‘Ủy ban CFIUS’ nhân tố quyết định tương lai tại Mỹ của TikTok
Dưới sức ép từ chính phủ Mỹ, ứng dụng chia sẻ video TikTok đang phải đối mặt với nguy cơ bị cấm toàn quốc nếu như không thể tuân theo yêu cầu bán cổ phần cho các công ty Mỹ.
TikTok đang phải đối mặt với nguy cơ bị cấm toàn quốc tại Mỹ. Ảnh: Shutterstock
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung ngày càng trở nên căng thẳng, Washington liên tục chỉ trích nền tảng chia sẻ video này, cho rằng ByteDance – công ty mẹ của TikTok, đã tuyên truyền những thông tin sai lệch và đồng thời chia sẻ dữ liệu nhạy cảm của người dùng cho chính phủ Trung Quốc.
Sau quyết định cấm một số mặt hàng công nghệ xuất khẩu sang Trung Quốc và gần đây ban hành lệnh cấm cài đặt TikTok trên các thiết bị của chính phủ, các nhà lập pháp Mỹ đang theo đuổi việc cấm ứng dụng này trên phạm vi toàn quốc nếu như ByteDance không thể chuyển nhượng cổ phần của TikTok cho Mỹ.
Với mục tiêu như vậy, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) được giao nhiệm vụ điều tra các thỏa thuận của công ty với lý do lo ngại về an ninh quốc gia và nắm quyền buộc công ty phải chuyển nhượng.
Trong hơn 2 năm qua, chính phủ Mỹ liên tục yêu cầu TikTok thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance.
Sau khi xem xét yêu cầu cấm ứng dụng TikTok của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, CFIUS kết luận TikTok không được phép hoạt động trên lãnh thổ Mỹ do những lo ngại về việc thu thập dữ liệu của hơn 100 triệu người dùng tại quốc gia này.
Tại phiên điều trần ngày 23/3, Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Mỹ đã tra hỏi Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew về các vấn đề an ninh mạng và quyền riêng tư người dùng. Về phần mình, ông Chew liên tục né tránh các câu hỏi về những chỉ đạo của chính phủ Trung Quốc đến ByteDance.
Thành viên của CFIUS là các quan chức thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Năng lượng và Bộ Thương mại Mỹ với chủ tịch là Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen.
Ủy ban này có nhiệm vụ theo dõi các hoạt động thương mại giữa các công ty Mỹ với các nhà đầu tư nước ngoài và xem xét các ảnh hưởng chúng đối với an ninh quốc gia Mỹ. Năm 2018, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Hiện đại hóa Đánh giá Rủi ro đầu tư (FIRRMA), giúp mở rộng phạm vi thẩm quyền của CFIUS. Tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một sắc lệnh bổ sung thêm những yếu tố mà CFIUS cần đánh giá bao gồm tác động đến chuỗi cung ứng thị trường Mỹ và rủi ro đến thông tin cá nhân của công dân Mỹ.
Trước đây, CFIUS cũng có liên quan trong việc tỷ phú Elon Musk mua lại nền tảng mạng xã hội Twitter.
Rõ ràng làm trái lệnh của CFIUS sẽ bị coi là vi phạm pháp luật.
TikTok đang có kế hoạch di chuyển dữ liệu người dùng Mỹ đến các máy chủ của Mỹ. Ảnh: Getty Images
Để thỏa hiệp với chính phủ Mỹ, TikTok đã thành lập Dự án Texas với mục đích di chuyển dữ liệu người dùng Mỹ tới các máy chủ do công ty phân mềm Oracle quản lý với tổng chi phí lên tới 1,5 tỉ USD.
Ông Chew nhấn mạnh rằng sau khi quá trình hoàn tất, dữ liệu người dùng Mỹ sẽ được đặt dưới sự bảo hộ và quản lý của chính phủ Mỹ, đồng thời, ngăn chặn được khả năng những dữ liệu này rơi vào tay chính phủ Trung Quốc.
Hiện nay, vẫn chưa thể khẳng định được CFIUS sẽ chấp thuận Dự án Texas hay không. Theo Giáo sư Luật Công nghệ Anupam Chander của Đại học Georgetown, cơ quan liên bang này phải có nghĩa vụ giải thích lí do họ thấy kế hoạch đó là không phù hợp và TikTok sẽ phải trải qua quá trình tái cơ cấu bắt buộc.
Video đang HOT
Ông Chew cũng cho biết thêm, trước đây, TikTok đã từng cân nhắc việc chuyển nhượng công ty. Năm 2020, Microsoft đã đề nghị mua lại TikTok trong bối cảnh chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra các rào cản thương mại, bao gồm việc cấm sử dụng dịch vụ và thoái vốn đầu tư đối với một loạt công ty công nghệ của Trung Quốc.
Sau cùng, TikTok đã từ chối lời đề nghị của Microsoft và đồng ý hợp tác với Oracle và Walmart.
Việc bán lại TikTok trong tương lai sẽ không chỉ phụ thuộc vào quyết định của CFIUS mà còn của chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đã khẳng định sẽ không chấp thuận việc ép buộc thoái vốn của chính phủ Mỹ.
Hiện nay, nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó có Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Canada, New Zealand, Na Uy đã có lệnh cấm cài đặt TikTok trên các thiết bị chính phủ và đã có ít nhất hai quốc gia cấm hoàn toàn nền tảng chia sẻ video này.
Năm 2022, chính quyền Taliban ở Afghanistan đã cấm TikTok với lí do ứng dụng này phát tán thông tin sai lệch, trong khi Ấn Độ đã ra lệnh cấm trên toàn quốc vào năm 2020 đối với TikTok và hàng chục các ứng dụng Trung Quốc khác do những lo ngại về an ninh và quyền riêng tư.
TikTok và nghịch lý ở Trung Quốc
TikTok đang đối diện nguy cơ lớn bị cấm hoàn toàn tại Mỹ nếu như chủ sở hữu Trung Quốc không thoái vốn.
Cực kỳ phổ biến tại Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới, TikTok được phát triển bằng công nghệ nội địa Trung Quốc. Có điều, người dùng không thể truy cập TikTok ở Trung Quốc.
Kênh CNN mô tả trên thực tế TikTok chưa bao giờ tồn tại ở Bắc Kinh. Thay vào đó, TikTok có một phiên bản khác với tên gọi Douyin tại đất nước đông dân nhất thế giới.
Hai phiên bản "chị em" TikTok và Douyin đều thuộc sở hữu của công ty ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh. Douyin ra mắt trước TikTok và tạo nên cơn sốt ở Trung Quốc. Thuật toán mạnh mẽ của nó đã trở thành nền tảng cho TikTok và là chìa khóa mở ra thành công trên toàn cầu.
"Hai nền tảng TikTok và Douyin bề ngoài giống nhau nhưng chơi theo quy tắc hoàn toàn khác nhau" - kênh CNN bình luận.
Dưới đây là những gì bạn cần biết về Douyin và công ty ByteDance:
"Siêu" phổ biến
Douyin đạt con số khổng lồ với khoảng 600 triệu người dùng mỗi ngày và giống như TikTok, nó là một ứng dụng video ngắn. Ra mắt vào năm 2016, Douyin trở thành công cụ chính "hốt bạc" cho ByteDance trước khi TikTok xuất hiện.
Zhang Yiming, nhà sáng lập ByteDance, công ty mẹ của TikTok và Douyin. Ảnh: Reuters
ByteDance được tạo dựng bởi Zhang Yiming, một cựu nhân viên của Microsoft và lần đầu tiên được biết đến với ứng dụng tin tức Jinri Toutiao hay "Today's Headlines", ra mắt vào năm 2012 ngay sau khi công ty được thành lập.
Ứng dụng tin tức Jinri Toutiao nhanh chóng khiến người dùng mê mẩn khi thống kê cho thấy trung bình họ dành hơn 70 phút mỗi ngày trên nền tảng này.
ByteDance đã áp dụng công thức tương tự với ứng dụng Douyin.
Tiếp đến vào năm 2017, công ty công nghệ tư nhân ByteDance đã mua một công ty khởi nghiệp video có trụ sở tại Mỹ và phát hành TikTok dưới dạng phiên bản Douyin ở nước ngoài. ByteDance cũng đã mua ứng dụng hát nhép nổi tiếng musical.ly và chuyển những người dùng đó sang TikTok vào năm 2018.
Sự phổ biến của mạng xã hội TikTok kể từ đó đã lan rộng ra toàn cầu. TikTok đã đạt hơn 1 tỉ người dùng hoạt động hàng tháng trên khắp thế giới vào năm 2021.
Giúp người dùng hóa... "thiên nga"
Giao diện TikTok và Douyin trông giống nhau nhưng khi người dùng bật máy ảnh lên, có một điểm khác biệt rõ ràng: Douyin có bộ lọc làm đẹp tự động, giúp làm mịn da và thường xuyên thay đổi hình dạng khuôn mặt của một người, giúp họ như biến thành ... "thiên nga".
Phóng viên CNN Silina Wang chụp ảnh bằng TikTok (trái) và Douyin (phải). Douyin áp dụng bộ lọc làm đẹp tự động. Ảnh: CNN
Phụ nữ Trung Quốc từ lâu đã phải đối mặt với áp lực rất lớn trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn sắc đẹp, trong đó nhấn mạnh đến vóc dáng thanh mảnh, đôi mắt to, làn da căng bóng và gò má cao.
Số người phẫu thuật thẩm mỹ đã tăng gấp đôi tại Trung Quốc từ năm 2014-2017. Trong khi đó, các ứng dụng làm đẹp cạnh tranh để tạo ra các bộ lọc hiển thị cho người dùng những phiên bản đẹp hơn nhiều so với chính họ.
Mặc dù TikTok cũng có các bộ lọc làm đẹp, người dùng có thể chọn chúng khi quay phim nhưng chúng không khởi chạy tự động như ở Douyin.
Douyin - kênh để mua sắm trực tuyến
Một điểm khác biệt lớn nữa giữa TikTok và Douyin, đó là Douyin là thị trường mua sắm trực tuyến khổng lồ của Trung Quốc.
Quảng bá, bán sản phẩm thông qua ứng dụng Douyin đã thu về hàng tỉ USD ở Trung Quốc đại lục, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
Douyin trở thành kênh mua sắm trực tuyến phổ biến ở Trung Quốc đại lục. Ảnh: Douyin
Tính đến tháng 6 năm ngoái, đã có hơn 460 triệu người dùng quảng bá và bán hàng online thông qua ứng dụng Douyin ở Trung Quốc đại lục, theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc.
Việc thực hiện giao dịch mua sắm trên ứng dụng Douyin rất dễ dàng và tiện lợi: Các sản phẩm và giảm giá được hiển thị trên màn hình trong khi phát trực tiếp với các giao dịch mua chỉ cần vuốt hoặc nhấp chuột là xong.
Hạn chế đối với người dùng trẻ
Giám đốc điều hành (CEO) Shou Zi Chew của TikTok phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 23-3 trong bối cảnh Washington gây áp lực buộc ByteDance bán lại ứng dụng này cho công ty Mỹ. Hiện tại, số phận của TikTok tại Mỹ vẫn chưa được định đoạt.
Giữa TikTok và Douyin còn có một điểm khác biệt quan trọng: Douyin siết nghiêm ngặt hơn nhiều đối với người dùng trẻ tuổi.
Người dùng dưới 14 tuổi chỉ có thể truy cập nội dung an toàn cho trẻ em và sử dụng ứng dụng chỉ trong 40 phút mỗi ngày. Trẻ dưới 14 tuổi cũng không thể sử dụng Douyin từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau.
Ngay cả các ngày nghỉ cuối tuần, người dùng Douyin dưới 18 tuổi cũng chỉ được phép "lướt" trong không quá 3 giờ mỗi ngày.
TikTok gần đây đã thông báo sẽ giới hạn thời gian sử dụng trong ngày đối với người dùng chưa đủ tuổi thành niên.
Douyin có những hạn chế dành cho người dùng dưới 14 tuổi. Ảnh: Douyin
Ứng dụng xuất xứ Trung Quốc nào đã thành công ở Mỹ?
TikTok cực kỳ phổ biến ở Mỹ với hơn 150 triệu người dùng - gần một nửa dân số của đất nước xứ cờ hoa.
Đây không phải là nền tảng duy nhất do Trung Quốc đạt được thành công phổ biến ở Mỹ.
Trong số 10 ứng dụng miễn phí phổ biến nhất trên kho ứng dụng của Apple (AAPL) tại Mỹ, 4 ứng dụng được phát triển bằng công nghệ Trung Quốc.
Bên cạnh TikTok, ứng dụng mua sắm Temu, nhà bán lẻ thời trang Shein và ứng dụng chỉnh sửa video CapCut cũng thuộc sở hữu của ByteDance.
Bloomberg: Mỹ sắp áp thuế 200% đối với nhôm nhập khẩu từ Nga Ngày 6/2, hãng tin Bloomberg dẫn một nguồn thạo tin cho biết Mỹ chuẩn bị áp đặt mức thuế 200% đối với nhôm của Nga từ tuần này, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine sắp tròn 1 năm. Ảnh minh họa: The Canadian Press/TTXVN Nguồn tin giấu tên cho biết động thái trên đã được lên kế hoạch trong nhiều tháng qua và...