Ước mơ con chữ ở lớp học ban đêm
Cứ đều đặn vào các buổi tối thứ Hai, Tư, Sáu hằng tuần, lớp học ban đêm tại Trường Tiểu học Bông Sao, Phường 5, Quận 8, TPHCM lại sáng đèn để đón học trò lớp phổ cập.
Cô bé Nguyễn Hồ Anh Thư, 14 tuổi, cùng bạn Phan Anh Kiệt học lớp 5, đều dặn mỗi tuần 3 buổi đạp xe đến trường học phổ cập ban đêm. Ảnh: TG
Đa số học sinh (HS) ở đây đều theo gia đình từ các tỉnh lên thành phố mưu sinh, không có điều kiện đến trường học. Ban ngày các em phải đi bán vé số, đi làm, hay bán hàng phụ gia đình để kiếm sống.
36 tuổi là… học sinh lớp 2
Đều đặn các buổi tối theo lịch, anh Thạch Sơ Khum (36 tuổi, quê ở huyện Châu Thành, Trà Vinh) có mặt tại lớp phổ cập ở Trường Tiểu học Bông Sao, Phường 5, Quận 8, TPHCM để học chữ. Sơ Khum cho biết, gia đình có 5 anh chị em, cha mẹ làm nông khó khăn, anh cũng từng được đi học ở quê nhưng “chữ không vào” nên đành nghỉ.
Khum lên TPHCM làm thuê trong một xưởng cắt kính. 4 năm trước, sau nhiều lần ngưỡng mộ những người thợ làm chung có thể đọc báo, viết chữ thoăn thoắt, Khum quyết tâm tìm lớp học phổ cập buổi tối và bắt đầu học lớp 1. Nhưng học mãi vẫn chưa thể đọc thông, viết thạo, Khum mất 3 năm để “tốt nghiệp” lớp 1. Bắt đầu từ tháng 9 năm nay, Khum vào lớp 2.
Cô giáo Trần Thị Châu chia sẻ, Khum rất chăm đến lớp, dù chậm đọc nhưng anh cố gắng theo học. Những từ khó, từ ghép chưa đọc được, cô Châu vẫn phải phụ kèm hướng dẫn cho Khum đánh vần từng chữ một. Nhiều khi cô Châu ra bài tập về nhà để Khum tự tập đọc và tập viết và nhờ bạn cùng phòng chỉ bảo thêm. “Tôi quý Khum như cháu của mình. Khum hiền lành, chăm chỉ, ban ngày đi làm vất vả nhưng tối nào cũng đi học đầy đủ”, cô Trần Thị Châu cho biết.
Video đang HOT
Cô Trần Thị Châu, kiên trì kèm cặp cho cậu học trò 36 tuổi – Thạch Sơ Khum đánh vần từng con chữ. – Ảnh: TG
Trường hợp HS đặc biệt như Sơ Khum không phải hiếm ở lớp phổ cập điểm Trường Tiểu học Bông Sao. Từ khi hoạt động đến nay cũng 35 năm, điểm lớp này cũng đã lần lượt đón nhiều thế hệ HS đặc biệt. Cô Châu cho biết, trước đó cũng có trường hợp một người đàn ông ngoài 30 tuổi và con trai của mình cùng học lớp 2. Con đi học chậm hơn bạn bè vì thiếu giấy tờ, cha dắt con đi học cũng học luôn vì chưa biết chữ.
Nhiều nhất ở lớp phổ cập là trường hợp HS ở tuổi đi học, có hoàn cảnh cơ nhỡ, không theo được các lớp phổ thông. Cô bé Nguyễn Hồ Anh Thư, quê Cần Thơ, 14 tuổi, đang học lớp 5 là một ví dụ. Cha Thư mới mất, mẹ em sinh được 7 người con, để cho bà ngoại nuôi, bây giờ đi lấy chồng ở nơi khác.
7 chị em Thư sống nương tựa vào bà ngoại, cơm gạo, áo quần, sách vở cũng là các nhà hảo tâm cho. Hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, không thể đến trường học ban ngày, nhưng để có cái chữ, tối nào Thư cũng chăm chỉ đi học. “Học ở đây em được các thầy cô chỉ dạy rất nhiệt tình. Em sẽ cố gắng học tập tốt, để sau này có nghề, kiếm tiền để phụ nuôi bà và các em”, Thư hồn nhiên tâm sự.
Tấm lòng người reo chữ
Ban ngày HS ở đây đều phải mưu sinh kiếm sống nhưng vẫn luôn chịu khó học ban đêm.-Ảnh: TG
Thầy Lê Thành Sơn – Hiệu trưởng Trường TH Bông Sao cho biết, đa số các em HS ở lớp học phổ cập đều có hoàn cảnh khó khăn, từ các tỉnh lên TPHCM sinh sống. Do gia đình không có điều kiện cho theo học các lớp phổ thông ban ngày, các em phải theo các lớp học phổ cập ban đêm. Nhà trường, cùng với đội ngũ GV luôn tâm huyết tạo điều kiện để giúp các em học tập, trau dồi kiến thức, vận dụng vào cuộc sống, cũng như học tiếp lên cao. Đầu năm học, nhà trường đều phát đầy đủ cho các em sách vở, bút viết, thước… để các em yên tâm
đến lớp.
Cô Trần Thị Châu, 76 tuổi, đã có hơn 20 năm dạy buổi tối ở đây, rất kiên nhẫn với việc dạy cách đánh vần cho từng học trò. Dạy lớp phổ cập khá vất vả, bởi HS nhiều độ tuổi, đến từ nhiều vùng quê, làm nhiều ngành nghề khác nhau, không phải ai cũng lanh lợi. Thế nhưng tình yêu thương học trò khiến cô Châu khó xa được công việc vất vả này. “Áp lực cơm áo gạo tiền nhiều nhưng trò vẫn quyết tâm học bằng được cái chữ khiến tôi cảm động”, cô Châu tâm sự.
Thầy giáo Lê Thành Trung, 54 tuổi, ban ngày dạy chính khóa ở Trường Tiểu học Bông Sao và 3 tối mỗi tuần, phụ trách dạy lớp 5. Thấy các em có hoàn cảnh khó khăn thầy rất thương. Gắn bó với ngôi trường này cũng như với lớp học phổ cập đã gần 35 năm nay, thầy Lê Thành Trung cho biết các em học tương đối tốt, đa số đều hoàn thành chương trình phổ cập và học tiếp lên cấp 2, có em học lên cả đại học. Ấn tượng nhất với thầy Trung là trường hợp HS quê ở An Giang, không có hộ khẩu, thậm chí không có khai sinh. Do hoàn cảnh gia đình cơ nhỡ em lên TPHCM kiếm sống. Nhà trường đã tạo điều kiện làm lí lịch hồ sơ cho em học lớp ban đêm, sau đó bổ sung khai sinh, và khuyến khích em học lên cao.
“Bây giờ em ấy vẫn tiếp tục theo học các lớp giáo dục thường xuyên ban đêm để nâng cao trình độ, dù em đó đã có gia đình rồi”, thầy Trung tự hào cho biết. Với người thầy hàng chục năm gắn với sự nghiệp phổ cập này, hạnh phúc nào bằng khi có những học trò đặc biệt được khai trí, mở tâm và mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống như thế…
Những người gieo chữ lúc chạng vạng
Ở TP HCM, cứ khoảng 18h30 phút trong lúc người người tất tả trở về nhà sau một ngày học tập và làm việc thì những lớp học đặc biệt tại trường tiểu học Bông Sao, Quận 8 mới bắt đầu vào buổi học.
Tiếng giảng bài, tiếng ê a đánh vần từng con chữ lại vang lên từ lớp học đặc biệt với những thầy giáo và học sinh đặc biệt.
Đó là âm thanh quen thuộc mỗi tối thứ hai, tư, sáu hàng tuần tại các lớp học "đặc biệt" dành cho những người không có điều kiện đến trường, ở nhiều lứa tuổi và học chương trình từ lớp 1 đến lớp 5 tại trường tiểu học Bông Sao, phường 5, Quận 8, TP HCM.
Hầu hết những người đi học buổi tối tại đây đều học muộn hơn so với tuổi của mình. Ở bậc tiểu học, học sinh nhỏ tuổi nhất của các lớp tầm 8 tuổi, 10 tuổi, còn lớn tuổi nhất thì lên đến 36 tuổi. Lớp đông nhất có 7 học sinh, lớp ít nhất là 2 học sinh và mỗi lớp đều có một giáo viên chứ không dạy ghép hay kiêm nhiệm.
Cô Châu trò chuyện cùng bạn học sinh mới chuyển đến.
Ở phòng học dành cho lớp 5 do thầy giáo Trần Thành Trung phụ trách có 2 học sinh nam và 1 học sinh nữ. Trong đó, Nguyễn Hồ Anh Thư, 14 tuổi được thầy Trung đánh giá là hoạt bát, hăng hái phát biểu và đặc biệt là chăm chỉ đi học, không vắng buổi nào.
Gia đình Thư khó khăn, ba mất sớm, mẹ lập gia đình khác để lại 7 chị em Thư sống cùng bà ngoại nên hầu hết học hành dang dở. Một năm trước, Thư được thầy cô giáo dạy buổi tối ở trường Bông Sao nhận vào học và giờ đã học đến lớp 5. Thư luôn cảm thấy vui khi được đi học, bởi ở lớp Thư có thể trò chuyện với thầy, với bạn và nhất là được học môn Toán yêu thích.
Còn ở lớp 2 do cô Trần Thị Châu phụ trách, có một học sinh người Khmer đã 36 tuổi- anh Thạch Sokum. Ban ngày anh Sokum làm đủ mọi việc để kiếm sống, ai thuê gì anh làm nấy và ban đêm anh lại tìm đến lớp học với mong muốn học cho biết chữ, biết đọc. Dạy các em hơn 10 tuổi học lớp 2 đã khó, dạy một người 36 tuổi học lớp 2 lại càng khó hơn. Cô Châu cùng với học trò Sokum của mình bắt đầu lại từ phần đánh vần của lớp 1, viết nét rồi dần dần mới qua viết chữ, ghép từ và đọc.
Cô giáo Châu kể, nhiều khi hết buổi dạy, về nhà rồi mà cô vẫn không thoát ra khỏi suy nghĩ làm cách nào để có thể dạy chữ cho những người như Sokum. Cô đã tìm ra những cách dạy riêng cho anh học trò đặc biệt này.
Và những nhà giáo lặng lẽ gieo chữ
Các lớp học đặc biệt với những học sinh đặc biệt nên thầy cô giáo cũng rất đặc biệt. Hầu hết các giáo viên tham gia dạy học buổi tối ở trường Bông Sao, quận 8 đều là những người lớn tuổi, sắp về hưu hoặc đã về hưu. Như cô Trần Thị Châu năm nay đã 76 tuổi, đã có hơn 30 năm gắn bó với các lớp học này. Ở tuổi có thể nghỉ ngơi an nhàn, nhưng vì thương những người không có điều kiện đến trường nên cô đều đặn đạp xe đến đây để dạy học buổi tối.
Hay như thầy giáo Trần Thành Trung, 54 tuổi, ban ngày dạy ở trường, tối đến lại miệt mài với các học trò đặc biệt. Thầy Trung cho rằng, những lớp học như thế này, chính quyền địa phương chỉ có thể hỗ trợ cho các thầy cô mỗi tháng vài trăm ngàn nhưng niềm vui mà thầy cô nhận lại chính là sự tiến bộ mỗi ngày của các em học sinh, sự chịu khó lắng nghe, chăm chỉ đến lớp. Thêm vào đó, bản thân thầy cô là người địa phương, sống ở đây, hiểu rõ cuộc sống học trò mà mình dạy nên cũng dễ cảm thông.
Những lớp học này ban đầu được dành cho người lớn tuổi chưa biết chữ, dần dần tiếp nhận những em nhỏ từ các nơi khác theo gia đình về thành phố sinh sống nhưng gia đình khó khăn nên không có điều kiện đi học vào ban ngày, để dạy các em biết chữ trong khả năng của mình.
Ông Lê Thành Sơn, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bông Sao cho biết, các lớp học do nhà trường phối hợp cùng phường 5 tổ chức, duy trì. Ở quận 8, mỗi phường sẽ có một trường tiểu học tiếp nhận học sinh có hoàn cảnh đặc biệt cần đi học các lớp tiểu học ban đêm. Kinh phí một phần được hỗ trợ, một phần do chính nhà trường vận động phụ huynh và học sinh trong trường ủng hộ. Trường lúc nào cũng mở rộng cánh cổng để đón những người có nhu cầu về việc học.
Nhà trường và thầy cô giáo ở các lớp học ban đêm của trường Tiểu học Bông Sao, quận 8 đều mong muốn sĩ số của các lớp không tăng thêm nữa. Bởi sĩ số tăng đồng nghĩa với việc có thêm nhiều học sinh phải gián đoạn việc học ban ngày vì hoàn cảnh gia đình hoặc có thêm những người lớn tuổi không biết chữ.
Tuy nhiên, khi nào vẫn còn những học sinh, những người lớn tuổi có hoàn cảnh đặc biệt muốn được đến trường học con chữ, học phép tính thì các thầy cô lại tiếp tục đồng hành để truyền thụ kiến thức với mong muốn giúp học sinh của mình có một cuộc sống tốt đẹp hơn ./.
Trao hơn 1,2 tỷ đồng cho sinh viên vượt khó học giỏi ở Trà Vinh Chiều 20-11, Trường Đại học Trà Vinh tổ chức lễ kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2020), ôn lại truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam; đồng thời kết hợp lễ khai giảng năm học mới 2020-2021. Phát biểu tại buổi lễ, PGS - TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại...