Ước mơ giảng đường của cậu học trò nghèo người Khơ mú đạt điểm cao nhất trường vùng biên
Cậu học trò nghèo người Khơ mú Mong Văn Dương đạt điểm cao nhất trường THPT Quế Phong (khối tổ hợp môn Xã hội) trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua với số điểm 36,25.
Tuy nhiên con đường đến với giảng đường của em còn đầy gian nan vì gia đình quá khó khăn.
Từ trung tâm huyện, vượt gần 40 km đường dốc, mất gần 3h đồng hồ đi xe máy chúng tôi tìm đến được nhà em Mong Văn Dương sống tại bản Nhật Nhoóng, xã Nậm Nhoóng (Quế Phong). Trong căn nhà sàn nhỏ đã cũ kỹ, bố mẹ Dương không giấu được niềm hạnh phúc khi biết con trai mình đạt điểm cao nhất trường trong kỳ thi vừa qua.
Là con đầu trong một gia đình nghèo có 4 anh em. Mặc dù thuộc diện nghèo đặc biệt khó khăn, nhưng bố mẹ Dương vẫn cố gắng cho 4 đứa con được đến trường học cái chữ. Cứ nghĩ rằng chỉ học được đến lớp 9 là Dương sẽ nghỉ học để phụ giúp bố mẹ chăm sóc 3 em, nhưng với sự cần cù, chịu khó và ham học, Dương xin bố mẹ cho được xuống trường huyện để tiếp tục theo đuổi con chữ. Thương con trai, bố mẹ Dương lại gồng gánh làm việc, dành dụm chút ít tiền để hàng tháng gửi cho con chi tiêu. Mỗi tháng Dương được gửi chưa đến 200 ngàn đồng nhưng với em đó là số tiền mồ hôi nước mắt của bố mẹ, vì vậy, em chi tiêu tằn tiện chẳng dám mua một chiếc áo mới nào cho mình.
Em Mong Văn Dương sống tại bản Nhật Nhoóng, xã Nậm Nhoóng (Quế Phong). Ảnh: NVCC
Trong suốt 3 năm học dưới mái trường THPT huyện Quế Phong, Dương luôn là một học sinh ngoan, cần cù, dù học lực không mấy nổi trội so với các bạn, thậm chí 2 năm lớp 10 và lớp 11 em không đạt học sinh khá, nhưng bù lại em lại là cậu học trò chăm chỉ, sống hiền lành và chan hòa với thầy cô, bạn bè. Cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em được nhà trường bố trí ở tại ký túc trường, chính nhờ điều này đã tạo điều kiện tốt để em có cơ hội học tập, theo đuổi ước mơ của mình.
Trò chuyện với chúng tôi, bố mẹ Dương là anh Mong Văn Tùng và chị Vi Thị Bình luôn nở nụ cười trên môi, mặc dù vậy cũng không giấu nổi sự lo lắng trên khuôn mặt khắc khổ.
Mẹ Dương chia sẻ: “Trước đây cả 2 vợ chồng chúng tôi đều không có điều kiện học hành nên chỉ mong các con ai cũng biết cái chữ, giờ thấy con đạt kết quả thế này tôi hạnh phúc lắm, dù thật sự gia đình không có đủ điều kiện để trang trải cho con xuống thành phố học, nhưng nếu con muốn tiếp tục vợ chồng chúng tôi vẫn ủng hộ con, chỉ mong có những nhà hảo tâm quan tâm, giúp đỡ cho con trai tôi được thực hiện ước mơ của mình”.
Ngôi nhà nơi bản nghèo huyện Quế Phong của Dương. Ảnh: Lương Nga
Chia sẻ về bí quyết để có được số điểm cao trong Kỳ thi THPT Quốc gia, Dương nói, đề thi vừa qua e thấy rất vừa sức, sau khi làm bài xong vẫn còn thời gian kiểm lại bài. Khi rời khỏi phòng thi và tự chấm điểm Dương nghĩ mình sẽ đỗ nhưng không nghĩ lại đạt điểm cao như vậy, đặc biệt với điểm 10 môn Giáo dục công dân. “Do trong trường em được ôn luyện, trau dồi rất kỹ, thầy cô giáo rất quan tâm, đặc biệt là thầy giáo chủ nhiệm luôn sát sao với chúng em, tìm nhiều đề hay và động viên chúng em quyết tâm cao để thực hiện hoài bão của mình. Ngoài giờ học và ôn thi trên lớp, em thường tự tìm các đề bài trên mạng, tự làm sau đó gửi nhờ thầy cô sửa giúp” – Dương tâm sự.
Video đang HOT
Mong Văn Dương luôn ước mơ được vào giảng đường. Ảnh: NVCC
Với số điểm Văn 7,5, Lịch sử 9,25, Địa lý 9,5 và Giáo dục công dân 10, Dương tự tin mình sẽ đỗ vào Trường Đại học Vinh, nhưng do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, 3 đứa em đang còn đang đi học, Dương chưa biết lấy kinh phí ở đâu để đóng học phí, trang trải cuộc sống.
Tâm sự với chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Xuân Quang – giáo viên chủ nhiệm của Dương cho biết: “Dương là một học trò rất ngoan, luôn lễ phép với thầy cô, hòa đồng với bạn bè, đặc biệt em rất chăm chỉ học tập. Dù gia cảnh khó khăn, mỗi tháng em chỉ được bố mẹ chu cấp 100 đến 200 ngàn đồng tiền ăn, nhưng em có một ý chí rất lớn nên thầy cô và bạn bè ai cũng quý mến, luôn tạo điều kiện giúp đỡ em.
Với thành tích em đạt được hôm nay tôi khá bất ngờ, dù biết hoàn cảnh em rất khó khăn nhưng mong em quyết tâm thực hiện được ước mơ của mình”.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
Em Mong Văn Dương – bản Nhật Nhoóng, xã Nậm Nhoóng (Quế Phong); SĐT: 0825.778.485
Sát cánh cùng sỹ tử vùng cao, biên giới
Là địa phương có diện tích lớn nhất nước, nhiều huyện miền núi cao, Nghệ An đặc biệt chú trọng đến an toàn cho thí sinh dự thi Tốt nghiệp THPT. Thí sinh hoàn cảnh khó khăn đều được lập danh sách và có phương án hỗ trợ cụ thể.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Quế Phong (huyện Quế Phong, Nghệ An) được ở miễn phí trong khu nội trú cho đến ngày thi
Trò ứng thí vòng trong, thầy túc trực vòng ngoài
Huyện Con Cuông (Nghệ An) chỉ có 1 điểm thi tốt nghiệp tại Trường THPT Con Cuông, trong khi đó trên địa bàn có 2 trường THPT. Vì thế hơn 100 học sinh của Trường THPT Mường Quạ phải vượt núi ra thị trấn dự thi.
Thầy Đặng Văn Bằng - Hiệu trưởng Trường THPT Mường Quạ cho biết, học sinh của trường thuộc xã Lục Dạ và xã biên giới Môn Sơn. Đây là 2 địa bàn khó khăn của huyện, có nhiều bản làng ở sâu trong núi. Trong đó, khối 12 của trường có em La Thị Hoa (HS lớp 12C) là người dân tộc Đan Lai, nhà cách xa trường và điểm thi nhất, nằm trong vùng lõi rừng quốc gia Pù Mát. Giao thông đi lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cao. Vì vậy, nhà trường đã sắp xếp nhóm cán bộ, giáo viên ở lại để hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh trong những ngày thi.
Ông Bùi Đình Long - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Trưởng Ban chỉ đạo lưu ý các điểm thi quan tâm hỗ trợ thí sinh khó khăn.
Trước đó, ban giám hiệu Trường THPT Mường Quạ đã khảo sát, thống kê danh sách học sinh cần đưa đón, tìm chỗ ở trọ. Hiện, gia đình các em đã tìm và liên hệ được người thân quen để ở trong các ngày thi.
Trong thời gian diễn ra kỳ thi, nhà trường cử 1 phó hiệu trưởng, 1 giáo viên và 1 nhân viên y tế trực ngoài trường thi để kịp xử lý nếu có sự cố. "Đơn cử đã từng có trường hợp học sinh quên thẻ dự thi, nhà cách xa trường thi không kịp quay về lấy, tâm lý sẽ rất hoang mang, lo lắng. Khi đó, thầy phó hiệu trưởng ở ngoài sẽ viết giấy bảo lãnh để em được vào thi theo quy chế. Đồng thời động viên, khích lệ để học sinh ổn định tinh thần dự thi. Ngoài ra, các thầy cô cũng thường xuyên nhắc nhở các em đi thi đúng giờ. Trường hợp học sinh gặp vấn đề về sức khỏe thì có nhân viên y tế kịp thời hỗ trợ", thầy Bằng cho biết.
Đoàn thanh niên huyện Con Cuông (Nghệ An) hỗ trợ dọn, dẹp vệ sinh tại điểm thi Trường THPT Con Cuông.
Tương tự, hơn 140 học sinh Trường THPT Tương Dương 2 cũng phải đến điểm thi tại Trường THPT Tương Dương 1 (huyện Tương Dương, Nghệ An). Theo thầy Trần Đình Mạnh - Hiệu trưởng Trường THPT Tương Dương 2: "Nói về vùng tuyển sinh, Trường THPT Tương Dương 1 có nhiều học sinh vùng sâu, vùng xa, lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Tuy nhiên, trong 3 năm THPT, các em thuê trọ đi học nên đã quen với trường lớp, đường sá, môi trường xung quanh. Còn học sinh trường chúng tôi sẽ có những bỡ ngỡ nhất định khi dự thi tại trường khác".
Vì vậy, nhà trường đã lập tổ hỗ trợ học sinh dự thi gồm 1 hiệu phó, 1 giáo viên và Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh. Theo đó, tổ hỗ trợ chịu trách nhiệm quản lý việc đi lại, đưa đón, lo ăn ở cho học sinh đi thi. Hai trường THPT Tương Dương 1 và 2 cũng đã họp ban giám hiệu để thống nhất phương án hỗ trợ cho học sinh, phối hợp xử lý khi có tình huống bất thường xảy ra.
Hỗ trợ thí sinh, cán bộ coi thi tại vùng khó
Chiều 7/8, đội tình nguyện mùa thi Huyện đoàn Tương Dương (Nghệ An) bắt đầu ra quân, túc trực tại điểm thi để hỗ trợ những thí sinh đến sớm. "Vừa qua, huyện đoàn Tương Dương cũng vận động xã hội hóa, dự kiến nấu 600 suất cơm miễn phí cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo trong suốt 3 ngày thi. Ngoài ra, còn phát nước uống miễn phí, giúp trông giữ đồ, giúp đỡ thí sinh vòng ngoài", anh Lô Văn Giáp - Bí thư huyện đoàn Tương Dương cho hay.
Thanh niên tình nguyện huyện Tương Dương, Nghệ An hỗ trợ phun thuốc kháng khuẩn tại điểm thi Trường THPT Tương Dương 1.
Thời điểm này, khu nhà ở nội trú Trường THPT Quế Phong (Nghệ An) vẫn có hơn 30 học sinh ở lại. Đây là những em có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở vùng sâu, biên giới Tri Lễ, Thông Thụ, Cắm Muộn, Quang Phong...
Thầy Lê Thạc Phú - phụ trách quản sinh cho biết: "Đây là khu nhà ở nội trú cũ của Trường THPT Dân tộc nội trú Quế Phong (sau này chuyển thành trường THPT bình thường). Nhà trường đã cải tạo, tu sửa cho học sinh vào ở miễn phí. Vừa qua, các em lớp 12 đã hoàn thành ôn thi tốt nghiệp THPT và được cho nghỉ học. Tuy nhiên, có hơn 30 em đăng ký tiếp tục ở lại để học ôn cho đến ngày thi. Về phía nhà trường đã cắt cử giáo viên quản lý, đồng thời giúp đỡ các em trong học tập".
Học sinh Trường THPT Quế Phong miệt mài tự ôn tập trước ngày thi tốt nghiệp THPT năm 2020
Thầy Nguyễn Hồng Tư - Phó hiệu trưởng, Phó trưởng điểm thi THPT Quế Phong cho biết thêm, khu nội trú ở trong khuôn viên trường, nên khi thí sinh đi thi, các phòng ở sẽ được niêm phong. Thi xong, gỡ niêm phong, các em quay lại phòng ở bình thường. Khu vực thi và khu ở nội trú có dải barie ngăn cách, có công an trực để đảm bảo an ninh, an toàn.
Cũng trong ngày 7/8, hơn 3.500 trưởng điểm, phó trưởng điểm, thư ký, cán bộ coi thi của 61 điểm thi tốt nghiệp THPT tỉnh Nghệ An đã đến nơi làm nhiệm vụ thi. Tất cả giám thị đều là giáo viên trường THPT trên địa bàn tỉnh. Theo quy chế, các hội đồng thi sẽ thực hiện coi thi chéo. Giám thị mỗi điểm đến từ 2 trường THPT, trong đó 1 trưởng điểm, 2 phó trưởng điểm, (1 phó trưởng điểm là Phó hiệu trưởng Trường THPT sở tại).
Cô trò Trường THPT Quỳ Châu (Nghệ An) thời điểm làm hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2020
Cô Lê Thị Bình - Phó trưởng điểm - Phó hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Châu (Nghệ An) cho biết: "Năm nay, điểm thi chúng tôi đón giám thị từ Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh) và THPT Nguyễn Đức Mậu (huyện Quỳnh Lưu) đến làm nhiệm vụ.
Là môt huyện miền núi cao, điều kiện kinh tế khó khăn, tuy nhiên Ban chỉ đạo thi huyện Quỳ Châu cũng tạo điều kiện hỗ trợ tối đa các cán bộ làm nhiệm vụ thi đến địa bàn. Trong đó, liên hệ giúp nhà nghỉ, nhà ăn ở gần điểm thi. Phối hợp với các ban ngành đảm bảo an ninh trật tự. Đặc biệt, tuyên truyền, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm các nhà hàng, quán ăn, tạo sự yên tâm cho cả thí sinh, phụ huynh và cán bộ làm nhiệm vụ thi".
Cô giáo hợp đồng giúp trò thoát nghèo 7 năm giảng dạy tại các trường vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk, cô Hương chứng kiến biết bao hoàn cảnh học sinh khó khăn, cơ cực. Cô Hương (bên phải) cùng các học trò. Thương học trò nghèo, cô thường xuyên kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ cho các em có áo ấm, đồ dùng học...