Ứng viên trưởng đặc khu Hồng Kông xây “cung điện ngầm” trái phép
Ông Đường Anh Niên, người được cho là sẽ trở thành trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông khoá tới, đang vướng phải vụ bê bối xây dựng một căn hầm trái phép tại nhà riêng ngay trước khi diễn ra cuộc bầu cử người đứng đầu vùng lãnh thổ này
Ông Đường Anh Niên và vợ xin lỗi người dân Hồng Kồng hôm qua.
Công trình, được xây dựng bên dưới một bể bơi, được cho là bao gồm một phòng giải trí, một bồn tắm mát-xa và một hầm rượu.
Ông Đường Anh Niên, 59 tuổi, cho biết ý tưởng xây dựng trên hoàn toàn là của vợ ông.
Bất chấp sức ép phải rút lui khỏi cuộc tranh cư trương đăc khu hanh chinh Hông Kông khoa tơi, ông Đường Anh Niên tuyên bố sẽ không rút lui khỏi cuộc đua.
Trưởng đặc khu hành chính kế tiếp của Hồng Kông, người sẽ thay thế ông Tăng Âm Quyền, sẽ được lựa chọn bởi một uỷ ban gồm 1.200 thành viên vào ngày 25/3 tới.
Vụ bê bối có vẻ như không lớn đã gây xôn xao báo chí Hồng Kông. Hôm qua, các nhà báo và những người phản đối đã bao vây nhà của ông Đường Anh Niên ở quận Kowloon. Một số phóng viên quay phim còn sử dụng cả cần trục để nhìn rõ bên trong khu nhà của ông.
Ông Đường Anh Niên trước đó đã bác bỏ sự tồn tại của căn hầm – vốn vi phạm các quy định luật xây dựng. Ông khẳng định rằng đó chỉ là một nhà kho.
Video đang HOT
Báo chí dùng cả cần trục để quay vào bên trong nhà ông Đường Anh Niên.
Báo chí địa phương sau đó đã đăng tải các bản vẽ của căn rộng rộng 200m2, được một tờ báo mệnh danh là “ cung điện ngầm”. Tại Hồng Kông, nơi đất đai khan hiếm, nhiều người phải sống trong những căn hộ chỉ bằng 1/4 diện tích đó.
Hầm rượu đã trở thành tiêu điểm chỉ trích của dư luận vì ông Đuờng Anh Niên, người thừa kế một tập đoàn dệt, nổi tiếng là mê rượu.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm qua, ông Đường Anh Niên cho biết ông không giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng.
“Tôi xin lỗi người Hồng Kông. Đó là ý tưởng của vợ tôi và tôi biết điều đó là trái luật”, ông nói.
Ông cũng bác bỏ chuyện cố tình che đậy vụ việc, khẳng định ông chỉ muốn bảo vệ vợ mình. “Tôi mong người dân Hồng Kông cho tôi một cơ hội để cống hiến”, ông nói.
Là con trai của một doanh nhân Thượng Hải, ông Đường Anh Niên được cho là ứng cử viên được Bắc Kinh ủng hộ cho vị trí trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông.
Ông Đương Anh Niên từng là Vu trương Vu quan ly chinh quyên đăc khu Hông Kông từ năm 2007-2011.
Theo Dân Trí
Khẩu chiến Hồng Kông - đại lục
Cuộc tranh cãi giữa dân chúng Trung Quốc đại lục và người Hồng Kông đã phơi bày những bất đồng tiềm ẩn của "1 quốc gia 2 chế độ".
Giáo sư Khổng Khánh Đồng miệt thị người Hồng Kông trên truyền hình - Ảnh: chụp lại từ Youtube
Mâu thuẫn bùng nổ khi Khổng Khánh Đồng, giáo sư tại ĐH Bắc Kinh, không tiếc lời miệt thị người Hồng Kông là "chó" và "con hoang". Ngày 23.1, tờ South China Morning Post của Hồng Kông dẫn lời ông Khổng nói trong một cuộc phỏng vấn truyền hình đại lục rằng: "Những kẻ không chịu nói tiếng phổ thông là cái hạng gì? Chúng là lũ con hoang". Lý lẽ mà giáo sư này nêu ra để thóa mạ dân chúng Hồng Kông là họ vẫn sử dụng tiếng Quảng Đông mà không chịu dùng tiếng phổ thông làm ngôn ngữ giao tiếp thường ngày dù đã "trở về với tổ quốc" từ năm 1997. Trong khi đó, tiếng phổ thông được ông cho là ngôn ngữ tiêu chuẩn chung mà mọi người Trung Quốc đều phải dùng. Vì thế, ông Khổng sỉ nhục: "Nhiều người Hồng Kông không coi mình là người Trung Quốc. Lũ đó là chó của người Anh".
Giáo sư này thốt ra những lời lăng mạ trên sau khi một đoạn băng được tung lên mạng chiếu cảnh gây gổ giữa người từ đại lục với dân Hồng Kông trên tàu điện ngầm. Trong đoạn băng, một phụ nữ cho con gái ăn mì gói trên tàu điện và làm rơi vãi ra sàn tàu. Quy định của Hồng Kông cấm ăn uống trên tàu điện nên nhiều người rất khó chịu, phản ứng với phụ nữ trên. Bà này cũng không vừa, lập tức gây lại và vụ việc trở nên ầm ĩ. Truyền thông phương Tây dẫn lời một số chuyên gia nhận định cảnh hai bên, kẻ dùng tiếng phổ thông, người nói tiếng Quảng cãi nhau đến đỏ mặt tía tai là hình ảnh tiêu biểu cho khác biệt và mâu thuẫn giữa dân Hồng Kông và người đại lục.
Theo báo chí Hồng Kông, Khổng Khánh Đồng là học giả nổi tiếng của Trung Quốc, được cho là hậu duệ của Khổng Tử và thường xuyên lên truyền hình để bàn về các vấn đề Nho giáo và đạo đức. Tuy nhiên, ông này cũng khét tiếng là người cực đoan, ăn nói văng mạng và thường chỉ trích tứ tung. Đoạn phỏng vấn ông Khổng nhanh chóng khiến nhiều cư dân Hồng Kông phẫn nộ. Ngày 2.2, khoảng 150 người tập trung bên ngoài Văn phòng liên lạc Bắc Kinh tại đặc khu này để phản đối. Một số nghị sĩ Hồng Kông cũng chỉ trích kịch liệt.
Tiếng bấc tiếng chì
Quyết không bỏ qua, nhiều người Hồng Kông nhanh chóng thực hiện kế hoạch trả đũa, theo Thời báo Hoàn Cầu. Một nhóm ẩn danh đã góp số tiền 13.000 USD để đăng một quảng cáo nguyên trang trên tờ Apple Daily mô tả dân Trung Quốc đại lục là "đàn châu chấu". Trang quảng cáo với dòng chữ lớn viết: "Người Hồng Kông nhịn đủ rồi", bên cạnh hình ảnh con châu chấu khổng lồ trên một ngọn đồi nhìn về hướng những tòa nhà chọc trời.
Trang quảng cáo trên Apple Daily - Ảnh: Apple Daily
Điều này ám chỉ việc nhiều người đại lục tìm đường đến Hồng Kông kiếm kế sinh nhai, gây sự cạnh tranh với dân địa phương. Trang quảng cáo còn trực tiếp đề cập tình trạng thai phụ đại lục đến Hồng Kông hạ sinh nhằm kiếm "hộ khẩu" cho con. Theo quy định của đặc khu, bất cứ ai được sinh ra tại đây đều có quyền hưởng tất cả các chính sách, chế độ như dân địa phương. Vì thế, với người Hồng Kông, tình trạng này không chỉ khiến cho mật độ dân số thêm dày đặc mà còn ảnh hưởng đến nguồn lực y tế, xã hội. Nhóm đăng quảng cáo còn yêu cầu chính quyền đặc khu hành động để ngăn chặn "đàn châu chấu" bằng dòng chữ: "Cần chặn đứng sự lan tràn của những bà mẹ đại lục".
Dân đại lục cũng không ngồi yên. AFP dẫn ý kiến của một cư dân mạng viết: "Ban đầu, tôi cũng không đồng ý với ông Khổng Khánh Đồng, nhưng qua mẩu quảng cáo trên Apple Daily thì thấy họ đúng là chó điên". Một ý kiến khác nói: "Họ liều cỡ nào mà dám bảo chúng ta là châu chấu. Đừng đến đó nữa".
"Đứt gãy nội tại"
Theo giới chuyên gia, cuộc đấu khẩu lần này là minh chứng cho những đứt gãy nội tại giữa Hồng Kông với Trung Quốc đại lục. Tờ Hoàn Cầu ngày 2.2 dẫn lời giáo sư Trần Lợi Quân thuộc ĐH Tôn Trung Sơn nói: "Hồng Kông đã được trả về Trung Quốc hơn 15 năm. Tuy nhiên, đại lục vẫn chưa thể thu phục trái tim và tâm trí người dân đặc khu này vì những khác biệt về hệ thống chính trị lẫn đặc điểm xã hội". Báo này còn trích dẫn một khảo sát của Đại học Hồng Kông cho thấy 79% dân đặc khu cho rằng họ là người Hồng Kông chứ không phải Trung Quốc. Tờ báo cũng nhận định việc hòa hợp là điều rất khó khăn.
Về mặt chính trị, một bộ phận dư luận Hồng Kông nói Bắc Kinh vẫn âm thầm can thiệp vào chính trị nội bộ của đặc khu và lâu lâu lại xảy ra biểu tình phản đối, theo AFP. Hồi năm ngoái, dư luận lên án chính quyền Hồng Kông vì hạn chế báo chí theo dõi chuyến thăm của Phó thủ tướng Lý Khắc Cường, cho rằng đó là một biểu hiện của việc bó buộc tự do báo chí.
Trở lại với "các bà mẹ đại lục", Hoàn Cầu dẫn nguồn Cục Điều tra dân số và thống kê Hồng Kông cho biết các ca sinh xuất phát từ đại lục chiếm 40% trong tổng số 88.500 ca sinh tại đặc khu trong năm 2010. Tháng 4.2011, chính quyền phải ra lệnh cho các bệnh viện phụ sản công không nhận đặt phòng từ cuối năm ngoái.
Bên cạnh đó, dân Hồng Kông còn cho rằng người nhập cư từ đại lục là căn nguyên khiến vật giá leo thang, nhất là về bất động sản và hàng tiêu dùng. Người dân cũng không thích người giàu mới nổi Trung Quốc hay du lịch sang đây vì cách tiêu tiền của lớp người này khiến họ được ưu đãi hơn dân địa phương. Tháng trước, chuỗi cửa hàng thời trang Dolce & Gabbana phải lên tiếng xin lỗi vì cấm không cho dân Hồng Kông chụp hình trong khi khách du lịch đại lục lại được phép, theo AFP.
Ngoài ra, người Hồng Kông cho rằng người đại lục cư xử thô lỗ, không theo khuôn phép, điển hình qua vụ việc trên tàu điện. Ngược lại, người đại lục chỉ trích dân Hồng Kông không nói tiếng phổ thông, hẹp hòi, phân biệt đối xử, chẳng đáng mặt thành phố quốc tế.
Trong bài viết trên BBC, chuyên gia về Trung Quốc tại trường Pomona College ở Mỹ Dru Gladney nhận định bên trong Trung Quốc tồn tại những đứt gãy khi ngay trong nội bộ người Hán cũng phân chia thành những nhóm quá cách biệt. Đây sẽ là một thách thức lớn cho nước này, theo ông.
Sau khi thất bại trong chiến tranh nha phiến, nhà Thanh phải ký hiệp ước Nam Kinh và chuyển nhượng Hồng Kông cho Anh từ năm 1842. Tiếp đến, một số đảo nhỏ lân cận lần lượt rơi vào tay London thông qua những hình thức như chiếm đóng, thuê lại. Vào thập niên 1980, khi thời hạn cho thuê một số đảo thuộc Hồng Kông gần hết hạn, Trung Quốc và Anh tiến hành đàm phán trao trả. Năm 1984, hai bên thống nhất việc trao trả sẽ diễn ra vào ngày 1.7.1997 và Trung Quốc cho Hồng Kông hưởng quy chế đặc khu hành chính có quyền tự trị cao ít nhất đến năm 2047. Theo cái được gọi nôm na là hình thức "1 quốc gia 2 chế độ", Hồng Kông có riêng hệ thống pháp luật, cảnh sát, chế độ tiền tệ, chính sách hải quan, chính sách nhập cư... Bắc Kinh chỉ đảm trách Quốc phòng và ngoại giao. Vị trí trưởng đặc khu do Ủy ban bầu cử đặc khu gồm 800 thành viên bầu chọn và Bắc Kinh làm thủ tục bổ nhiệm. Tất cả các vị trí khác đều do trưởng đặc khu bổ nhiệm hoặc thông qua bầu chọn.
Theo Thanh Niên