Ung thư vú: Làm thế nào để phát hiện sớm
Bệnh ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng nếu được phát hiện sớm thì tỷ lệ chữa thành công rất cao. Ung thư vú đang là mối quan tâm, lo ngại hàng đầu của chị em phụ nữ, bởi số lượng người mắc ngày càng có xu hướng gia tăng và trẻ hóa.
Tầm soát để phát hiện sớm ung thư (BVCC).
Sàng lọc mang đến cơ hội chữa bệnh sớm hơn
Theo GLOBOCAN 2018, Việt Nam ghi nhận hơn 15 ngàn trường hợp mắc mới và hơn 6000 người tử vong vì căn bệnh ung thư vú.
Do yếu tố tâm lý nên nhiều chị em phụ nữ còn e ngại, không đi khám sàng lọc để được phát hiện sớm. Nên nhiều chị em tới bệnh viện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn và tốn kém.
Trong những năm qua, công tác nâng cao chất lượng khám tầm soát phát hiện sớm ung thư vú, điều trị ung thư vú luôn được Bệnh viện K chú trọng. Sàng lọc ung thư vú là việc sử dụng các xét nghiệm sàng lọc để phát hiện các bất thường tại tuyến vú ở giai đoạn chưa có triệu chứng lâm sàng.
Dựa trên những bất thường này, các bác sỹ sẽ tiến hành các biện pháp chẩn đoán phát hiện sớm bệnh ung thư vú. Mục tiêu của sàng lọc ung thư vú là tăng tỷ lệ chẩn đoán sớm và giảm tử vong do ung thư vú.
Có hai hình thức sàng lọc ung thư vú phổ biến là sàng lọc toàn dân và sàng lọc dựa trên cá thể. Số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, số ca mắc ung thư vú có xu hướng tăng dần hàng năm trên phạm vi toàn thế giới, nhưng số ca tử vong do ung thư vú hàng năm lại có xu hướng giảm đi.
Kết quả này có được là nhờ những tiến bộ gần đây trong điều trị ung thư vú và nhờ việc tăng tỷ lệ ung thư vú được chẩn đoán sớm thông qua các chương trình sàng lọc, phát hiện sớm đang được triển khai rộng rãi ở nhiều nước.
Sàng lọc ung thư vú giúp làm tăng tỷ lệ chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm, và do đó làm tăng tỷ lệ điều trị khỏi. Hơn nữa, điều trị ung thư vú giai đoạn sớm thường ít phức tạp hơn và sẽ ít tốn kém hơn so với chẩn đoán ở giai đoạn muộn.
Bệnh nhân ung thư vú giai đoạn sớm cũng có cơ hội lựa chọn các cách thức điều trị ít tác dụng phụ hơn như phẫu thuật bảo tồn, không vét hạch nách, không phải xạ trị…
Video đang HOT
Nhiều chị em còn e ngại không đi khám sàng lọc vú (MH).
Thăm khám và xét nghiệm sàng lọc
Tùy theo mức nguy cơ mắc ung thư vú mà hoạt động sàng lọc sẽ được chỉ định khác nhau.
Nhóm nguy cơ trung bình: Phụ nữ trên 40 tuối, không có yếu tố nguy cơ đặc biệt, được khuyến cáo sàng lọc ung thư vú bằng các phương pháp:
Khám lâm sàng tuyến vú.
Xét nghiệm x-quang tuyến vú (có thể thêm siêu âm tuyến vú, nếu cần) định kỳ hàng năm để phát hiện sớm những bất thường ở tuyến vú mà chưa có biểu hiện lâm sàng. Dựa trên kết quả về chẩn đoán hình ảnh và khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ quyết định làm thêm xét nghiệm khác hoặc hẹn khám sàng lọc sau 06 tháng – 01 năm.
Nhóm tăng nguy cơ: Phụ nữ chưa đến 40 tuổi, không có triệu chứng hay dấu hiệu bất thường, nhưng thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn bình thường, thì cần đi gặp bác sĩ để được tư vấn về thời điểm bắt đầu và lịch sàng lọc ung thư vú.
Phụ nữ thuộc nhóm này có thể được sàng lọc sớm hơn, thời gian sàng lọc định kỳ dày hơn và làm nhiều xét nghiệm sàng lọc hơn. Ở những người có các yếu tố gợi ý có đột biến gen và ung thư vú là một bệnh di truyền, việc sàng lọc bao gồm cả việc tư vấn xét nghiệm tìm các đột biên gen liên quan như BCRA1/2, và là cơ sở để đưa ra các tư vấn di truyền phù hợp.
Khám lâm sàng tuyến vú: Do bác sĩ thực hiện nhằm phát hiện những bất thường tại vú, hạch hoặc các vị trí khác mà phụ nữ không phát hiện ra trong lúc tự khám vú.
Chụp X-quang tuyến vú (còn gọi là chụp nhũ ảnh – mammography): Mục đích là để tìm kiếm những bất thường về hình ảnh tuyến vú. Xquang tuyến vú có thể phát hiện những bất thường ở giai đoán rất sớm, kể cả khi chưa có biểu hiện lâm sàng.
Siêu âm: Siêu âm tuyến vú là phương pháp dùng sóng siêu âm để ghi lại hình ảnh của tuyến vú. Đây là một phương pháp cung cấp thông tin bổ trợ cho xquang tuyến vú, nhất là ở những bệnh nhân có mật độ tuyến vú lớn.
Ngoài ra, siêu âm tuyến vú còn giúp đánh giá tình trạng hạch nách, có thể giúp phân biệt nang tuyến vú với các tổn thương dạng đặc tại vú.
Đối tượng nên thực hiện sàng lọc
Thông thường, sàng lọc ung thư vú dựa trên nguy cơ mắc ung thư vú của phụ nữ. Người ta có thể chia đối tượng sàng lọc ung thư vú thành hai nhóm nguy cơ là nhóm nguy cơ trung bình và nhóm tăng nguy cơ. Nhóm tăng nguy cơ (nguy cơ tích lũy đến tuổi 75 là 15-20%):
Tiền sử gia đình (họ hàng bậc 1) có người mắc ung thư vú hoặc/và ung thư buồng trứng, vòi trứng, phúc mạc; Có mẹ, chị em gái, hoặc con gái đã được xác định mang đột biến gen BRCA1/2; Tiền sử sinh thiết vú chẩn đoán tăng sinh không điển hình.
Tiền sử mắc ung thư biểu mô thể tiểu thùy tại chỗ (LCIS); Tiền sử xạ thành ngực điều trị ung thư trước tuổi 30.
Ngoài ra, những phụ nữ đã được xác định có mang gen BRCA đột biến sẽ được xếp vào nhóm có yếu tố di truyền, cần có một chương trình sàng lọc, dự phòng và tư vấn đặc biệt.
Nhóm nguy cơ trung bình: Bao gồm những chị em phụ nữ trên 40 tuổi, không có bất kỳ dấu hiệu nào của nhóm yếu tố tăng nguy cơ.
Khi nào nên tầm soát ung thư sớm?
Hiện nay, tỷ lệ mắc ung thư có xu hướng gia tăng nhanh, đặc biệt ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Do vậy, việc khám tầm soát, phát hiện sớm ung thư ngày càng được quan tâm.
Ảnh minh họa
Tầm soát ung thư là gì?
Tầm soát ung thư là một trong ba bước của dự phòng ung thư, trong đó:
Dự phòng bước 1: Là phòng ngừa ban đầu nhằm cố gắng loại trừ hoặc giảm tối đa sự tiếp xúc với các chất gây ung thư để hạn chế xảy ra sự khởi phát bệnh ung thư.
Dự phòng bước 2: Là tầm soát và phát hiện sớm ung thư khi chưa có biểu hiện của bệnh, thậm chí những dấu hiệu của một tình trạng tiền ung thư.
Dự phòng bước 3: Là tìm biện pháp điều trị có kết quả nhằm mục đích tốt nhất đó là kéo dài số năm sống thêm của bệnh nhân.
Tại Việt Nam, hầu hết mọi người chỉ quan tâm tới dự phòng bước 3, tức là khi có bệnh mới tìm kiếm các phương pháp điều trị bệnh, giai đoạn này hầu như bệnh không còn ở giai đoạn sớm và kết quả điều trị sẽ hạn chế. Dự phòng bước 1 và dự phòng bước 2 mới là hai bước quan trọng trong dự phòng ung thư, nhiều bệnh ung thư khi được phát hiện sớm có cơ hội chữa khỏi hoàn toàn và kéo dài sự sống.
Khi nào cần tầm soát ung thư?
Ung thư vú: Phụ nữ từ 40 - 54 tuổi nên bắt đầu sàng lọc ung thư vú hàng năm bằng chụp xquang tuyến vú. Phụ nữ từ 55 tuổi nên chụp xquang tuyến vú hai năm một lần hoặc tiếp tục duy trì một năm một lần. Sàng lọc nên được kéo dài khi phụ nữ còn đủ sức khỏe và dự kiến sẽ sống thêm 10 năm nữa hoặc lâu hơn.
Ung thư đại tràng, trực tràng và polyp: Người lớn từ 45 tuổi trở lên có nguy cơ mắc ung thư đại tràng trung bình nên được sàng lọc bằng xét nghiệm phân, nếu xét nghiệm phân dương tính thì cần được nội soi đại tràng kiểm tra.
Người trưởng thành có nguy cơ trung bình có sức khỏe tốt và tiên lượng sống thêm trên 10 năm nên sàng lọc tới 75 tuổi. Từ 76 - 85 tuổi: Bác sĩ cân nhắc sàng lọc dựa trên tình trạng sức khỏe và nguyện vọng của bệnh nhân.
Ung thư cổ tử cung: Xét nghiệm ung thư cổ tử cung nên bắt đầu từ tuổi 21. Phụ nữ trong độ tuổi từ 21 - 29 nên làm xét nghiệm Pap 3 năm/lần. Không nên sử dụng xét nghiệm HPV ở nhóm tuổi này trừ khi cần thiết sau khi có kết quả xét nghiệm Pap bất thường.
Phụ nữ trong độ tuổi từ 30 - 65 nên làm xét nghiệm Pap cộng với xét nghiệm HPV được thực hiện 5 năm/lần. Nhưng cứ sau 3 năm thì bạn nên làm xét nghiệm Pap/lần.
Phụ nữ trên 65 tuổi đã được xét nghiệm ung thư cổ tử cung thường xuyên trong 10 năm qua với kết quả bình thường thì có thể ngừng sàng lọc.
Ung thư phổi: Sàng lọc ung thư phổi hàng năm bằng chụp CT liều thấp cho một số người có nguy cơ cao mắc ung thư phổi như: Có độ tuổi từ 55 - 74 và có sức khỏe bình thường; Hiện đang hút thuốc hoặc đã bỏ hút thuốc trong 15 năm qua.
Ung thư tuyến tiền liệt: Bắt đầu ở tuổi 50 nên được tầm soát ung thư tiền liệt tuyến. Đàn ông có cha hoặc anh trai bị ung thư tuyến tiền liệt trước 65 tuổi, thì nên được tầm soát ung thư tuyến tiền liệt từ 45 tuổi. Với đàn ông nguy cơ cao hơn khi nhiều thành viên trong gia đình chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt trước tuổi 65 thì nên được tầm soát ung thư tuyến tiền liệt bắt đầu từ tuổi 40.
Theo kinhtedothi
Thứ trưởng Bộ Y tế nói về việc phát hiện ung thư sớm ở Việt Nam GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết tỷ lệ phát hiện sớm ung thư tại nước ta tăng lên khoảng 50% so với trước đây chỉ 20-25%. Phát hiện sớm ung thư cùng với sự tiến bộ của khoa học trong chẩn đoán, điều trị khiến nhiều trường hợp tiên lượng chắc chắn tử vong đã được cứu sống...