Ukraina: Kế ‘giữ thể diện’ cho Nga và phương Tây
Những biện pháp nhằm ‘giữ thể diện’ tối thiểu sẽ giúp thỏa mãn lợi ích mỗi bên và cho phép họ lui dần khỏi đối đầu.
Cuộc khủng hoảng tại Ukraina đã giảm dần khả năng biến thành xung đột quân sự, giờ là lúc các bên liên quan ngồi lại với nhau để tìm giải pháp chính trị. Bởi chẳng ai muốn viện đến súng ống hay các trừng phạt có nguy cơ gây hậu quả tai hại cho nền kinh tế mong manh tại châu Âu cũng như với Nga.
Đặc biệt, những biện pháp nhằm ‘giữ thể diện’ tối thiểu sẽ giúp thỏa mãn lợi ích mỗi bên và cho phép họ lui dần khỏi đối đầu. Hai góc nhìn dưới đây một về phía Nga, và một về phía Ukraina – sẽ giúp định hình nên một giải pháp phù hợp với nguyên tắc và lợi ích của các bên.
Trước tiên là về phía Nga. Tham vọng chiến lược của Tổng thống Putin là tạo nên một Liên minh Âu – Á, một thực thể sẽ giúp đảm bảo ưu thế vượt trội của Nga trên toàn không gian Liên Xô cũ. Về mặt lịch sử, đây chính là nền tảng tạo nên lực đẩy cho địa chính trị của Nga. Nếu thiếu Ukraina, nước cộng hòa cũ thuộc Liên Xô có vị trí chiến lược với nền kinh tế có tiềm năng nhất, chỉ sau Nga, thì Liên minh Âu – Á sẽ chẳng còn nghĩa lý gì.
Nga có thể kiểm soát được Crưm và vài tỉnh khác nữa của Ukraina, nhưng nếu phần còn lại của Ukraina xích lại gần châu Âu hơn về mặt kinh tế, chính trị và an ninh, thì đó sẽ là một thất bại tai hại cho giấc mơ của ông Putin. Tuy nhiên, Putin là người rất thực tế và rất giỏi trong việc điều chỉnh cán cân quyền lực. Ông sẽ không mạo hiểm một cách vô cớ. Putin thừa hiểu rằng Moscow không thể kiểm soát toàn bộ Ukraina.
Mục đích đằng sau những hành động gần đây của ông hẳn nhiên không phải nhằm chia cắt một phần nước Ukraina theo kiểu tân đế quốc. Đúng hơn là, quyền kiểm soát Crưm sẽ được dùng như một lá bài để tranh thủ chính quyền Kiev, sao cho đạt được mục đích tối thiểu của ông, đó là không quyết định ngả theo phương Tây, nhưng vẫn để ngỏ một phương án cho tương lai xích gần hơn về phía Nga.
Video đang HOT
Ảnh minh họa. Nguồn: Theepochtimes.com
Góc nhìn thứ hai từ phía Ukraina. Mặc dù phương Tây không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hậu thuẫn cho chính quyền Ukraina hiện thời, họ cũng nên trung thực mà thấy rằng chính quyền này thiếu dân chủ. Hơn nữa, chính quyền này còn có các thành viên của nhóm lãnh đạo tha hóa đã từng ngự trị Ukraina trong ít nhất một thập kỷ qua và đẩy đất nước này tới bờ vực sụp đổ.
Thêm vào đó, một điều không kém phần kỳ khôi là phương Tây đang ủng hộ những hành động của một Quốc hội Ukraina được bầu lên năm 2012 trong một tiến trình mà OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu) cho là kém tự do và công bằng hơn là quy trình bầu nên ông Yanukovich năm 2010. Điều mà Ukraina cần lúc này chính là một Tổng thống và Quốc hội hợp pháp, vì đây là nền tảng cho một chính phủ hợp pháp. Và con đường để tới đó chính là thông qua bầu cử, càng sớm càng tốt.
Từ hai góc nhìn trên cho thấy một con đường rất sáng tỏ. Người Nga luôn cho rằng các bên cần tôn trọng thỏa thuận ngày 21/2 mà ông Yanukovich và phe đối lập đã đạt được. Nhưng khi đáp trả lại các cáo buộc nặng lời của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, điều mà Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lưu ý không phải là tôn trọng toàn bộ nội dung bản thỏa thuận trên, mà đúng ra là nên coi đó như ‘nền tảng’ cho một giải pháp của khủng hoảng. Thêm vào đó, các quan chức Nga dù công nhận ông Yanukovich vẫn là Tổng thống hợp pháp của Ukraina, cũng thừa hiểu rằng trong điều kiện hiện nay ông này đã ‘lực bất tòng tâm’.
Thuyết phục Nga gây sức ép cho ông Yanukovich từ chức có thể giúp tạo ra một tiến trình chính trị nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng trên nền tảng của một thỏa thuận tháng Hai với phiên bản đã được chỉnh sửa cho thích hợp. Mục đích chính là thiết lập nên một cấu trúc chính trị hợp pháp được cả Nga, Liên minh châu Âu và Mỹ hậu thuẫn, và để cho các lãnh đạo mới ở Ukraina có thêm thời gian và không gian đạt được đồng thuận về một hệ thống chính trị bền vững và mang tính xây dựng.
Các nhân tố của giải pháp. Những điều gì có thể thuyết phục được người Nga? Dưới đây là một số yếu tố cần xem xét.
Chính quyền. Chính quyền lâm thời do Thủ tướng Yatsenyuk đang vận hành ở Kiev cần được mở rộng để có thêm các đại diện chính trị của Ukraina. Trọng tâm của chính quyền này sẽ là tổ chức các cuộc bầu cử sắp tới và giải quyết các vấn đề tài chính và kinh tế cấp bách.
Bầu cử Tổng thống. Theo hiến pháp Ukraina, việc ông Yanukovich từ chức có thể là các bước đi theo hướng bầu cử được Tổng thống mới trong vòng 90 ngày. Ông Turchynov vẫn có thể là tổng thống tạm quyền.
Bầu cử Quốc hội. Song song với việc ông Yanukovich từ chức, Quốc hội Ukraina (Rada) cũng phải tự giải thể để bước sang giai đoạn bầu cử quốc hội mới trong vòng 60 ngày theo luật hiện hành tại Ukraina. OSCE có thể đóng vai trò là nhà giám sát, để đảm bảo rằng Mỹ, châu Âu, Nga và Ukraina đều góp mặt trong phái đoàn này. Mỹ, EU và Nga có thể giúp Ukraina bằng cách đài thọ cho quá trình này.
Cải cách hiến pháp. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của tổng thống và quốc hội mới tại Ukraina là cải cách hiến pháp, sao cho tập trung vào việc tìm ra một cán cân quyền lực hiệu quả và được chấp thuận. Hiến pháp này sẽ hạn chế các khả năng đặt đất nước dưới sự cai trị độc đoán. Hiến pháp mới sẽ phải được đưa ra trưng cầu dân ý.
Maidan. Người dân có quyền ở quảng trường Độc lập chừng nào họ muốn, miễn là họ biểu tình trong hòa bình. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ được quyền tạo ra ảnh hưởng thái quá lên tiến trình chính trị. Họ có thể đại diện cho một phần dân chúng Ukraina, nhưng không ai rõ là thành phần nào – bầu cử sẽ quyết định việc này.
Những bên đảm bảo cho Độc lập, Chủ quyền và Toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina. Mỹ, Nga và Anh nên khẳng định lại cam kết của mình như đã ghi rõ trong Biên bản ghi nhớ Budapest năm 1994. Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên, trước tiên là Đức, cũng cần đưa ra các tuyên bố đảm bảo cần thiết. Về phần mình, Kiev nên tái khẳng định các cam kết về tình trạng ‘không liên kết’ như đã ghi rõ trong luật pháp của nước này, và được coi như nền tảng cho chính sách đối nội và đối ngoại của Ukraina năm 2010. Moscow cũng chỉ nên duy trì lực lượng quân đội ở Crưm ở mức như trước khi cuộc khủng hoảng nổ ra, tức là như hồi tháng 9/2013.
Biên bản ghi nhớ các Đàm phán về bản Thỏa thuận liên kết với EU hoặc Thành viên trong Liên minh Thuế quan do Nga chủ trì. Ukraina tất nhiên có quyền tham gia các tổ chức quốc tế nếu họ thấy phù hợp. Tương tự vậy, EU cũng như Liên minh Thuế quan của Nga cũng không thể ngăn cản bất kỳ quốc gia nào muốn gia nhập. Brussels và Moscow nên hiểu rằng chừng nào một cấu trúc quyền lực ở Ukraina chưa được hình thành thì chừng đó chưa thể nói đến chuyện tư cách thành viên của Kiev. Vì vậy, mỗi bên đều đạt được mục đích tối thiểu của mình là giữ cho Ukraina không nằm trong các cấu trúc kinh tế và không gian điều tiết của bên còn lại.
Những đề xuất trên đây chỉ đơn giản là một khung nghị sự. Các chi tiết cần được làm rõ trong các đàm phán giữa các bên liên quan. Và đi kèm với đó là một gói kinh tế giúp Ukraina thoát ra khỏi tình trạng khó khăn về tài chính và kinh tế hiện nay, ít nhất cho tới khi các cấu trúc chính trị hợp pháp được hình thành.
Lê Thu (theo National Interest)
—-
Tác giả bài viết Thomas Graham từng là giám đốc phụ trách các vấn đề Nga trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, năm 2004-2007.
Theo_VietNamNet