Ươm mầm tài năng sáng tạo trong thanh thiếu nhi
Tại Quảng Ninh, các cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học, sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng (TTN-NĐ) luôn nhận được sự hưởng ứng của đông đảo thanh thiếu nhi (TTN), tạo phong trào thi đua sôi nổi, lan tỏa sâu rộng.
Qua đó, không ngừng khơi dậy tiềm năng, phát huy tư duy, sáng tạo của TTN, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn tỉnh và tiếp tục ươm mầm cho những tài năng trẻ vươn xa.
“Nhà sáng chế” tuổi học trò
Tại cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV năm 2021 hai em Nguyễn Thị Thanh Hoa và Vũ Thị Hải Ly, học sinh lớp 9A, trường THCS Phong Cốc (phường Phong Cốc, TX Quảng Yên) đã để lại ấn tượng sâu sắc về sự tự tin, thông minh. Tham gia bảng thi dành cho học sinh khối THCS, THPT, TTHN&GDTX với ý tưởng “Dung dịch phòng – trị nấm cho cá cảnh từ lá bàng khô và muối biển” hai em đã hoàn toàn thuyết phục ban giám khảo và xuất sắc giành giải nhất cuộc thi.
Cô giáo Vũ Thị Vân (người đứng) cùng hai em Nguyễn Thị Thanh Hoa và Vũ Thị Hải Ly thử nghiệm pha dung dịch trị nấm cho cá từ lá bàng khô và muối biển.
Trước đó, với ý tưởng này, năm 2020, hai tác giả cũng đã đoạt 2 giải nhì tại cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp TX Quảng Yên và cấp tỉnh đồng thời đoạt giải ba tại cuộc thi sáng tạo TTN-NĐ toàn tỉnh. Ở mỗi cuộc thi, nội dung ý tưởng đều được bổ sung, điều chỉnh, đảm bảo phù hợp, đáp ứng theo tiêu chí mỗi cuộc thi đề ra.
Chia sẻ về động lực hình thành ý tưởng, Nguyễn Thị Thanh Hoa cho biết: Ở nhà, bố em rất thích và nuôi 2 bể cá cảnh. Những lần phát hiện cá bị nấm, theo kinh nghiệm dân gian, bố em thả lá bàng và muối biển vào bể cá. Song do tỷ lệ, cách thức chưa phù hợp, nên có lần may mắn chữa được do cá bị nhẹ nhưng có lần không chữa được khiến cá chết nhiều. Từ đó, em đã nảy ra ý tưởng tạo ra một dung dịch pha chế sẵn với tỷ lệ thích hợp như một loại thuốc đặc trị để sử dụng dễ dàng, hiệu quả hơn. Em cũng tìm đọc thêm một số tài liệu trên mạng và thấy tính khả thi cao, nên đã trình bày ý tưởng với cô Vũ Thị Vân – giáo viên dạy môn Sinh học và bạn Ly. Mọi người đều ủng hộ, và ba cô trò bắt tay vào triển khai.
Hai em Nguyễn Thị Thanh Hoa và Vũ Thị Hải Ly trình bày phần thi tại cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV năm 2021 tổ chức tháng 10/2021.
Để tạo ra được sản phẩm có hiệu quả như hiện nay và đã được sự bảo trợ của Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), hai em đã trải qua rất nhiều lần thử nghiệm với nhiều công đoạn từ thu gom, làm sạch lá bàng đến chưng cất tinh chất lá bàng rồi điều chỉnh nhiều lần tỷ lệ pha muối và tinh chất… Các em cũng đã đến gần 20 nhà dân có nuôi cá cảnh trên địa bàn phường để thử nghiệm, nhằm tìm ra được công thức ưu việt nhất.
Vũ Thị Hải Ly, chia sẻ: Dung dịch được tạo thành từ lá bàng và muối biển. Đây là nguồn nguyên liệu luôn sẵn có vì vậy có ưu điểm nếu sản phẩm khi được áp dụng sản xuất rộng sẽ có giá thành vừa phải, phù hợp với nhu cầu của người sử dụng. Ngoài cá cảnh, chúng em cũng đã thử nghiệm với một số loại cá nước ngọt mang lại kết quả tích cực. Chúng em cũng ấp ủ dự định sẽ thử nghiệm dung dịch trên diện rộng hơn với các loài cá nước ngọt, cũng như tìm kiếm thêm những nguồn nguyên liệu khác. Có thể là những loại lá khác có cùng tính năng như lá bàng, đảm bảo tiêu chí tạo ra sản phẩm có giá thành rẻ và chất lượng để thử sức tại những cuộc thi tiếp theo cũng như tạo ra những sản phẩm hữu ích phục vụ cuộc sống.
Hai em Nguyễn Thị Thanh Hoa và Vũ Thị Hải Ly thường xuyên cùng nhau đọc sách, báo để học hỏi kinh nghiệm, kiến thức sáng tạo KHKT.
Vốn là một học sinh giỏi Văn, song chính từ sự yêu thích khoa học, luôn chịu khó quan sát, tìm tòi trong thực tế đã giúp Hoa nảy ra những ý tưởng hữu ích. Với hai cô học trò thông minh, những dự định, hoài bão chắc chắn sẽ còn rất nhiều ở phía trước, còn hôm nay, điều mà các em đã làm rất tốt là đưa việc “học đi đôi với hành”, đưa những kiến thức trên trang sách đi vào thực tế cuộc sống một cách bổ ích, ý nghĩa. Đó sẽ là động lực để những “nhà sáng chế” tuổi học trò không ngừng nuôi dưỡng đam mê, tiếp tục sáng tạo.
“Thắp lửa” sáng tạo
Video đang HOT
Không riêng Nguyễn Thị Thanh Hoa và Vũ Thị Hải Ly, từ nhiều năm nay, phong trào sáng tạo khoa học dự thi các cấp đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của thầy và trò tại trường THCS Phong Cốc. Đó cũng là hành trình nỗ lực “thắp lửa” sáng tạo khoa học trong dạy và học của cô giáo Nguyễn Hoàng Kim Thanh suốt 20 năm gắn bó với ngôi trường từ khi còn là giáo viên đứng lớp đến nay khi đã giữ cương vị Hiệu trưởng.
Cô Thanh cùng ban giám hiệu luôn khuyến khích các thầy cô chú trọng lồng ghép các ý tưởng sáng tạo vào bài học, tích hợp giảng dạy thêm nhiều kiến thức liên quan đến cuộc sống hàng ngày, liên hệ những ứng dụng thực tế, đưa ra một số câu hỏi mở rộng để học sinh tìm hiểu, chủ động ứng dụng và nâng cao chất lượng giáo dục STEM. Bên cạnh đó, trường cũng thành lập các CLB KHKT, CLB Robocon, CLB STEM… vừa tạo cho các em một sân chơi giao lưu học hỏi, vừa khuyến khích các em đề xuất ý tưởng cũng như kịp thời, định hướng, giúp đỡ học sinh phát triển và thực hiện ý tưởng sáng tạo, phù hợp.
Cô giáo Nguyễn Hoàng Kim Thanh (ngoài cùng, bên trái), Hiệu trưởng Trường THCS Phong Cốc luôn quan tâm hỗ trợ, định hướng các nhóm giáo viên và học sinh sáng tạo các dự án, ý tưởng KHKT.
Để đạt hiệu quả tốt nhất, trường đã phát động các cuộc thi sáng tạo từ cấp nhà trường, mới đây nhất là cuộc thi sáng tạo robocon. Sau đó, sẽ chọn ra những sản phẩm tốt, thiết thực dự thi các cấp thị xã, tỉnh và toàn quốc. Trung bình mỗi năm học, học sinh trong trường đăng ký dự thi từ 15-20 ý tưởng cho các cuộc thi được phát động. Hầu hết năm nào nhà trường cũng đều đạt thành tích cao cấp thị xã và cấp tỉnh với nhiều dự án, ý tưởng đã để lại ấn tượng sâu sắc như: Dự án “Đóng góp của học sinh THCS Phong Cốc trong việc phát huy giá trị tiềm năng du lịch văn hóa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh)”; “Nâng cao nhận thức của học sinh THCS về vấn nạn ấu dâm”; “Sản xuất giấy bìa từ nguyên liệu lá chuối khô”…
Cô giáo Nguyễn Hoàng Kim Thanh, Hiệu trưởng trường THCS Phong Cốc, chia sẻ: Tại mỗi sân chơi sáng tạo này, tôi luôn dành thời gian cùng các thầy cô giáo hướng dẫn, thảo luận, định hướng cho học sinh chọn đề tài phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế, xã hội hay gợi ý các em phát triển từ một số dự án trước đó. Đồng thời, rèn cho các em cách làm báo cáo, thuyết trình sao cho ngắn gọn, súc tích, trả lời phản biện… Riêng với cuộc thi khởi nghiệp vừa qua, đòi hỏi những kiến thức về kinh doanh vượt qua phạm vi kiến thức của thầy cô và học sinh, tôi chủ động liên hệ, kết nối với CLB Đầu tư và khởi nghiệp thị xã để hỗ trợ tư vấn, giúp đỡ các em hoàn thiện dự án. Qua đây, giúp học sinh có cơ hội học hỏi, mở mang kiến thức trên nhiều lĩnh vực để các em tự tin hơn.
“Bệ phóng” tài năng trẻ
Tại Quảng Ninh, cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học được tổ chức thường niên từ năm học 2012-2013 đến nay, cuộc thi Sáng tạo TTN-NĐ được tổ chức từ năm 2015 đến nay, và mới đây cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp được tổ chức từ năm 2018 đã góp phần mở ra thêm những hướng phát triển mới, đưa các dự án, ý tưởng KHKT tiềm năng, khả thi của TTN được áp dụng rộng rãi hơn trong cuộc sống, trong kinh doanh.
Qua các kỳ tổ chức, mỗi cuộc thi đều nhận được hàng trăm ý tưởng, dự án của học sinh toàn tỉnh, khuyến khích các em tích cực nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức đã học vào phục vụ chính công tác dạy – học, sinh hoạt, vui chơi, giải quyết những vấn đề trong thực tiễn, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai… Đồng thời, tạo cơ hội để các em giới thiệu kết quả nghiên cứu KHKT.
Không chỉ khẳng định tài năng ở sân chơi cấp tỉnh, TTN Vùng mỏ đã thể hiện sự xuất sắc tại các cuộc thi toàn quốc, quốc tế. Quảng Ninh đã 2 lần có dự án đoạt giải nhất tại cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học toàn quốc; đồng thời đã đoạt các giải nhất, nhì, ba qua các năm tham gia cuộc thi Sáng tạo TTN-NĐ toàn quốc, có sản phẩm đoạt huy chương bạc cuộc thi Triển lãm sáng chế quốc tế tại Đài Loan và sản phẩm đoạt huy chương bạc cuộc thi phát minh sáng chế quốc tế INOVA…
Sở Giáo dục và Đào tạo trao giải Cuộc thi KHKT cấp tỉnh dành cho học sinh trung học, năm học 2020 -2021. Ảnh: Dương Hương
Đồng chí Phạm Hồng Thái, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ninh, cho biết: Tỉnh Đoàn là đơn vị thường xuyên tham gia phối hợp với các sở, ngành tổ chức các cuộc thi về sáng tạo KHKT dành cho TTN. Qua nhiều kỳ tổ chức cho thấy, các cuộc thi về sáng tạo KHKT luôn là sân chơi bổ ích, hấp dẫn đối với TTN. Số lượng, chất lượng ý tưởng, dự án tham gia các cuộc thi hầu hết năm sau đều cao hơn năm trước, có sự đầu tư công phu, tính ứng dụng cao, thể hiện nguồn lực sáng tạo vô cùng phong phú của TTN. Thời gian tới, Tỉnh Đoàn tiếp tục nghiên cứu, đề xuất tổ chức các cuộc thi, sân chơi trí tuệ phù hợp với TTN. Qua đó, không ngừng phát hiện, tôn vinh những tài năng sáng tạo trẻ, có nhiều triển vọng để bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao của tỉnh.
Các cuộc thi về sáng tạo KHKT đã và đang trở thành “bệ phóng” cho những tài năng trẻ của Vùng mỏ. Song bên cạnh những giải thưởng ghi nhận, khẳng định tài năng từ mỗi cuộc thi, điều mà các em học sinh nhận được nhiều hơn cả chính là được phát huy tính sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng thử thách bản thân, hướng các em sống có trách nhiệm đối với những vấn đề trong đời sống xã hội, nhằm góp phần chung tay làm cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp, văn minh và hiện đại.
Học sinh Bắc Ninh đạt giải quốc tế từ ý tưởng giúp đỡ người yếu thế
Chứng kiến các bác thương binh, những người không may bị cụt tay hoặc liệt tay gặp khó khăn sinh hoạt..., Phạm Đức Linh và Nguyễn Đức An (Trường THPT Hàn Thuyên) đã tạo ra một sản phẩm hữu ích, đạt giải quốc tế.
Đoàn Bắc Ninh tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2020 - 2021.
Ý tưởng nhân văn
Vượt qua nhiều vòng thi tranh tài cùng các đối thủ nặng ký đến từ hơn 80 quốc gia và lãnh thổ trên toàn thế giới, Dự án "Cánh tay robot cho người khuyết tật liệt cơ tay toàn phần" của Phạm Đức Linh và Nguyễn Đức An đã xuất sắc giành được giải Ba ở lĩnh vực Kỹ thuật Cơ khí.
Phạm Đức Linh cho biết, xuất phát từ câu chuyện về ông họ ở quê bị cụt tay gặp khó khăn trong sinh hoạt và lao động đã hình thành ý tưởng tạo sản phẩm giúp đỡ người yếu thế trong xã hội.
"Những ngày đầu của năm học lớp 10, Nguyễn Đức An kể về ông họ bị cụt tay trong quá trình lao động ở huyện Thuận Thành. Vì vậy, khi thấy ý tưởng của An, chúng em đã lên kế hoạch tạo một sản phẩm hữu ích giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội. Đặc biệt những người trẻ bị cụt, liệt tay khó khăn trong sinh hoạt và lao động...", Phạm Đức Linh nhớ lại.
Khi còn học ở Trường THCS Kinh Bắc (TP Bắc Ninh), Phạm Đức Linh đã hai lần dự thi Khoa học kỹ thuật. Cụ thể, lớp 8 với chủ đề "chiếc thuyền đa năng" và lớp 9 "máy trồng rau thông minh (HOFO)". Cả hai năm dự thi Phạm Đức Linh đều đạt giải Nhì cấp quốc gia.
"Tại cuộc thi khoa học kỹ thuật dự án cánh tay cho người khuyết tật đã có rồi. Vì thế, chúng em phải cải tiến phương pháp điều khiển và kỹ thuật của cánh tay...
Nếu như trước đây, cánh tay robot khác điều khiển bằng cơ, cơ bắp... và sóng não hay giọng nói, cử chỉ của chân, thì sản phẩm của chúng em sử dụng phương pháp khác như: Biên độ co duỗi của ngón chân để điều khiển cánh tay. Đặc biệt, cánh tay sẽ giúp cho người dùng cảm nhận được bề mặt vật thể, tiếp xúc...", Phạm Đức Linh chia sẻ.
Từ khi hình thành ý tưởng, bắt tay vào nghiên cứu sản phẩm, Đức Linh và Đức An đã phân chia công việc rất cụ thể. Đồng thời, tập trung phân tích, tìm hiểu thông tin về các phương pháp điều khiển cánh tay trên thế giới và tại Việt Nam.
Em Phạm Đức Linh cho biết, khối lượng công việc rất lớn, vì phải bố trí quỹ thời gian hợp lý để vừa làm tốt việc học trên lớp và vừa nghiên cứu đề tài.
"Sau mỗi buổi học, chúng em tập trung tại thư viện, phòng thí nghiệm để cùng nhau nghiên cứu. Đặc biệt, Đức An phải thường xuyên ăn ngủ tại nhà em để cùng nghiên cứu thiết kế phần cánh tay robot và làm phần mạch điện, lập trình...", Đức Linh nhớ lại.
Có lẽ khó khăn nhất là việc mua sắm thiết bị để nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm. Theo Đức An, có tuần phải 2 - 3 lần sang Hà Nội để mua sắm thiết bị lắp đặt. Hầu hết thiết bị được lựa chọn là thiết bị tinh gọn, thuận tiện nhất cho người sử dụng.
"Quá trình thử nghiệm sản phẩm cánh tay liên tục thất bại. Số lần thất bại cũng đồng nghĩa với việc đi lại mua sắm thiết bị. Để thành công sản phẩm cánh tay đã không dưới 50 lần sang Hà Nội mua các linh kiện điện tử. Bởi việc đặt linh kiện qua trực tuyến sẽ rất khó đảm bảo chất lượng, kích thước...", Đức An chia sẻ.
Sau khi cơ bản hoàn thành sản phẩm, Đức Linh và Đức An trình bày ý tưởng với thầy giáo Ngô Văn Tiến, Chủ nhiệm Câu lạc bộ STEM và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía thầy giáo cũng như Ban Giám hiệu nhà trường.
Vượt qua nhiều vòng thi đấu loại và vòng chung kết tranh tài cùng các đối thủ nặng ký đến từ nhiều trường học của cả nước. Dự án "Cánh tay robot cho người khuyết tật liệt cơ tay toàn phần" của 2 học sinh Nguyễn Đức An và Phạm Đức Linh lớp 11A4 đạt giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2020 - 2021.
Nguyễn Đức An, Phạm Đức Linh cùng thầy Ngô Văn Tiến tại phòng thí nghiệm.
Thầy Ngô Văn Tiến - Bí thư Đoàn trường THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh) cho biết, không quá bất ngờ khi dự án "Cánh tay robot cho người khuyết tật liệt cơ tay toàn phần" của Đức An và Đức Linh đạt giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.
"Đức Linh và Đức An ham học hỏi, rất hăng hái trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Trong đó Đức Linh có thành tích, kinh nghiệm nhất định khi còn học THCS. Vì vậy, khi nghe các em trình bày ý tưởng, tôi đã hoàn toàn đồng ý. Dự án của các em mang cả sự nhân văn dành cho những người không may bị khuyết tật tay, do vậy thầy và trò đều quyết tâm thực hiện ý tưởng và đã thành công...", thầy Tiến nhấn mạnh.
Theo thầy Tiến, tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2020 - 2021 tỉnh Bắc Ninh có 2 dự án tham gia. Trong đó, có dự án đạt 1 giải Nhất và 1 đạt giải Ba.
"Đây là niềm vui tự hào của thầy trò nhà trường, bởi cuộc thi năm nay thu hút 141 dự án từ 69 đơn vị với 262 học sinh tham dự. Trong đó, cấp THPT có 113 dự án với 210 học sinh tham dự, cấp THCS có 28 dự án với 52 học sinh...", thầy Tiến chia sẻ.
Vươn ra quốc tế
Không chỉ dừng lại ở cấp quốc gia, cô Đặng Thị Bích Vân - Hiệu trưởng trường THPT Hàn Thuyên cho biết, Dự án "Cánh tay robot cho người khuyết tật liệt cơ tay toàn phần" của Phạm Đức Linh và Nguyễn Đức An đã xuất sắc giành được giải Ba ở lĩnh vực Kỹ thuật Cơ khí Khoa học kỹ thuật Quốc tế (ISEF) 2021.
Cô Đặng Thị Bích Vân - Hiệu trưởng Trường THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh).
Cô Đặng Thị Bích Vân - Hiệu trưởng trường THPT Hàn Thuyên cho biết, Nhà trường luôn quan tâm đào tạo chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn.
"Ngay từ đầu năm học, nhà trường lựa chọn học sinh giỏi theo năng lực, họp các tổ chuyên môn để giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi cho giáo viên có kinh nghiệm, năng lực bồi dưỡng. Năm học 2020 -2021 đạt kết quả cao về thành tích học tập được Sở GD&ĐT cũng như các cấp ghi nhận...", cô Vân nói.
Nhận xét về học trò của cô Vân cho biết, Đức An và Đức Linh có đam mê nghiên cứu khoa học từ lớp 10, đến năm lớp 11 đạt giải Nhất cấp tỉnh, Quốc gia và đạt giải Ba quốc tế ISEF tại Hoa Kỳ.
Đại diện Sở GD&ĐT Bắc Ninh chúc mừng Nguyễn Đức An và Phạm Đức Linh cùng trường THPT Hàn Thuyên.
"Đây là dự án duy nhất trong 7 dự án của học sinh Việt Nam tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2021 đoạt giải trong hệ thống giải chính thức. Đây cũng là lần đầu tiên học sinh của Bắc Ninh đoạt được giải Ba ở sân chơi Khoa học kỹ thuật quốc tế (ISEF).
Nhà trường rất tự hào khi có học sinh đạt giải khoa học kỹ thuật quốc tế. Đây cũng là nền tảng tích cực phấn đấu trong năm học tiếp theo và giai đoạn tới không những về khoa học kỹ thuật mà còn giáo dục toàn diện, đặc biệt chú ý kỳ thi tốt nghiệp THPT..", cô Vân nói.
Nói về dự định học tập trong năm học 2021 -2022, Đức An và Đức Linh cùng bày tỏ sẽ tập trung vào ôn thi để vào đại học để đạt ước mơ trở thành sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục nghiên cứu khoa học kỹ thuật.
Điện Biên: Trao giải Cuộc thi viết "Tự hào truyền thống Đội ta" 15 cá nhân ở Điện Biên vừa được trao thưởng trong cuộc thi viết "Tự hào truyền thống Đội ta". Đây là những bài xuất sắc nhất trong số hơn 9.000 bài dự thi. Ban tổ chức trao giải cho cá nhân đạt giải xuất sắc. Chiều 14/10, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn và Hội đồng Đội tỉnh Điện Biên đã tổng kết...