Ứng cử viên Bộ trưởng Tài chính Mỹ hối thúc thông qua gói kích thích kinh tế
Ngày 19/1, bà Janet Yellen, người được Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden chỉ định làm Bộ trưởng Tài chính, đã lên tiếng hối thúc quốc hội nước này thông qua gói kích thích mới khi đà phục hồi của nền kinh tế mất động lực do số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tăng mạnh.
Bà Janet Yellen. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Tài chính Thương viện Mỹ trong quy trình phê chuẩn vị trí người đứng đầu Bộ Tài chính, bà Yellen nhấn mạnh cả Tổng thống đắc cử Biden và bà đều cân nhắc đến gánh nặng về nợ công của nước Mỹ khi thúc đẩy gói cứu trợ trên, song với lãi suất ở mức thấp lịch sử vào thời điểm hiện tại, điều nên làm nhất là hành động mạnh mẽ. Bà cho rằng về lâu dài lợi ích đạt được sẽ vượt xa chi phí, đặc biệt nếu chính quyền quan tâm đến việc hỗ trợ những người dân đã và đang phải chật vật trong thời gian dài.
Bà Yellen cũng nói về mong muốn giải quyết bất bình đẳng kinh tế. Nhiều nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách lo ngại về một “sự phục hồi hình chữ K”, trong đó những người có thu nhập cao phục hồi nhanh hơn từ cuộc suy thoái dịch COVID-19 so với những người có thu nhập thấp. Theo bà Yellen, mặc dù vẫn còn nhiều quan ngại về mô hình phục hồi hình chữ K, song trước khi dịch COVID-19 bùng phát, bản thân nước Mỹ cũng đang sống trong một nền kinh tế hình chữ K – một nền kinh tế được xây dựng dựa trên sự giàu có trong khi các gia đình lao động ngày càng tụt lại phía sau, đặc biệt là người da màu. Bà cho rằng nền kinh tế Mỹ phải được xây dựng lại “để tạo ra sự thịnh vượng hơn cho nhiều người hơn và đảm bảo rằng người lao động Mỹ có thể cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng cạnh tranh”.
Trước đó, Tổng thống đắc cử Biden đã công bố đề xuất về gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và gia đình Mỹ ứng phó với đại dịch. Hai dự luật cứu trợ trước đây được Quốc hội thông qua đã giúp ngăn nước Mỹ chìm sâu trong cuộc suy thoái tồi tệ thông qua việc cung cấp các khoản vay và trợ cấp cho các doanh nghiệp nhỏ, cũng như mở rộng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, các biện pháp này lại khiến thâm hụt ngân sách trong tài khóa 2020 (kết thúc vào ngày 30/9/2020) tăng vọt hơn 200% lên mức kỷ lục 3.100 tỷ USD.
Cũng trong phiên điều trần, bà Yellen cũng đề cập đến mối quan hệ thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc khi thừa nhận rằng Trung Quốc “rõ ràng là đối thủ cạnh tranh chiến lược lớn nhất của Mỹ”. Bà cho biết chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Biden sẽ sử dụng mọi công cụ sẵn có để giải quyết những hành vi thương mại mà Washington cho là “không công bằng” của Trung Quốc, gây suy yếu nền kinh tế Mỹ. Bà cam kết nếu được phê chuẩn vào chức Bộ trưởng Tài chính, bà sẽ đảm bảo giá đồng USD “sẽ do thị trường định giá” và “sẽ thực hiện cam kết của Tổng thống đắc cử Biden để phản đối mọi nỗ lực của nước ngoài nhằm thao túng tiền tệ để đạt được lợi thế không công bằng trong thương mại. Bà cũng nhấn mạnh các cuộc đàm phán về áp thuế kỹ thuật số dưới sự bảo trợ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có vai trò quan trọng để Mỹ thu thuế từ các tập đoàn đã chuyển trụ sở ra nước ngoài.
Bà Yellen từng đảm nhiệm chức Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Nếu được Quốc hội phê chuẩn, bà Yellen sẽ là nữ Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của nước này, với trọng trách giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới phục hồi sau đại dịch COVID-19.
EU cảnh báo thỏa thuận hạt nhân Iran ở vào 'thời điểm nguy nan'
Trong thư gửi ngày 18/1 tới các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU), Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cảnh báo thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với Nhóm P5 1 (gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) đang ở vào "thời điểm nguy nan" trong bối cảnh các động thái vi phạm thỏa thuận của Tehran đe dọa nỗ lực đưa Mỹ trở lại "Kế hoạch hành động chung toàn diện" (JCPOA) này.
Ủy viên phụ trách đối ngoại của EU Josep Borrell phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 16/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong thư, ông Borrell cho rằng "chúng tôi đã thấy những diễn biến đáng lo ngại về lĩnh vực hạt nhân cũng như các vòng trừng phạt mới của Mỹ.
Điều đó có nguy cơ làm suy yếu các nỗ lực ngoại giao, trong đó có cả những nỗ lực của chúng tôi, nhằm tạo điều kiện để Mỹ quay trở lại JCPOA và đưa Iran trở lại thực hiện đầy đủ các cam kết JCPOA".
Hiện EU vẫn trông chờ để sớm làm việc với Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden về khôi phục JCPOA, đồng thời bác bỏ cáo buộc của Tehran rằng EU đồng tình với các biện pháp cấm vận của Washington.
Trước đó, trong một tuyên bố đại diện khối ngày 11/1, ủy viên phụ trách đối ngoại của EU Josep Borrell khẳng định EU ủng hộ "ngoại giao tập trung với mục tiêu tạo thuận lợi cho việc Mỹ quay lại JCPOA và Iran trở lại thực thi đầy đủ cam kết trong thỏa thuận hạt nhân này".
Ông Biden, người sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1, đã đề cập tới khả năng Mỹ quay trở lại JCPOA. Trong một dấu hiệu cho thấy ý định nhanh chóng tiếp cận vấn đề hạt nhân Iran, ông Biden ngày 11/1 đã đề cử ông William Burns, một nhà ngoại giao đã nghỉ hưu, vào vị trí người đứng đầu Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Ông Burns chính là người đã kết nối các cuộc đàm phán bí mật với Tehran để tạo cơ sở cho việc ký kết thỏa thuận năm 2015.
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden chủ trì lễ tưởng niệm nạn nhân dịch COVID-19 tại Washington Ngày 19/1 (theo giờ phương), Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã tới thủ đô Washington để chuẩn bị cho lễ nhậm chức vào thời điểm u ám khi nước Mỹ ghi nhận số ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vượt 400.000 ca, cũng như đang phải chứng kiến sự chia rẽ chính trị sâu sắc hơn...