Ước mơ của “cô bé có cái chân biết viết”
Bị dị tật bẩm sinh, cô bé người dân tộc Ba Na Y Julye thiếu đôi tay, một chân còng queo, lại thêm khối u lớn ở lưng khiến chỉ ngồi không đã khó. Em đã tập viết bằng chân và đi học đều đặn suốt 12 năm.
Em Y Julye tự học ở nhà trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19.
Làng nhỏ Kon Đrei bên sông Đăk Bla ở xã Đăk Blà, TP Kon Tum như vắng vẻ hơn trong những ngày cùng cả nước phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Đã lâu chúng tôi mới trở lại, đoạn đường hẹp vào nhà Y Julye đã được bê tông hóa, không còn lầm bụi. Trong căn nhà nhỏ đã cũ, cô bé mà ngày nào chúng tôi trìu mến gọi là “cô bé có cái chân biết viết” đang say sưa học online với chiếc máy tính kê gọn nơi góc phòng. Bàn chân nhỏ yếu ớt đặt trên mặt bàn chậm rãi đưa qua đưa lại, điều khiển nút phím.
“Không phải của nhà mua được đâu. Dạo trước tết, tình cờ gặp đoàn khách từ TP Hồ Chí Minh lên thăm Kon Tum, ghé qua làng, có một anh tên Thảo quan tâm hỏi thăm hoàn cảnh bé Julye.
Thấy nhà em nghèo, đông con mà bé ham học, ảnh gửi cho cái máy tính này. Tuy đã cũ, nhưng còn tốt, dùng tiện lắm”, chị Y Djoan, mẹ Y Julye nhỏ nhẹ.
Y Julye đang là học sinh lớp 12A5, Trường THPT Trường Chinh – một trong số các cơ sở giáo dục ở vùng ven thuộc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum.
Nhờ có máy tính nên từ sau Tết nguyên đán Canh Tý đến giờ, cô bé đã có thể ở nhà học online, không phải chật vật trong thời gian tạm ngừng đến trường để ứng phó với dịch bệnh.
Video đang HOT
Y Julye bảo, với em, học online khó khăn hơn. Viết bằng chân, em không theo kịp lời giảng nên phải cố gắng nhiều mới có thể nắm bắt nội dung bài học cũng như tự làm bài tập.
Đó còn chưa kể, trước đây ở lớp, em có thể hỏi han, trao đổi với thầy cô, bạn bè, chứ học một mình, không biết hỏi ai. Ở làng,Y Bích là bạn học lâu năm của Y Julye, theo nhau từ mầm non, tiểu học lên các lớp THCS, THPT, song vì ban ngày, Y Bích còn bận đi rẫy và làm việc nhà giúp cha mẹ, nên hai đứa chỉ có thể thỉnh thoảng gặp nhau để trao đổi bài vở vào chút thời gian buổi tối.
Khi ra đời, Y Julye không may bị dị tật bẩm sinh, thiếu đôi tay, một chân còng queo, lại thêm khối u lớn ở lưng khiến chỉ ngồi không đã khó. Nhưng từ nhỏ, cô bé đã bộc lộ tính tự lực và nhất là ham học.
Ba tuổi, Y Julye đã có thể tự xúc cơm bằng chân, năm tuổi đòi đến lớp mẫu giáo ở điểm lớp gần nhà. Không chỉ tự đánh răng, rửa mặt, vệ sinh cá nhân, em còn có thể nhặt rau, rót nước, làm một số việc giúp cha mẹ.
Gần 12 năm đã qua kể từ khi vào lớp 1 là cả chặng đường gian khổ, khó khăn mà cô bé giàu nghị lực đã âm thầm, lặng lẽ vượt qua.
Trước tiên, phải kể đến hai lần phải lên bàn mổ. Đó là năm 2007, mổ chỉnh hình chân phải dị tật bẩm sinh, để có thể ngồi thăng bằng, tập viết và cả tập vẽ bằng chân trái. Năm 2015, phẫu thuật cắt khối u trên lưng, tránh cong vẹo cột sống.
“Không nhờ các thầy giáo, cô giáo, bạn bè của cháu và các tổ chức, cá nhân giàu tấm lòng nhân ái, gia đình không thể lo phẫu thuật cho cháu để đảm bảo sức khỏe và vượt qua thiếu thốn, khó khăn, không bỏ học giữa chừng…”, mẹ Y Julye cảm kích.
Ngoài sự giúp đỡ đáng kể để vượt qua hai lần được phẫu thuật không hề đơn giản của cô bé, không thể không kể đến sự chung tay đầy ý nghĩa của những tấm lòng nhân ái kiên trì đồng hành cùng em trong hành trình đến trường.
Đó là một công ty đã liên tục hỗ trợ em trong nhiều năm tiểu học với mức 5 triệu đồng/năm học, giúp em được uống sữa tăng cường dinh dưỡng, bổ sung đồ dùng cá nhân, dụng cụ học tập. Năm cuối cấp bậc THCS, đơn vị này còn tặng xe điện để cô bạn Y Bích có điều kiện chở Julye đến trường.
Có lần, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP Kon Tum) cũng đã tổ chức hoạt động ngoại khóa, giới thiệu tấm gương vượt khó của Y Julye để học sinh cùng sẻ chia, học tập và thu hút sự ủng hộ thiết thực dành cho cô bé “có cái chân biết viết”.
Đó là những món quà, phần thưởng đầy ý nghĩa của nhà trường, Hội Khuyến học, Hội Bảo trợ Người tàn tật các cấp đem đến nguồn động viên, khích lệ lớn để cô bé “không ốm đau vì trái gió trở trời thì không một ngày chịu nghỉ học”.
Trong chặng đường dài đến trường, dù may mắn có cha mẹ và cô bạn thân Y Bích kiên trì làm “đôi chân” đưa đón, song với Y Julye, khó khăn nhất là thời gian vào năm học đầu bậc THPT. Trước hết, vì đường từ nhà đến Trường THPT Trường Chinh xa gấp ba, bốn lần những năm học ở điểm lớp làng Kon Đrei,Trường Tiểu học Bế Văn Đàn và Trường THCS Lê Đình Chinh (xã Đăk Blà).
Ngồi sau xe qua hơn 4 cây số với cô bé yếu ớt đã rất mệt nhọc. Khó khăn hơn, khi phương pháp học tập ở THPT cũng khác, đòi hỏi em phải cố gắng vượt bậc, để duy trì nề nếp, khả năng tiếp thu bài giảng.
Gần 12 năm phổ thông sắp qua, đều đặn mỗi năm lên một lớp, nhiều năm còn đạt danh hiệu Học sinh tiên tiến, với cô bé người Ba Na viết bằng chân, đó chính là phần thưởng vô cùng lớn lao và ý nghĩa.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đầy thử thách, song Y Julye đã và đang cố gắng bằng tất cả khả năng của mình.
Môn học em yêu thích nhất là tiếng Anh, bởi theo cô bé, bằng ngôn ngữ này, em không chỉ có thể mở rộng giao tiếp với mọi người, mà còn nuôi ước mơ tiếp tục học lên bậc cao hơn để trở thành hướng dẫn viên du lịch hay làm công việc liên quan đến chuyên môn máy tính.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần. Chia tay cô bé ham học, chúng tôi không khỏi băn khoăn khi cảm nhận rõ tình trạng sức khỏe của em thực sự không được như mong muốn.
Với cột sống ngày càng bị ảnh hưởng từ đa dị tật bẩm sinh, nếu Y Julye không được quan tâm tiếp tục phẫu thuật ở mức độ kỹ thuật cao hơn, sẽ khó lường trước diễn biến bất lợi sau này.
Trong hành trình vượt lên chính mình, cô bé giàu nghị lực vẫn rất mong tình yêu thương, san sẻ và sự quan tâm giúp đỡ quý báu của thầy cô, bạn bè, các tổ chức, cá nhân hảo tâm.
Nghĩa Hà
Vĩnh Long: Trẻ mầm non đi học lại từ ngày 11.5
Sau thời gian tạm nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19, Vĩnh Long đã chốt thời gian cho học sinh đi học lại. Theo đó, trẻ em mầm non và học sinh các khối lớp 2, 3, 4 đi học lại từ ngày 11.5.
Các trường khẩn trương vệ sinh trước khi tổ chức dạy học trở lại - ẢNH: XUÂN PHÚC
Ngày 25.4, UBND tỉnh Vĩnh Long vừa có văn bản chốt thời gian cho tất cả học sinh đi học lại.
Theo đó, học sinh các khối lớp 1, 5, 6, 7, 8, 10, 11 (phổ thông và thường xuyên), học viên các trung tâm ngoại ngữ, tin học... được cơ quan chức năng cấp phép đi học lại từ ngày 4.5; Trẻ em mầm non và học sinh các khối lớp 2, 3, 4 đi học lại từ ngày 11.5.
Trước đó, UBND tỉnh đã ra thông báo cho học sinh khối lớp 9 và 12 trở lại trường vào ngày 27.4.
Công văn cũng yêu cầu Sở GD-ĐT Vĩnh Long tổ chức cho trẻ em, học sinh đi học trở lại theo thời gian nêu trên đảm bảo tuyệt đối an toàn, chu đáo; Tổ chức dạy và học có trọng tâm, trọng điểm; Tiếp tục phát huy học trực tuyến, học qua truyền hình. Chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và chỉ đạo các trường khẩn trương vệ sinh trường, lớp học, làm sạch bàn ghế, tẩy trùng các thiết bị dạy học trước khi tổ chức dạy học trở lại...
Xuân Phúc
Phú Yên: Học sinh lớp 9, 12 sẽ đi học trở lại vào ngày 27/4 UBND tỉnh Phú Yên vừa có công văn hướng dẫn tổ chức cho học sinh các cấp đến trường sau thời gian dài nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các cơ sở giáo dục phải chuẩn bị các điều kiện để đảm bảo an toàn cho học sinh, học viên đi học trở lại....