Tuyển sinh lớp 10: Toán, Văn nhân hệ số 2 có lỗi thời?
Chúng ta đang thực hiện đổi mới giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện của học sinh.
Ảnh minh họa/INT
Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, cách tính điểm Toán, Ngữ văn nhân hệ số 2 ở kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập của một số địa phương đã lỗi thời. Không có lý gì điểm thi vào lớp 10 vẫn làm theo cách cũ từ hơn 10 năm nay.
Cô Nguyễn Ly Nga – giáo viên Trường THPT Phúc Thọ (Hà Nội): Tất cả môn học đều bình đẳng
Cô Nguyễn Ly Nga
Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập, nhiều địa phương áp dụng công thức nhân hệ số 2 đối với môn Toán và Văn, môn còn lại tính theo hệ số 1. Tôi cho rằng, cách tính này không còn phù hợp với bối cảnh đổi mới giáo dục, nhất là hiện nay toàn ngành đang triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó chú trọng đến phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện cho học sinh. Vì thế, cách tính điểm như trên vô hình trung sẽ không công bằng, bất hợp lý và ít nhiều sẽ gây tâm lý học lệch cho học sinh.
Qua theo dõi cho thấy, nhiều địa phương đã công bố 3 môn thi gồm: Toán, Văn, Tiếng Anh để tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập năm 2022. Tôi hoan nghênh các địa phương đã quyết định chọn Tiếng Anh là môn thi thứ 3 của kỳ thi tuyển sinh này. Việc lựa chọn Tiếng Anh là hợp lý, bởi môn học này ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống và là một trong những “chìa khóa” để các em trở thành công dân toàn cầu.
Hiện nay, cách đánh giá, xếp loại học sinh đã đổi mới – không nhân hệ số 2 với môn Toán và Ngữ văn. Đồng thời, khi đánh giá xếp loại học lực, điểm môn Tiếng Anh cũng được coi là một tiêu chí tương đương môn Toán, Văn. Ví dụ: Để đạt học lực giỏi, ngoài 2 tiêu chí: Trung bình các môn trên 8,0 và không có môn nào dưới 6,5 thì cần thêm tiêu chí: Toán hoặc Văn hoặc Tiếng Anh phải từ 8,0 trở lên.
Điều đó cho thấy, các môn đều bình đẳng nhau. Vì vậy không có lý gì mà kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, các địa phương lại áp dụng nhân hệ số 2 đối với môn Toán, Văn; còn môn thứ 3 (có thể là Ngoại ngữ, hoặc bất kỳ môn học nào khác) lại là hệ số 1. Đã đến lúc các địa phương cần thay đổi cách tính điểm của kỳ thi này bằng cách: Tất cả môn thi/bài thi đều tính theo hệ số 1, nhằm bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các bộ môn, tránh việc học lệch của học sinh.
TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT): Dễ làm gia tăng tình trạng học thêm , dạy thêm
Video đang HOT
TS Hoàng Ngọc Vinh
Cách tính điểm trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập của một số địa phương bằng cách: Toán, Văn nhân hệ số 2 rất dễ dẫn đến tình trạng học sinh học lệch. Các địa phương phải chứng minh một cách khoa học, tại sao lại áp cách tính điểm như vậy và tại sao phải nhân hệ số 2 đối với môn Toán, Văn. Việc áp dụng cách tính điểm này có thể dẫn đến nhiều hệ quả như: Một bộ phận thầy, cô giáo thuộc bộ môn Toán, Văn sẽ được coi trọng, còn những bộ môn khác ít được chú trọng hơn. Điều này dẫn đến xuất hiện tư tưởng môn chính, môn phụ, học sinh sẽ không chú trọng học tập bộ môn được tính là hệ số 1.
Vẫn biết, việc tổ chức thi môn nào là do các địa phương quyết định, nhưng cũng nên cân nhắc thật kỹ để tránh đưa ra những quyết sách thiếu căn cứ khoa học. Tại sao lại phải nhân hệ số 2 với môn Toán, Văn? Vì sao không để cùng hệ số 1?… Suy cho cùng, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, dù điểm thấp hay cao cũng sẽ lấy từ trên xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu.
TS Đỗ Viết Tuân – Nhà sáng lập Công ty Edufly JSC, Quản lý nhãn sách Sigma books: Không nên áp dụng hệ số 2 với bất kỳ môn thi nào
TS Đỗ Viết Tuân
Tôi ủng hộ cách tính hệ số 1 với tất cả môn thi của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10; sau đó, tính tổng điểm rồi xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến khi hết chỉ tiêu. Nếu tính điểm hệ số 1 tất cả môn thi sẽ cho thấy tính chân thực của kỳ thi và biết được chất lượng dạy học của các trường THCS như thế nào; từ đó giúp nhà trường nhìn nhận vào thực tiễn để có thêm biện pháp tháo gỡ, đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp học sinh học tốt hơn.
Tôi vẫn quan ngại, nếu nhân hệ số 2 với môn Toán, Văn, rất có thể gây cảm giác ngộ nhận cho thí sinh là đạt điểm cao. Còn nếu phải tính hệ số 2 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chỉ nên áp dụng đối với các môn chuyên ở trường THPT chuyên, còn những trường không chuyên không nên áp dụng hệ số 2 với bất kỳ môn thi nào.
Đào Nguyễn Minh Châu – lớp 9G5, Trường THCS Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội): Chúng em cần công bằng và bình đẳng với nhau
Đào Nguyễn Minh Châu
Em mong muốn kỳ thi vào lớp 10 tới đây và những năm tiếp theo sẽ không tính hệ số 2 với bất kỳ môn học nào. Theo em, môn học nào cũng quan trọng nên cần có sự bình đẳng để không thí sinh nào bị thiệt thòi hay được hưởng lợi từ cách tính điểm như trước đây (Toán, Văn nhân hệ số 2, môn còn lại tính theo hệ số 1).
Giả sử, có bạn học tốt môn Tiếng Anh nhưng môn Toán không được tốt, thậm chí điểm thi kém. Nếu nhân hệ số 2 môn Toán và Ngữ văn, bạn đó có thể bị trượt vào lớp 10. Cũng với cách tính này, những bạn học kém tiếng Anh vẫn có thể trúng tuyển vì được nhân hệ số 2 ở hai môn thi còn lại. Nói chung, em thấy cách tính điểm như vậy chưa thực sự hợp lý, chưa tạo được sự công bằng giữa các thí sinh trong cuộc đua “lên cấp”. Do đó, em mong có sự thay đổi trong mùa tuyển sinh năm nay. Theo đó, tất cả môn thi nên tính theo hệ số 1, rồi cộng lại và xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chi tiêu thì dừng lại.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, cách tính điểm trên rất dẫn đến việc ứng xử giữa các thầy cô trong trường không được hài hòa. Cùng với đó, có thể làm gia tăng tình trạng học thêm, dạy thêm ở những môn được nhân hệ số 2. Điều đó làm mất đi tính nhân văn của giáo dục, sai với triết lý giáo dục phổ thông và không phù hợp với tinh thần của Luật Giáo dục 2019.
Tuyển sinh lớp 10: Tăng tốc ôn tập
Tranh thủ thời gian học trực tiếp, giáo viên, nhà trường tăng cường củng cố kiến thức, rèn kỹ năng cho học sinh lớp 9.
Tùy vào nhận thức, nguyện vọng của trò, thầy cô có cách tiếp cận riêng.
Tranh thủ thời gian học trực tiếp, các trường đang tăng cường củng cố kiến thức, rèn kỹ năng cho học sinh lớp 9.
Tập trung bù đắp kiến thức
Lớp 9A8, Trường THCS Trần Ngọc Quế (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) có 41 học sinh; trong đó 35 em học lực đạt loại khá, giỏi. Cô Nguyễn Thị Thùy Dung, giáo viên dạy môn Vật lý của lớp cho biết: "Là giáo viên chủ nhiệm, ngoài việc tư vấn cho học sinh hình thức, cách chọn nguyện vọng ở kỳ thi tuyển sinh lớp 10, tôi còn tập trung giảng dạy, ôn tập.
Thông qua đề thi các năm trước, giáo viên cố gắng cho các em tiếp cận và làm thử. Sau nhiều lần được cọ xát đề thi, học lực nhiều em tiến bộ rõ rệt nhờ xác định được trọng tâm kiến thức. Ngoài ra, đoàn thể, phụ huynh học sinh, giáo viên bộ môn (Toán, Văn, Tiếng Anh) cùng phối hợp để đánh giá đúng năng lực học tập, tư vấn cho các em chọn nguyện vọng phù hợp".
Năm học 2021 - 2022, Trường THCS-THPT Thạnh Thắng (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) có 3 lớp 9 với gần 100 học sinh. Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên các em phải học trực tuyến suốt học kỳ I, chất lượng học tập bị ảnh hưởng. Ngay khi trở lại trường, thầy trò khá áp lực trước việc dạy bài mới, ôn tập củng cố kiến thức, chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Cô Huỳnh Thị Kim Chi, Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Thạnh Thắng cho hay: Từ đầu học kỳ II, nhà trường đã họp trao đổi giữa giáo viên chủ nhiệm với giáo viên bộ môn cùng phụ huynh để bàn bạc, thống nhất cách ôn thi cho các em lớp 9. Giải pháp được đưa ra là vừa ôn tập trực tiếp kết hợp trực tuyến cho học sinh.
"Giáo viên chủ nhiệm các lớp linh động giải pháp: Giáo viên kèm học sinh và học sinh giỏi kèm học sinh yếu hơn. Các em được theo dõi học lực, nhất là môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh để hổng chỗ nào, giáo viên sẽ bù đắp chỗ đó. Riêng các em khá, giỏi cũng chung tay với thầy cô hỗ trợ bạn học lực yếu hơn. Đồng trang lứa, cùng học với nhau nên việc hỗ trợ rất hiệu quả", cô Kim Chi chia sẻ.
Theo cô Kim Chi, để tránh tạo áp lực về kiến thức cũng như bài vở cho học sinh, nhà trường chủ động tổ chức ôn thi theo từng bước. Sau khi kết thúc kiểm tra học kỳ II, giáo viên căn cứ vào kết quả để sàng lọc và phân nhóm học sinh tập trung ôn tập, củng cố kiến thức trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Nhà trường cũng yêu cầu giáo viên bộ môn phối hợp với giáo viên chủ nhiệm chủ động rà soát học sinh yếu kém, hổng kiến thức trong quá trình học trực tuyến.
Sau thời gian dài học trực tuyến, tỉnh Đồng Tháp đang tập trung bù đắp kiến thức cho học sinh, đặc biệt là lớp 9. Ngay khi trở lại học trực tiếp, nhà trường rà soát, đánh giá học lực học sinh khối lớp 9. Qua đó phân loại cụ thể đối với từng nhóm theo năng lực học tập để có kế hoạch bù đắp kiến thức.
Theo đại diện Sở GD&ĐT Đồng Tháp, các hoạt động rà soát được thực hiện thường xuyên và cập nhật lên hệ thống quản lý của ngành. Chất lượng từng môn học đối với học sinh sẽ được cập nhật trên hệ thống. Đối với em có học lực trung bình, yếu, ban giám hiệu chỉ đạo giáo viên các trường có kế hoạch ôn tập, củng cố kiến thức để các em dự thi tuyển vào lớp 10.
Đồng thời, thực hiện chỉ tiêu tuyển 70% số học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 và lớp 10 chuyên tại các trường. Nhà trường, giáo viên phổ biến nội dung chương trình trọng tâm để các em có sự chuẩn bị kỹ từ kiến thức cơ bản đến nâng cao để tham dự kỳ thi quan trọng sắp tới.
Để việc học không bị gián đoạn, việc linh động dạy học trực tuyến - trực tiếp cho học sinh lớp 9 đạt hiệu quả.
Không để học sinh F0, F1 chậm nhịp
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều học sinh là F0, F1 phải cách ly tại nhà. Để việc học không bị gián đoạn, việc dạy học cho học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 9 được nhà trường thực hiện bằng nhiều giải pháp hiệu quả.
Ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang thông tin: Ngành Giáo dục tận dụng hai hình thức là dạy học trực tuyến và trực tiếp. Khi dịch bệnh được kiểm soát, toàn ngành nhanh chóng tổ chức dạy học trực tiếp, rà soát hệ thống kiến thức cho học sinh. Đồng thời, chủ động thực hiện chương trình, lựa chọn các nội dung cốt lõi theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Thời gian qua, nhờ áp dụng linh hoạt mô hình "lớp học 2 trong 1" nên trong tình huống nào ngành Giáo dục vẫn có thể duy trì hoạt động dạy học, không bị gián đoạn.
Tại TP Cần Thơ, "lớp học 2 trong 1" đã giúp nhiều học sinh lớp 9 yên tâm học tập dù phải cách ly tại nhà. Như Trường THCS thị trấn Thới Lai, từ đầu học kỳ II năm học 2021 - 2022 đã đầu tư 4 phòng học "2 trong 1" để phục vụ học sinh, đặc biệt là học sinh khối lớp 9. Các phòng này được đầu tư tivi, máy tính, micro không dây. "Việc đưa vào sử dụng phòng học hai chức năng nhằm đảm bảo kiến thức cho tất cả học sinh. Cán bộ, giáo viên của trường đều có thể kiểm tra, dự giờ lớp học này qua đường link", thầy Trần Quang Nhựt, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Thới Lai, cho biết.
Trường THCS Long Tuyền (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cũng linh hoạt, tạo điều kiện để học sinh được học tập. Để đầu tư phòng học "2 trong 1", nhà trường tận dụng các trang thiết bị có sẵn như máy tính, máy chiếu, loa... Đồng thời trang bị thêm hệ thống camera.
Một trong những học sinh tham gia học trực tuyến, em Huỳnh Vĩnh An, học sinh lớp 9 Trường THCS Long Tuyền cho biết: "Do dịch bệnh nên em phải ở nhà một thời gian, rất may được học trực tuyến qua phòng học 2 trong 1 nên theo kịp bài. Ban đầu em rất lo lắng vì sợ hổng kiến thức, khó có thể đảm bảo kết quả tốt cho kỳ thi tuyển vào lớp 10, nhưng được thầy cô quan tâm, tạo điều kiện nên em dần yên tâm".
Theo thầy Lâm Đạo Hùng, Tổ trưởng Bộ môn Toán, Trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), cả một học kỳ, học sinh phải học trực tuyến nên bước sang học kỳ II, giáo viên vừa dạy kiến thức mới, vừa ôn tập và củng cố kiến thức cũ cho học sinh. Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, tỷ lệ học sinh đăng ký vào trường chuyên khá cao nên giáo viên tập trung ôn tập, giúp học sinh nắm vững kiến thức cơ bản, nâng cao. Tổ bộ môn cũng thống nhất yêu cầu giáo viên dành ít nhất mỗi tuần 2 tiết dạy trực tuyến và tận dụng tối đa các kênh mạng xã hội để giao bài, ôn tập cho học sinh trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Tuyển sinh lớp 10: Đổi mới vì thí sinh Trong điều kiện dịch bệnh, phương án tuyển sinh vào lớp 10 được nhiều địa phương điều chỉnh cho phù hợp, tạo thuận lợi nhất cho người học. Những thay đổi này được sự đồng tình cao của HS, nhà trường và xã hội. GD&TĐ - Trong điều kiện dịch bệnh, phương án tuyển sinh vào lớp 10 được nhiều địa phương điều...