, trong bối cảnh nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu hồi phục sau đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine khiến giá dầu tăng vọt. Tuy nhiên, trong cuộc họp ngày 5/5, OPEC nhất trí duy trì các kế hoạch hiện nay về mức tăng sản lượng dầu, theo đó tăng ở mức vừa phải 432.000 thùng/ngày trong tháng 6/2022.
Giá dầu thế giới giảm phiên 3/8
Giá dầu thế giới giảm trong phiên 3/8 do lo ngại về số ca mắc biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 ngày càng tăng đã "lấn át" dự báo về lượng dầu dự trữ tại các kho của Mỹ tiếp tục giảm.
Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Cairo, Ai Cập. Ảnh: AFP/TTXVN
Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc giảm 48 xu Mỹ (0,66%) xuống 72,41 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 70 xu Mỹ (0,98%) xuống 70,56 USD/thùng.
Những lo ngại về số ca mắc COVID-19 gia tăng tại Trung Quốc và Mỹ, những nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, đã tác động lên giá, khiến giá hai hợp đồng dầu chủ chốt này có thời điểm giảm hơn 3% giá trị.
Trước sự lây lan của biến thể Delta, Chính phủ Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Ngoài ra, đồn đoán về sự trở lại của Iran trên thị trường năng lượng cũng gây sức ép cho giá dầu. Iran và sáu cường quốc đã đàm phán kể từ tháng 4/2021 nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà có thể "giải phóng" xuất khẩu dầu của nước này. Tuy nhiên, các quan chức cho biết vẫn còn những khoảng trống đáng kể.
Tân Tổng thống Iran, Ebrahim Raisi, ngày 3/8 cho biết chính quyền mới sẽ thực hiện các bước để dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt do Mỹ áp đặt đối với lĩnh vực năng lượng và ngân hàng của nước này.
Một khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy lượng dầu dự trữ tại các kho ở Mỹ có thể giảm trong tuần trước, trong đó dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất dự kiến sẽ giảm trong tuần thứ ba liên tiếp.
Viện Xăng Dầu Mỹ (API) công bố số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm khoảng 879.000 thùng trong tuần kết thúc ngày 30/7. Dự trữ các sản phẩm chưng cất, trong đó có dầu diesel đã giảm khoảng 717.000 thùng, còn dự trữ xăng giảm khoảng 5,8 triệu thùng trong cùng thời gian trên.
Giá dầu thế giới tiếp tục đà đi lên Giá dầu thế giới tiếp tục đà đi lên trong phiên giao dịch 5/5 do lo ngại về thiếu hụt nguồn cung sau khi Liên minh châu Âu (EU) đưa ra đề xuất về các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, bao gồm cả lệnh cấm nhập khẩu dầu. Một kho chứa dầu tại Salt Lake City, Utah, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN...