U90 vẫn “gạt nắng đội mưa” đến với những học trò đặc biệt
“Một con chữ Một chút đạo đức = Một con người tốt” là công thức sử dụng hàng ngày mà cô Hoàng Ngọc Thương (trường THCS Độc Lập, Phú Nhuận, TPHCM) áp dụng trong nhiều năm qua khi tham gia dạy học ở lớp phổ cập.
Ở tuổi ngoài 80, cô vẫn lưng còng gạt nắng, đội mưa đến lớp để dạy chữ cho những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt.
Cô Hoàng Ngọc Thương và học trò
Lớp học đêm giữa lòng thành phố
Đúng 18 giờ, cô giáo Hoàng Ngọc Thương đạp xe đến trường THCS Độc Lập để dạy chữ cho lớp học đêm. Lớp học nằm trong chương trình phổ cập giáo dục của trường THCS Độc Lập. Chương trình dạy từ lớp 1 đến lớp 9, mỗi lớp có một giáo viên phụ trách. Hiện cô giáo Thương đang phụ trách dạy cho học sinh lớp 4 và cũng là cô giáo lớn tuổi nhất ở đây.
Gọi là lớp học đặc biệt vì học sinh của cô mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau. Có em đã đi làm bảo vệ hoặc đi bán vé số ban ngày, có em chậm phát triển, có em đã ngoài 30 tuổi nhưng mới học chương trình tiểu học…
“Những cô giáo dạy phổ cập thường là giáo viên lớn tuổi, đã về hưu, có kinh nghiệm về sư phạm. Vì lớp học đêm có nhiều em đã lập gia đình mới đi học lớp 1 nên rất mặc cảm. Khi đi học với cô giáo già sẽ có cảm giác như bà ngoại, bà nội ở nhà, nên các em không ngại ngần. Tôi đứng trên bục giảng hơn 60 năm rồi. Lúc chưa về hưu thì dạy song song cả lớp ngày và lớp đêm. Sau khi về hưu thì tiếp tục tham gia lớp phổ cập này”, cô Thương chia sẻ.
Theo cô Thương, học sinh ở lớp học đêm trước khi vào trường đều phải trải qua vòng khảo sát trình độ để xếp lớp. Học sinh chỉ cần có nguyện vọng đi học đều được nhận vào học miễn phí. Cách thức tổ chức lớp học tương tự như lớp dành cho học sinh vào ban ngày.
“Lớp học có những em đã đi làm bảo vệ, đi buôn bán… Các em cần cái chữ để ghi tên, ghi lịch làm việc. Các em đến xin học không cần điều kiện gì, trình độ nào cũng nhận, có hộ khẩu hay không cô cũng nhận và hướng dẫn làm hồ sơ, mang đến thầy Chung, hiệu trưởng, ký là được vô học. Các em học ở đây cũng có bằng cấp như các em học phổ thông. Các em có quyền được đi học nên có thể học đại học”, cô Thương cho biết.
“Đứng trước học trò, cô cảm thấy vui”
Cô Thương chia sẻ: “Các em tham gia lớp học phổ cập đa số ban ngày đi lao động vất vả. Nhiều em mới vào còn rất nghịch, ăn nói không lễ phép. Nhưng khi vào lớp thì cô rèn lại ngay. Trong một lớp, cô cho học sinh cá biệt ngồi một bên, còn trình độ ngang nhau ngồi một bên.
Mỗi em, cô đều có cách uốn nắn khác nhau. Ví dụ như xưng hô, chào hỏi… những điều rất nhỏ nhưng cả đời các em chưa bao giờ làm, vì vậy cô đều dạy lại. Thậm chí nhiều em không mặn mà với việc đi học, cô phải đến tận nhà vận động.
Cô khuyên các em ra lớp học, học một chữ cũng được, đánh vần chữ “cô” thôi cũng được. Nhưng thực ra, một khi các em đã chịu đi học thì làm gì có em nào học một chữ đâu. Mỗi ngày mình dạy một chữ cộng một chút đạo đức sẽ tạo được một con người tốt”.
Cô Hoàng Ngọc Thương ở lớp học
Kể về người học trò ấn tượng trong cuộc đời dạy học của mình, cô Thương cho biết: “Đó là cậu học trò có tên Hồ Văn Sang. Cô còn nhớ, cứ mỗi tối em Hồ Văn Sang lại đội thúng bánh tráng để đi bán. Dưới cái thúng đựng bánh là đồng phục trường Độc Lập. Mẹ Sang giao nhiệm vụ phải bán hết mới được đi học.
Vậy nên, các cô thầy đêm nào cũng chia nhau mua bánh tráng để ăn. Ai cũng ăn bánh tráng đến ngán luôn. Nhiều người hàng xóm còn thắc mắc tại sao đêm nào cô cũng ăn bánh tráng. Rồi em tốt nghiệp ra làm trưởng phòng bút bi Thiên Long. Mỗi khi nhận thưởng, em hay đổi sang nhận bút bi để giúp đỡ những học sinh khó khăn như mình trước đây”.
“Con tằm đến chết vẫn còn vương tơ. Giống như cô tâm huyết với nghề giáo của mình. Khi khó khăn, cô làm đủ thứ nghề để mưu sinh thì phụ huynh, học sinh vẫn gọi cô là cô giáo. Cách xưng hô đó làm cô ấm lòng hơn là gọi bà này, bà kia. Cô đứng trước học trò, cô cảm thấy vui.
Cô muốn truyền đạt lại cho thế hệ các thầy cô trẻ rằng, nghề giáo rất cao quý, đã theo thì không bỏ. Bà giáo già 80 tuổi như cô còn dạy được thì không có lý gì người trẻ không làm được. Cô đã theo nghề hơn 60 năm và bây giờ vẫn đứng trên bục giảng. Có lẽ những cây cô trồng nay cũng thành cây cổ thụ cả rồi chứ không chỉ là cây hái quả đâu”, cô Thương dí dỏm chia sẻ.
Là cô giáo đáng kính của nhiều thế hệ học trò, cô còn là người mẹ của 10 người con. Tất cả các con của cô đều trưởng thành. Nhiều người đã tiếp bước mẹ trong sự nghiệp “trồng người”.
Cô giáo xương thủy tinh mở lớp học miễn phí
Suốt 16 năm qua, cô giao xương thuy tinh vẫn miệt mài truyền dạy tri thức va cảm hứng, nghị lực sống cho rất nhiều bạn trẻ.
Nhắc đến cô gái Nguyễn Thị Ngọc Tâm, người dân thôn Trại 4, xã Yên Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định không ai là không biết đến cô gái đã 30 tuổi chỉ nặng vỏn vẹn 15kg nhưng có nghị lực phi thường.
Mắc căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh nên từ khi chào đời đến nay, cô phải chịu nhiều đau đớn do căn bệnh này gây ra. Lúc mới lọt lòng mẹ, một chân của Tâm bị quặt ngược lên bụng không thể duỗi thẳng. Đến năm 2 tuổi mới được phẫu thuật, lúc này chân đã có thể duỗi nhưng Tâm vẫn không thể đi lại. Không những vậy, càng lớn Tâm lại bị thêm nhiều bệnh khác như tim, phổi, phế quản, dạ dày khiến sức khỏe cô mỗi ngày một yếu.
Bệnh tật dày vò, thế nhưng mong ước được đến lớp đến trường và trở thành cô giáo của cô bé xương thủy tinh chưa bao giờ tắt. Năm 8 tuổi Tâm mới được đi học lớp 1, với bản tính thông minh cộng thêm sự cần cù không phụ lòng ông bà, cha mẹ và thầy cô 9 năm đi học Tâm luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tâm
Con đường học tập của Tâm phải dừng lại khi Tâm bước vào cấp 3, nhà xa trường 15km nênTâm phải chấp nhận nghỉ học ở nhà vì sức khỏe yếu và gia đình lúc này cũng chưa có xe máy đưa đón, phần cũng vì đường xa nên gia đình cũng sợ Tâm xảy ra bất trắc.
Làm cô giáo là ước mơ lớn nhất của Tâm. Nhưng biết căn bệnh mình mang không có cách nào chữa khỏi nên từ nhỏ Tâm đã chấp nhận sống chung với nó và hiện thực hóa ước mơ theo cách của riêng mình.
Không thể đứng trên bục giảng được, để giúp ích cho đời, cũng là thực hiện ước mơ được làm cô giáo của mình, Tâm quyết định mở lớp học miễn phí ngay tại nhà để kèm cặp các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 8 gần nhà hoặc những ai cần Tâm giúp đỡ.
Người bình thường làm cô giáo đã khó, còn với Tâm thì điều ấy còn khó gấp hơn vạn lần. Ấy thế mà trong 16 năm qua đã có hàng trăm em học sinh được Tâm dạy học, không chỉ những em học sinh ở gần nhà mà ngay cả những em học sinh nhà cách xa hơn 20km cũng tìm đến lớp học của Tâm. Một lớp học đặc biệt 5 không: không phấn, không bảng, không bục giảng, không giáo án và không học phí, nhưng lớp học ấy luôn đầy ắp sự yêu thương, cô và trò luôn tíu tít bên nhau.
Lớp học luôn đầy ắp các em học sinh
Nhiều người hỏi không thu học phí thì việc duy trì lớp học có khó khăn gì không ?, Tâm trả lời không chút do dự "Thực ra mình nghĩ nếu chúng ta nghĩ nó là khó khăn thì nó sẽ là khó khăn, còn mình nghĩ đó là những điều mình cần phải vượt qua thì nỗ lực hơn nữa sẽ vượt qua được, chỉ cần là mình còn có thể nói được và các em học sinh còn yêu mến cô thì mình sẽ tiếp tục chặng đường của mình".
Không chỉ có lớp học, Tâm còn mở một thư viện nhỏ và lập quỹ học bổng Ngọc Tâm thủy tinh để khích lệ các em học tập tốt hơn. Không phụ công sức và tấm lòng của Tâm, nhiều em từng được Tâm kèm cặp sau này đã đỗ vào các trường Đại học danh tiếng tại Hà Nội. Nhiều em nhỏ khác cũng được chọn vào trong các đội tuyển đi thi học sinh giỏi ở huyện, tỉnh. Với Tâm, đây là nguồn động lực giúp Tâm có thêm niềm tin, có thêm sức khỏe để tiếp tục giúp đỡ những em học sinh khác.
Cho đến bây giờ Tâm luôn vui vẻ lạc quan để sống, "tương lai điều gì đến sẽ đến, còn hôm nay chúng ta hãy cứ luôn vui vẻ". Tâm mong mình có sức khỏe để có thể tiếp tục làm công việc yêu thích. Có thêm cơ hội truyền cảm hứng cho những người có hoàn cảnh không may mắn như em có thêm niềm tin vào cuộc sống. Không quan trọng bạn sống lâu quan trọng là phải sống ý nghĩa. Vì sống không có nghĩa chỉ là tồn tại.
Hành trình "không gì là không thể" của Nguyễn Thị Ngọc Tâm và chặng đường 16 năm dạy học miễn phí trong chương trình Nối trọn yêu thương đã được nhiều khán giả ngưỡng mộ.
Là một khán giả và cũng là người đồng hành cùng chương trình Nối từ những số đầu tiên, bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã rất cảm kích trước nghị lực của Tâm: "Chào Ngọc Tâm, rất khó hình dung em là một cô bé 30 tuổi nhưng chỉ nặng 15kg. Đối với chị, em là một cô bé có một nụ cười rất xinh và tràn đầy năng lượng để truyền cho mọi người xung quanh. Với ước mơ và khát vọng làm cô giáo, em đã truyền động lực cũng như là thay đổi thái độ sống cho những bạn trẻ và em cũng truyền năng lượng cho rất nhiều người trong đó có chị. Chị mong rằng món quà của Tân Hiệp Phát sẽ là một phần động viên, cũng như đồng hành với em trong cuộc sống".
Lớp học miễn phí của bà lão bán vé số Chiều đến, sau khi bán hết xấp vé số, bà Nguyễn Thị Ba, 72 tuổi, ở TP Thủ Dầu Một, đi bộ đến lớp tình thương để dạy kèm học trò nghèo. Bà Nguyễn Thị Ba, ở phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương là giáo viên tiểu học đã về hưu được 7 năm nay. Chỉ vào tấm ảnh cũ...